Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Năm, 13/06/2024, 09:39 (GMT+7)
Phê phán biểu hiện lười học tập lý luận chính trị trong đội ngũ sĩ quan trẻ

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) xác định lười học tập lý luận chính trị là một biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên. Đáng tiếc, trong đội ngũ sĩ quan trẻ của Quân đội, có một bộ phận mắc phải căn “bệnh” này, với nhiều biểu hiện và ở nhiều cấp độ khác nhau. Đây là điều hết sức nguy hại, cần phải phê phán, đấu tranh và kịp thời khắc phục.

Trong cơ cấu cán bộ Quân đội hiện nay, sĩ quan trẻ là một bộ phận chiếm số lượng đông trong đội ngũ sĩ quan toàn quân, được đào tạo cơ bản, đã và đang có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Về cơ bản, đội ngũ sĩ quan trẻ Quân đội có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống tốt, tiên phong trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ; luôn tự giác, nêu gương trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng và nhiệt huyết, khát khao cống hiến,... góp phần gìn giữ và phát huy phẩm chất, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”. Tuy nhiên, một số sĩ quan trẻ có biểu hiện lười học tập lý luận chính trị - một biểu hiện rất nguy hại, thể hiện sự suy thoái về tư tưởng chính trị, cần kiên quyết đấu tranh, khắc phục.

Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động của mô hình “Câu lạc bộ lý luận trẻ” ở Trường Sĩ quan Chính trị. Nguồn: dangcongsan.vn

Một trong những biểu hiện rõ nhất là, chưa nhận thức đúng về vai trò, tầm quan trọng của lý luận chính trị, coi việc học tập chính trị là “nhồi sọ”, “phù phiếm”, “lãng phí thời gian”. Trong học tập chính trị, nghiên cứu, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng theo hình thức tập trung thì chưa thật sự coi trọng, chấp hành kỷ luật học tập không nghiêm, còn biểu hiện thái độ thờ ơ, thiếu tích cực. Khi kiểm tra kết quả học tập, thì làm qua loa, chiếu lệ, copy, thậm chí nhờ người làm hộ tiểu luận, thu hoạch, v.v. Đặc biệt, việc tự học tập, nghiên cứu còn rất hạn chế, ít đọc, ít viết, chưa thực sự tích cực tìm hiểu, nghiên cứu sâu về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để phục vụ cho công việc được giao. Bên cạnh đó, một số cán bộ khi được cử tham gia các lớp học về lý luận chính trị có biểu hiện “đánh trống ghi tên”, đi học cho “có mặt” để điểm danh, học tập cốt để lấy bằng cấp nhằm “hợp lý hóa” điều kiện đề bạt, bổ nhiệm,… nên thiếu ý thức tự giác trong học tập, rèn luyện, dẫn đến “học thật, văn bằng, chứng chỉ thật, nhưng kiến thức thì rỗng”, v.v. Báo cáo tổng kết thực hiện Chỉ thị số 124-CT/QUTW, chỉ rõ: “ý thức tự học, tự rèn, tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ,... nhất là vai trò nêu gương của một bộ phận cán bộ, đảng viên còn hạn chế”1. Những biểu hiện trên của một bộ phận cán bộ nói chung, sĩ quan trẻ nói riêng là rất nguy hại, trái với quy định của Đảng và Quân đội, dễ dẫn đến suy thoái, vi phạm tư cách, trách nhiệm người đảng viên, làm ảnh hưởng tiêu cực đến phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.

Điều nguy hại nhất là, do lười học tập lý luận nên cá biệt có sĩ quan trẻ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, không yên tâm công tác gắn bó với đơn vị, từ bỏ mục tiêu lý tưởng, nghề nghiệp mình đã chọn. Trước những vấn đề phức tạp của cuộc sống, sự chống phá của các thế lực thù địch, do thiếu kiến thức, non yếu về lý luận chính trị, một số sĩ quan trẻ lúng túng, thiếu lập luận để “giải tỏa” tư tưởng cho chính mình; dao động; thiếu nhạy bén chính trị, không nhận rõ đúng, sai; không đủ trình độ lý luận và cơ sở để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch; thậm chí còn ngộ nhận, “trở cờ”, từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bị dụ dỗ, mua chuộc, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, v.v.

 “Bệnh” lười học tập lý luận chính trị của một bộ phận sĩ quan trẻ không chỉ là nhận thức chưa đúng về vai trò của lý luận, mà còn thể hiện thái độ, trách nhiệm thiếu gương mẫu, tu dưỡng, rèn luyện; chưa thực hiện đúng nhiệm vụ, nghĩa vụ, trách nhiệm của người đảng viên. Thực tiễn đã khẳng định, lý luận là ngọn đuốc soi đường cho hành động, không có lý luận thì làm việc gì cũng mò mẫm, thiếu niềm tin. Việc học tập lý luận chính trị không chỉ cung cấp kiến thức, mà còn trang bị cho cán bộ, đảng viên phương pháp tư duy, giải quyết có hiệu quả những vấn đề thực tiễn cuộc sống đặt ra. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”2. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII, XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đều xác định, đảng viên có nhiệm vụ: “không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ kiến thức, năng lực công tác,…”3.

Như một tất yếu, hệ lụy của việc lười học tập lý luận chính trị nói chung, nghị quyết, chỉ thị của Đảng nói riêng ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thực hiện nhiệm vụ của bản thân và đơn vị. Do không nắm được đường lối, quan điểm của Đảng, chủ trương, biện pháp lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng dẫn đến tình trạng, một số nghị quyết của Đảng, của cấp ủy, tổ chức đảng dù rất đúng đắn, nhưng chậm được triển khai, tổ chức thực hiện kém hiệu quả. Việc tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền trong thực hiện nhiệm vụ thiếu thuyết phục, dẫn đến luôn tụt hậu, hoàn thành nhiệm vụ thấp, thậm chí không hoàn thành nhiệm vụ; có trường hợp hiểu sai, làm trái với đường lối, nghị quyết của Đảng, vi phạm kỷ luật đến mức phải bị xử lý, làm ảnh hưởng đến việc xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: nhiều cán bộ, đảng viên của ta “Vì kém lý luận, cho nên gặp mọi việc không biết xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử trí cho khéo. Không biết nhận rõ điều kiện hoàn cảnh khách quan, ý mình nghĩ thế nào làm thế ấy. Kết quả thường thất bại”4. Vì thế, việc học tập lý luận chính trị có vai trò hết sức quan trọng; là công việc cần thiết, cấp bách, thường xuyên và lâu dài.

Biểu hiện lười học tập lý luận chính trị của sĩ quan trẻ có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, song chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân chủ quan. Đó là do nhận thức, động cơ học tập chưa đúng đắn; không thấy được việc học tập là nhu cầu tự thân để nâng cao tri thức, hoàn thiện nhân cách, phương pháp, tác phong, hiệu quả công tác, giúp cho bản thân ngày càng tiến bộ hơn. Vì vậy, để đấu tranh phê phán, đẩy lùi biểu hiện lười học tập lý luận chính trị của một bộ phận sĩ quan trẻ, trước hết, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tăng cường đấu tranh với những động cơ, nhận thức lệch lạc; đồng thời, tập trung giáo dục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc học tập lý luận chính trị trong Quân đội. Lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần coi trọng giáo dục cho đội ngũ sĩ quan trẻ nhận thức sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của lý luận chính trị với quá trình xây dựng Quân đội; thấy rõ, việc học tập lý luận chính trị cần đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, sự quản lý, điều hành của chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp. Và học tập lý luận chính trị là nghĩa vụ và quyền lợi của mọi quân nhân, mọi tổ chức, phải chấp hành nghiêm Quy chế Giáo dục chính trị và nghị quyết, chỉ thị của Đảng.

Cùng với đấu tranh, phê phán, nâng cao nhận thức cho đội ngũ sĩ quan trẻ, cần đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện công tác giáo dục lý luận chính trị trong đơn vị. Chúng ta biết, đặc thù nội hàm của lý luận chính trị thường khô cứng, kém hấp dẫn và rất khó nhập tâm để tiếp thu,... trong khi nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục vấn đề này hiện nay còn bộc lộ nhiều bất cập. Vì vậy, để góp phần phê phán, đấu tranh khắc phục “bệnh” lười học tập nghiên cứu, các cơ quan, đơn vị cần tập trung “Đổi mới căn bản nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận với thực tiễn”5. Theo đó, nội dung, chương trình cần hướng vào làm sáng tỏ những vấn đề mới, cấp thiết của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong tình hình mới. Gắn nội dung lý luận chính trị với giải quyết những nhiệm vụ cụ thể của đơn vị; giữa giáo dục lý luận chính trị với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới; giáo dục đạo đức, lối sống, chấp hành kỷ luật, nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác của đội ngũ sĩ quan trẻ. Phương pháp giáo dục lý luận chính trị cần theo hướng hiện đại, khơi dậy tinh thần tự học, đổi mới tư duy của đội ngũ sĩ quan trẻ; kiên quyết chống bệnh giáo điều, lý luận suông. Việc đánh giá học tập phải thực chất, lấy kết quả làm tiêu chí đánh giá khả năng hoàn thành nhiệm vụ của đội ngũ sĩ quan trẻ. Thực hiện tốt công tác tổng kết, rút kinh nghiệm hoạt động giáo dục lý luận chính trị để có giải pháp bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thực hiện công tác giáo dục lý luận chính trị có đủ phẩm chất, năng lực, có trình độ lý luận chính trị sâu sắc, bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng, thực tiễn, kinh nghiệm hoạt động phong phú, năng lực sư phạm tốt, có đủ “tâm”, “trí”, “tầm” để lôi cuốn người học.

Thực tiễn cho thấy, biểu hiện lười học tập nêu trên không chỉ do nhận thức của cá nhân và những hạn chế trong tiến hành giáo dục của từng tổ chức, mà còn xuất phát từ phương pháp, tác phong, suy nghĩ giản đơn, ham chơi, thiếu ý chí vươn lên của một bộ phận sĩ quan trẻ. Vì thế, đi liền với phê phán, đấu tranh với căn “bệnh” này đòi hỏi các cơ quan, đơn vị phải hướng cho đội ngũ sĩ quan trẻ thường xuyên, tự giác xác định đúng động cơ, mục đích, tích cực học tập lý luận chính trị. Thông qua nhiều biện pháp phong phú, sáng tạo và từ thực tiễn hoạt động quân sự, quốc phòng ở đơn vị để đội ngũ sĩ quan trẻ thấm sâu: việc học tập là suốt đời, kiến thức được trang bị ở nhà trường là cơ bản, nền tảng để trên cơ sở đó tự học, tự nghiên cứu, “phải lấy tự học làm cốt”, để không bị lạc hậu. Quá trình học tập lý luận chính trị phải có phương pháp phù hợp, có thái độ khiêm tốn, cầu thị, học mọi lúc, mọi nơi. Học lý luận chính trị không phải chỉ để bổ sung, cập nhật kiến thức, mà còn gắn với cải tạo tư tưởng, làm cho tư tưởng ngày càng tích cực, quyết tâm, ý chí, bản lĩnh ngày càng cao, phương pháp, tác phong ngày càng hoàn thiện. Để đạt hiệu quả, mỗi sĩ quan trẻ phải có kế hoạch học tập, coi đó là một nhiệm vụ quan trọng của mình; phải kiên quyết chống tư tưởng kiêu ngạo, chủ quan.

Đội ngũ sĩ quan trẻ là lực lượng kế cận, kế tiếp; lực lượng chính trong tổ chức, giáo dục, huấn luyện, rèn luyện bộ đội và thực thi nhiệm vụ xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Vì vậy, những biểu hiện lười học tập lý luận chính trị trong đội ngũ sĩ quan trẻ rất nguy hại đối với quá trình rèn luyện, phấn đấu, do đó cần phê phán và đẩy lùi bằng tổng thể các giải pháp là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên, lâu dài, nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội ngang tầm nhiệm vụ.

TS. VŨ VĂN BÁCH, Trường Sĩ quan Chính trị
___________________
        

1 - Báo cáo tổng kết Chỉ thị số 124-CT/QUTW, ngày 31/3/2011 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới và 10 năm thực hiện Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”, tr. 12.

2 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 273 - 274.

3 - Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 08.

4 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 274.

5 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 2, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 235.

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.