Thứ Bảy, 23/11/2024, 20:52 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện công bằng xã hội là một chủ trương nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Kết quả thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001 – 2010 và năm 2011 vừa qua đã chứng minh rất rõ những thành tựu của sự gắn kết này. Thực tiễn đó đã khẳng định: đây là mô hình phát triển kinh tế nhân văn (như nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá), là một hiện thực sinh động về việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam.
Một trong những thủ đoạn chống phá cách mạng nước ta của các thế lực thù địch là xuyên tạc việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam trong quá trình lựa chọn mô hình phát triển kinh tế thị trường (KTTT) định hướng XHCN. Thế nhưng, thực tế 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nhất là việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 2001 – 2010 và những kết quả đạt được của năm 2011 trước những bất ổn của nền kinh tế thế giới, đã chứng minh rất rõ những thành tựu nổi bật trong thực hiện quyền con người ở Việt Nam.
Việc chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế từ duy trì cơ chế quản lý tập trung, bao cấp sang mô hình phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, có sự quản lý của Nhà nước XHCN (nay gọi là nền KTTT định hướng XHCN), là bước ngoặt cơ bản trong tư duy và hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình tổ chức xây dựng CNXH trên đất nước ta. Lựa chọn mô hình phát triển nền KTTT định hướng XHCN, Đảng và Nhà nước ta cũng sớm nhận rõ: KTTT không phải là liều thuốc vạn năng để giải quyết các vấn đề xã hội, nhất là KTTT với những mặt trái của nó, nên KTTT không thể tự giải quyết được các vấn đề xã hội. Do vậy, ngay từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới và trong suốt quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng ta luôn chủ trương phải gắn chặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế với thực hiện công bằng xã hội. Tư tưởng đó được hoàn thiện dần qua các kỳ đại hội của Đảng và được tổ chức thực hiện thành công trong thực tiễn.
Đại hội VI (năm 1986) là đại hội đầu tiên đặt vấn đề về mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với việc giải quyết các mục tiêu xã hội, khi xác định: “Trình độ phát triển kinh tế là điều kiện vật chất để thực hiện chính sách xã hội, nhưng những mục tiêu xã hội lại là mục đích của các hoạt động kinh tế”1. Đại hội VII (năm 1991) đã tiến thêm một bước trong nhận thức về việc giải quyết mối quan hệ này, khi chính thức khẳng định một số quan điểm chỉ đạo việc kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội; coi mục tiêu của chính sách xã hội thống nhất với mục tiêu phát triển kinh tế, vì đều nhằm phát huy sức mạnh của yếu tố con người và đều vì con người. Đại hội đã coi phát triển kinh tế là cơ sở và tiền đề để thực hiện chính sách xã hội; đồng thời, khẳng định việc thực hiện tốt chính sách xã hội lại là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.
Sau 10 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đại hội VIII (năm 1996) lại bổ sung một luận điểm quan trọng về việc giải quyết mối quan hệ này: “Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và trong suốt quá trình phát triển”2. Nhất quán với tư tưởng đó, Nghị quyết Đại hội IX (năm 2001) tiếp tục chủ trương trên với sự khẳng định: “…tăng trưởng kinh tế đi liền với phát triển văn hóa, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội...”3.
Tổng kết 20 năm đổi mới, Đại hội X của Đảng (năm 2006) đã chỉ ra con đường và cách thức giải quyết cụ thể hơn mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện công bằng xã hội, khi chủ trương: “Kết hợp các mục tiêu kinh tế với các mục tiêu xã hội trong phạm vi cả nước, ở từng lĩnh vực, địa phương; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển, thực hiện tốt các chính sách xã hội trên cơ sở phát triển kinh tế, gắn quyền lợi và nghĩa vụ, cống hiến và hưởng thụ, tạo động lực mạnh mẽ và bền vững hơn cho phát triển KT-XH”4.
Chiến lược phát triển KT-XH 2011 – 2020 được thông qua tại Đại hội XI của Đảng (năm 2011) đã nhấn mạnh quan điểm “phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược”, mà một nội dung không thể thiếu của phát triển bền vững là giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện công bằng xã hội. Để thực hiện quan điểm phát triển bền vững, Chiến lược phát triển KT-XH 2011 – 2020 đã yêu cầu: “Tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân”5.
Điểm lại nhận thức của Đảng qua các kỳ đại hội, trong việc giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện công bằng xã hội, để thấy rõ: đó là một chủ trương nhất quán, một tư duy xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược (xây dựng và bảo vệ Tổ quốc) của Đảng ta. Với tư duy nhất quán đó, cùng với việc triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN, đảm bảo cho nền kinh tế vận động theo các quy luật kinh tế khách quan của thị trường, Đảng và Nhà nước ta cũng đã có nhiều chính sách, chương trình cụ thể để khắc phục tác động mặt trái của kinh tế thị trường, đảm bảo cho quan điểm gắn kết giữa phát triển kinh tế với thực hiện công bằng xã hội được thực hiện trong thực tế. Nhờ đó, trên cả 2 phương diện: tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội, chúng ta đều thu được những kết quả quan trọng.
Mặc dù trong bối cảnh kinh tế thế giới lâm vào suy thoái do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính bắt đầu từ nước Mỹ (cuối năm 2007 - 2009) và hiện nay đang chịu tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng nợ công ở các nước phương Tây (Mỹ và châu Âu), nhưng Việt Nam vẫn là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh so với các nước trong khu vực và trên thế giới, với mức tăng trưởng đạt 7,26% /năm trong giai đoạn 2001 - 2010. Nhờ đó, nước ta đã ra khỏi nhóm nước kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình. Ngay trong năm 2011, trước vô vàn khó khăn của kinh tế thế giới do tác động của cuộc khủng hoảng nợ công và khó khăn trong nước do lạm phát cao, nước ta vẫn đạt mức tăng trưởng 5,9% (gần đạt mục tiêu đề ra là 6%). Đó là tiền đề để chúng ta thực hiện các mục tiêu xã hội.
Bên cạnh các chủ trương, chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để làm tiền đề giải quyết các vấn đề xã hội và thực hiện công bằng xã hội, Đảng và Nhà nước đã thực hiện nhiều chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ, giảm nghèo cho các đối tượng, như: Chương trình hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở (Chương trình 134); Chương trình phát triển KT-XH ở các xã đặc biệt khó khăn (Chương trình 135); gần đây là Chương trình phát triển KT-XH, thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ nhằm hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững cho 62 huyện nghèo nhất nước. Các chương trình này, về cơ bản, hướng vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhóm người dễ bị tổn thương trong quá trình phát triển nền KTTT. Những chương trình đó đã góp phần thúc đẩy công cuộc xóa đói, giảm nghèo đạt nhiều thành tựu. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt với mức thu nhập thực tế sau 10 năm (2001 - 2010) tăng 3,5 lần; tỷ lệ hộ nghèo giảm mỗi năm 2-3%, đến năm 2010 chỉ còn khoảng 10% (chuẩn cũ). Vì vậy, Việt Nam được Liên hợp quốc xếp đứng đầu các nước thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ. Ngay trong năm 2011, mặc dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, Nhà nước ta phải ưu tiên các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng ngân sách nhà nước chi cho đảm bảo an sinh xã hội vẫn tăng 20% so với năm 2010. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới tiếp tục giảm 1,5% so với 2010. Phúc lợi xã hội và hệ thống an sinh xã hội hơn 10 năm qua tiếp tục được coi trọng và mở rộng. Đến hết 2008, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đã đạt 70% tổng số đối tượng theo luật định. Nhà nước tăng đầu tư cho các cấp giáo dục phổ cập, cho phát triển giáo dục ở những vùng khó khăn. Chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo và diện chính sách được thực hiện rộng rãi, đã góp phần làm cho công bằng trong giáo dục được giải quyết ngày càng tốt hơn. Năm 2009 đã có 1,3 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn tín dụng ưu đãi, trong đó 50% là sinh viên đại học và cao đẳng. Đến hết năm 2010, cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở, cơ bản xóa được tình trạng “xã trắng” về giáo dục mầm non. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng và đạt nhiều kết quả. Hiện nay, 62% số dân đã được bảo hiểm y tế; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được khám, chữa bệnh miễn phí, v.v. Những thành tựu đó góp phần làm cho chỉ số phát triển con người HDI của Việt Nam không ngừng tăng lên. Nếu năm 2000, HDI của Việt Nam đạt 0,683 điểm (thuộc nhóm trung bình), thì năm 2010 là 0,733 điểm, xếp trong nhóm nước trung bình cao của thế giới. Bởi vậy, ngày 16-11-2010, tại cuộc Tọa đàm “Việt Nam và những thách thức của CNXH trong thế kỷ XXI” ở Ác-hen-ti-na, nhà xã hội học A-ti-li-ô Bo-ron đã nêu những thành tựu của “điều thần kỳ” Việt Nam trong cả hai mặt tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Na-uy Erik Lahnstein nhân chuyến thăm Việt Nam từ ngày 21 đến 24 tháng 11 năm 2010 đã khẳng định: “Tôi đặc biệt ấn tượng với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng như những lợi ích mà quá trình tăng trưởng kinh tế mang lại cho người dân trong cuộc sống hằng ngày”.
Tuy nhiên, việc giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện công bằng xã hội trong quá trình phát triển KTTT ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập; thể hiện rõ nhất là: khoảng cách giàu – nghèo ngày càng doãng ra, hệ thống an sinh xã hội còn sơ khai và chưa đồng bộ, v.v. Những vấn đề đó đã góp phần làm cho kinh tế phát triển chưa bền vững. Vì vậy, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vẫn phải thường xuyên quan tâm giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội như Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã khẳng định. Việc giải quyết mối quan hệ đó theo tinh thần Đại hội XI là phải “trong từng chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và từng giai đoạn phát triển”. Bởi lẽ, tiến bộ và công bằng xã hội vừa là điều kiện bảo đảm cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế, vừa là một mục tiêu thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ XHCN mà chúng ta phải hiện thực hóa trong suốt thời kỳ quá độ lên CNXH. Quán triệt Nghị quyết Đại hội XI về vấn đề này, Nhà nước ta đang tiếp tục thực hiện nhiều chủ trương, chính sách nhằm tạo môi trường và điều kiện để mọi người lao động có việc làm và thu nhập tốt hơn; khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với giảm nghèo bền vững; có chính sách điều tiết hợp lý thu nhập trong xã hội; đặc biệt coi trọng phát triển mạng lưới an sinh xã hội, v.v. Đó là những việc làm thực sự coi “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển”6.
Những thành tựu quan trọng trong thực hiện gắn kết tăng trưởng kinh tế với thực hiện công bằng xã hội trong phát triển nền KTTT định hướng XHCN thời gian qua là minh chứng hùng hồn bác bỏ những lời lẽ xuyên tạc vô căn cứ của các thế lực thù địch về thực hiện quyền con người ở Việt Nam hiện nay.
Đại tá, ThS. DƯƠNG VĂN THI
Trường Sĩ quan Chính trị
_________
1 – ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, H. 1987, tr. 86.
2 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb CTQG, H. 1996, tr.113.
3 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, H. 2001, tr. 89.
4 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H. 2006, tr. 101.
5 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 98-99.
6 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr.76.
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm 07/11/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 30/10/2024
“Nhân quyền cao hơn chủ quyền” – sự đòi hỏi phi lý 07/10/2024
Phê phán quan điểm cho rằng đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là “thiếu khoa học, không khả thi” 30/09/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận tình đồng chí, đồng đội trong Quân đội ta 27/09/2024
Luận cứ đanh thép phản bác sự xuyên tạc đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng 26/09/2024
Phản bác luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam 16/09/2024
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân” 28/08/2024
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch 19/08/2024
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối 19/08/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm