Thứ Sáu, 22/11/2024, 16:29 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Với 145/189 phiếu ủng hộ, Việt Nam đã trúng cử và trở thành một trong 14 quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025. Sự ủng hộ, tin tưởng đó của cộng đồng quốc tế là minh chứng thuyết phục, trực tiếp bác bỏ mọi sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch về vấn đề quyền con người ở Việt Nam.
Một trong những thủ đoạn mà các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước, cùng một số tổ chức thiếu thiện chí ở nước ngoài rất ưa thích để chống phá Việt Nam là vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”. Đây luôn là một trong những hướng trọng tâm được họ khai thác, tận dụng hòng làm mất uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; gia tăng hiệu quả phá hoại các chủ trương, chính sách đối nội và đối ngoại của Việt Nam.
Vào cuối tháng 02/2021, ngay sau khi Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh thông báo tại Khóa họp thường kỳ lần thứ 46 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc việc Việt Nam, với tư cách ứng cử viên của ASEAN, tham gia ứng cử vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025, các thế lực thù địch, thiếu thiện chí với Việt Nam đã ngay lập tức đặt ra mục tiêu ngăn cản Việt Nam ứng cử vào Hội đồng này. Họ ra sức vận động để tạo dựng “Phong trào hưởng ứng Luật Magnisky toàn cầu”1 hướng vào Việt Nam. Dưới chiêu bài bảo vệ “dân chủ”, “nhân quyền”, các thế lực tăng cường lôi kéo, kích động quần chúng đòi tự do dân chủ, nhân quyền theo tiêu chí phương Tây. Dựa vào các thông tin sai lệch về tình hình tự do tôn giáo và tình hình nhân quyền do một số phần tử phản động ở trong nước, một số tổ chức phi chính phủ không thiện chí với Việt Nam, một số tổ chức phản động lưu vong chống phá Việt Nam, như: Ủy ban Cứu người vượt biển - BPSOS; “Tin lành người dân tộc thiểu số Tây Nguyên”; Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ định kỳ công bố các Báo cáo Nhân quyền, Báo cáo Tự do tôn giáo quốc tế, trong đó có nhiều thông tin xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Dựa vào đó, các thế lực thù địch ra sức kêu gọi đưa Việt Nam trở lại “danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo”, đòi Chính phủ Việt Nam phải trả tự do cho tất cả những người vi phạm pháp luật mà họ tự gọi là “tù nhân lương tâm”. Một số tổ chức phản động, thiếu thiện chí ở nước ngoài cũng đẩy mạnh các chiến dịch đòi Nhà nước Việt Nam phải đáp ứng ngay các tiêu chuẩn về tự do lập hội, tự do xuất bản báo chí tư nhân, hoạt động tôn giáo không cần sự quản lý của Nhà nước,… theo tiêu chí của Mỹ và phương Tây; gắn “dân chủ”, “nhân quyền” với các vấn đề hợp tác phát triển. Một số tổ chức phi chính phủ thù địch người Việt Nam và nước ngoài có quy chế quan sát viên tại Hội đồng Kinh tế và xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC) cũng lợi dụng diễn đàn của Hội đồng Nhân quyền để vu cáo Việt Nam vi phạm quyền con người; tổ chức trao giải cho các đối tượng chống đối để tạo dựng “ngọn cờ” chống phá Việt Nam. Một vài tổ chức nhân danh quốc tế về nhân quyền gửi cái gọi là “thư ngỏ” tới các quốc gia thành viên Đại hội đồng Liên hợp quốc nhằm vận động không bỏ phiếu cho Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025.
Tuy nhiên, bất chấp mọi sự vu cáo, xuyên tạc, ngăn cản của các tổ chức và cá nhân nói trên, tình hình nhân quyền tại Việt Nam được thế giới nhìn nhận ngày một khách quan hơn. Bởi thế, trong cuộc bỏ phiếu ngày 11/10/2022 tại trụ sở Liên hợp quốc, trong bối cảnh cạnh tranh giữa các ứng viên rất quyết liệt, Đại hội đồng Liên hợp quốc vẫn đặt niềm tin và lựa chọn Việt Nam cùng 13 quốc gia khác làm thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 - 2025. Với gần 80% tổng số phiếu bầu, Việt Nam đứng vào nhóm nước trúng cử với số phiếu cao nhất. Kết quả đó là “cái tát” đích đáng của cộng đồng quốc tế vào mặt những kẻ rắp tâm phá hoại uy tín của Việt Nam, trong đó có cả những kẻ ở trong nước nhân danh bảo vệ “nhân quyền” để phá hoại uy tín của Việt Nam. Việc Việt Nam lần thứ hai được bầu là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc với số phiếu cao, thể hiện sự khẳng định của cộng đồng quốc tế đối với những nỗ lực và thành tựu to lớn mà Việt Nam đạt được trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người; đồng thời, đặt niềm tin đối với Việt Nam trong lĩnh vực này. Đánh giá cao sự kiện này, ông Gérard Daviot, nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp - Việt (AAFV) nhấn mạnh: “Việc Việt Nam được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc là rất chính đáng, bởi Việt Nam đã vạch ra mục tiêu cho cả chặng đường và hiện thực hóa điều đó thành công; cần phải nhìn nhận rằng, đó là một sự công nhận của toàn thế giới”. Đại sứ Palestine Saadi Salama khẳng định: “Việt Nam thực sự xứng đáng vào Hội đồng Nhân quyền vì hơn bất kỳ quốc gia nào khác, Việt Nam đã nỗ lực không mệt mỏi để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào”. Còn trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, ông Daniel Kritenbrink khi chúc mừng Việt Nam trúng cử lần này cũng cho rằng: “Việt Nam sẽ tiếp tục là một thành viên quan trọng của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam sẽ hợp tác với chúng tôi trong việc thúc đẩy quyền con người”.
