Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Tư, 12/08/2020, 15:56 (GMT+7)
Quyền con người trên không gian mạng ở Việt Nam phù hợp với chuẩn mực quốc tế

Hiện nay, có một số người lợi dụng không gian mạng, thường xuyên phát tán thông tin sai trái, nhằm chống phá Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Khi bị các cơ quan chức năng nhắc nhở, bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật, lập tức họ lu loa rằng, Luật An ninh mạng của Việt Nam hà khắc, bóp chết tự do, dân chủ. Nhưng họ đã nhầm! Quyền con người trên không gian mạng ở Việt Nam hoàn toàn phù hợp với chuẩn mực quốc tế về nhân quyền.

1. Không gian mạng

Hiện nay, có nhiều quan niệm, cách tiếp cận khác nhau về không gian mạng hay còn gọi là không gian ảo. Đây là môi trường nhân tạo, con người không trực tiếp gặp nhau, nhưng lại có thể trao đổi thông tin, liên lạc với nhau qua một hệ thống mạng, được kết nối toàn cầu - mạng toàn cầu, trên cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước, các vùng, khu vực và toàn cầu. Khoản 3, Điều 1, Luật An ninh mạng năm 2018 của nước ta xác định: “Không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng internet, mạng máy tính, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian”.

Nghiên cứu về không gian mạng và môi trường mạng ở nước ta cho thấy, hai quan niệm này rất gần nhau. Khoản 3, Điều 4, Luật Công nghệ thông tin năm 2006 quan niệm: “Môi trường mạng là môi trường trong đó thông tin được cung cấp, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông qua cơ sở hạ tầng thông tin”. Mà “Cơ sở hạ tầng thông tin là hệ thống trang thiết bị phục vụ cho việc sản xuất, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông tin số, bao gồm mạng viễn thông, mạng internet, mạng máy tính và cơ sở dữ liệu” (Khoản 4, Điều 4, Luật Công nghệ thông tin).

Như vậy, không gian mạng hay môi trường mạng, cách nói khác nhau, nhưng về bản chất không khác nhau vì đều là không gian ảo, nơi con người có thể liên lạc, kết nối, trao đổi, giao tiếp với nhau. Sự phát triển không gian mạng (môi trường mạng) phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng thông tin ở mỗi quốc gia. Hiện nay, ở Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung, không gian mạng rất rộng lớn, hệ thống các mạng đang được sử dụng bao gồm: trình duyệt web (Google, Chrome, Mozilla Firefox , Opera, Safari...); trang web tin tức (VnExpress, Tin tức, Zing news, VTC News...); mạng xã hội (Facebook, Twitter, YuMe, Instagram, Zing me, Youtube, Skype, WeChat, Google Plus, Go.vn...); tìm kiếm, tra cứu (Google map, Bing, Google Docs...); tiện ích (chuyển tiền, việc làm, email, thiệp điện tử...); trang mạng mua bán, kinh doanh, học tập, âm nhạc, giải trí1.

2. Quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm và việc hạn chế quyền của cá nhân, công dân trên không gian mạng

Quyền của công dân trên không gian mạng. Môi trường mạng là không gian rộng lớn, cá nhân, công dân và bất kỳ cơ quan, tổ chức nào cũng đều có thể tự do bày tỏ quan điểm chính kiến, kết nối trao đổi với nhau. Đó là quyền tự do của cá nhân: quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin (tự do tìm kiếm, tiếp nhận và trao đổi thông tin) trên môi trường mạng. Đây là quyền tự do cơ bản của công dân được pháp luật quốc tế, Hiến pháp, pháp luật Việt Nam tôn trọng và bảo vệ.

Điều 11, Luật Báo chí năm 2016 quy định quyền tự do ngôn luận trên báo chí (báo giấy, báo hình, báo nói, báo chí điện tử - không gian mạng). Các quyền này của công dân bao gồm: (1). Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; (2). Tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; (3). Góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác.

Tương tự quyền tự do bày tỏ quan điểm, chính kiến của công dân trên không gian mạng, công dân có quyền tiếp cận thông tin từ chính môi trường mạng. Luật Tiếp cận thông tin quy định, quyền của công dân được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời; khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tiếp cận thông tin. Luật An ninh mạng quy định một trong những nguyên tắc bảo vệ an ninh mạng là “bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trên không gian mạng” (Khoản 3, Điều 4, Luật An ninh mạng).

Như vậy, với hành lang pháp lý hiện nay, cá nhân, công dân có quyền tự do được sử dụng không gian mạng vì lợi ích cá nhân; có quyền được bảo vệ các quyền và tự do của mình từ phía các cơ quan công quyền và chủ động tự thực hiện (thực hành) quyền tự do cá nhân trên không gian mạng.

Nghĩa vụ, trách nhiệm công dân trên không gian mạng. Phù hợp với chuẩn mực quốc tế, mỗi cá nhân, công dân trong khi sử dụng, thực hiện các quyền và tự do của mình thì phải có nghĩa vụ, trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội, đối với quốc gia, dân tộc mà mình đang sống. Nghĩa là khi sử dụng, thực hiện quyền và tự do cá nhân không được làm ảnh hưởng hay xâm phạm an ninh quốc gia; trật tự công cộng, đạo đức xã hội; quyền và tự do của người khác. Vấn đề này theo chuẩn mực quốc tế được gọi là hạn chế quyền con người để bảo đảm vì lợi ích chung của xã hội, vì lợi ích cộng đồng trong một xã hội dân chủ; vì các lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự công cộng, đạo đức xã hội, vì quyền và tự do của người khác.

Cụ thể hóa nguyên tắc hạn chế thực hiện quyền và tự do cá nhân, Luật An ninh mạng và các luật khác có liên quan đã quy định bằng các hành vi bị nghiêm cấm. Trong đó, Luật An ninh mạng quy định 6 nhóm hành vi bị nghiêm cấm (Điều 8) bao gồm:

Thứ nhất: - Sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, gồm: (1). Đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 Luật An ninh mạng) và hành vi gián điệp mạng; xâm phạm bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng (quy định tại khoản 1, Điều 17 Luật An ninh mạng); (2). Chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng internet; trộm cắp cước viễn thông quốc tế trên nền internet; vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ trên không gian mạng; (3). Giả mạo trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân; làm giả, lưu hành, trộm cắp, mua bán, thu thập, trao đổi trái phép thông tin thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng của người khác; phát hành, cung cấp, sử dụng trái phép các phương tiện thanh toán; (4). Tuyên truyền, quảng cáo, mua bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm theo quy định của pháp luật; (5). Hướng dẫn người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; (6). Hành vi khác sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội;

- Tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc;

- Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;

- Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng;

- Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.

Thứ hai: Thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

Thứ ba: Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng viễn thông, mạng internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, phương tiện điện tử; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng viễn thông, mạng internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, phương tiện điện tử; xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu, phương tiện điện tử của người khác.

Thứ tư: Chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng.

Thứ năm: Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi.

Thứ sáu: Hành vi khác vi phạm quy định của Luật này.

3. Luật pháp quốc tế về nhân quyền

Tuyên ngôn Thế giới về quyền con người năm 1948 và hai Công ước quốc tế về quyền con người năm 1966 (Công ước về quyền dân sự và chính trị - ICCPR; Công ước quốc tế về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa - ICESCR), cùng các nghị định thư bổ sung tạo thành Bộ luật quốc tế về quyền con người - là nền tảng của hệ thống pháp luật quốc tế về quyền con người hiện nay. Điều 2 của bản Tuyên ngôn năm 1948 quy định quyền con người: “không phân biệt đối xử về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay các quan điểm khác, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội…”2. Đồng thời, quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của cá nhân: “1. Mọi người đều có những nghĩa vụ đối với cộng đồng là nơi duy nhất mà ở đó nhân cách của bản thân họ có thể phát triển tự do và đầy đủ. 2. Trong khi hưởng thụ các quyền và tự do của mình, mọi người chỉ phải tuân thủ những hạn chế do luật định, nhằm bảo đảm sự công nhận và tôn trọng thích đáng đối với các quyền và tự do của người khác, cũng như nhằm đáp ứng những yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”3.

Từ nguyên tắc quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm nêu trong bản Tuyên ngôn, hai Công ước năm 1966 đã phát triển và cụ thể hóa bằng các quy định cụ thể theo hướng xác định những quyền nào phải được thực hiện ngay. Đó là các quyền đòi hỏi nhà nư­ớc phải bảo đảm thực hiện ngay lập tức. Vì đấy là ranh giới, là “ngư­ỡng” của sự có hay không có quyền con ng­ười - quyền tuyệt đối. Quyền cần được thực hiện dần dần, từng bước, là các quyền đòi hỏi nhà nước từng bước có chính sách cụ thể để nâng cao đời sống, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân - quyền tương đối và các quyền có thể bị hạn chế - hạn chế quyền.

Nguyên tắc hạn chế quyền được quy định trong cả hai Công ước năm 1966 như sau:

Điều 4, ICECSR quy định nguyên tắc các quốc gia thành viên có thể đặt ra những giới hạn trong việc thực hiện quyền con người, với các điều kiện: Những hạn chế đó phải được quy định trong luật; không được trái với bản chất của các quyền có liên quan và vì lý do duy nhất nhằm thúc đẩy lợi ích chung trong một xã hội dân chủ. ICCPR quy định cụ thể các quyền con người có thể bị hạn chế và các lý do cho việc có thể áp đặt các hạn chế bao gồm: An ninh quốc gia; Trật tự công cộng; Đạo đức và sức khỏe cộng đồng; Quyền và tự do của người khác.

Trên cơ sở các nguyên tắc chung như trên, cả hai Công ước quy định cụ thể một số quyền bị hạn chế; trong đó, có quyền tự do ngôn luận (Khoản 2, 3, Điều 19 ICCPR) quy định: “2. Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tùy theo sự lựa chọn của họ.

3. Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để:

a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác,

b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội”.

4. Sự phù hợp giữa quyền con người trên không gian mạng ở Việt Nam với chuẩn mực quốc tế về nhân quyền

Viện dẫn nội dung cơ bản trên cho thấy, giữa luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế về quyền con người cho thấy, cả hai đều có những điều khoản quy định quyền con người gồm: quyền tuyệt đối, quyền tương đối và quyền bị hạn chế. Những quyền bị hạn chế của Việt Nam được luật pháp quy định đều vì: An ninh quốc gia; Trật tự công cộng; Đạo đức và sức khỏe cộng đồng; Quyền và tự do của người khác nên phù hợp với luật pháp quốc tế về nhân quyền.

Vậy nên, không có bất cứ lý do gì, những kẻ vi phạm pháp luật Việt Nam trên không gian mạng lại lu loa, lớn tiếng rằng, Việt Nam vi phạm tự do ngôn luận, vi phạm dân chủ, nhân quyền, “bóp chết” những tiếng nói “dân chủ” hay cái gọi là “tù nhân lương tâm”. Thực chất, đây là những người vi phạm pháp luật Việt Nam nên họ phải chịu hình phạt theo quy định của pháp luật. Trong một xã hội dân chủ thì pháp luật phải được thượng tôn, điều đó đúng với mọi quốc gia dân chủ, không riêng gì Việt Nam.

NGUYỄN PHÚ HƯNG
_____________

1 - http://tuyengiao.vnNâng cao ý thức làm chủ và bảo vệ không gian mạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

2 - Viện nghiên cứu quyền con người - Một số văn kiện của Liên hợp quốc về quyền con người trong quản lý tư pháp, Nxb CAND, H. 2009, tr. 14.

3 - Sđd, tr. 14.

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.