Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Hai, 15/05/2017, 09:17 (GMT+7)
Sự phi lý của luận điểm đòi bỏ cơ quan chính trị và cán bộ chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam

Trong thời gian qua, nhằm mục tiêu “phi chính trị hóa” Quân đội, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống phá Quân đội nhân dân Việt Nam. Chúng đưa ra nhiều luận điểm phi lý, trong đó có việc đòi bỏ cơ quan chính trị và cán bộ chính trị trong tổ chức biên chế của Quân đội.

Họ nhai đi nhai lại rằng: quân đội là của quốc gia, của nhà nước, nên chỉ phục tùng nhà nước, phục vụ quốc gia, chứ không phục tùng và chịu sự lãnh đạo của bất cứ chính đảng nào. Quân đội nhân dân Việt Nam vì thế không phải phục tùng và chịu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chức năng của Quân đội là bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và phục vụ nhân dân, nên Quân đội chỉ phải trung thành với Tổ quốc và nhân dân, chứ không phải trung thành với bất kỳ tổ chức, đảng phái nào. Khi đưa ra luận điệu đó, mục tiêu mà các thế lực thù địch, cơ hội chính trị hướng tới là hạ thấp, đi đến xóa bỏ hoạt động công tác đảng, công tác chính trị cùng hệ thống cơ quan chính trị và cán bộ chính trị, nhất là chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội; phủ nhận, đi đến xóa bỏ nguyên tắc xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội.

Luận điểm này, về bản chất chính trị là phản động, chống phá Quân đội, Đảng, Nhà nước, chế độ ta; về nhận thức là phản khoa học, chủ quan, phi thực tiễn. Bởi vì:

Thứ nhất, thiết lập cơ quan chính trị và cán bộ chính trị là nội dung căn bản trong nguyên tắc xây dựng quân đội cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Kế thừa tinh hoa tư tưởng quân sự của nhân loại và trên cơ sở tổng kết thực tiễn các cuộc chiến tranh do chủ nghĩa đế quốc gây ra, chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã khẳng định: quân đội là công cụ bạo lực vũ trang của một giai cấp, một nhà nước nhất định nhằm phục vụ cho giai cấp và nhà nước đã tổ chức, nuôi dưỡng nó. Theo V.I. Lê-nin: giai cấp vô sản muốn là giai cấp thống trị, thì nó phải tỏ rõ điều đó bằng tổ chức quân sự của mình. Người đã chỉ ra những nguyên tắc xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản, trong đó có nguyên tắc về sự tất yếu phải thiết lập chế độ chính trị, cơ quan chính trị và cán bộ chính trị trong Quân đội Xô-Viết. V.I. Lê-nin vạch rõ vai trò to lớn, không thể thiếu của cán bộ chính trị trong Hồng quân: “Không có các chính ủy, chúng ta sẽ không có Hồng quân”1.

Tiếp thu và vận dụng sáng tạo quan điểm xây dựng quân đội kiểu mới của chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: chính trị là “cái gốc”, là nền tảng quan trọng để xây dựng, phát triển Quân đội nhân dân Việt Nam, “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”2. Trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: chính trị trọng hơn quân sự. Theo đó, Người đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng Quân đội theo mô hình lấy chi bộ đảng làm hạt nhân, có người đại diện của đảng (chính trị viên) bên cạnh người chỉ huy quân sự để chăm lo công tác chính trị.

Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là tiền thân của Quân đội
Nhân dân Việt Nam. (Ảnh tư liệu)

Theo Hồ Chí Minh: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”3. Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội là nguyên tắc căn bản nhất, là quy luật trong xây dựng quân đội cách mạng, là cội nguồn sức mạnh quyết định sự trưởng thành và chiến thắng của Quân đội. Quyền lãnh đạo Quân đội thuộc về một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam, quyền đó phải được giữ vững và tăng cường.

Với quan điểm đó, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác lập cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội; thiết lập chế độ công tác đảng, công tác chính trị, cơ quan chính trị và cán bộ chính trị trong Quân đội nhằm giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, bảo đảm cho Quân đội luôn giữ vững bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc; tuyệt đối trung thành với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa, với Tổ quốc, với nhân dân; sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó.

Như vậy, việc thiết lập hệ thống cơ quan chính trị và cán bộ chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam là vấn đề có tính nguyên tắc để thực hiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội. Xa rời nguyên tắc này, Quân đội sẽ mất phương hướng, mục tiêu chiến đấu, không thể thực hiện và hoàn thành được chức năng, nhiệm vụ của mình và trên hết là không thể bảo vệ được Đảng, chế độ và nhân dân.

Thứ hai, thực tiễn quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành đã khẳng định, cơ quan chính trị và cán bộ chính trị là nhân tố quan trọng góp phần tạo nên sức mạnh chính trị, tinh thần - cội nguồn chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 71-SL, ngày 22-5-1946 về việc đổi tên Vệ quốc đoàn thành Quân đội quốc gia Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sắc lệnh chỉ rõ về tổ chức hệ thống cán bộ chính trị: từ cấp trung đội trở lên, bên cạnh người chỉ huy quân sự, có chính trị viên; cấp chiến khu có chính trị ủy viên. Ngày 20-5-1952, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) ra Nghị quyết 07/NQ-TW “Về tổ chức đảng trong bộ đội chủ lực”, xác lập chế độ tập thể đảng ủy lãnh đạo toàn diện, thủ trưởng quân chính phân công tổ chức thực hiện theo chức trách.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng đã đề ra cơ chế lãnh đạo, tổ chức cơ quan chính trị và bố trí đội ngũ cán bộ chính trị; thiết lập chế độ chính ủy, chính trị viên để thực hiện và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội. Cơ chế này đã xác định rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan chính trị, cán bộ chính trị. Nhờ đó, hoạt động công tác đảng, công tác chính trị đã từng bước phát triển cả về nội dung, hình thức, biện pháp, góp phần xây dựng tổ chức và con người vững mạnh, giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực hiện nhiệm vụ chiến đấu. Bằng hoạt động của mình, cơ quan chính trị và cán bộ chính trị đã trực tiếp làm cho giá trị tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sức mạnh truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân miền Nam thấm sâu vào ý chí, hành động của từng cán bộ, chiến sĩ trên chiến trường; giải quyết đúng đắn các mối quan hệ giữa con người và vũ khí trong điều kiện địch có ưu thế tuyệt đối về vũ khí trang bị; vạch rõ tính chất phi nghĩa của chiến tranh xâm lược; ngăn ngừa, vô hiệu hóa chiến tranh tâm lý của địch, v.v. Nhờ đó, tạo động lực tinh thần mạnh mẽ, giúp bộ đội vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, có ý chí chiến đấu kiên cường, niềm tin tất thắng, tinh thần dám đánh, biết đánh, biết thắng; đoàn kết một lòng, lập công tập thể, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng để giành thắng lợi trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Hoạt động công tác đảng, công tác chính trị do cơ quan chính trị và cán bộ chính trị thực hiện trong thực tiễn chiến đấu của Quân đội đã tạo nên giá trị và sức mạnh chính trị tinh thần to lớn - nhân tố cốt lõi, cội nguồn làm nên những chiến thắng oanh liệt của Quân đội trước những kẻ thù có ưu thế vượt trội về tiềm lực kinh tế và quân sự. Thực tiễn đó đã chứng minh: sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng (thông qua cơ quan chính trị và cán bộ chính trị) luôn là nhân tố hàng đầu, quyết định sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của Quân đội, bảo đảm cho Quân đội hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu là bảo vệ Đảng, chế độ và nhân dân; giữ vững nền độc lập cho dân tộc Việt Nam.

Thứ ba, cơ quan chính trị và cán bộ chính trị là nhân tố không thể thiếu để xây dựng Quân đội trong tình hình mới. Xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở để không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta là mục tiêu xuyên suốt của Đảng. Do vậy, củng cố, tăng cường xây dựng cơ quan chính trị và cán bộ chính trị nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác đảng, công tác chính trị là đòi hỏi tất yếu khách quan. Nghị quyết 51/NQ-TW của Bộ Chính trị (khóa IX) xác định: “Nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới đặt ra yêu cầu phải nâng cao chất lượng xây dựng Quân đội, đặc biệt là chất lượng, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị đối với Quân đội, bảo đảm cho Quân đội luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành và tin cậy của Đảng, Nhà nước xã hội chủ nghĩa và của nhân dân, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống. Nhằm đáp ứng yêu cầu đó, Bộ Chính trị quyết định tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam”.

Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội là nhân tố quyết định xây dựng Quân đội ta vững mạnh về chính trị. Nhiệm vụ Quân đội có sự phát triển thì đòi hỏi sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội phải được tăng cường, với những nội dung và biện pháp mới phù hợp. Sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam được thực hiện thông qua hệ thống tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy, cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp và tổ chức quần chúng trong toàn quân. Công tác đảng, công tác chính trị là một bộ phận rất quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, một mặt công tác cơ bản của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, trực tiếp góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị của cán bộ, chiến sĩ; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, hiệu lực của tổ chức chỉ huy và chất lượng hoạt động của các tổ chức quần chúng; phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, tạo chuyển biến vững chắc về chất lượng chính trị của Quân đội. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị thì vai trò của cơ quan chính trị, cán bộ chính trị là rất quan trọng, đó là thành phần tất yếu của Quân đội.

Trong giai đoạn hiện nay, việc xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị đòi hỏi phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị (khóa IX); Quy định 61-QĐ/TW, ngày 29-12-2016 của Ban Bí thư về tổ chức cơ quan chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam và Hướng dẫn 349/HD-CT, ngày 08-3-2017 của Tổng cục Chính trị về một số vấn đề cụ thể thi hành Quy định 61-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII). Đồng thời, xây dựng các tổ chức đảng trong Quân đội thực sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; bồi đắp bản chất giai cấp công nhân, nâng cao trình độ giác ngộ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, lòng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân cho bộ đội; phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, làm cho Quân đội thực sự là tấm gương vì nước, vì dân, được nhân dân tin cậy, yêu mến; tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Quân đội với nhân dân. Để đấu tranh làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch, cần kết hợp nhiều phương thức, nhưng xét đến cùng, phương thức chủ yếu và hiệu quả nhất là thực hiện tốt công tác đảng, công tác chính trị; trong đó, cơ quan chính trị và cán bộ chính trị là lực lượng nòng cốt.

Như vậy, việc tổ chức và hoạt động của cơ quan chính trị và cán bộ chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam là một tất yếu khách quan. Mọi luận điệu đòi loại bỏ hệ thống cơ quan chính trị và cán bộ chính trị trong Quân đội đều là phản động, phi lý, với mục tiêu không có gì khác là nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội nhân dân Việt Nam. Luận điệu thù địch này cần phải bị vạch trần, lên án, bác bỏ.

Đại tá, TS. LÊ QUÝ TRỊNH
___________________

1 - V.I. Lê-nin - Toàn tập, Tập 41, Nxb. Tiến bộ, M. 1977, tr. 179.

2 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 7, Nxb. CTQG, H. 2011, tr. 217.

3 - Sđd, Tập 14, tr. 435.

Ý kiến bạn đọc (1)

GÓP Ý
15/05/2017 10:00
TỰ MÌNH DỰNG LÊN CÂU CHUYỆN CHỨ CÓ THẾ LỰC NÀO ĐÒI BỎ CÓ QUAN CHÍNH TRỊ VÀ CÁN BỘ CHÍNH TRỊ ĐÂU. NẾU CÓ HÃY DẪN CHỨNG CỤ THỂ CHỨ ĐỪNG NÓI CHUNG CHUNG MẤT UY TIN
CHÍNH TRUC
Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.