Việc Việt Nam nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế trong lần ứng cử này là kết quả của sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của toàn Đảng, toàn dân ta trong việc bảo vệ và bảo đảm quyền con người. Trong suốt những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán xác định con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển. Quan điểm đúng đắn này đã được cụ thể hóa trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cũng như được thể chế hóa trong Hiến pháp và pháp luật. Theo đó, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các cam kết quốc tế về quyền con người, nỗ lực thúc đẩy quyền con người cả trong nước và trên thế giới. Việt Nam đã đảm nhận thành công vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016, tích cực thúc đẩy đối thoại và hợp tác, để lại nhiều dấu ấn quan trọng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và kiên trì lãnh đạo tổ chức thực hiện trong suốt 36 năm qua với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, cũng đều hướng vào mục tiêu bảo vệ quyền của người dân. Đúng như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu tại Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đầu tháng 10/2022, rằng: “Nhân quyền lớn nhất ở Việt Nam là lo cho 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, phát huy tối đa yếu tố con người, đó là điều quan trọng nhất”. Nếu thu nhập bình quân đầu người trong những năm đầu đổi mới chỉ đạt khoảng 250 USD/năm, thì đến năm 2021 đã đạt 3.743 USD, đứng thứ sáu trong ASEAN. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Tiến bộ và công bằng xã hội đạt nhiều kết quả ấn tượng, được Liên hợp quốc xếp là một trong những nước đứng đầu thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ. Năm 2006, Việt Nam đã tuyên bố hoàn thành “Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo”, về đích trước 10 năm so với thời hạn (là năm 2015). Cùng với các thành tựu trong công tác xóa đói giảm nghèo, các vấn đề an sinh xã hội cũng luôn được quan tâm chăm lo, không để ai bị bỏ lại phía sau ngay cả lúc nền kinh tế gặp khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế thế giới, hay của đại dịch Covid-19, trở thành một trong những điểm sáng của Việt Nam được quốc tế ghi nhận. Tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 5,8% năm 2016 theo chuẩn nghèo của Chính phủ và dưới 03% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm gần ba lần trong 35 năm qua; 91% dân số nước ta đã tham gia bảo hiểm y tế. Tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2020. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam tăng gần 46% từ năm 1990 đến năm 2019, nằm trong số các nước có tốc độ tăng HDI cao nhất trên thế giới. Năm 2021, HDI của Việt Nam tăng thêm hai bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu, từ thứ 117 lên 115. Theo Báo cáo chỉ số hạnh phúc của Liên hợp quốc năm 2020, Việt Nam đứng thứ 83/156 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 11 bậc so với năm 2019. Các chuyên gia Liên hợp quốc nhận định, chỉ số của Việt Nam đã tăng vượt bậc, bắt nguồn từ những ưu tiên, nỗ lực của Chính phủ nước này trong việc xây dựng, phát triển quyền con người, thúc đẩy bình đẳng xã hội. Trong hai năm qua, trước sự lây lan nhanh của đại dịch Covid-19, để bảo đảm quyền được sống của người dân, Chính phủ đã triển khai hành động kịp thời, quyết liệt, tiến hành nhiều biện pháp để có nguồn vắc xin và đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc xin miễn phí cho toàn dân, với quan điểm coi việc bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người dân là ưu tiên cao nhất trong mọi chính sách, chương trình hành động. Nhờ đó, từ một nước có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 rất thấp, Việt Nam đã vượt lên là một trong 06 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vắc xin cao nhất trên thế giới. Trước thực tế đó, cộng đồng quốc tế đã ca ngợi, ghi nhận Việt Nam như là hình mẫu trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Kết quả này có được là nhờ sự nỗ lực hành động về quyền con người, luôn đặt con người làm trung tâm trong mọi chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Bà Caitlin Wiesen, nguyên trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đánh giá rất cao những thành tựu mà chính phủ Việt Nam đạt được trong việc đảm bảo sự an toàn cho người dân, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Bà nhấn mạnh: “Chính phủ Việt Nam đã nhận được đánh giá cao của người dân và cộng đồng quốc tế vì đã chủ động dự báo được tình hình đại dịch, nhanh nhạy và thích ứng linh hoạt, hiệu quả trong việc kiểm soát được dịch bệnh Covid-19. Vai trò lãnh đạo mạnh mẽ, các biện pháp nhanh chóng và minh bạch với ưu tiên hàng đầu là an toàn của người dân được coi là những yếu tố then chốt củng cố niềm tin và sự ủng hộ của người dân với Chính phủ và các nhà lãnh đạo”.
Cùng với các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, Việt Nam cũng đạt được nhiều thành tựu trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, phát triển hệ thống truyền thông, góp phần nâng cao dân trí và mức sống văn hóa của xã hội. Việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được khẳng định tại Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Việc thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và hai Nghị định thực thi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc để bảo đảm tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân. Các tôn giáo ở Việt Nam chung sống hòa hợp trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Hiện có 42 tổ chức thuộc 15 tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân, 95% dân số có tín ngưỡng, tôn giáo. Nhà nước tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo in ấn, phát hành kinh sách. Theo báo cáo quốc gia về thực hiện quyền con người ở Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III (năm 2019), cả nước có hơn 3.000 đầu ấn phẩm tôn giáo được xuất bản với hơn 10 triệu bản in và hàng triệu đĩa CD, DVD bằng nhiều ngôn ngữ; 12 báo, tạp chí liên quan đến tôn giáo; phần lớn các tổ chức tôn giáo đều có website riêng. Hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế của các cá nhân, tổ chức tôn giáo ngày càng phát triển. Nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn được tổ chức ở Việt Nam như Đại lễ Phật đản VESAK 2014 và 500 năm Cải chánh đạo Tin lành 2017. Tự do tôn giáo, tín ngưỡng của các dân tộc thiểu số được bảo đảm. Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin của người dân Việt Nam được bảo đảm ngày càng tốt hơn. Tự do báo chí được thể hiện cụ thể với việc cả nước có khoảng 800 cơ quan báo chí; trong đó, có hơn 100 báo có hoạt động báo điện tử; hơn 600 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập; 67 đài phát thanh, truyền hình với 182 kênh. Việt Nam có 18.000 nhà báo được cấp thẻ và khoảng 5.000 phóng viên; 60 nhà xuất bản với tốc độ tăng bình quân số lượng xuất bản phẩm hằng năm là 05 - 10% và 20 cơ quan báo chí nước ngoài có phóng viên thường trú tại Việt Nam. Ngoài ra, người dân Việt Nam còn được tiếp cận với hàng chục hãng thông tấn, báo chí và kênh truyền hình nước ngoài, cùng nhiều báo, tạp chí quốc tế lớn. Về khía cạnh quyền tự do Internet, sử dụng mạng xã hội, Việt Nam đang đứng top đầu thế giới. Như We Are Social & Hootsuite đã thống kê về chỉ số tiếp cận internet, Việt Nam có tới 150 triệu kết nối mobile; khoảng 70 triệu người dùng internet; 58 triệu tài khoản sử dụng Facebook. Hạ tầng 3G/4G đã phủ sóng 99,8% dân cư và internet cáp quang đã tới 98% số phường, xã.
Những thành tựu nói trên đã khẳng định rằng, 145/189 thành viên Đại hội đồng Liên hợp quốc bỏ phiếu ủng hộ Việt Nam là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025 không phải là ngẫu nhiên, mà được thẩm định chắc chắn bởi những cố gắng và nỗ lực không mệt mỏi của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong thời gian qua trên lĩnh vực bảo đảm quyền con người. Ông Jean Pierre Archambault, Nguyên Tổng thư ký Hội Hữu nghị Pháp - Việt nhấn mạnh: “Bảo đảm tốt quyền con người là một trong những thành tựu của công cuộc đổi mới ở Việt Nam, những kết quả đạt được trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người của Việt Nam là không thể phủ nhận”.
Lần thứ hai trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực vào những nỗ lực chung của Liên hợp quốc, cũng như của cộng đồng quốc tế trong bảo vệ và thúc đẩy những giá trị phổ quát về quyền con người, cùng phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội. Chúng ta có quyền tự hào và tin tưởng chắc chắn rằng: Việt Nam sẽ thực hiện tốt các nghĩa vụ và cam kết của mình trong Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
NGUYỄN NGỌC HỒI _____________
1 - Dự Luật được Quốc hội Mỹ thông qua tháng 12/2012, áp dụng trên quy mô toàn cầu, ủy quyền cho Chính phủ Mỹ xử phạt những người mà họ coi là vi phạm nhân quyền, đóng băng tài sản và cấm những người này vào Mỹ.
bác bỏ hành động phá hoại,nhân quyền Việt Nam
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm 07/11/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 30/10/2024
“Nhân quyền cao hơn chủ quyền” – sự đòi hỏi phi lý 07/10/2024
Phê phán quan điểm cho rằng đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là “thiếu khoa học, không khả thi” 30/09/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận tình đồng chí, đồng đội trong Quân đội ta 27/09/2024
Luận cứ đanh thép phản bác sự xuyên tạc đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng 26/09/2024
Phản bác luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam 16/09/2024
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân” 28/08/2024
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch 19/08/2024
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối 19/08/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm