Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Ba, 10/09/2013, 08:44 (GMT+7)
Sự lãnh đạo độc tôn của Đảng Cộng sản với vấn đề đa nguyên, đa đảng đối lập

Vấn đề “đa nguyên, đa đảng” luôn là đề tài để “các nhà dân chủ” bàn luận nhằm mưu đồ xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mới đây, điều đó lại rộ lên với những bài viết mang đầy tính kích động, với mục đích không trong sáng. Đó cũng chỉ là bài ca cũ rích không lừa được ai.

Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta từ giữa thế kỷ XIX khi thực dân Pháp xâm lược cho đến những năm đầu của thế kỷ XX đã chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử, cả những thành công và thất bại. Các phong trào yêu nước diễn ra liên tục, sôi động, như: Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục, đến cuộc khởi nghĩa Yên Bái... đều không thành công. Nguyên nhân có nhiều, nhưng suy cho cùng là chưa có một đường lối đúng và một đảng tiền phong dẫn đường.

Trước những thất bại đau đớn của các vị yêu nước tiền bối, cảnh nhân dân sống cuộc đời nô lệ, lầm than dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến tàn bạo, Nguyễn Ái Quốc đã quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước. Với hành trang ban đầu là lòng yêu nước, thương dân nồng nàn, sâu sắc, khát vọng giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, Người đã đến với chủ nghĩa Mác – Lê-nin và truyền bá, vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam; kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước để thành lập nên Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng của giai cấp công nhân, đại biểu cho lợi ích nhân dân lao động và toàn dân tộc. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng đã đề ra được Cương lĩnh, đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn, sáng tạo qua từng thời kỳ; tìm ra con đường để giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Nhân dân ta, dân tộc ta đều hiểu rằng, từ khi có Đảng, lịch sử đấu tranh của dân tộc luôn gắn liền với lịch sử của Đảng Cộng sản; những bước thăng trầm của cách mạng đều ghi dấu sự gắn bó máu thịt của Đảng với dân, dân với Đảng. Trong tiến trình đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, cũng có thời kỳ có nhiều đảng đi cùng chiều với Đảng, như: Đảng Xã hội, Đảng Dân chủ; thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, sau khi hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang, họ đã tự nguyện tuyên bố kết thúc. Song, cũng có những đảng phái đối lập đi ngược chiều với lợi ích của nhân dân, của dân tộc đã trở thành những tổ chức chính trị phản động, đi theo đế quốc, thực dân để chống lại nhân dân, nên đã bị lịch sử lần lượt đào thải và tan rã cùng với những thất bại của các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta. Thực tiễn lịch sử Việt Nam từ ngày có Đảng đã chỉ ra rằng, sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta hơn 80 năm qua chỉ có một đảng lãnh đạo và là Đảng cầm quyền - Đảng Cộng sản Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quyền làm chủ của nhân dân không ngừng được phát huy; đời sống chính trị - tinh thần của mọi công dân được cải thiện; sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố vững chắc, bảo đảm cho dân tộc ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, đưa sự nghiệp đổi mới phát triển, hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Sự lãnh đạo của Đảng đã được toàn dân ghi nhận và coi đó là đảng của mình; được ghi vào trong Hiến pháp, làm cơ sở pháp lý cho Đảng thể hiện vị trí, vai trò lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội. Mới đây, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra lấy ý kiến nhân dân đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; trong đó, đại bộ phận nhân dân đã đồng tình và nhất trí cao việc thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng được ghi trong Điều 4 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi). Để làm tốt vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Cùng với đó, Tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Từ sự phân tích thực tế trên, có thể khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Điều đó đã trở thành tất yếu lịch sử, khách quan, tuyệt nhiên không phải do ai áp đặt, mà do nhân dân lựa chọn, lịch sử thừa nhận.

Thế nhưng, hiện nay, trên các trang mạng xã hội xuất hiện một số bài viết với lời lẽ kích động, đi ngược lại xu thế của lịch sử và nguyện vọng chính đáng của nhân dân; đòi “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”. Họ cho rằng, chế độ một đảng là “đảng trị”, là “mất dân chủ”, phải có những đảng làm đối trọng với Đảng Cộng sản Việt Nam thì xã hội mới có dân chủ (!). Bởi vậy, họ tích cực vận động, kêu gọi các đảng viên Cộng sản đứng lên thành lập cái gọi là “Đảng Dân chủ xã hội để thúc đẩy dân chủ, xã hội công dân mạnh lên”. Đây là việc làm không mới, thậm chí đã lỗi thời với thời cuộc, nên sức thuyết phục không cao. Những người đã được đọc các bài viết đó đều cho rằng, đây chỉ là hành động “chọc gậy bánh xe” trên con đường phát triển của cách mạng; là sự hà hơi, tiếp sức cho các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam. Chúng ta đều biết, việc tư duy đóng góp về các dự án chính trị - xã hội và sự mong muốn nhu cầu thành lập đảng đối lập là thuộc quyền tự do tư tưởng của mỗi công dân. Song, sự mong muốn đó đạt được đến đâu, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, mà trước hết là nó có phù hợp với nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân, của dân tộc hay không. Đây mới là vấn đề quyết định chứ không thể theo ý nguyện chủ quan của một ai đó nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phá hoại sự ổn định của đất nước; nhất là trong tình hình hiện nay, nhân dân ta đang mong muốn giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tập trung phát triển kinh tế, xây dựng đất nước và bảo vệ vững chắc sự thống nhất, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển, đảo của Tổ quốc. Hơn nữa, những người ra sức phê phán, kích động chế độ một đảng cầm quyền không thấy được rằng, không ít nước trên thế giới hiện đang thực hiện chế độ đa nguyên, đa đảng, nhưng tình trạng rối loạn về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội vẫn diễn ra ngày càng gay gắt. Ở đó, mỗi đảng thâu tóm một lực lượng, tìm mọi cách chạy đua, thanh trừng lẫn nhau, làm rối loạn, gây mất ổn định chính trị - xã hội, kìm hãm sự phát triển của đất nước. Xã hội như vậy chẳng những không thực hiện được quyền dân chủ của nhân dân, mà còn đe dọa nghiêm trọng đến cả tính mạng của những người dân vô tội. Từ thực tiễn ở nước ta và nhiều nước trên thế giới những năm qua đều cho thấy, dân chủ không nhất thiết phải đa nguyên, đa đảng và càng không phải là độc đảng lãnh đạo thì mất dân chủ. Điều này chỉ có thể hiểu được từ bản chất của nền dân chủ, bản chất của Đảng cầm quyền.

Chế độ dân chủ ở Việt Nam là thành quả thắng lợi của cách mạng do nhân dân ta tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Mục đích đấu tranh của Đảng là mang lại quyền lợi cho nhân dân, sự phồn vinh của đất nước chứ không đòi hỏi quyền lợi cho riêng mình, nên luôn được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Do đó, chế độ một đảng ở nước ta, vai trò lãnh đạo của Đảng ta cũng là sự lựa chọn của lịch sử, là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, đầy thử thách của nhân dân. Khi giành được chính quyền, Đảng đã tổ chức lãnh đạo, xây dựng chính quyền thành cơ quan quyền lực của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân để tổ chức xây dựng và bảo vệ đất nước. Cho nên có thể nói, trên đất nước ta, trong xã hội ta không hề có sự đối lập giữa quyền dân chủ của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng; trái lại, càng tăng cường sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, thì càng đảm bảo thực hiện tốt quyền dân chủ của nhân dân. Đồng thời, càng thực hiện tốt quyền làm chủ của nhân dân, thì việc củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng ngày càng vững chắc. Đây là mối quan hệ biện chứng giữa “ý Đảng” và “lòng dân”.

Trong quá trình lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã giành được niềm tin tuyệt đối của nhân dân, bởi Đảng gắn bó thật sự với nhân dân, chiến đấu vì lợi ích của nhân dân, luôn lắng nghe và tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. Thiếu điều này, Đảng không thể tự bảo vệ được mình và cũng không còn ai bảo vệ Đảng. Vì vậy, vấn đề đặt ra ở đây không phải là thực hiện “đa nguyên, đa đảng” mới có dân chủ, mà vấn đề cốt tử là cần củng cố, xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, đủ sức đảm đương được sức mạnh lãnh đạo xây dựng đất nước trong thời kỳ mới, củng cố và xây dựng niềm tin của nhân dân vào Đảng. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, bên cạnh kết quả đạt được, Đảng ta cũng không phủ nhận trong công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, chậm được khắc phục, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Đó là việc một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tình trạng tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc còn xảy ra; những biểu hiện thiếu dân chủ vẫn còn tồn tại ở một vài nơi, v.v.

Trước thực trạng đó, Đảng ta không hề giấu giếm khuyết điểm, mà đã dũng cảm chỉ ra và làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan để tìm cách khắc phục. Trong đó, Đảng đã chỉ rõ, một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở một số nơi chưa đến nơi, đến chốn; kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, nói không đi đôi với làm, hoặc làm chiếu lệ. Các nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi vừa bị buông lỏng trong thực hiện, vừa chưa được quy định cụ thể để làm cơ sở cho giám sát. Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống nhiều khi còn hình thức, chưa đủ sức động viên và thường xuyên nâng cao ý chí cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân... Để khắc phục tình trạng đó, vấn đề đặt ra là, các tổ chức đảng phải thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng; đồng thời, tiếp tục củng cố, xây dựng chế độ tự phê bình và phê bình. Trong đó, cần coi trọng việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về xây dựng Đảng nói chung, đóng góp cho cán bộ, đảng viên nói riêng. Đây là việc làm rất cần thiết; bởi lẽ, trên thực tế không ít những vụ việc tham nhũng, tiêu cực lại do quần chúng nhân dân phát hiện, tố giác. Để việc lấy ý kiến nhân dân mang lại hiệu quả thiết thực, Đảng cần có cơ chế, có sự lãnh đạo chặt chẽ nhằm phát huy quyền dân chủ của nhân dân; đồng thời, cần bảo vệ những người trung thực, thẳng thắn đấu tranh, phanh phui những việc làm sai trái. Làm được như vậy sẽ tránh được tình trạng không ít người do bức xúc cá nhân mà phát ngôn tùy tiện, thiếu ý thức xây dựng, tạo kẽ hở cho những kẻ cơ hội về chính trị lợi dụng xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân và kêu gọi “đa nguyên, đa đảng”. Các cấp lãnh đạo cần rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy định không còn phù hợp với yêu cầu mở rộng dân chủ và tăng cường kỷ luật của Đảng; chấn chỉnh nền nếp sinh hoạt đảng theo định kỳ, thực hiện tốt việc phân công và kiểm tra công tác của đảng viên... Mặt khác, phải tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về đảng cầm quyền, về xây dựng Đảng trong thời kỳ mới. Trong sinh hoạt Đảng cần tạo được bầu không khí thật sự dân chủ, phát huy đầy đủ tự do tư tưởng của mỗi người; khuyến khích và tôn trọng sự suy nghĩ tìm tòi độc lập, sáng tạo; qua thảo luận và tranh luận cần thẳng thắn, chân thành lắng nghe ý kiến của nhau, không định kiến, không quy chụp. Bởi lẽ, chân lý chỉ được khẳng định trên cơ sở thảo luận, tranh luận, nói thẳng, nói hết những ý kiến khác nhau trong tổ chức đảng, phê bình chất vấn những cán bộ, đảng viên có những quan điểm, tư tưởng chính trị lệch lạc, sai lầm, hoặc không rõ ràng, né tránh, làm rõ đúng, sai để đi đến thống nhất về mặt nhận thức, tư tưởng. Đồng thời, tích cực đấu tranh chống quan điểm sai trái của những kẻ cơ hội về chính trị và các thế lực thù địch, bảo vệ quan điểm, đường lối và sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước, xã hội là sự lựa chọn đúng đắn của lịch sử. Trong quá trình lãnh đạo, Đảng không tránh khỏi những sai lầm, khuyết điểm, nhưng đó cũng chỉ là những vấn đề cụ thể trong quá trình phát triển. Mọi mưu đồ lợi dụng điều đó để đòi “đa nguyên, đa đảng” là không thể chấp nhận được. Vấn đề đặt ra hiện nay là tập trung xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ, xứng đáng với sự kỳ vọng của nhân dân.

TRẦN DUY

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.