Thứ Bảy, 23/11/2024, 10:39 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” trong Quân đội được các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh, bằng nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả. Qua đó, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết quân - dân ngày càng bền chặt, tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và Quân đội. Đó là điều không thể phủ nhận, là minh chứng bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc, chia rẽ mối quan hệ đoàn kết quân - dân.
Thông qua Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” đã tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của Quân đội, địa phương. Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Đi sâu tuyên truyền làm rõ, vạch trần những âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” Quân đội hoặc lợi dụng các vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền”, sự cố môi trường, tranh chấp đất đai ở một số địa phương để kích động, chia rẽ mối quan hệ máu thịt quân - dân của các thế lực thù địch.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã tích cực tham gia giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Toàn quân đã triển khai thực hiện Phong trào thi đua gắn với các chương trình, mục tiêu quốc gia, các cuộc vận động lớn của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quân đội, địa phương; tích cực tham gia giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn, v.v. Trong đó, tiêu biểu là Phong trào thi đua “Quân đội chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; Chương trình “Kết hợp quân dân y”; các mô hình: “Bò giống cho người nghèo”, “Con nuôi đồn Biên phòng”, “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, “Ngôi nhà 100 đồng”, “Mái ấm Công đoàn - nghĩa tình đồng đội”, “Mái ấm tình thương”, “Tết quân dân” và nhiều mô hình mới, sát với thực tiễn ở từng cơ quan, đơn vị trong toàn quân1. Điểm nổi bật là, Phong trào thi đua đã đi sâu vào các địa bàn trọng điểm về quốc phòng - an ninh, tích cực tham gia các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; giúp đỡ nhân dân định canh, định cư, hỗ trợ giống, vốn sản xuất, khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, xây dựng các điểm sáng văn hóa vùng cao biên giới, hải đảo, góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Trong tiến hành, các đơn vị luôn chú trọng đổi mới nội dung, hình thức, mở rộng phạm vi và đối tượng công tác dân vận; thực hiện tốt hình thức tổ, đội công tác, kết nghĩa, hành quân dã ngoại làm công tác dân vận. Đồng thời, phát triển các mô hình mới, sáng tạo, hiệu quả, như: “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển”, v.v. Phát huy các mô hình: “Gắn kết giữa các thôn làng”, “Gắn kết giữa cặp hộ gia đình”, “Đơn vị Dân quân tự vệ làm công tác dân vận giỏi”, “Mái ấm cho người nghèo biên giới, hải đảo”, “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, “Nâng bước em đến trường”, Chương trình “Trái tim cho em”; Hành trình “Quân đội chung tay vì người nghèo”, “Giọt máu nghĩa tình”, “Bếp ăn từ thiện”; chương trình kết hợp quân dân y hoạt động hiệu quả, góp phần chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ Quân đội luôn đi đầu giúp đỡ nhân dân trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn, coi đó là nhiệm vụ “chiến đấu” trong thời bình. Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Bộ Quốc phòng đã tham mưu với Chính phủ về công tác phòng, chống dịch bệnh; tổ chức diễn tập, chỉ đạo các đơn vị tăng cường chốt chặn, kiểm soát đường mòn, lối mở trên các tuyến biên giới và tổ chức cách ly, điều trị tập trung; phối hợp với địa phương phong tỏa, cách ly, tiêu độc, khử trùng, dập dịch tại các ổ dịch; thành lập các tổ, đội cơ động phòng, chống dịch tại các đơn vị toàn quân, lập các bệnh viện dã chiến, sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân2. Đáng chú ý, các cơ quan, đơn vị Quân đội đã tổ chức tốt hoạt động giao lưu hữu nghị quốc phòng hằng năm; tổ chức thăm, khám bệnh, cấp thuốc, cứu hộ, cứu nạn giúp nhân dân vùng biên giới các nước láng giềng khi có thiên tai, sự cố. Trong tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, cán bộ, chiến sĩ Quân đội luôn phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, vận dụng linh hoạt công tác dân vận đối với nhân dân các nước sở tại được người dân ngưỡng mộ và quý mến, bạn bè quốc tế đánh giá cao. Qua đó, góp phần thực hiện tốt công tác đối ngoại quốc phòng, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, phát triển. Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” đã tạo động lực để cơ quan quân sự các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương; phối hợp với các lực lượng chức năng tích cực phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả mọi mưu đồ chia rẽ Quân đội với nhân dân, các loại tội phạm, các hoạt động vi phạm chủ quyền quốc gia khu vực biên giới, trên biển,… góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, vì sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần tích cực xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo, vùng biên giới, biển, đảo. Chú trọng làm tốt việc tuyển chọn, gọi thanh niên nhập ngũ, cử tuyển quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự đi đào tạo ở các nhà trường Quân đội; đào tạo thiếu sinh quân, bồi dưỡng tạo nguồn hàng nghìn cán bộ, đảng viên là con em đồng bào các dân tộc thiểu số cho địa phương; phối hợp bồi dưỡng, giáo dục kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng học viên, học sinh, sinh viên, chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong các dòng họ3. Đồng thời, phối hợp với các địa phương giới thiệu cán bộ Quân đội tham gia cấp ủy, chính quyền địa phương và đảm nhiệm các chức danh chủ chốt trong cấp ủy, chính quyền cấp xã; giúp đỡ địa phương củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo, địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh. Nhờ đó, nhiều cơ sở địa phương từ yếu kém đã vươn lên khá và vững mạnh, “xóa” tình trạng “trắng đảng viên” ở nhiều thôn, bản4.
Thực tiễn sinh động trên cho thấy, Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” của Quân đội đã góp phần quan trọng tăng cường mối quan hệ máu thịt quân - dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc và làm phá sản âm mưu, thủ đoạn chia rẽ mối đoàn kết quân - dân của các thế lực thù địch.
Thời gian tới, càng đến gần Đại hội XIII của Đảng, các thế lực thù địch càng ra sức chống phá, chia rẽ mối quan hệ đoàn kết giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước và Quân đội, với nhiều âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi, thâm độc, xảo quyệt. Nếu không tỉnh táo và có biện pháp phòng, chống phù hợp, rất dễ bị chúng lợi dụng, kích động, lôi kéo, phá vỡ tình cảm tốt đẹp quân - dân và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì thế, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần phát huy hơn nữa hiệu quả Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt”, tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Nghị quyết số 49-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Quân đội trong tình hình mới; Quy chế công tác dân vận của Quân đội. Hai là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp; phát huy dân chủ, giữ vững đoàn kết, tập trung trí tuệ tập thể, đề cao trách nhiệm, vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ chủ trì, chủ chốt và mỗi cán bộ, đảng viên trong thực hiện phong trào thi đua ở cơ sở. Gắn kết quả thực hiện công tác dân vận của cơ quan, đơn vị với đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ các cấp, coi việc tiến hành công tác dân vận vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm chính trị của mỗi quân nhân. Ba là, nâng cao hiệu quả tham mưu, hướng dẫn của cơ quan chính trị trong phối hợp thực hiện Phong trào thi đua hiệu quả, bền vững, có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội. Bốn là, chủ động nâng cao hiệu quả công tác phối hợp để tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện Phong trào thi đua; tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp công tác dân vận với Ban Dân vận Trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội thông qua các chương trình đã ký kết, nhất là trong tham mưu xử lý các tình huống phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên từng địa bàn. Năm là, thực hiện tốt Quy chế Dân chủ cơ sở, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức quần chúng và Hội đồng quân nhân, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao trong thực hiện nhiệm vụ. Duy trì nghiêm nền nếp, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Sáu là, tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp tổ chức thực hiện giữa các cấp, các ngành trong và ngoài Quân đội. Duy trì tốt nền nếp chế độ kiểm tra, nắm tình hình, đánh giá, sơ kết, tổng kết Phong trào thi đua; thực hiện tốt công tác khen thưởng, nhất là các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác dân vận.
Thiếu tướng NGÔ THANH HẢI, Cục trưởng Cục Dân vận _______________
1 - Trong 5 năm (2016 - 2020), toàn quân đã tặng 6.396 Nhà Đại đoàn kết; 688 nhà từ mô hình “Ngôi nhà 100 đồng”; 267 nhà từ mô hình “Mái ấm tình thương”; 263 nhà từ mô hình “Mái ấm Công đoàn - nghĩa tình đồng đội”; mở 136 lớp tình thương xóa mù chữ, phổ cập tiểu học cho 2.758 học sinh; tặng 24.676 con bò giống.
2 - Trong 5 năm (2016 - 2020), toàn quân đã huy động trên hai triệu lượt cán bộ, chiến sĩ và Dân quân tự vệ; 56.819 trang bị, phương tiện; tổ chức cứu hộ, cứu nạn trên 7.500 vụ thiên tai, tai nạn, sự cố; cứu được trên 12.000 người và 7.563 phương tiện; chữa cháy 38.000 ha rừng, thảm thực vật; về phòng, chống dịch Covid-19, đã tổ chức được 150 khu vực cách ly tập trung với hơn 105.000 người nhập cảnh.
3 - Trong 5 năm (2016 - 2020), các đơn vị Quân đội phối hợp mở các lớp giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho hơn một triệu người, hơn 300 nghìn chức sắc, chức việc tôn giáo và gần 20 triệu học sinh, sinh viên; bồi dưỡng, phát triển hơn 15.000 đảng viên, đoàn viên, hội viên đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo.
4 - Trong 5 năm (2016 - 2020), các đơn vị Quân đội đã giúp đỡ địa phương củng cố 12.515 chi bộ và tổ chức chính trị - xã hội; đào tạo nghề 21.952 người, tạo việc làm 8.883 lao động; giúp hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới cho 867 xã, 126 huyện trên cả nước.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong Quân đội,Đoàn kết quân - dân
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm 07/11/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 30/10/2024
“Nhân quyền cao hơn chủ quyền” – sự đòi hỏi phi lý 07/10/2024
Phê phán quan điểm cho rằng đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là “thiếu khoa học, không khả thi” 30/09/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận tình đồng chí, đồng đội trong Quân đội ta 27/09/2024
Luận cứ đanh thép phản bác sự xuyên tạc đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng 26/09/2024
Phản bác luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam 16/09/2024
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân” 28/08/2024
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch 19/08/2024
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối 19/08/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm