Thứ Bảy, 23/11/2024, 17:23 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Trong bối cảnh Đại hội XII của Đảng đang tới gần, các thế lực thù địch tăng cường chống phá với nhiều thủ đoạn thâm độc, luận điệu xuyên tạc, hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Song, những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thời gian qua là minh chứng hùng hồn, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng. Đó là điều không thể phủ nhận.
Bước vào quá trình xây dựng, phát triển đất nước, trong điều kiện từ một nước nghèo, lạc hậu, nền tảng kinh tế, xã hội, pháp luật,… còn thấp kém, thiếu đồng bộ, di chứng chiến tranh hết sức nặng nề, lại bị bao vây, cấm vận và sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch là điều vô cùng khó khăn, phức tạp. Song, dưới dự lãnh đạo của Đảng, cho đến nay, tuy mọi mặt của đời sống xã hội chưa phải là hoàn hảo, vẫn còn hạn chế do các nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, nhưng có thể khẳng định rằng, Việt Nam đã có sự phát triển toàn diện, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các mặt: kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh; đồng thời, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của nhân loại, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Có thể thấy rõ nhất ở việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ mà Liên hợp quốc đề ra tại Hội nghị thượng đỉnh, tháng 9 năm 20001. Đó là điều không ai có thể phủ nhận.
Trong 30 năm đổi mới, nhờ có đường lối phát triển kinh tế đúng đắn và giải pháp phù hợp, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế gây ấn tượng, được thế giới đánh giá cao; sức mạnh kinh tế của đất nước tăng lên nhiều. Sau 10 năm đổi mới (năm 1996), đất nước đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội; sau 25 năm đổi mới (năm 2010) đất nước đã ra khỏi tình trạng nước nghèo kém phát triển, bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình. Trong giai đoạn 2001 - 2010, kinh tế tăng trưởng nhanh, đạt tốc độ bình quân 7,26%/năm. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2010 theo giá thực tế đạt 101,6 tỷ USD, gấp 3,26 lần so với năm 2000; năm 2011 đạt khoảng 170 tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 1.168 USD, năm 2014 ước tính khoảng 1.900 USD/người. Trong 5 năm (2011 - 2015), do sự tác động của khủng hoảng tài chính thế giới, suy thoái kinh tế toàn cầu nên nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng GDP bị giảm sút. Tuy vậy, tốc độ tăng GDP bình quân vẫn ở mức khá, ước đạt 5,8%. GDP năm 2015 đạt khoảng 204 tỷ USD, bình quân đầu người khoảng 2.200 USD2. Đó là mức phát triển ổn định và khá cao so với tình hình chung của khu vực và thế giới, trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình. Nhờ đó, qua 15 năm phấn đấu thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ (2000 - 2015), Việt Nam đã trở thành một trong sáu nước hoàn thành các mục tiêu đã xác định; hoàn thành trước thời hạn 3 mục tiêu: xóa bỏ nghèo đói; phổ cập giáo dục tiểu học; tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ.
Chỉ tính riêng trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, hiện nay, trong khi thế giới vẫn còn khoảng 1,4 tỷ người trong tình trạng nghèo cùng cực, 900 triệu người chịu đói triền miên, thì Việt Nam đã đưa tỷ lệ nghèo giảm từ 60% trước đổi mới (năm 1986) xuống còn 9,5% (năm 2011), năm 2013 còn 7,5%, phấn đấu năm 2015 còn dưới 5%. Nhà nước ta xác định, bước sang giai đoạn 2016 - 2020, sẽ khắc phục tình trạng nghèo từ đơn chiều sang đa chiều, tính chuẩn nghèo theo các tiêu chí thu nhập và việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, như: y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin, nước sạch, v.v. Thành tựu này của Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá là điểm sáng, hình mẫu trong thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Bà Pratibha Mehta, điều phối viên của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng “Rất ít quốc gia đạt được kết quả như Việt Nam”.
Từ năm 2000 tới nay cũng đánh dấu sự tiến bộ tích cực của Việt Nam trong việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ về các lĩnh vực giáo dục, y tế và nhiều lĩnh vực khác. Việc phổ cập giáo dục tiểu học đã được tiến hành tích cực và hoàn thành vào năm 2010. Đã có 99% trẻ em trong độ tuổi học sinh bậc tiểu học được đến trường. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, hệ thống cơ sở y tế được hình thành rộng khắp trong cả nước; số bác sĩ, số giường bệnh trên một vạn dân tăng nhanh. Hệ thống dịch vụ y tế ngày càng được nâng cao chất lượng. Tuổi thọ trung bình tăng, đạt 73,5 tuổi vào năm 2015. Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được đặc biệt quan tâm, đảm bảo mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân trên địa bàn cư trú. Nhà nước đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội đa dạng, ngày càng mở rộng và hiệu quả; phát triển mạnh hệ thống bảo hiểm, như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp,… tạo điều kiện bảo đảm, nâng cao đời sống người lao động. Việc thực hiện bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ được quan tâm, đạt kết quả cao. Hiện nay, tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội ở Việt Nam khóa XIII (nhiệm kỳ 2011 - 2016) là 24,4%, đứng thứ 53/188 nước trên thế giới; ở hội đồng nhân dân cấp tỉnh là 25,7%, cấp huyện là 24,6%, cấp cơ sở là 27,7%. Đây là tỷ lệ cao so với nhiều nước khác và được xác định sẽ phấn đấu tăng lên trên 35% trong nhiệm kỳ 2016 - 2020. Đại biểu là người dân tộc thiểu số trong Quốc hội khoá XIII là 78 người, chiếm 15,6%.
Cùng với đó, Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng về lĩnh vực nhân quyền, thể hiện qua việc các quyền cơ bản của con người trên tất cả các lĩnh vực được phát huy; đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân ngày càng được nâng cao rõ rệt. Chỉ trên lĩnh vực chính trị, trong thời kỳ đổi mới, Việt Nam đã ban hành Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 và một loạt các bộ luật, luật, pháp lệnh theo hướng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đề cao vai trò tối cao của Hiến pháp, pháp luật trong đời sống xã hội. Trên cơ sở đó, tiến hành đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, cơ quan tư pháp và chính quyền địa phương các cấp, nhằm xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm mọi quyền lực Nhà nước là của dân, do dân và vì dân. Các chính sách dân tộc, tự do tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng hoàn thiện được bảo đảm trong thực tiễn. Nhờ đó, Việt Nam đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (khóa 2014 - 2016), với số phiếu cao nhất (184/192) trong số 14 nước thành viên mới và lần đầu tiên trở thành thành viên của Hội đồng có uy tín này.
Là thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam tích cực, chủ động tham gia hoạt động tại nhiều cơ quan trực thuộc của Liên hợp quốc và trên nhiều lĩnh vực, cùng các nước hỗ trợ Liên hợp quốc hoàn thành các sứ mệnh được giao. Qua đó, nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam ở tổ chức này, góp phần thực hiện Mục tiêu “thiết lập quan hệ toàn cầu vì phát triển”. Tiêu biểu như: năm 2009 Việt Nam được bầu là Chủ tịch luân phiên Hội nghị giải trừ quân bị và hiện đang tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình trên một số lĩnh vực phi vũ trang, phù hợp với điều kiện và khả năng của mình. Việt Nam đã ứng cử vào Hội đồng kinh tế - xã hội Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2016 - 2018; đồng thời còn là hội viên của Hội đồng chấp hành UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc). Trước đó, Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008 - 2009, Ủy viên Hội đồng Chấp hành UNESCO trong các nhiệm kỳ 1978 - 1983, 2001 - 2005, 2009 - 2013.
Trong những năm đổi mới, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp để tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế, tham gia các quan hệ song phương và tổ chức đa phương, như: ASEAN, APEC, ASEM, WTO, v.v. Gần đây nhất là Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (FTA). Đến nay, Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước quốc tế, thiết lập quan hệ ngoại giao với 170 nước (trong đó, xác lập quan hệ đối tác chiến lược với 15 nước), quan hệ thương mại với 230 nước và vùng lãnh thổ, ký trên 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư. Nhờ đó, Việt Nam đã phát huy được nội lực, tranh thủ ngoại lực, tiếp thu những thành tựu về khoa học - công nghệ, kinh tế tri thức, kinh nghiệm quốc tế, văn minh nhân loại,… để phát triển, hiện đại hóa lực lượng sản xuất, xây dựng đất nước.
Kết quả trên cho thấy, không phải ngẫu nhiên mà trong Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc thông qua các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ giai đoạn 2016 - 2030 (tháng 10-2015) vừa qua, Việt Nam đã được Liên hợp quốc đánh giá, không những là biểu tượng đấu tranh giành độc lập dân tộc mà còn là hình mẫu về phát triển kinh tế, điểm sáng xóa đói giảm nghèo. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon đã nhấn mạnh: “Nếu tất cả các nước đều nỗ lực như Việt Nam, chắc chắn thế giới sẽ thực hiện thành công các mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới”. Thiết nghĩ, đó là một sự ghi nhận khách quan của quốc tế về thành tựu phát triển của Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng như sự cống hiến cao cả cho sự phát triển, tiến bộ của cộng đồng thế giới mà không gì có thể phủ nhận được.
Điều này lần nữa khẳng định, ở Việt Nam, chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất có năng lực, trí tuệ để tổ chức, lãnh đạo thắng lợi cách mạng Việt Nam, đưa dân tộc Việt Nam tới “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc bác bỏ hoàn toàn những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, kích động, chống phá của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị nhằm vào Đảng ta - Đảng của nhân dân, của cách mạng và dân tộc Việt Nam. v
1 - Hội nghị đã xác định 8 Mục tiêu Thiên niên kỷ, bao gồm các nội dung chính: xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói; phổ cập giáo dục tiểu học; giảm tử vong cho trẻ em; tăng cường sức khỏe cho bà mẹ; phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các dịch bệnh nguy hiểm; đảm bảo bền vững về môi trường; thiết lập quan hệ toàn cầu vì phát triển. Thực hiện các mục tiêu này được coi như thước đo cơ bản, bao trùm nhất, đánh giá sự phấn đấu, đóng góp của mỗi quốc gia đối với sự phát triển tiến bộ cho cộng đồng quốc tế.
THƯỜNG VŨ ___________
2 - ĐCSVN - Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng (Tài liệu sử dụng tại đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương), tháng 4-2015, tr.106.
Thành tựu kinh tế - xã hội
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm 07/11/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 30/10/2024
“Nhân quyền cao hơn chủ quyền” – sự đòi hỏi phi lý 07/10/2024
Phê phán quan điểm cho rằng đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là “thiếu khoa học, không khả thi” 30/09/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận tình đồng chí, đồng đội trong Quân đội ta 27/09/2024
Luận cứ đanh thép phản bác sự xuyên tạc đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng 26/09/2024
Phản bác luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam 16/09/2024
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân” 28/08/2024
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch 19/08/2024
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối 19/08/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm