Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Chủ Nhật, 05/02/2012, 14:16 (GMT+7)
Phải chăng Đảng Cộng sản Việt Nam là độc tài, độc đoán, mất dân chủ?

 

Lợi dụng Đảng và Nhà nước ta đang tổ chức thảo luận, lấy ý kiến về việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các thế lực thù địch trong và ngoài nước đang tập trung xuyên tạc, bôi nhọ, vu cáo Đảng ta là “độc tài, độc đoán, mất dân chủ”! với mục tiêu nhằm xóa bỏ Điều 4 của Hiến pháp năm 1992 quy định về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội.

Đây là một trong những thủ đoạn quen thuộc trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Chúng lấy quan điểm “dân chủ”, “nhân quyền” tư sản để đồng nhất dân chủ với đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; nhà nước pháp quyền với thiết chế tam quyền phân lập; nhân quyền với tuyệt đối hóa quyền của cá nhân. Chúng đòi “trưng cầu dân ý” về vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) và đặt sự lãnh đạo của Đảng CSVN dưới sự giám sát của Liên hợp quốc. Chúng cho rằng: “Thể chế Việt Nam hiện nay là không phù hợp với các chuẩn mực quốc tế”, “Chế độ một đảng lãnh đạo, cầm quyền là trái với nguyên tắc nhà nước pháp quyền”, “Việc Đảng nắm quyền lãnh đạo đất nước là hành vi tiếm quyền, chiếm đoạt thành quả của nhân dân”… Thực chất là chúng muốn xóa bỏ vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng CSVN đối với đất nước ta.

Hiện nay, hầu hết nhân dân Việt Nam đều nhận thức rõ: đất nước đang trong thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH, hội nhập quốc tế vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” với thế và lực mới. Tuy nhiên, “Trước tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi...”1, một số người bị các “nhà tuyên truyền” về “dân chủ, nhân quyền” phương Tây thuyết phục, đã ngộ nhận rằng chỉ có “chế độ đa đảng” mới đẩy lùi được quan liêu, tham nhũng(!) Và chúng cũng tìm mọi cách để hạn chế, đi đến xóa bỏ vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ta.

Dân chủ là quy luật phát triển của xã hội loài người, là một giá trị xuyên suốt các chế độ xã hội; đồng thời, luôn luôn gắn liền với chế độ nhà nước, vì vậy, dân chủ không thể không mang tính giai cấp. Nền dân chủ của dân tộc ta hiện nay ra đời trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội XHCN. Nền dân chủ đó dựa trên hệ thống chính trị, nhà nước pháp quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội, do Đảng CSVN lãnh đạo. Điều này đã được thử thách, trải nghiệm, chứng minh trong gần 70 năm qua; trong các cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc; trong xây dựng đất nước và tiến hành công cuộc đổi mới theo con đường XHCN và đã để lại dấu ấn của thời đại. 

Nền dân chủ XHCN của nước ta khác biệt với các nền dân chủ khác. Về nội dung, đó là vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN đối với toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội; vì lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Về mục tiêu, đó là hướng tới xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hội nhập với cộng đồng quốc tế. Về cơ chế vận hành, đó là thực hiện triệt để nguyên tắc tập trung dân chủ; đảm bảo “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”2. Lịch sử Việt Nam trong thế kỷ XX đã chứng minh, nhờ có sự  lãnh đạo, dẫn dắt của Đảng CSVN, nhân dân ta đã giành được độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và toàn vẹn chủ quyền quốc gia; đồng thời, xây dựng chế độ xã hội XHCN, nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, đưa dân tộc ta vào thời đại mới - thời đại độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Vào cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, trước cuộc khủng hoảng, sụp đổ của hệ thống XHCN thế giới, với bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên trì chủ nghĩa Mác - Lê-nin, con đường đi lên CNXH và các nguyên tắc của nền dân chủ XHCN, Đảng CSVN đã không chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; chẳng những chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua sóng to, gió lớn của cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, mà còn khởi xướng, tổ chức công cuộc đổi mới đạt được những thành tựu to lớn, đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế chính trị ngày càng cao trong khu vực và trên thế giới.

Thực tế cho thấy, vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng CSVN có được như ngày nay không phải là sự ngẫu nhiên. Sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng CSVN có được là do lịch sử, dân tộc và nhân dân Việt Nam giao phó và sự không ngừng phấn đấu hy sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân của Đảng. Khi đất nước đang lầm than trong chế độ thuộc địa của thực dân, đế quốc, Đảng CSVN đã đề ra đường lối chính trị đúng đắn - giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, lãnh đạo toàn dân đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Cùng với đó, vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN còn bắt nguồn từ tinh thần phấn đấu không sợ  hy sinh, gian khổ của hàng triệu cán bộ, đảng viên, trong đó có đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong Bài nói chuyện tại Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Chỉ tính riêng trong cấp Trung ương của Đảng đã có 14 đồng chí bị đế quốc Pháp bắn, chém, hoặc đập chết trong nhà tù... Trong 31 đồng chí hiện nay là ủy viên Trung ương ta, trước ngày khởi nghĩa đã được đế quốc Pháp tặng cho 222 năm tù đầy. Đó là không kể những án tử hình vắng mặt và những cuộc vượt ngục trước khi hết hạn ở tù...”3. Sau khi đất nước giành được độc lập, thống nhất, nhân dân được tự do, Đảng CSVN tiếp tục sứ mệnh lãnh đạo toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với những thành tựu to lớn.

Một trong những đặc điểm của xã hội ta, là hệ thống chính trị do Đảng CSVN tạo dựng, lãnh đạo và ra đời trước khi cách mạng thành công. Các tổ chức chính trị - xã hội,  như:  Đoàn Thanh  niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (trước đây là nước Việt Nam dân chủ cộng hòa), đều có tổ chức tiền thân từ trước cách mạng, và do Đảng ta thành lập, lãnh đạo. Đó là một bằng chứng lịch sử không ai có thể phủ nhận được.

Mặc dù, Đảng CSVN là lực lượng duy nhất lãnh đạo, cầm quyền gần 70 năm qua, nhưng đó không phải là “tiếm quyền”, “độc quyền” như các thế lực thù địch vu cáo. Có thể khẳng định rằng, ngay sau khi lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành được chính quyền trong toàn quốc, Đảng CSVN đã không độc quyền duy trì quyền lực bằng vũ lực, mà ngay lập tức Đảng ta chủ trương thành lập chính phủ lâm thời, thu hút nhiều nhân sĩ, trí thức ngoài Đảng, kể cả những người từng làm việc cho chính quyền cũ, tham gia nội các. Đồng thời, Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu cũng tuyên bố Tổng tuyển cử trong cả nước, xây dựng và ban hành Hiến pháp với các nguyên tắc cơ bản của một chế độ xã hội văn minh, bình đẳng, dân chủ, với đầy đủ mọi quyền về tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo... Lịch sử đã ghi nhận, chỉ trong vòng một năm, tất cả những nhiệm vụ trọng đại nói trên đã hoàn tất. Đó là điều hiếm có trong lịch sử thế giới hiện đại.

Các thế lực thù địch đã nhiều lần vu cáo Đảng CSVN là “độc quyền”, “không cho người dân quyền thay đổi chính phủ”, “đàn áp những người bất đồng chính kiến”…(!) Điều này là trái với thực tế và hoàn toàn bịa đặt. Mặc dù, vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng CSVN đối với toàn bộ hệ thống chính trị bắt nguồn từ lịch sử, nhưng sự lãnh đạo, cầm quyền đó vẫn tuân thủ những cơ chế, thiết chế của một nền dân chủ văn minh. Đó là chế độ bầu cử, ứng cử tự do, là chế độ nhiệm kỳ đối với các chức vụ quan trọng của Nhà nước, là nhà nước pháp quyền với 3 nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp rõ ràng. Chúng cũng xuyên tạc rằng, chế độ bầu cử của chúng ta là cơ chế “Đảng cử - dân bầu”, là “dân chủ trình diễn”(!) Và điều đáng tiếc là, không ít người đã ngộ nhận, tin theo sự bịa đặt của chúng. Cần phải khẳng định ngay rằng, việc tổ chức đảng giới thiệu cán bộ, đảng viên tham gia vào cơ quan tổ chức nhà nước và tổ chức xã hội là công việc nội bộ của tổ chức đảng. Cũng như các tổ chức khác, việc làm này của Đảng không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ, trách nhiệm chính trị của đảng cầm quyền. Cũng không phủ nhận rằng, hiện nay hầu hết những chức vụ quan trọng trong Nhà nước, chính quyền các cấp và tổ chức chính trị - xã hội đều do cán bộ, đảng viên của Đảng đảm nhiệm. Đây là kết quả của một hệ thống bầu cử văn minh, theo nguyên tắc tự do, đa số, trực tiếp và bỏ phiếu kín.Nguyên lý của hệ thống này đơn giản, chính xác, đó là những người được đề cử hoặc ứng cử nào thu được nhiều phiếu hơn sẽ trúng cử.

