Thứ Bảy, 23/11/2024, 14:03 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Hiện tượng lợi dụng quyền tự do báo chí và nhiều nội dung nhân quyền khác để chống phá Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân cần được xử lý như thế nào? Là một chuyên gia nghiên cứu cả lý luận và thực tiễn về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, đồng chí Lê Đình Luyện, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ đã trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về vấn đề này.
Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết những âm mưu, thủ đoạn chính của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tự do báo chí để chống phá Đảng, Nhà nước ta những năm gần đây?
Đồng chí Lê Đình Luyện: Những năm gần đây, nhằm thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, các thế lực thù địch đã thường xuyên lợi dụng vấn đề tự do báo chí để tuyên truyền vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền. Hình thức chúng sử dụng chủ yếu trên các phương tiện truyền thông ở nước ngoài, trên in-tơ-nét... đưa những quan điểm sai trái, thông tin sai lệch, xuyên tạc tình hình trong nước để kích động, nhằm tác động làm giảm lòng tin của cán bộ và nhân dân vào đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Các thủ đoạn của họ thường rất đa dạng, nhưng tập trung ở một số vấn đề chính sau:
Một là, họ khai thác, sử dụng các thông tin trên báo chí công khai trong nước phản ánh các vấn đề tiêu cực, tệ quan liêu tham nhũng, các tệ nạn trong xã hội... để đăng tải theo kiểu thông tin một chiều, nhằm gây tác động đến tư tưởng người đọc.
Hai là, tập trung khai thác những thông tin về những việc thiếu sót, hạn chế, chưa làm được của ta trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực... rồi quy kết, “thổi phồng” thành những “sai lầm” của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Họ còn kích động dư luận xã hội lên tiếng, đả kích, quy chụp Đảng, Nhà nước yếu kém, mất dân chủ…
Ba là, họ lôi kéo, kích động các đối tượng chống đối, bất mãn tập hợp lực lượng, lập các tổ chức chống đối thông qua các trang mạng, blogger cá nhân, lợi dụng phản biện xã hội để xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trong những nội dung họ lợi dụng về vấn đề nhân quyền, nhiều vấn đề liên quan tự do ngôn luận, tự do báo chí được khai thác tối đa. Đặc biệt gần đây, các đối tượng bên ngoài kích động, tập hợp lực lượng hứa hẹn tài trợ, hậu thuẫn cho các đối tượng trong nước lập các tổ chức hoạt động đối lập với hệ thống chính trị, tự phong các chức danh nhằm tạo dựng ngọn cờ trong nước hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước.
PV: Trong thực tiễn xử lý hiện tượng lợi dụng tự do báo chí để chống phá Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân, vụ việc xử lý cái gọi là “Câu lạc bộ Nhà báo Tự do” vào năm 2012 có thể coi là một dẫn chứng điển hình để lại nhiều bài học. Nhìn từ vụ việc đó liên hệ tới hiện tượng lợi dụng tự do báo chí hiện nay, theo đồng chí cần có quan điểm xử lý như thế nào?
Đồng chí Lê Đình Luyện: Trước hết, cần khẳng định việc một vài nhóm người tự thành lập các hội, nhóm liên quan đến báo chí thời gian qua cũng như điều hành các trang mạng, blog như một tờ báo điện tử có nhiều nội dung xấu, chống phá Đảng, Nhà nước là vi phạm pháp luật Việt Nam. Bởi vì không có một tổ chức xã hội nghề nghiệp nào được công nhận là hợp pháp nếu không thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật, được các cơ quan chức năng thẩm định theo quy định của pháp luật và cấp có thẩm quyền quyết định. Các tổ chức này do một nhóm người tự công bố thành lập, tự phong các chức danh cho nhau, không làm các thủ tục xin phép các cơ quan có thẩm quyền và chưa được Nhà nước công nhận nên không có giá trị pháp lý. Hơn thế nữa, trong số họ thậm chí có người đã từng có tiền án, tiền sự vi phạm pháp luật hiện hành đã bị các cơ quan pháp luật xử lý. Một số nhóm hoạt động do có sự kích động, chỉ đạo từ bên ngoài. Cụ thể là họ được các tổ chức, cá nhân bên ngoài tuyên truyền, ủng hộ, tài trợ, hậu thuẫn dưới danh nghĩa đòi quyền tự do độc lập với Đảng, Nhà nước nhằm sử dụng các phương tiện thông tin, tuyên truyền những luận điểm sai trái, bịa đặt vu khống, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước... và kích động, lôi kéo, tập hợp lực lượng để lập cái gọi là “xã hội dân sự” thường xuyên cung cấp thông tin cho các thế lực chống đối bên ngoài sử dụng để bôi nhọ, làm giảm uy tín của Đảng, Nhà nước, chế độ, tạo dư luận xấu trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và các diễn đàn quốc tế. Các hành vi, thủ đoạn trên đi ngược lại lợi ích quốc gia dân tộc, đa số nhân dân đã và đang nhận rõ bộ mặt thật của những con người này, nếu họ cố tình hoạt động vi phạm pháp luật sẽ bị nhân dân tẩy chay và pháp luật xử lý thích đáng.
PV: Đồng chí đánh giá thế nào về thành tựu của Việt Nam trong việc đáp ứng các quyền con người liên quan đến tự do báo chí, tự do thông tin?
Đồng chí Lê Đình Luyện: Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong thúc đẩy, bảo đảm quyền con người liên quan đến tự do báo chí, tự do thông tin. Hiện nay, Việt Nam có 67 đài phát thanh truyền hình, 997 cơ quan báo chí in, 74 báo, tạp chí điện tử, 336 mạng xã hội, 1.174 trang thông tin điện tử, trên 30 triệu người sử dụng in-tơ-nét, hàng triệu blogger cá nhân với nội dung phong phú và đa dạng, có các kênh truyền hình nước ngoài (CNN, BBC, NHK…), có các kênh dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số. Điều đó chứng minh Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do thông tin. Tất cả các cơ quan thông tin truyền thông của các tổ chức Nhà nước từ Trung ương đến địa phương đều được quản lý theo đúng quy định của pháp luật. Thời gian qua, báo chí Việt Nam luôn hoạt động theo Luật Báo chí, đã phát huy tốt vai trò tiên phong trên lĩnh vực thông tin, tuyên truyền đối nội và đối ngoại; kịp thời đấu tranh phản bác các luận điệu thông tin sai trái, những luận điểm xuyên tạc của các thế lực thù địch… Qua đó, đã giúp cho cán bộ, nhân dân, các tầng lớp xã hội nắm chắc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và hiểu rõ bản chất của các thế lực thù địch, không bị kích động, xúi giục, lôi kéo, góp phần xây dựng vững chắc sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Vì vậy, việc tự lập các nhóm và tiến hành các hoạt động mang danh nghĩa báo chí là vi phạm pháp luật và gắn với một nhóm người có tham vọng cá nhân, đi ngược lợi ích quốc gia, dân tộc và nguyện vọng của nhân dân. Không những thế, họ còn là công cụ để tiếp tay cho các thế lực thù địch phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, làm ảnh hưởng đến nền độc lập, tự do mà biết bao thế hệ cha anh đi trước đã gây dựng bằng mồ hôi, nước mắt và xương máu; tổn hại đến hạnh phúc của toàn thể đồng bào. Đó là điều không thể chấp nhận, cần phải xử lý nghiêm minh.
PV: Để ngăn chặn và chấm dứt những hiện tượng xấu đó, theo đồng chí cần phải làm tốt những vấn đề gì?
Đồng chí Lê Đình Luyện: Việc xử lý các sai phạm cần phải dựa trên cơ sở các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành. Trước hết cần vận động, tuyên truyền giáo dục, đối thoại cho họ thấy rõ tính chất vi phạm, sai trái của tổ chức và hành động của những người tham gia tổ chức trong thời gian vừa qua. Trên cơ sở đó yêu cầu họ tự giải tán, chấm dứt hoàn toàn các hoạt động trái pháp luật. Luật pháp Việt Nam và con người Việt Nam rất khoan dung, nếu họ thấy được sai trái và tự chấm dứt các hành vi vi phạm thì Đảng, Nhà nước và nhân dân vẫn tha thứ và cho họ có cơ hội trở thành công dân tốt. Nếu họ vẫn cố tình, tiếp tục thực hiện hành động vi phạm pháp luật, vi phạm lợi ích cộng đồng dân tộc thì chúng ta sẽ kiên quyết xử lý theo pháp luật.
Song song với việc xử lý sai phạm, chúng ta cần thông tin, tuyên truyền sâu rộng trong và ngoài nước về bản chất của các tổ chức và các trang mạng “đen” đó để nhân dân, kiều bào và bạn bè quốc tế hiểu rõ âm mưu, hoạt động chống phá Việt Nam, hiểu rõ chân tướng của các thế lực thù địch và những kẻ tay sai “theo đóm ăn tàn”.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Nguồn: qdnd.vn
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm 07/11/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 30/10/2024
“Nhân quyền cao hơn chủ quyền” – sự đòi hỏi phi lý 07/10/2024
Phê phán quan điểm cho rằng đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là “thiếu khoa học, không khả thi” 30/09/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận tình đồng chí, đồng đội trong Quân đội ta 27/09/2024
Luận cứ đanh thép phản bác sự xuyên tạc đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng 26/09/2024
Phản bác luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam 16/09/2024
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân” 28/08/2024
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch 19/08/2024
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối 19/08/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm