Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Hai, 17/02/2014, 20:59 (GMT+7)
Pháp luật và vấn đề đảm bảo quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam

Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo. Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và hệ thống pháp luật hiện hành luôn đề cao quyền con người, khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Trên thực tế, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam vẫn diễn ra bình thường, các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật, trái với những xuyên tạc của một số cá nhân, nhóm người có dụng ý xấu trên mạng in-tơ-nét và một số phương tiện truyền thông của nước ngoài.

Pháp luật do nhà nước ban hành. Chấp hành pháp luật là quy định bắt buộc đối với mọi tổ chức, công dân, không phân biệt tôn giáo, dân tộc, địa vị xã hội; bất kỳ ai vi phạm cũng đều bị xử lý theo pháp luật. Thực tiễn trên thế giới cho thấy: không có hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo (TN,TG) nào đứng ngoài pháp luật nhà nước.

Ở Việt Nam, quyền tự do TN,TG của công dân được quy định rõ trong Hiến pháp, pháp luật. Đó là công cụ để Nhà nước thực hiện quyền quản lý kinh tế, xã hội, văn hóa, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội; là phương tiện để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo đảm công bằng xã hội. Nhìn lại hệ thống pháp luật liên quan đến tôn giáo của nước ta sẽ thấy, có sự phát triển không ngừng và ngày càng hoàn thiện. Từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời (năm 1945) đến nay, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tôn giáo và hoạt động TN,TG; các văn bản đó đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống pháp luật của Nhà nước. Nổi bật là Pháp lệnh TN,TG được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khoá IX) thông qua ngày 18-6-2004; đó là dấu mốc quan trọng tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện TN,TG. Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam cũng đã ban hành nhiều luật liên quan trực tiếp đến bảo đảm quyền con người, quyền tự do TN,TG, như: Luật Thi hành án, Luật Tố cáo, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, v.v.

Đặc biệt là, Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam được thông qua tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội (khóa XIII) đã có nhiều nội dung mới được bổ sung. Nổi bật là bổ sung các quy định về quyền con người; trong đó, đã khẳng định rõ hơn việc bảo đảm quyền tự do TN,TG của nhân dân. Điều 16 của Hiến pháp nêu rõ: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”. Điều 24 khẳng định: “Mọi người có quyền tự do TN,TG, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do TN,TG. Không ai được xâm phạm tự do TN,TG hoặc lợi dụng TN,TG để vi phạm pháp luật”. Hiến pháp còn xác định rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước trong việc tôn trọng, bảo đảm thực hiện quyền con người, trong đó có quyền tự do TN,TG của công dân. Điều 2 xác định: “Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. Chương VII về Chính phủ và Chương VIII về Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, đều thể hiện rõ trách nhiệm bảo vệ quyền công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Nghĩa là, bộ máy Nhà nước được lập ra để bảo vệ quyền con người.

Hiến pháp là đạo luật gốc là văn bản pháp lý - chính trị đặc biệt quan trọng. Hiến pháp cùng với hệ thống pháp luật thể chế hóa Cương lĩnh, quan điểm của Đảng, trong đó có bảo đảm quyền tự do TN,TG của nhân dân. Nghị quyết 25-NQ/TW, ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về công tác tôn giáo” đã xác định rõ nội dung, giải pháp bảo đảm quyền tự do TN,TG của nhân dân. Đảng ta xác định: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về TN,TG phù hợp với quan điểm của Đảng. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo; động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng TN,TG để mê hoặc, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc”1.

Điều đó cho thấy sự nhất quán trong đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta đối với vấn đề TN,TG; tạo môi trường pháp lý quan trọng trong việc thực hiện, bảo đảm quyền tự do TN,TG của công dân; không những đáp ứng nhu cầu TN,TG đang diễn ra rất phong phú trên thực tế, mà còn phù hợp với những điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Hiện nay, ở Việt Nam có 13 tôn giáo với 36 tổ chức tôn giáo và 1 pháp môn tu hành được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động, với khoảng 24 triệu tín đồ2. Nhìn chung, các tôn giáo hoạt động đúng pháp luật, theo phương châm “tốt đời, đẹp đạo”, “kính Chúa, yêu nước”, hướng thiện..., tín đồ và chức sắc các tôn giáo chấp hành nghiêm pháp luật, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương và đất nước.

Nhưng, vẫn có những người, nhóm người đội lốt tôn giáo hoặc mang nặng tư tưởng thù địch đã kích động giáo dân đòi cái gọi là “tự do tôn giáo”, hòng gây bất ổn chính trị - xã hội. Họ không thấy hoặc cố tình không thấy những thành tựu của đất nước, nhìn nhận phiến diện, thiếu thiện chí; rằng: Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013 “thực chất không có sửa đổi đáng kể nào trong các lĩnh vực chính trị và kinh tế”, cho rằng: “vẫn duy trì sự độc tôn và họ chối từ tất cả những khát vọng, những đòi hỏi dân chủ tự do của người dân...”. Vừa qua, có kẻ còn thể hiện “chính kiến” với các hãng thông tấn nước ngoài rằng: “Hiến pháp mới sửa đổi gạt ra ngoài những quyền lợi quan trọng của người dân”,... Lợi dụng chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, tự do TN,TG của Đảng và Nhà nước ta, các thế lực thù địch tiếp tục tuyên truyền, kích động gây chia rẽ, phá hoại cuộc sống bình yên của nhân dân. Âm mưu của chúng là chia rẽ, lôi kéo các tôn giáo vào hoạt động gây mất ổn định chính trị, làm cho nhân dân mất niềm tin vào Đảng và Nhà nước, hòng xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chuyển hóa chế độ XHCN ở Việt Nam. Thủ đoạn của chúng ngày càng tinh vi, thâm độc và nguy hiểm hơn. Chúng triệt để lợi dụng lòng tin của nhân dân vào đạo giáo và những khuyết điểm, hạn chế trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo ở một vài nơi của chính quyền cơ sở để xuyên tạc chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta; vu cáo chính quyền các cấp phân biệt đối xử với đồng bào tôn giáo, v.v.

Thời gian qua, đã xảy ra một số vụ lợi dụng tự do TN,TG để gây rối trật tự công cộng, đi ngược lại lợi ích của cộng đồng. Điển hình là các hành động lợi dụng trình độ văn hóa, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế để truyền đạo trái pháp luật, tuyên truyền mê tín, dị đoan; các vụ tranh chấp, khiếu kiện đòi đất xây dựng cơ sở thờ tự; quan hệ với các tổ chức, cá nhân, tôn giáo nước ngoài để vu cáo chế độ, bôi nhọ lãnh đạo chính quyền các cấp,... Một số tổ chức tôn giáo bất hợp pháp, chức sắc tôn giáo, giáo dân vi phạm pháp luật dân sự, hoặc hoạt động chính trị chống chế độ, bị xử lý theo đúng pháp luật thì các tổ chức phản động ở nước ngoài lớn tiếng tố cáo “Việt Nam bắt giữ giáo dân tùy tiện”, cho rằng, Việt Nam “vi phạm nhân quyền”, “trà đạp tự do tôn giáo”, “đàn áp giáo dân”,... Một số phần tử xấu lợi dụng tự do TN,TG để quan hệ với các cá nhân, tổ chức tôn giáo, cơ quan thông tấn, báo chí nước ngoài thông tin sai lệch, không đúng với thực tế tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Chúng gắn vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền” với cái gọi là “tự do tôn giáo” để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xúi giục, kích động các phần tử xấu trong các tôn giáo gây rối,... Chúng cố tình không thấy rằng, các vụ việc liên quan đến tôn giáo, như: trường hợp linh mục Nguyễn Văn Lý ở Thừa Thiên - Huế, vụ Lê Quốc Quân (giáo dân - giám đốc doanh nghiệp tại Hà Nội), vụ Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải ở giáo sứ Mỹ Yên (Nghệ An),… bị bắt là hoàn toàn đúng người, đúng tội; và mọi công dân không kể tôn giáo hay không tôn giáo vi phạm pháp luật đều được xét xử công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Đối với việc khiếu kiện liên quan đến đất đai, nhà và cơ sở tôn giáo, như: Giáo xứ Thái Hà (Hà Nội), Cồn Dầu (Đà Nẵng),... chính quyền địa phương luôn tôn trọng và xử lý theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Phải thấy rằng, đa số tín đồ, chức sắc tôn giáo đồng tình với cách xử lý của chính quyền và phán quyết của tòa án; yên tâm, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Thực tế vừa qua, nhiều người đã tích cực góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, sửa đổi Luật Đất đai và tham gia các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương, cơ sở. Những luận điệu xuyên tạc, vu cáo của các thế lực thù địch với dụng ý xấu, nhằm phá hoại công cuộc đổi mới của đất nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc chỉ lừa gạt được một số ít người nhẹ dạ, cả tin, chứ không thể lừa gạt được quảng đại quần chúng.

Tháng 5-2013, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố Bản phúc trình về “Tự do tôn giáo trên thế giới năm 2012”; trong đó, phần liên quan tới Việt Nam có nêu: “Đã có những cải thiện, như cấp phép đăng ký cho các giáo đoàn mới, cho phép mở rộng các hoạt động từ thiện và cho phép tổ chức các buổi lễ tôn giáo quy mô lớn với trên 100.000 người tham dự”; “Tình hình tôn giáo tại Việt Nam đã có nhiều tiến bộ. Chính phủ Việt Nam nhìn chung đã tôn trọng quyền tự do tôn giáo của các tổ chức tôn giáo có đăng ký và một số tổ chức không đăng ký”. Ngày 25-9-2013, tại Hà Nội, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam (EU) phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Giá trị di sản của đa dạng tôn giáo ở Việt Nam và những đóng góp đối với xã hội Việt Nam”. Trong hội thảo, các bản tham luận đều nhận định: Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc về tự do tôn giáo; tôn giáo ở Việt Nam có sự phát triển cả về số lượng tín đồ và sự đa dạng tín ngưỡng.

Điều đó cho thấy, tự do TN,TG ở Việt Nam không chỉ được bảo đảm bằng Hiến pháp, pháp luật, mà còn được bảo đảm cả trên thực tế. Chúng ta không phủ nhận có những hạn chế, khuyết điểm, ảnh hưởng đến việc thực thi chính sách, pháp luật về TN,TG. Điều này, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nhận thức rõ và tích cực thực hiện các giải pháp để hạn chế điều đó xảy ra. Hiện nay, hệ thống chính trị các cấp đang đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp, pháp luật, xây dựng ý thức “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” cho mỗi công dân. Chính quyền các địa phương tăng cường đầu tư và thực hiện có hiệu quả các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia ở vùng có đông tín đồ tôn giáo ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi; đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Chương trình “Xóa đói giảm nghèo” và phong trào thi đua yêu nước ở các địa phương, cơ sở, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân, trong đó có đồng bào tôn giáo. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TN,TG đang tập trung đảm bảo cho các hoạt động TN,TG được diễn ra bình thường theo quy định của pháp luật; đồng thời, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng TN,TG để vi phạm pháp luật. Công tác tuyên truyền, giáo dục được đẩy mạnh giúp các tín đồ và chức sắc tôn giáo nhận thức đúng về quan điểm, đường lối của Đảng, nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động ngăn ngừa và đấu tranh làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch. Công tác đối ngoại về tôn giáo được Đảng và Nhà nước coi trọng, thông qua các diễn đàn quốc tế giúp thế giới hiểu rõ hơn chính sách nhất quán, tôn trọng tự do TN,TG ở Việt Nam. Việc Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014 - 2016) với số phiếu cao là minh chứng về sự nhìn nhận của quốc tế đối với những thành tựu về bảo đảm quyền con người, quyền tự do TN,TG ở Việt Nam; đồng thời, là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh hoạt động về nhân quyền, tích cực tham gia vào việc bảo đảm quyền tự do TN,TG trên toàn thế giới.

MẠNH DŨNG
_______

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 245.
2 - Gồm: Phật giáo khoảng 11 triệu tín đồ, Công giáo gần 7 triệu tín đồ, Cao đài khoảng 2,4 triệu tín đồ, Tin lành hơn 1 triệu tín đồ; có hơn 83.000 chức sắc, 250.000 chức việc; có 46 cơ sở đào tạo chức sắc tôn giáo và khoảng 25.000 cơ sở thờ tự.

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.