Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Năm, 06/09/2012, 01:41 (GMT+7)
Như thế đâu phải là cách thể hiện lòng yêu nước chân chính

Lòng yêu nước Việt Nam có sức mạnh to lớn, bảo đảm cho dân tộc ta trường tồn và phát triển. Lòng yêu nước chân chính đó hàm chứa sự đoàn kết, thống nhất toàn dân tộc, luôn hướng tới một mục tiêu chung cao cả. Hiện nay, có những thế lực đang lợi dụng lòng yêu nước để kích động, chia rẽ sức mạnh đoàn kết của nhân dân ta. Những mưu toan đó nhất định sẽ thất bại.

Những người thiếu thiện chí với chế độ XHCN luôn tìm cách cản trở công cuộc đổi mới trên đất nước ta. Họ dùng mọi thủ đoạn, tận dụng mọi cơ hội để chống phá sự nghiệp lao động hòa bình và công cuộc bảo vệ đất nước. Trước việc Trung Quốc có những hành động vi phạm chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, họ coi đó là “cơ hội vàng” để thực hiện các mưu đồ thâm hiểm. Trên một số trang mạng cá nhân, họ lớn tiếng xuyên tạc đường lối đổi mới của Đảng, kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đòi hỏi Nhà nước ta phải có những hành động “ăn miếng, trả miếng” đối với Trung Quốc. Họ hô hào tập hợp lực lượng tuần hành trước các cơ quan ngoại giao Trung Quốc ở Việt Nam. Với danh nghĩa biểu tình yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các vi phạm đối với Việt Nam, nhưng thực chất, họ gây sức ép đối với Đảng và Nhà nước ta. Họ phớt lờ, thậm chí còn xuyên tạc chủ trương, quan điểm, đường lối đối ngoại và thái độ của Nhà nước ta phản đối mạnh mẽ các hành động vi phạm của phía Trung Quốc, cùng các biện pháp mà chúng ta áp dụng để yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành động vi phạm, cũng như các hoạt động đấu tranh ngoại giao kiên trì nhằm khẳng định chủ quyền Việt Nam và giải quyết tình hình căng thẳng trên Biển Đông một cách tích cực. Hoạt động tổ chức tụ tập đông người của họ nhằm mục tiêu kép: cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam là nhu nhược, là thiếu trách nhiệm trước vận mệnh của Tổ quốc nên không còn xứng đáng giữ vai trò lãnh đạo xã hội; rằng chỉ có họ là dũng cảm, là yêu nước, có tinh thần cao cả đứng ra bảo vệ quyền lợi của đất nước và chính việc tham gia tuần hành, biểu tình là thể hiện lòng yêu nước! Lập luận của họ đã tập hợp được một số người, nhưng như thế đâu phải là lòng yêu nước chân chính; còn nếu cố tình gọi đó là “lòng yêu nước” thì lòng yêu nước đó đã bị đặt nhầm chỗ. Bởi nó xa lạ với lòng yêu nước chân chính Việt Nam; nó làm cho trật tự xã hội thêm phức tạp, gây ách tắc giao thông đô thị và làm ảnh hưởng đến bộ mặt hòa bình và ổn định của các thành phố sở tại. Chính vì vậy, chính quyền Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã có thông báo giải thích và đề nghị chấm dứt các hoạt động đó. Qua tuyên truyền, giải thích của các cấp chính quyền hai thành phố, đa phần người dân hiểu được bản chất của vấn đề, tự giác không tụ tập theo ý đồ của họ.

Lòng yêu nước Việt Nam là một giá trị tinh thần cao đẹp, được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử, trở thành sức mạnh to lớn chiến thắng thiên tai, địch họa để xây dựng nên đất nước giàu mạnh, bảo đảm cho giang sơn “muôn thuở vững âu vàng”. Lòng yêu nước Việt Nam luôn quang minh, chính đại, không bị vẩn đục bởi những mưu đồ đen tối; luôn có sự thống nhất cao giữa “vua - tôi, quân - thần”  tập hợp được sức mạnh toàn dân tộc phấn đấu cho một mục tiêu chung. Nó cũng đòi hỏi cao tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân, của cả cộng đồng phấn đấu vì sự phồn vinh của quê hương, đất nước. Bởi vậy, lòng yêu nước luôn là chất keo kết dính mọi thành phần xã hội, mọi vùng miền đất nước, tập hợp toàn dân tộc đoàn kết xung quanh bộ thống soái tối cao, tạo thành sức mạnh to lớn để giải quyết thắng lợi mọi nhiệm vụ đang đặt ra. Những chiến công hiển hách chống các thế lực xâm lược dưới các triều đại  phong kiến Việt Nam, như Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng (năm 938); Lý Thường Kiệt chiến thắng quân Tống xâm lược trên Phòng tuyến Như Nguyệt (năm 1076); Nhà Trần chiến thắng quân Nguyên trên sông Bạch Đằng (năm 1288); quân Tây Sơn chiến thắng quân Xiêm ở Rạch Gầm - Xoài Mút (năm 1785)… đều thể hiện tư tưởng: “Vua tôi đồng tâm, anh em hòa thuận, cả nước góp sức”. Lịch sử còn ghi mãi những tấm gương sáng chói về lòng yêu nước, quyết tâm đóng góp sức mình cho thắng lợi chung của dân tộc. Đó là Trần Quốc Toản, với lòng căm thù giặc sâu sắc, vì tuổi nhỏ không được tham gia Hội nghị Diên Hồng mà tay “bóp nát quả cam lúc nào không biết”; đã tập hợp trai tráng trong Thái ấp của mình, tự trang bị vũ khí, huấn luyện binh mã, tổ chức đánh giặc, làm cho quân Nguyên nhiều trận thua đau, nhiều phen khiếp vía. Đó là chí khí hào hùng, mãnh liệt trong chiến thắng quân thù xâm lược của Nghĩa quân Lam Sơn, được ghi lại trong những áng thơ bất hủ của Nguyễn Trãi: “Đánh trận đầu sạch không kình ngạc/ Đánh trận nữa tan tác chim muông”; hay lòng yêu nước đã hun đúc nên ý chí, quyết tâm và lòng tự hào dân tộc của Nghĩa quân Tây Sơn, qua lời khẳng định của Quang Trung: Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng/ Đánh cho nó chích luân bất phản/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ. Trong thời đại Hồ Chí Minh, những tấm gương anh hùng: Phan Đình Giót, Cù Chính Lan, Nguyễn Viết Xuân, Nguyễn Văn Trỗi, Út Tịch… hay: Trần Hữu Tước, Lương Định Của, Tôn Thất Tùng… đều tiêu biểu cho lòng yêu nước Việt Nam sáng ngời mà cốt lõi là sự thống nhất giữa lòng dân - ý Đảng, nên cách mạng Việt Nam giành được thắng lợi to lớn.

Việt Nam là quốc gia nằm ở vị trí chiến lược quan trọng của khu vực và quốc tế, lại có nhiều tài nguyên thiên nhiên quý giá, nên là điểm hẹn của nhiều giao lưu quốc tế và là mục tiêu dòm ngó của các thế lực ngoại bang. Lịch sử chứng minh rằng, để phát triển đất nước, ngay từ rất sớm, dân tộc Việt Nam đã có quan hệ đối ngoại rộng mở, chứ không phải đóng cửa khép kín, bài ngoại. Từ thế kỷ XVI, XVII, trên đất nước ta, cả Đàng ngoài và Đàng trong đã có  nhiều doanh nhân, với lòng yêu nước và tự tôn dân tộc đã ấp ủ một con đường phát triển mới, có quan hệ buôn bán mạnh mẽ với Trung Quốc, Nhật Bản và các nước phương Tây, như: Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp, với các trung tâm sầm uất, như: Thăng Long, Phố Hiến, Hội An, Thanh Hà, Gia Định1, làm cho nền kinh tế của đất nước có nhiều khởi sắc... Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đương đầu với các thế lực xâm lược hung bạo, mạnh hơn ta gấp nhiều lần; nhưng với lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần đoàn kết thống nhất của toàn dân tộc, chúng ta đã chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”2.

Như vậy, yêu nước, đoàn kết thống nhất để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã trở thành triết lý sống của dân tộc ta; chung sức bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ là trách nhiệm tối cao của mọi người Việt Nam; là cơ sở, là điểm gắn kết trách nhiệm của toàn bộ cộng đồng Việt Nam. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn chú ý phát huy cao độ lòng yêu nước, sự đoàn kết thống nhất của mọi tầng lớp nhân dân, nên đã tập hợp được sức mạnh toàn dân tộc cho mục tiêu đề ra. Năm 1945, với 5.000 đảng viên, Đảng đã phát động toàn dân đứng lên, với chí khí cách mạng hào hùng, lòng yêu nước nồng nàn, đánh đổ bè lũ thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc xâm lược, cũng như trong những năm đổi mới vừa qua, chính lòng yêu nước và sự đoàn kết thống nhất đó là cơ sở để tập hợp sức mạnh, huy động sự đóng góp sức người, sức của cao nhất ở khắp ba miền Bắc - Trung - Nam, bao gồm các giai cấp, dân tộc, tôn giáo cho thắng lợi của dân tộc. Không chỉ trong nước, cả ở nước ngoài, đồng bào ta cũng luôn hướng về Tổ quốc, sẵn sàng chung tay chia sẻ mọi khó khăn, vất vả với nhân dân trong nước, có nhiều đóng góp tích cực cho công cuộc bảo vệ và chấn hưng đất nước.

Trước những diễn biến phức tạp trên Biển Đông và nhất là những yêu sách vô lý về chủ quyền của một số nước liên quan trên khu vực, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta khẳng định trước sau như một: Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 cùng các chứng cứ lịch sử còn lưu giữ, và mới đây nhất là tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” do Trung Quốc xuất bản tại Thượng Hải năm 1904, đã khẳng định những yêu sách của Trung Quốc đối với hai quần đảo nói trên của Việt Nam là hoàn toàn vô lý. Việc Trung Quốc đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò”, mời gọi các công ty nước ngoài đấu thầu thăm dò dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam, thành lập cái gọi là “Thành phố Tam Sa” và có những hành động gây căng thẳng trên Biển Đông… là hoàn toàn sai trái. Chúng ta kiên quyết phản đối thái độ và hành động đó của phía Trung Quốc; đồng thời, khẳng định: “Đất nước Việt Nam có đủ ý chí quyết tâm và sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để giữ gìn và bảo vệ các vùng biển, các hải đảo của mình”3. Về phần mình, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn tuân thủ đúng luật pháp quốc tế, thực hiện đầy đủ tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc và Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10 năm 2011.

Nhằm đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta hết sức chăm lo xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên biển vững mạnh; quan tâm xây dựng lực lượng Hải quân hiện đại, đủ sức làm nòng cốt trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Nhà nước và Quân đội có nhiều chủ trương nhằm tập trung xây dựng và tăng cường khả năng thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng; quan tâm xây dựng, củng cố dân quân, tự vệ biển; có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân đẩy mạnh đầu tư, phát triển kinh tế biển, tăng cường đánh bắt xa bờ, ra khơi làm chủ ngư trường, để vừa khai thác hải sản, vừa góp phần bảo vệ các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, bộ đội ta với ý thức chính trị và lòng yêu nước mãnh liệt, đang ngày đêm nắm chắc tay súng, trụ vững nơi đầu sóng, ngọn gió, chịu đựng muôn vàn khó khăn, gian khổ, vượt qua mọi hy sinh, thử thách, xử lý đúng đắn mọi tình huống đặt ra. Cả nước luôn hướng về Hoàng Sa và Trường Sa. Nhiều tổ chức chính trị, xã hội, các địa phương, cơ quan, đoàn thể và cá nhân đã có những hoạt động đóng góp cả về vật chất và tinh thần vì Hoàng Sa và Trường Sa thân yêu. Các hoạt động đó đã góp phần thiết thực vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Việc giữ vững chủ quyền đất nước, tạo môi trường hòa bình, ổn định ở Biển Đông là vấn đề mang tính toàn cục, liên quan đến nhiều vấn đề rộng lớn và các mối quan hệ truyền thống giữa nhân dân ta với các nước láng giềng và trong khu vực. Quá trình xử lý các vấn đề nảy sinh trên biển phải đặt trong tổng thể chiến lược chung của đất nước và chính sách đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa… chứ không thể bằng những biện pháp đơn lẻ hay những hành động tự phát. Đảng và Nhà nước ta khẳng định rõ, Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và 5 nguyên tắc chung sống hòa bình. Chúng ta cũng yêu cầu các bên nghiêm chỉnh thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); đồng thời, đang ra sức phấn đấu cùng các nước ASEAN tiến tới ký với Trung Quốc Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), để Biển Đông là vùng biển hòa bình, ổn định, hữu nghị và phát triển…

Rõ ràng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã và đang phấn đấu hết sức mình cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Sự nghiệp đó đòi hỏi cao sự đồng thuận của toàn dân tộc; sự thống nhất giữa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và quyết tâm thực hiện của toàn dân. Để sự nghiệp đó thắng lợi trọn vẹn, rất cần sự chung tay, góp sức của mỗi người dân. Hãy tỏ rõ lòng yêu nước bằng những hành động thiết thực, hữu ích, chứ không phải bằng sự chia rẽ, phá hoại. Mọi hành vi lợi dụng “lòng yêu nước” để đánh lạc hướng dư luận, tập hợp lực lượng chống lại đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân chắc chắn sẽ thất bại.

VINH HIỂN

                  

1 - Xem: Lịch sử Việt Nam, Tập 1, Nxb Khoa học xã hội, H. 1971, tr. 301-302.

2 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 171.

3 - Nguyễn Tấn Dũng: Quyết tâm bảo vệ vững chắc các vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc - Tạp chí Quốc phòng toàn dân, Số 7/2011, tr. 2.


 

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.