Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Sáu, 10/09/2021, 14:21 (GMT+7)
Phủ nhận thành quả Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - luận điệu ngày càng trở nên lỗi thời

Thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không chỉ được Nhân dân ta, Đảng ta nỗ lực phấn đấu để có được mà còn được bạn bè và cộng đồng quốc tế ghi nhận. Ngay cả những chính phủ cựu thù với chúng ta trước đây cũng đã phải công nhận. Thế nhưng, vẫn có những luận điệu lỗi thời hòng phủ nhận thành quả đó.

Có thể vạch ra tính chất lỗi thời của quan điểm phủ nhận thành quả Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trên các phương diện sau:

Sự lỗi thời về phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu. Về phương pháp luận: họ đã sai lầm, khi không xuất phát từ thực tiễn, hoàn cảnh và điều kiện khách quan của lịch sử để xem xét, đánh giá thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mà dựa vào phương pháp luận của xã hội học chủ quan. Vì thế, họ đã không nhìn thấy quy luật vận động của lịch sử, cũng như tính tất yếu của một cuộc cách mạng nổ ra và giành thắng lợi, mà sùng bái tự phát ngẫu nhiên của lịch sử cho nên họ giải thích thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chỉ là “sự ăn may” của lịch sử (!?). Mặt khác, họ không thấy được Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một cuộc cách mạng xã hội, thuộc phạm trù cách mạng vô sản, được diễn ra ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến, nghèo nàn và lạc hậu, chưa qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Đó là cuộc cách mạng tư sản dân quyền kiểu mới, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nó khác hoàn toàn về bản chất với các cuộc cách mạng tư sản trước đây. Mục tiêu của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không dừng ở việc đập tan bộ máy chính quyền cũ, thiết lập chính quyền dân chủ nhân dân kiểu mới, mà sử dụng bộ máy chính quyền mới để cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Với một phương pháp luận lỗi thời, lạc hậu họ chỉ nhìn thấy cái vẻ bề ngoài của cuộc cách mạng như là một sự “sang tên đổi chủ” từ chế độ “vua trị” sang chế độ “đảng trị”, mà không thấy được bản chất sâu sắc, vĩ đại và tính chất triệt để của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, với tính cách là một cuộc cách mạng vô sản.

Về phương pháp nghiên cứu: theo C. Mác “Không những kết quả của việc nghiên cứu, mà tất cả các con đường dẫn tới việc nghiên cứu, cũng phải là chân lý”1. Tức là phải có phương pháp đúng thì mới đưa đến kết quả nghiên cứu đúng. Vậy phương pháp được họ sử dụng ở đây là gì? Dễ thấy rằng đó là phương pháp ngụy biện. Các quan điểm trên, thay vì đưa ra bằng chứng hoặc bất cứ điều gì để hỗ trợ lập luận của họ, thì họ chỉ biết lặp đi lặp lại quan điểm cuối cùng của mình là như vậy! Khi sử dụng phương pháp so sánh, họ cũng ngụy biện so sánh “ẩu”2 giữa sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản với sự cai trị của vua chúa phong kiến, giữa chủ nghĩa xã hội và chế độ phong kiến, để đánh đồng bản chất của hai chế độ xã hội hoàn toàn khác nhau này, nhằm phủ nhận chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà chúng ta đã lựa chọn, đang đi tới.

Họ còn đánh tráo nguyên nhân với nguyên cớ, khi ngụy biện rằng “vì Nhật thua trong Chiến tranh thế giới thứ hai” và “do khoảng trống quyền lực” nên “Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mới thành công nhanh chóng” nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nếu chỉ là vậy thì tại sao một số nước thuộc địa của Nhật, có điều kiện và hoàn cảnh giống nước ta khi đó lại không thể làm cách mạng thành công ở nước họ, mà chỉ có duy nhất Đảng Cộng sản Việt Nam làm được điều này? Rõ ràng, họ cố tình lờ đi, phủ nhận một nhân tố quan trọng, nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chính là sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cùng với những ngụy biện trên, họ kết luận vội vã, võ đoán, thiếu lô gic và không đúng rằng “Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là nguyên nhân dẫn đến hai cuộc chiến tranh đẫm máu ở Việt Nam”; “nếu không có Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước ta đã giàu mạnh từ lâu và không mất dân chủ như bây giờ”.

Sự lỗi thời về quan điểm nhận thức. Cả lý luận và thực tiễn đều bác bỏ nội dung sai trái, lỗi thời của các quan điểm trên và khẳng định không thể phủ nhận thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, với các luận cứ sau đây: (1) Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không phải là sai lầm lịch sử, nó nổ ra và giành thắng lợi do Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Lãnh tụ Hồ Chí Minh sáng suốt lựa chọn con đường giải phóng dân tộc một cách đúng đắn. (2) Nếu không có Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước ta không thể có cơ đồ, vị thế, tiềm lực và uy tín quốc tế như hiện nay; nhân dân ta không có được địa vị người làm chủ như bây giờ. (3) Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã xóa bỏ sự thống trị của thực dân, phát xít và phong kiến, xây dựng nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Đó là một cuộc cách mạng thực sự, nó không chỉ biết phá bỏ cái thể chế xã hội lỗi thời, lạc hậu, phản động, kéo lùi sự phát triển của dân tộc, mà quan trọng hơn, là biết kiến tạo, xây dựng xã hội mới chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. (4) Nguyên nhân vừa sâu xa, vừa trực tiếp dẫn đến hai cuộc kháng chiến của nhân dân ta, chính là bản chất hiếu chiến xâm lược của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, chứ không phải một lý do nào khác, càng không phải do Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Còn nói rằng, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là nguyên nhân dẫn đến hai cuộc chiến tranh đẫm máu ở Việt Nam là một sự đổi trắng thay đen một cách trơ trẽn, một sự ngụy biện, bênh che cho các thế lực thực dân, đế quốc hiếu chiến và xâm lược. (5) Phủ nhận thành quả Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đồng nghĩa với phủ nhận một trong những trang sử hào hùng nhất của dân tộc Việt Nam; phủ nhận công lao, sự hy sinh xương máu của bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta; phủ nhận vai trò lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo đất nước của Đảng ta.

Do sự cố chấp, định kiến và thiếu nhạy bén về chính trị, nên các quan điểm trên đã tụt hậu, không theo kịp sự phát triển của nhận thức và thực tiễn đời sống chính trị trong nước và quốc tế hiện nay. Họ nhắm mắt làm ngơ trước những hiện thực sinh động của đất nước, nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bằng tinh thần quật cường và anh dũng, đã chiến đấu và hy sinh vô cùng gian khổ mới giành được độc lập dân tộc, tự do cho Tổ quốc.

Sự lỗi thời về mặt thực tiễn. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Việt Nam là một nước thuộc địa nửa phong kiến, nghèo nàn và lạc hậu, không có tên trên bản đồ thế giới; trình độ dân trí thấp, với 95% dân số không biết viết, không biết đọc. Nạn đói năm 1945 do phát xít Nhật gây ra đã cướp đi sinh mạng của hơn hai triệu người, bằng khoảng 10% dân số của cả nước vào thời điểm ấy. Nhưng ngay sau khi tuyên bố độc lập, ngày 03/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nêu sáu nhiệm vụ cấp bách: trong đó, cứu đói là nhiệm vụ hàng đầu và phong trào “diệt giặc đói” được triển khai ngay. Biện pháp cơ bản để giải quyết tận gốc nạn đói là tăng gia sản xuất. Khẩu hiệu “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa!”, “Không để một tấc đất bỏ hoang”, “Tấc đất tấc vàng”,... trở thành hành động thực tế của toàn Đảng, toàn dân. Kết quả là, đầu năm 1946, sản lượng hoa màu tăng gấp bốn lần so với thời kỳ Pháp thuộc; giặc đói đã được đẩy lùi, tài chính bước đầu được gây dựng lại. Chiến thắng giặc đói là một trong những thành tựu lớn đầu tiên của Nhà nước cách mạng non trẻ; thể hiện tính ưu việt của chế độ mới, của chính quyền nhân dân, góp phần củng cố khối liên minh công nông vững mạnh. Uy tín của Đảng và Chính phủ ngày càng được nâng cao; nhân dân càng thêm tin tưởng, gắn bó và quyết tâm bảo vệ chính quyền cách mạng.

Cùng với đó, Nhà nước còn vận động toàn dân xây dựng nền văn hóa, nếp sống mới, xóa bỏ văn hóa nô dịch của chế độ thực dân, phong kiến; phát triển phong trào bình dân học vụ. Chỉ trong vòng một năm, từ 08/9/1945 - 08/9/1946, trên toàn quốc đã tổ chức được 75.805 lớp học với hơn 97.664 giáo viên, xóa mù chữ cho 2.520.673 người. Tiếng Việt được chính thức dùng trong hệ thống trường học. Công tác y tế, vệ sinh phòng bệnh cũng được quan tâm, v.v. Rõ ràng, nếu không có Cách mạng Tháng Tám năm 1945, không có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh thì “giặc đói”, “giặc dốt” không thể bị đẩy lùi chỉ trong thời gian rất ngắn như vậy.

Với những thành tựu đã giành được trong 76 năm qua, mà khởi đầu từ thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, toàn diện, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Điều đó đã khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Những thành tựu trên đã bác bỏ sự bịa đặt hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cố tình phủ nhận những thành quả cách mạng mà chúng ta đã đạt được.

Sự lỗi thời về tư duy chính trị. Các quan điểm sai trái trên đã thể hiện một tư duy chính trị thiển cận, không sắc sảo, thiếu nhạy bén. Thiển cận thể hiện ở cách nhìn hẹp hòi, vụ lợi, không thấy được giá trị toàn cục và lợi ích chung mà Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mang lại. Không sắc sảo ở chỗ bám vào giáo điều cổ hủ, lạc hậu để xem xét, đánh giá hiện thực sinh động của đất nước, tự tách mình khỏi dân tộc và thời đại. Thiếu nhạy bén, vì cố chấp và không vượt qua được những thiên kiến cá nhân để hòa vào đời sống đất nước và cộng đồng quốc tế đang trong thời kỳ hội nhập sâu rộng, toàn diện hiện nay.

Thực tiễn lịch sử và lý luận ngày càng minh chứng giá trị, ý nghĩa to lớn của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đối với toàn thể dân tộc Việt Nam. Thế lực thù địch dù có dùng mọi thủ đoạn, luận điệu cũng không thể phủ nhận được thực tế khách quan này.

PGS, TS. PHAN TRỌNG HÀO, Hội đồng Lý luận Trung ương
_______________

1 - C. Mác và Ph. Ăngghen – Toàn tập, Tập 2, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 18.

2 - So sánh ẩu (faulty analogy) là một phương pháp của ngụy biện.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.