Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Tư, 30/11/2011, 06:47 (GMT+7)
Phong trào “Chiếm phố Uôn” làm lung lay giá trị "dân chủ, nhân quyền" nước Mỹ

         Phố Uôn thuộc thành phố Niu Y-oóc, một trung tâm của giới tư bản tài chính, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ. Đây là nơi mà mới đây đã bùng phát phong trào biểu tình quần chúng rộng lớn, sôi động hiếm có, gọi là “Chiếm phố Uôn” (OWS). Phong trào OWS không chiếm được phố Uôn hay bất cứ đường phố nào khác của nước Mỹ; nhưng nó mang nhiều ý nghĩa, nói lên rất nhiều điều.

alt
Người biểu tình trong phong trào "chiếm Phố Wall". (Ảnh: AFP)

Phong trào OWS bộc lộ bản chất bóc lột, bất công, bất bình đẳng,... không thay đổi của xã hội tư bản.

 Có thể thấy rõ điều đó qua các khẩu hiệu của phong trào OWS: “Hãy chấm dứt bóc lột tầng lớp thường dân để trả cho kẻ giàu !”, “Ngân hàng được cứu giúp, chúng tôi bị bán rẻ !”. Khẩu hiệu thường thấy nhất: “Chúng tôi là 99%” – họ coi mình là đại diện của 99% dân số Mỹ bị thiệt thòi phải đứng lên chống lại 1% là những kẻ giàu có, tham lam đang ngự trị trên phố Uôn, khiến cho bất bình đẳng và bất công xã hội Mỹ ngày càng tăng cao. Những người tổ chức phong trào còn ra tờ báo “Chiếm phố Uôn”; trong đó, tố cáo “sự lộng hành của giai cấp thống trị”, “sự xa hoa của giới tài phiệt trong khi quần chúng đang bần hàn”, “sự ăn cướp không phải bằng súng đạn mà bằng các công cụ tài chính”. Nhà làm phim nổi tiếng Michael Moore, một trong những người tham gia phong trào OWS, dẫn ra các con số: 400 người Mỹ giàu nhất có nhiều tài sản hơn tổng tài sản của hơn 150 triệu người Mỹ khác; 50 triệu người Mỹ không có bảo hiểm y tế; hơn 46 triệu người Mỹ sống trong nghèo khổ; từ 13 đến 18 triệu trẻ em Mỹ thiếu dinh dưỡng,… Báo cáo của Cơ quan Dân số Mỹ mới đây cũng công bố các số liệu phản ánh rõ tình trạng nghèo khổ và phân hoá xã hội ngày càng tăng ở nước này: gần 50 triệu người Mỹ thuộc diện nghèo, khoảng 20 triệu người thuộc diện đặc biệt nghèo (thu nhập không quá 5.500 USD/năm); 1/6 người già ở Mỹ sống trong nghèo khổ. Tỷ lệ trẻ em nghèo khổ năm 2010 chiếm 22%, từ năm 2000 trở lại đây có 6 triệu người bị mất việc làm… Trả lời phỏng vấn của đài BBC, một thanh niên thuộc tổ chức “We are change” đã nói: “CNTB kiểu Mỹ đã lấy đi hết của cải của xã hội, tàn phá môi trường sống, bóc lột người lao động, trong khi phần đông dân chúng còn lại phải gánh chịu hậu quả do nhóm 1% này gây ra”. Cũng theo hãng BBC, ngày 19-10-2011, giáo sư nổi tiếng Jefferey Sachs của trường Đại học Columbia ở Niu Y-oóc nói rằng: “Chính quyền và cơ chế hiện nay của Hoa Kỳ, và có thể là của thế giới tư bản nói chung là của 1%, do 1 % và vì 1 %,... Những vấn đề kinh tế và xã hội hiện nay của Hoa Kỳ trải dài qua các đời tổng thống của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà. Cả hai đảng này đều có những chính sách thiên vị với giới giàu mà thiếu những cải cách chính trị, bị tố cáo là không muốn giải quyết các vấn đề vì sợ bị ảnh hưởng đến các nhà tài trợ cho các chiến dịch tranh cử của họ, mà phố Uôn đóng vai trò trung tâm”. Giáo sư Sachs cho rằng: “giải pháp là phải tách tiền ra khỏi chính trị; bởi, người ta có thể mua các chính trị gia một cách hợp pháp tại Hoa Kỳ và vì những người ủng hộ giới tài phiệt đã có mặt tại các Toà án Tối cao Hoa Kỳ chứ không chỉ trong Chính phủ và Quốc hội”.

Vậy là, trong khi có những người không ngớt lời ca ngợi hệ thống chính trị “tam quyền phân lập” ở Mỹ là độc lập, là dân chủ, là công bằng,…  thì chính những trí thức nổi tiếng ở Mỹ lại thấy rõ và vạch trần thẳng thừng bản chất của nhà nước ấy, chính quyền ấy chỉ là của thiểu số (1%) đại diện cho lợi ích của giới tài phiệt phố Uôn. Chính vì bản chất chính quyền như vậy, nên mặc cho nước Mỹ lâm vào khủng hoảng tài chính, nợ công hàng ngàn tỷ USD, tình trạng nghèo khổ, thất nghiệp tăng cao (khoảng 9%), thì chính quyền vẫn dành ưu tiên cho ngân sách quân sự, quốc phòng (khoảng 700 tỷ USD/năm) và thường theo đuổi các cuộc chiến tranh bên ngoài nước Mỹ. Trong phong trào OWS, người ta thấy hàng trăm cựu chiến binh mặc quân phục cũng xuống đường tham gia biểu tình. Họ bày tỏ sự giận giữ vì từ sau khi trở về từ chiến trường I-rắc không tìm được việc làm; nhiều người tố cáo các tập đoàn tài chính phố Uôn đã đóng vai trò chính và thu được những khoản lợi nhuận khổng lồ từ các cuộc chiến tranh ở I-rắc, ở Áp-ga-ni-xtan và nhiều nơi khác trên thế giới.

Chính vì những vấn đề thuộc bản chất không thay đổi nêu trên, những người tham gia phong trào OWS đòi hỏi: “Cần chấm dứt hệ thống tư bản hiện nay, đó là hệ thống tàn ác”, và rằng: "hệ thống đó được dựng lên để 1% những người giàu nhất nhận 40% chiếc bánh… TBCN cần được thay bằng một hệ thống trong đó người dân có quyền tham gia vào việc sắp đặt, điều hành hệ thống và "chiếc bánh"  phải được chia đều hơn”. Nhiều người tham gia phong trào OWS tại thành phố Boston cũng cho rằng, xã hội Mỹ hiện nay “đang có sự tồn tại từ trong hệ thống, chắc chắn hệ thống hiện nay trong xã hội Mỹ đang có những sai lầm và bây giờ là thời điểm phải thay đổi chúng”.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã và đang có rất nhiều nỗ lực để chèo chống cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế từ 2008 đến nay, như dự định tăng thuế đối với các triệu phú để làm dịu bớt khủng hoảng và nỗi bất bình của quần chúng nhân dân. Nhưng, để khắc phục một cách triệt để tình hình hiện nay thì đó là điều không tưởng. Bởi, những tồn tại, sai lầm này là “từ trong hệ thống”, từ trong bản chất của CNTB, dù nó đã và đang không ngừng điều chỉnh để thích nghi.

Phong trào OWS làm lung lay những giá trị dân chủ, nhân quyền của Mỹ.

Các chính quyền ở Oa-sinh-tơn đều coi “giá trị dân chủ, nhân quyền” của họ là một trong những trụ cột chính trong chính sách đối nội, đối ngoại, và họ thường tìm mọi cách áp đặt những giá trị ấy lên các nước để thực hiện vai trò “lãnh đạo” thế giới. Qua phong trào OWS, có thể thấy gì về những “giá trị dân chủ, nhân quyền” của Mỹ ?

Không thể phủ nhận rằng, ở góc độ nào đó, Mỹ và một số nước tư bản phát triển trên thế giới đã đạt đến trình độ khá cao về dân chủ, nhân quyền. Chính vì thế mà người Mỹ đã phát huy “dân chủ” và sử dụng quyền biểu tình để tham gia phong trào OWS đông đảo đến như vậy. Về hình thức mà nói, ít ai dám bảo ở nước Mỹ không có “dân chủ, nhân quyền”. Nhưng cái hay, cái độc đáo là ở chỗ, người Mỹ đã sử dụng hình thức “dân chủ, nhân quyền” ấy để đấu tranh, để phơi bày những vấn đề nhức nhối của một chế độ xã hội, mà về bản chất là phản dân chủ, phản nhân quyền của tuyệt đại đa số người trong xã hội. Làm sao có được “dân chủ, nhân quyền”, hay “bình đẳng, bác ái” thực sự trong một xã hội mà chính quyền là “của 1%, do 1 % và vì 1%”, và 1% ấy chiếm đến 40% chiếc bánh như chính người Mỹ đã tố cáo! Làm sao có được “dân chủ, nhân quyền” thực sự khi mà người ta có thể dùng tiền “mua các chính trị gia”, khi mà hệ thống “tam quyền phân lập” đều bị chi phối bởi giới tài phiệt phố Uôn! Làm sao có được “dân chủ, nhân quyền” thực sự khi mà những bất công, bất bình đẳng và tỷ lệ người thất nghiệp, nghèo khổ ở nước Mỹ lại cao như vậy? Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng phải thừa nhận, nói lên rằng phong trào OWS  "bắt nguồn từ tâm trạng thất vọng của giới bình dân với giới "ăn trên ngồi chốc" trong xã hội Mỹ, được nhân lên bởi cảm giác bất công, nỗi lo thất nghiệp và niềm tin vào triển vọng kinh tế đất nước hoàn toàn tan vỡ".

Các nguồn tin từ Mỹ cho hay, hôm 02-10-2011, có hơn 700 người trong phong trào OWS bị cảnh sát bắt giữ ở Niu Y-oóc. Nhóm “Chiếm thành phố Boston” cũng bị bắt 129 người với lý do gây rối hay cản trở giao thông. Hôm 04-11-2011, phong trào OWS tại thành phố Oakland, bang California có 7.000 người xuống đường biểu tình. Bạo lực bùng phát khi cảnh sát đã dùng hơi cay và khí ga để giải tán người biểu tình khi họ có những hành động quá khích; có 4 người biểu tình và một số cảnh sát bị thương phải đưa vào bệnh viện. Điều đó cho thấy “tự do, dân chủ, nhân quyền” của Mỹ không phải là vô hạn độ, không phải muốn làm gì thì làm như nhiều người lầm tưởng, mà phải trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Pháp luật Mỹ cho phép người dân biểu tình, có thể trưng băng rôn, hô khẩu hiệu “Chiếm phố Uôn” nhưng chắc chắn không bao giờ để cho mọi người dùng bạo lực “Chiếm phố Uôn” một cách thực sự.

Phong trào OWS không thể, cũng không có ý định thực sự “chiếm phố Uôn”, nhưng rõ ràng nó đã làm bộc lộ những vấn đề thuộc bản chất không thay đổi, không thể khắc phục được của xã hội tư bản. Phong trào OWS cũng không phủ nhận được những giá trị “dân chủ, nhân quyền” của Mỹ, nhưng ít nhất cũng làm lung lay những giá trị ấy, làm cho người ta thấy rõ hơn bản chất của “dân chủ, nhân quyền” Mỹ là gì khi mà họ vẫn cứ cố tình áp đặt cho nước khác!     

Thực ra, những vấn đề thuộc bản chất của chế độ xã hội TBCN đã được các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lê-nin nêu ra từ hàng trăm năm trước và đã được thực tế lịch sử cũng như đương đại chứng minh.  Nhưng, do CNTB không ngừng điều chỉnh, do những biến cố lịch sử; do tính chất gay go, phức tạp của cuộc đấu tranh giai cấp trên phạm vi toàn thế giới, mà không ít người đã lầm tưởng CNTB đã thay đổi bản chất, đã tốt đẹp, đã trở thành “điểm đến cuối cùng” của xã hội loài người; “dân chủ, nhân quyền” của Mỹ là “khuôn vàng thước ngọc” mà mọi nước phải theo; v.v. và v.v.

Trong tình hình như vậy, phong trào OWS với sự tham gia của hàng vạn người, đại diện cho tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của 99% người Mỹ và những nước tư bản khác. Ở đó, người ta khẳng định lại và làm bộc lộ rõ những vấn đề thuộc bản chất vốn có của chế độ xã hội tư bản là: “của 1%, do 1% và vì 1%”, là nền chính trị bị chi phối bởi giới tài phiệt, là tàn ác, bóc lột người lao động, là bất công, là tàn phá môi trường sống, v.v. và đòi phải “chấm dứt hệ thống tư bản hiện nay..., phải thay bằng một hệ thống khác” tốt đẹp hơn. Điều đó mang nhiều ý nghĩa. Nó chứng tỏ CNTB, dù đã phát triển đến cao độ, dù đã không ngừng điều chỉnh để thích nghi nhưng bản chất không bao giờ thay đổi, không thể là điểm đến cuối cùng của xã hội loài người.

Vậy là, chính những người Mỹ tham gia phong trào OWS đã góp phần truyền thêm cảm hứng, củng cố thêm niềm tin vào lý tưởng, vào con đường mà Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam đã lựa chọn. Đó là lý tưởng, là con đường xây dựng một chế độ xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, chính quyền thực sự là “của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”.

NGUYỄN TRUNG

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.