Điều 4, Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, năm 1992, là sự hợp thức hóa vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng CSVN gần 70 năm qua. Nhằm phá hoại mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, các thế lực thù địch đã xuyên tạc đường lối, chính sách kinh tế - xã hội, chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng. Chúng cho rằng, xã hội Việt Nam ngày nay là “bất công, bất bình đẳng, là phân biệt đối xử”, nguyên nhân là do “sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng CSVN dựa trên chủ nghĩa Mác - Lê-nin, dựa trên học thuyết chuyên chính vô sản”... Không ít người nhẹ dạ đã tin vào những lập luận đó. Không phủ nhận rằng, trong mô hình cũ của CNXH, do phạm sai lầm giáo điều, nóng vội, chủ quan duy ý chí, nền dân chủ của chúng ta còn có một số khiếm khuyết, như phân biệt đối xử về giai cấp, về quá khứ, vai trò của các tổ chức đoàn thể xã hội chưa được phát huy... Nhưng điều này đã được Đảng ta phát hiện và sửa chữa trong công cuộc đổi mới. Từ Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH năm 1991 đến Cương lĩnh (Bổ sung, phát triển) năm 2011 của Đảng đã khẳng định: Xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ,... Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân..., do Đảng CSVN lãnh đạo”4. Như vậy, Đảng CSVN đã nhận thức rõ những hạn chế về quan niệm dân chủ trong mô hình cũ của CNXH và đã khắc phục những hạn chế đó. Chính sách của Đảng ta đối với các giai tầng, dân tộc, tôn giáo dựa trên nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, lấy mục tiêu xây dựng xã hội XHCN là điểm tương đồng để “xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc;...”5 cùng chung tay xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Xây dựng cơ chế phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện công khai, dân chủ, phát huy vai trò giám sát, phản biện của các tổ chức xã hội là điều được Đảng ta đặc biệt quan tâm. Chỉ thị 30-CT/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng,  khóa IX “Về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở” đã quy định “quyền” của mọi người dân được thông tin (được biết), được bàn bạc, được tham gia ý kiến, được quyết định, được kiểm tra, giám sát”6, đã mở ra phương hướng cơ bản, quan trọng trong việc thực hiện quyền dân chủ, quyền làm chủ của người dân trong nền dân chủ XHCN. Trên cơ sở văn kiện này, Nhà nước ta đã xây dựng, bổ sung, sửa chữa nhiều văn bản quy phạm pháp luật, như Luật Phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Luật Báo chí; Quy chế về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí (của các bộ)... Đây là một minh chứng về chủ trương và quyết tâm chính trị của Đảng ta trong việc phát huy vai trò làm chủ của người dân đối với Nhà nước và xã hội.

Sự khác biệt giữa nền dân chủ TBCN và nền dân chủ XHCN là điều tất yếu. Việc các thế lực thù địch phê phán nền dân chủ của chúng ta cũng tất yếu như vậy. Đối với Đảng ta, dân chủ XHCN là bản chất của chế độ, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp cách mạng. Đồng thời, đó còn là quyền và trách nhiệm chính trị mà dân tộc đã giao phó. Phát huy dân chủ XHCN ngày nay là tiếp tục đấu tranh, làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; trong đó, hết sức chú trọng phòng ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh, loại trừ mọi biểu hiện quan liêu, tham nhũng, lãng phí; phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, đáp ứng đòi hỏi của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng mà các thế hệ đi trước đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, xương máu mới giành lại được.

TS. CAO ĐỨC THÁI

Học viện CT-HC Quốc gia Hồ Chí Minh

_____________

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 173.

2 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 52.

3 - Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 10, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 147.

4 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 70-85.

5 - Sđd, tr. 48.

6 -  Xem: Quy chế dân chủ ở cơ sở - Nxb Lao động, H. 2000, tr. 5-6.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.