Thứ Bảy, 23/11/2024, 12:17 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Xuyên tạc tình hình, bôi nhọ tự do báo chí Việt Nam là một chiêu trò luôn được những tổ chức, cá nhân cực đoan, thiếu thiện chí, nhất là tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) thường xuyên sử dụng.
Gần như đã trở thành thông lệ, ngày 21/4/2021, RSF lại đưa ra cái gọi là “Bảng xếp hạng thường niên về tự do báo chí” và được RFI, VOA, BBC, RFA,… các trang mạng phi pháp hùa vào đăng tải, kèm theo “bình luận” của một số nhân vật “có uy tín” của RSF. Trong Bảng xếp hạng này, RSF đã xuyên tạc, bôi nhọ trắng trợn tình hình tự do báo chí ở Việt Nam, khi cho rằng Việt Nam là “một nhà tù lớn nhất trên thế giới dành cho các nhà báo và blogger”(!)
Thực tế cho thấy, bất cứ tổ chức, cá nhân nào tôn trọng sự thật khách quan đều thấy rõ, ở Việt Nam tự do ngôn luận, tự do báo chí được Nhà nước bảo đảm ngày càng tốt hơn. Điều đó được thể hiện trên cả khía cạnh pháp lý và thực tiễn.
Trên khía cạnh pháp lý, Nhà nước Việt Nam đã xây dựng khung pháp luật về quyền tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin của công dân đầy đủ, đồng bộ, hoàn toàn tương thích với luật quốc tế về quyền con người. Điều 25, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin,… Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Theo đó, Nhà nước Việt Nam đã ban hành Luật Báo chí, Luật An ninh mạng, Luật Tiếp cận thông tin và các luật, bộ luật có liên quan, quy định rõ về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; tổ chức và hoạt động báo chí; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến hoạt động báo chí; quản lý nhà nước về báo chí.
Trên thực tế, với khung pháp luật khoa học, phù hợp thực tiễn, rõ ràng, được Nhà nước ủng hộ, tạo điều kiện bảo đảm cho nền báo chí Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Đến tháng 01/2021, ở Việt Nam có đầy đủ các loại hình báo chí, với 779 cơ quan báo chí và hơn 21.000 người làm báo đã được cấp thẻ nhà báo. Các cơ quan báo chí thực sự là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, diễn đàn của nhân dân. Trong hành nghề, các cơ quan báo chí, nhà báo luôn tuân thủ đúng pháp luật, thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới, phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân. Với tôn chỉ, mục đích của mình, các cơ quan báo chí không chỉ tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới, mà còn góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu thông tin, văn hóa lành mạnh của nhân dân; bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân; phát hiện, nêu gương “người tốt, việc tốt”, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; phòng, chống những hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Không những vậy, báo chí còn góp phần giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt, tiếng các dân tộc thiểu số Việt Nam; mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và các dân tộc; tham gia vào sự nghiệp của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, hữu nghị, hợp tác, phát triển bền vững.
Để đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến phát triển internet. Đến nay, Việt Nam nằm trong top 20 nước có số người sử dụng internet cao nhất thế giới, với 68,7% người sử dụng, cao hơn mức trung bình của thế giới (51,4%). Có thể khẳng định rằng, ở Việt Nam, internet đã trở thành công cụ rất quen thuộc, là “một phần tất yếu” trong cuộc sống của mọi tổ chức và cá nhân, nhất là trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư; những tiện ích mang lại từ hệ thống internet nhanh chóng được ứng dụng trong thực tiễn, nhằm bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của mọi tổ chức, cá nhân. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước thuộc hệ thống chính trị trong những năm gần đây đã được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm; trong đó, công tác xây dựng Chính phủ điện tử, Quốc hội điện tử đã có bước tiến mạnh mẽ, hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số là một trong những ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn 2016 - 2020 để tạo ra nền tảng vững chắc cho việc chuyển đổi số toàn diện trong giai đoạn 2021 - 2030. Đánh giá của Liên hợp quốc về phát triển Chính phủ điện tử, liên tiếp từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đều tăng hạng. Hiện, Việt Nam xếp thứ 86/193 quốc gia trên thế giới và đứng thứ 6 tại khu vực Đông Nam Á. Vị trí xếp hạng về các chỉ số thành phần của Việt Nam năm 2020 có sự thay đổi tương đối lớn: Chỉ số hạ tầng viễn thông xếp thứ 69, tăng 31 bậc so với năm 2018; chỉ số nguồn nhân lực xếp thứ 117, tăng 3 bậc so với năm 2018, v.v.
Hiện nay, một số hệ thống thông tin nền tảng của Chính phủ điện tử đã được đưa vào vận hành, hầu hết các bộ, cơ quan ngang bộ đã thực hiện kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử qua Trục liên thông văn bản quốc gia. Nhiều đơn vị đã áp dụng chữ ký số cá nhân trong gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý công việc trên môi trường điện tử, như: Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Ủy ban Dân tộc,... tạo sự thay đổi về lề lối làm việc trong các cơ quan nhà nước cũng như việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.
Cùng với đó, thông qua các trang mạng xã hội (Facebook, YouTube, Lotus, Viber, Zalo, Twitter, Instagram...), người dân Việt Nam có thể tự do chia sẻ thông tin, hình ảnh, clip, bày tỏ quan điểm, ý kiến cá nhân của mình về mọi vấn đề của đời sống xã hội. Trong hệ thống chính trị, bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương ở Việt Nam ngày càng có nhiều cơ quan, tổ chức sử dụng mạng xã hội để làm việc, giải quyết các thủ tục hành chính, giữ mối liên hệ với người dân, nắm bắt và giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng nhân dân.
Cùng với việc đảm bảo ngày càng tốt hơn về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, Nhà nước Việt Nam cũng kiên quyết trừng trị những tổ chức, cá nhân lợi dụng vấn đề này để có những hành vi tung tin xấu độc, xuyên tạc, bôi nhọ, kéo bè, lập phái chống đối nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Cơ quan chức năng Nhà nước Việt Nam đã điều tra, bắt giữ, truy tố một số đối tượng vi phạm pháp luật, tự xưng là “Nhà đấu tranh cho dân chủ”, “nhà báo tự do”,… dưới dạng là bloger chuyên viết bài, làm video clip,… với nội dung xuyên tạc sự thật, bôi nhọ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam,… hay là những lời “kêu gọi” lập đảng, lập hội… chống đối chế độ để tung lên mạng (Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh,…). Những việc làm đó đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, làm cho người dân vô cùng phẫn nộ. Vì thế, bắt giữ, điều tra, xét xử, truy tố những đối tượng như trên là việc làm tất yếu, vừa đúng quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế, vừa nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mọi tổ chức và cá nhân. Việc RSF cho rằng Nhà nước Việt Nam điều tra, bắt giữ, truy tố những kẻ trên là “vi phạm nhân quyền, vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí” và trở thành “một nhà tù lớn nhất trên thế giới dành cho các nhà báo và blogger” là hết sức phi lý, xuyên tạc trắng trợn tình hình tự do báo chí ở Việt Nam, chà đạp, bôi nhọ pháp luật Việt Nam, chuyên bảo kê cho tội phạm, không xứng với tôn chỉ mục đích, danh xưng mỹ miều “Phóng viên không biên giới”!
Tự do là tuân thủ pháp luật, ở đâu có dân chủ thì ở đó có tự do và Việt Nam là một đất nước như thế. Không ai có thể phủ nhận điều đó, chỉ những tổ chức, cá nhân lòng dạ không trong sáng như RSF mới không thấy.
MINH QUÂN
tự do báo chí,tự do ngôn luận
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm 07/11/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 30/10/2024
“Nhân quyền cao hơn chủ quyền” – sự đòi hỏi phi lý 07/10/2024
Phê phán quan điểm cho rằng đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là “thiếu khoa học, không khả thi” 30/09/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận tình đồng chí, đồng đội trong Quân đội ta 27/09/2024
Luận cứ đanh thép phản bác sự xuyên tạc đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng 26/09/2024
Phản bác luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam 16/09/2024
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân” 28/08/2024
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch 19/08/2024
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối 19/08/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm