Thứ Sáu, 22/11/2024, 16:25 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Hiện nay, cùng với xu thế hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, vấn đề dân chủ, nhân quyền, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đang có nhiều quan điểm khác nhau. Theo đó, một số nước tự cho cho mình “cái quyền” là “người bảo vệ dân chủ, nhân quyền”, dùng nhiều chiêu bài để đưa ra nhận xét về tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo kiểu quy chụp, thiếu khách quan, thậm chí vu cáo nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác, trong đó có Việt Nam. Đây là thủ đoạn không mới nhưng rất nguy hiểm cần kiên quyết đấu tranh bác bỏ.
Sự đánh giá thiếu khách quan
Trong số các nước tự cho mình “cái quyền nhận xét” về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở các nước, trong đó có Việt Nam, Hoa Kỳ là quốc gia ban hành nhiều đạo luật quy định các chế tài chống lại các nước mà họ cho là “vi phạm tự do tôn giáo”. Nhiều chính khách Hoa Kỳ và một số tổ chức phi chính phủ thiếu thiện chí khi tiếp xúc với cơ quan chức năng của Việt Nam luôn đặt vấn đề “cải thiện quyền con người”, đòi “tự do tôn giáo”, xin “phục hồi các tổ chức tôn giáo cũ” và đưa ra quan điểm, nhận định thiếu khách quan, xuyên tạc chính sách, pháp luật tôn giáo của Việt Nam. Họ cho rằng: Việt Nam chưa tiếp cận luật pháp quốc tế về “quyền con người”; chính quyền cơ sở gây khó khăn trong việc chấp thuận đăng ký điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo, v.v. Mới đây, ngày 15/5/2023, Ủy ban tự do Tôn giáo quốc tế Mỹ công bố Báo cáo thường niên về tình hình tôn giáo thế giới năm 2022 đã tiếp tục kiến nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách “Các nước cần đặc biệt quan tâm về tôn giáo” (CPC). Như thường lệ, Ủy ban này vẫn đưa ra những nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin chưa được kiểm chứng và không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam.
Đồng điệu với những nhận định thiếu khách quan đó, các thế lực thù địch vẫn ngày đêm lợi dụng, xuyên tạc trắng trợn về chính sách, pháp luật và tình hình tôn giáo tại Việt Nam. Chúng móc nối số phần tử cơ hội bất mãn chế độ và số chức sắc cực đoan trong các tôn giáo để kích động các hoạt động tôn giáo thoát ly khỏi sự quản lý của Nhà nước; tuyên truyền phủ nhận các văn bản pháp luật về tôn giáo của Nhà nước ta; tâng bốc, ca ngợi “quyền” tự do tôn giáo của các nước tư bản. Chúng tổ chức các cuộc “hội luận”, “họp báo”, soạn thảo và tán phát các tài liệu có nội dung bịa đặt để tuyên truyền, xuyên tạc Đảng và Nhà nước Việt Nam “đàn áp tôn giáo”, Việt Nam “không có tự do tôn giáo”. Lợi dụng những vấn đề phức tạp trong xã hội, như: thu hồi đất đai, đền bù, giải tỏa; vấn đề ô nhiễm môi trường,... để lôi kéo, kích động những người nhẹ dạ, cả tin, đặc biệt là một bộ phận tín đồ “cuồng đạo” tham gia tuần hành và khuếch tán các hoạt động chống phá trên mạng xã hội, v.v. Những hành động, việc làm đó đã tác động xấu đến xã hội, gây chia rẽ nội bộ trong tổ chức tôn giáo và gây mất đoàn kết tôn giáo, v.v.
Để thấy rõ sự xuyên tạc, vu khống tình hình tôn giáo ở Việt Nam, chúng ta hãy cùng nhìn nhận một số vấn đề thực tiễn sau:
Sự đa dạng về tôn giáo ở Việt Nam
Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, với nhiều hình thức tôn giáo khác nhau, từ các hình thức tôn giáo sơ khai như: Tô tem giáo, Ma thuật giáo, Saman giáo đến các tôn giáo của thời hiện đại, có tổ chức chặt chẽ như: Công giáo, Phật giáo, đạo Tin Lành, Hồi giáo,… cùng tồn tại và bình đẳng với nhau, không có tôn giáo nào giữ vai trò chủ đạo, không phân biệt những tôn giáo có nguồn gốc du nhập từ bên ngoài hay những tôn giáo nội sinh. Cùng với sự đa dạng về tôn giáo, tại Việt Nam còn có sự đa dạng các loại hình tổ chức tôn giáo; trong đó, có những tôn giáo chỉ có một tổ chức duy nhất (Phật giáo, Công giáo) và cũng có những tôn giáo có rất nhiều tổ chức khác nhau (đạo Tin Lành, đạo Cao Đài), v.v.
Các tôn giáo ở Việt Nam đều có đóng góp tích cực cho đất nước trên nhiều phương diện của đời sống xã hội; đồng thời, là một nhân tố xã hội và văn hóa tích cực góp phần làm cho nền văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng và đặc sắc. Việt Nam là đất nước ôn hòa trong quan hệ giữa các tôn giáo; có truyền thống đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước. Việc chung sống hòa bình và bao dung giữa các tôn giáo cùng với tính nhân ái, nhân bản của con người và xã hội Việt Nam đã tạo ra một bức tranh sinh động về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam: phong phú, đan xen lẫn nhau. Ở Việt Nam ngày nay, sự đồng thuận giữa các tôn giáo và Nhà nước được thể hiện rõ ở khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có đoàn kết các tôn giáo, tạo nguồn sức mạnh và là nhân tố quyết định bảo đảm thắng lợi cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đây là thực tiễn khách quan sinh động, phản bác luận điệu cho rằng: ở Việt Nam “không có tự do tôn giáo”.
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam
Trước hết cần khẳng định: Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Bởi, tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần chính đáng của một bộ phận nhân dân, đồng bào các tôn giáo là một bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam, được đảm bảo trên thực tiễn và cụ thể bằng văn bản pháp luật, như: Sắc lệnh số 234/SL, ngày 14/6/1955 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, xác định: “Việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là quyền lợi của nhân dân. Chính phủ luôn tôn trọng và giúp đỡ nhân dân thực hiện. Chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo”. Trong mỗi giai đoạn lãnh đạo cách mạng, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật, tạo hành lang pháp lý để các tôn giáo hoạt động hiệu quả, như: Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác tôn giáo; Pháp lệnh số 21/2004/PL-UBTVQH 11, ngày 18/6/2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XI) về tín ngưỡng, tôn giáo; Chỉ thị số 1940/CT-TTg, ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về nhà đất liên quan đến tôn giáo. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”; Quốc hội khóa XIV đã ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; ngày 09/3/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tôn giáo Chính phủ đã ra mắt Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”, v.v. Cùng với đó, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách tập trung đầu tư phát triển kinh tế ở vùng đồng bào có đạo, thể hiện sự quan tâm đặc biệt sâu sắc đến nhu cầu tín ngưỡng của tín đồ, chức sắc các tôn giáo, làm cho tín đồ và chức sắc tôn giáo yên tâm, phấn khởi tích cực thực hiện tốt cả “việc đạo, việc đời”.
Thực tế đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay
Việt Nam luôn tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ các tôn giáo hoạt động theo pháp luật; chưa bao giờ các tôn giáo có điều kiện phát triển như hiện nay! Số lượng tín đồ ngày càng đông, được tự do hành lễ dù ở nhà riêng hay nơi thờ tự. Nếu năm 2003, cả nước có 15 tổ chức, 06 tôn giáo, 17 triệu tín đồ với khoảng 20.000 cơ sở thờ tự, 34.000 chức sắc, 78.000 chức việc; thì đến năm 2021, Nhà nước đã công nhận 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo khác nhau, với trên 26 triệu tín đồ, 54.000 chức sắc, 135.000 chức việc, 29.000 cơ sở thờ tự. Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng phong phú, đa dạng; nhiều lễ hội lớn trong các tôn giáo thu hút hàng vạn tín đồ tham dự, như: Giáo hội Tin lành đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 500 năm cải chánh đạo Tin lành (tháng 12/2017); Giáo hội Công giáo tổ chức Tổng hội Dòng Đa minh thế giới tại Đồng Nai (tháng 7/2019), với đại biểu của hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia; Giáo hội Phật giáo tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc năm 2019 tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam (tháng 5/2019) với sự tham dự của trên 3.000 đại biểu chính thức (trong đó có 570 đoàn quốc tế với 1.650 đại biểu đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ), v.v. Với quy mô hoạt động tôn giáo hàng vạn người, chính quyền các cấp đã hỗ trợ các tôn giáo về các phương án đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm,... để nhân dân được tự do hành lễ, thỏa mãn nhu cầu đời sống tâm linh. Điều đó đã khẳng định chính sách nhất quán của nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Bởi, nếu không có chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo thì các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo không thể tổ chức đa dạng, phong phú như trên được.
Không để các thế lực lợi dụng tôn giáo để chống phá đất nước
Thời gian tới, các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá với những thủ đoạn tinh vi và quyết liệt hơn. Do vậy, việc chủ động đấu tranh, ngăn chặn các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo chống phá Việt Nam là nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược lâu dài và là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị; trong đó, cơ quan quản lý Nhà nước về tôn giáo đóng vai trò nòng cốt, cần thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:
1. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về tôn giáo, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo Hiến pháp năm 2013. Thực hiện tốt chức năng Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý ngay tại cơ sở các hoạt động tôn giáo vi phạm pháp luật gây bức xúc trong xã hội.
2. Nắm chắc tình hình, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng: “dân chủ”, “quyền con người”, “tôn giáo” chống phá Việt Nam để có đối sách giải quyết phù hợp, hiệu quả, đúng pháp luật. Kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các tôn giáo, gây rối trật tự, xâm phạm an ninh quốc gia. Chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, vạch trần “chân tướng” các đối tượng cơ hội, các việc làm vi phạm pháp luật, giáo luật của số đối tượng cực đoan lợi dụng tôn giáo; phản bác các luận điệu vu cáo Việt Nam vi phạm “dân chủ”, “nhân quyền”, “đàn áp tôn giáo”.
3. Những biện pháp đấu tranh ngăn chặn các hoạt động lợi dụng tôn giáo chống Việt Nam cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành để có sự hỗ trợ đồng bộ, hạn chế sơ hở để thế lực xấu lợi dụng chống phá.
4. Thường xuyên tổng kết rút kinh nghiệm, có biện pháp khắc phục những thiếu sót, tồn tại để đảm bảo thực hiện ngày càng tốt hơn quyền tự do, tín ngưỡng của nhân dân, làm cho nhân dân thực sự tin tưởng vào Đảng, Nhà nước; là chất keo kết dính giữa Nhân dân với Đảng, làm thất bại mọi âm mưu hoạt động của các thế lực thù địch.
5. Làm tốt công tác tuyên truyền đối ngoại để cộng đồng quốc tế có đầy đủ thông tin về kết quả, thành tựu nhân quyền trong lĩnh vực tôn giáo ở Việt Nam; đồng thời, thực hiện tốt hoạt động đối thoại tôn giáo, hướng dẫn các chức sắc, tín đồ hoạt động tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật.
VŨ HOÀI BẮC, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ
Tôn giáo ở Việt Nam,tự do tín ngưỡng,tôn giáo,sự nhìn nhận sai lệch,kiên quyết đấu tranh
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm 07/11/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 30/10/2024
“Nhân quyền cao hơn chủ quyền” – sự đòi hỏi phi lý 07/10/2024
Phê phán quan điểm cho rằng đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là “thiếu khoa học, không khả thi” 30/09/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận tình đồng chí, đồng đội trong Quân đội ta 27/09/2024
Luận cứ đanh thép phản bác sự xuyên tạc đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng 26/09/2024
Phản bác luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam 16/09/2024
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân” 28/08/2024
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch 19/08/2024
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối 19/08/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm