Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Chủ Nhật, 17/07/2011, 15:07 (GMT+7)
Sự phi lý mang danh “dân chủ, nhân quyền”!

 Trong khi cả nhân loại tiến bộ đang tập trung phấn đấu để thực hiện ngày càng tốt hơn vấn đề dân chủ, nhân quyền (DC,NQ), thì vẫn còn một số thế lực, cá nhân do mục đích hoặc định kiến sai lệch mượn danh DC,NQ đi ngược lại với thực tế và xu thế chung đó.

Dân chủ, nhân quyền là vấn đề ngày càng thu hút sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng quốc tế. Cùng với thời gian, tuy nội hàm về DC,NQ đến nay đã có sự phát triển đáng kể, song bản chất cốt lõi của nó vẫn là “quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc”. Dẫu rằng, các tiêu chí về vấn đề này đã ngày một cao hơn, đầy đủ hơn theo tiến trình phát triển của lịch sử, của mỗi quốc gia, dân tộc và của mỗi con người.

Đã có một bước tiến dài ghi nhận về sự phát triển DC,NQ trong thời kỳ hiện đại. Điều đó bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó không thể không kể tới vai trò của các nhân tố: kinh tế, xã hội, sự đảm bảo về vật chất, cũng như các thiết chế pháp lý ở mỗi quốc gia; nhất là sự nhận biết và năng lực thực thi DC,NQ của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, không phải vì thế mà bức tranh về tình trạng DC,NQ trên thế giới hiện nay đã hoàn toàn tươi sáng, không còn những điều phi lý.

Điều dễ nhận thấy là, đáng lẽ phải đương đầu để giải quyết vô vàn các vấn đề về DC,NQ trong nội bộ thì một số nước lớn lại tự cho mình là khuôn mẫu về DC,NQ; đồng thời, tìm mọi cách để áp đặt một cách chủ quan, khiên cưỡng các giá trị về vấn đề đó đối với các nước khác, nhất là với các nước đối lập về hệ tư tưởng hoặc không nằm trong quỹ đạo ảnh hưởng của họ. Như mọi người đã biết, tháng 5 năm 2001, Liên hợp quốc đã bỏ phiếu loại Mỹ ra khỏi Ủy ban Nhân quyền quốc tế, nơi mà Mỹ đã từng là thành viên từ năm 1948, do những vi phạm của Chính phủ nước này xung quanh vấn đề DC,NQ. Thế nhưng, Mỹ chưa bao giờ từ bỏ vai trò tự nhận như một nhà “truyền giáo”, một “thẩm phán” về DC,NQ. Liên tục từ năm 1997 tới nay, hằng năm Bộ Ngoại giao Mỹ đều đưa ra Báo cáo Nhân quyền để phán xét về tình hình DC,NQ của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tất nhiên, sự phán xét đó hoàn toàn mang dấu ấn Mỹ từ cách thức tới các tiêu chí đánh giá. Người ta sẽ không khó để nhận ra sự chủ quan, định kiến qua phần lớn các ý kiến phán xét đại loại như thế; không những của Mỹ mà còn của một số nước lớn, một số tổ chức có ảnh hưởng tới vấn đề này. Theo đó, DC,NQ được tuyệt đối hóa, thoát ly hẳn với các yếu tố liên quan như trình độ phát triển, truyền thống, tập quán của mỗi quốc gia, dân tộc; vai trò của tự do, lợi ích cá nhân được đặt lên vị trí độc tôn, đứng ngoài, thậm chí đứng trên cả pháp luật, lợi ích cộng đồng và “nhân quyền cao hơn chủ quyền”... Trong khi lớn tiếng rao giảng về DC,NQ người ta thường quên đi những “lỗ hổng” khó hàn gắn về vấn đề này ngay trong lòng đất nước họ. Về điều này, hầu hết các nước bị Mỹ phê phán, chỉ trích về DC,NQ hằng năm đều đã kịp thời có chính kiến phản bác. Chỉ một ngày sau khi Báo cáo Nhân quyền của Mỹ phán xét về tình hình DC,NQ  của 194 nước và vùng lãnh thổ được công bố (ngày 11-3-2010), Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc đã cho rằng: Mỹ lợi dụng nhân quyền để làm công cụ chính trị can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác; đồng thời, Mỹ đã lẩn tránh hoặc che giấu nhiều vi phạm nhân quyền với những chứng cứ cụ thể. Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên đã tố cáo Mỹ mượn vấn đề nhân quyền để can thiệp công việc nội bộ nước khác. Tương tự như vậy, các nước: Sri Lan-ka, Cộng hòa Liên bang Nga, Ai Cập, Cu-ba, Cô-lôm-bi-a, Vê-nê-du-ê-la... đều lên tiếng phê phán Mỹ thiếu khách quan, cố tình che giấu sự vi phạm nhân quyền tại Mỹ trong nhiều năm trước đó và coi đó là sự bôi nhọ, đi ngược lại lợi ích của nhiều nước khác.

Không những cố tình phán xét sai lệch về tình hình DC,NQ đối với nhiều quốc gia, một số nước lớn còn tự ý đưa ra hoặc gây ảnh hưởng, chi phối tới các tổ chức, các cơ quan quốc tế thiết lập ra các định chế mang tính chất “trừng phạt”, “cưỡng chế”, “áp đặt” các nước khác về DC,NQ.

Đã từ lâu, vấn đề DC,NQ được các nước phương Tây coi như một điều kiện, thậm chí còn là điều kiện tiên quyết để thực hiện các mối quan hệ quốc tế. DC,NQ trong nhiều trường hợp đồng thời cũng là nguyên cớ cho việc bao vây, cấm vận, thậm chí chiến tranh để “trừng phạt” một chính phủ, hoặc một vài nhân vật lãnh đạo “cứng đầu” nào đó. Quá trình đó, bên cạnh sức ép về chính trị, vũ lực, còn có sự hỗ trợ của một số ủy ban, liên minh, tổ chức kinh tế, ngân hàng... có vai trò chi phối trên một số lĩnh vực nào đó. Trong những trường hợp này, một quy luật tưởng như đã cũ: “chân lý bao giờ cũng thuộc về kẻ mạnh”, vẫn phát huy tác dụng. Điều đó đã tham gia hậu thuẫn cho những hành động vốn không thuộc về đạo lý, lẽ phải.

Bản chất của DC,NQ là sự đảm bảo về quyền sống, quyền tự do và bình đẳng đối với mỗi con người; song những ai quan tâm tới điều này, qua những diễn tiến thời sự quốc tế những năm gần đây, đều không khỏi nhận ra một điều quá phi lý là: mặc dù nhân danh bảo vệ DC,NQ, nhưng người ta lại không ngừng gia tăng việc tiến hành chiến tranh, giết chóc.

Tháng 3 năm 2011, thế giới một lần nữa phải chứng kiến một cuộc chiến tranh tàn bạo mới, do Mỹ và một số nước đồng minh tiến hành tấn công Li-bi dưới danh nghĩa bảo vệ DC,NQ. Trước đó, trong một thời gian ngắn đã có 3 cuộc chiến tranh khác với lý do tương tự (năm 1999 ở Nam Tư, năm 2001 ở Áp-ga-ni-xtan và năm 2003 ở I-rắc). Trong chiến tranh Nam Tư đã có hơn 2.500 dân thường bị chết, gần 12.500 người bị thương. Trong 7 năm chiến tranh ở I-rắc, đã có hơn 9 vạn dân thường bị giết và khoảng 2 triệu người I-rắc phải rời bỏ nhà cửa sống tỵ nạn do chiến tranh. Điều trớ trêu nhất là, việc Mỹ tấn công I-rắc đã không có sự đồng ý của cộng đồng quốc tế; trong khi đó, lý do đưa ra là để truy tìm vũ khí giết người hàng loạt lại chỉ là bịa đặt. Liên tục trong nhiều năm qua, đất nước Áp-ga-ni-xtan không ngớt tiếng bom đạn; theo đó, số người chết và bị thương ngày càng tăng lên; năm 2007 là 1.527 người, đến năm 2010 lên tới 2.777 người. Tình hình của đất nước Li-bi cũng không có gì sáng sủa hơn sau ngày 19-3 vừa qua, bởi sự tàn phá của bom đạn Mỹ và một số nước đồng minh. Nạn nhân chủ yếu trong các cuộc chiến tranh mang cái danh mỹ miều là để thực thi sứ mệnh bảo vệ DC,NQ lại chính là hàng triệu người vô tội. Một khi sinh mạng bị cướp đi, cuộc sống bị đe dọa hằng ngày, hằng giờ thì thử hỏi liệu còn có DC,NQ nữa hay không mà bảo vệ? Dẫu là phi lý, song sự áp đặt về DC,NQ bằng bạo lực vẫn ngày càng được thực hiện một cách công khai, đầy thách thức!

Cùng với cộng đồng quốc tế, phấn đấu xây dựng để nền DC,NQ ngày càng hoàn thiện hơn là mối quan tâm thường xuyên, hàng đầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong nhiều năm qua, nhất là trong những năm đổi mới gần đây. Quá trình đó cũng gắn liền đồng thời với việc khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình thực thi DC,NQ ở một đất nước còn đang trong quá trình phát triển có vô vàn khó khăn, thách thức. Bên cạnh nỗ lực nội tại, chúng ta còn có sự quan tâm, giúp đỡ thiện chí của bạn bè quốc tế. Điều đó đã góp phần quan trọng để Việt Nam đã đạt được những thành tựu không thể phủ nhận về DC,NQ.

Tuy nhiên, phớt lờ những biểu hiện tích cực nói trên, vẫn còn có những thái độ lạc lõng, thiếu thiện chí, khách quan từ những định kiến, dụng ý xấu đã mượn danh  DC,NQ để xuyên tạc, vu cáo, chống phá Việt Nam. Xuyên tạc và vu cáo trắng trợn Nhà nước Việt Nam vi phạm DC,NQ là một thủ đoạn được các thế lực thù địch ra sức thực hiện. Bức tranh về DC,NQ ở Việt Nam qua sự bóp méo, bôi nhọ của chúng trở nên hết sức u ám. Trong đó, những ai nhẹ dạ, cả tin dễ tưởng tượng ra ở Việt Nam đang có chiến dịch bắt bớ, giam cầm đối với những người đấu tranh cho dân chủ. Những kẻ được họ tung hô, dựng lên như những thần tượng về

DC,NQ được gọi là "những nhà dân chủ mới", "tù nhân lương tâm"... thực chất chỉ là những kẻ vi phạm pháp luật, kích động, phá hoại an ninh chính trị - xã hội. Tiếp tay cho sự chống phá của những phần tử, tổ chức phản động, cơ hội Việt Nam lưu vong còn có sự hậu thuẫn của một số ít nhà hoạt động xã hội cực đoan, có định kiến xấu về Việt Nam ở nước ngoài. Trong khi cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao sự cống hiến của Việt Nam qua các thành tựu về DC,NQ, với thái độ thù địch, họ vẫn đưa ra những sự chỉ trích sai lệch, thậm chí những lời lẽ xuyên tạc vu cáo trắng trợn về tình trạng DC,NQ ở nước ta. Tuy nhiên, DC,NQ đâu phải là món hàng để mang rao bán, đánh đổi; những việc làm phi lý đi ngược lại thực tế, xu hướng chung đối với yêu cầu phấn đấu, xây dựng, hoàn thiện nền DC,NQ ở Việt Nam cũng như các quốc gia khác như trên cần phải loại trừ trong quan hệ quốc tế.

VŨ PHÙ NGHĨA


 

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.