Thứ Sáu, 22/11/2024, 20:39 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Nhằm phủ nhận đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam, các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc đường lối đó với nhiều quan điểm sai trái. Vì vậy, nhận diện đúng và tích cực đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái về vấn đề này là góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta.
Ở Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, tổng kết quá trình thực hiện những đổi mới cục bộ, từng phần theo hướng xóa bỏ mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp, tạo môi trường và điều kiện mở rộng các quan hệ thị trường1, Đảng ta chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, mà Đại hội IX của Đảng xác định: “đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”2.
Chủ trương đó đánh dấu bước ngoặt cơ bản trong tư duy và quan niệm của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Từ đó đến nay, nhận thức của Đảng ta về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng được bổ sung, phát triển phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đến Đại hội XIII, Đảng ta xác định: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước”3. Đây là kết quả được rút ra từ quá trình tổng kết thực tiễn 35 năm đổi mới; đồng thời, là sự kế thừa và phát triển những thành quả lý luận của 07 kỳ đại hội đã qua; phản ánh tư duy nhất quán và sự phát triển nhận thức của Đảng ta về vấn đề này ngày càng rõ hơn, đầy đủ hơn. Những thành tựu của hơn 35 năm đổi mới đất nước đã chứng minh sự đúng đắn của đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị ở trong và ngoài nước vẫn ra sức xuyên tạc đường lối này với nhiều quan điểm sai trái. Có thể nhận diện những quan điểm sai trái đó dưới hai nhóm vấn đề sau đây:
Một là, họ cho rằng không có kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; rằng mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là “sự gán ghép chủ quan, duy ý chí”, là “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, là “đầu Ngô, mình Sở”(!), v.v. Theo họ, kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa là những yếu tố đối lập, loại trừ nhau, như “nước với lửa”(!).
Hai là, họ cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam chấp nhận phát triển kinh tế thị trường là “xoay trục sang con đường phát triển tư bản chủ nghĩa”, “gác lại mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội, từ bỏ những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin về chủ nghĩa xã hội”(!), không khác gì “vỏ đỏ, ruột xanh”(!).
Những quan điểm sai trái nói trên đều xuất phát từ sự đồng nhất sai lầm giữa kinh tế thị trường và chủ nghĩa tư bản, khi quan niệm rằng: “kinh tế thị trường là sản phẩm riêng của chủ nghĩa tư bản; kinh tế thị trường vận động theo các quy luật của chủ nghĩa tư bản, không thể dung hòa với định hướng xã hội chủ nghĩa”(!). Từ đây, họ đòi Đảng ta phải công khai tuyên bố lựa chọn mô hình kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, mà thực chất là đòi Đảng từ bỏ con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội để đưa đất nước theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa.
Cần khẳng định ngay rằng, việc các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đồng nhất kinh tế thị trường với chủ nghĩa tư bản, coi đây là sản phẩm riêng của chủ nghĩa tư bản là hoàn toàn sai cả về lý luận và thực tiễn. Trên phương diện lý luận, kinh tế thị trường là giai đoạn phát triển cao của kinh tế hàng hóa, khi mà đầu vào và đầu ra của quá trình sản xuất đều được thực hiện thông qua thị trường. Kinh tế thị trường chỉ là một kiểu tổ chức kinh tế mà xã hội loài người sáng tạo ra, tồn tại ở nhiều chế độ xã hội khác nhau và được chủ nghĩa tư bản sử dụng làm cơ sở cho sự tồn tại, vận động, phát triển của mình. Chính sự phát triển của sức sản xuất đạt đến một trình độ nhất định sẽ làm xuất hiện những điều kiện khách quan cho kinh tế hàng hóa - điểm khởi đầu của kinh tế thị trường tồn tại. Đó là phân công lao động xã hội và những hình thức sở hữu khác nhau về tư liệu sản xuất. Những điều kiện ấy đã xuất hiện trước chủ nghĩa tư bản và vẫn tiếp tục tồn tại trong chủ nghĩa xã hội, nên việc duy trì và phát triển kinh tế thị trường hiện nay ở nước ta là đúng với quy luật đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nền sản xuất nhỏ bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, chứ không phải là sự “xoay trục sang con đường phát triển tư bản chủ nghĩa”. Bởi, kinh tế thị trường là giai đoạn phát triển tất yếu của quá trình phát triển từ nền sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn. Nói bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là “bỏ qua chế độ áp bức, bất công, bóc lột tư bản chủ nghĩa; bỏ qua những thói hư, tật xấu, những thiết chế, thể chế chính trị không phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa, chứ không phải bỏ qua cả những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản”4, trong đó có thành tựu về phát triển kinh tế thị trường.
Trên phương diện thực tiễn, trong những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga Xô - viết, V.I. Lênin đã sớm nhận thấy sai lầm khi đồng nhất kinh tế hàng hóa với chủ nghĩa tư bản, không sử dụng các quan hệ thị trường để thúc đẩy sản xuất và cải thiện đời sống nhân dân. Người đã đề ra và tổ chức thực hiện “Chính sách kinh tế mới” (NEP), mà nội dung cơ bản là duy trì và phát triển các quan hệ thị trường dưới sự quản lý của Nhà nước vô sản. Việc thực hiện chính sách đó đã nhanh chóng đưa nước Nga thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội trong những năm 20 của thế kỷ XX; đồng thời, khẳng định tính hiện thực của mô hình kinh tế chứa đựng sự dung hợp giữa kinh tế thị trường và chủ nghĩa xã hội. Lý luận về phát triển kinh tế hàng hóa thời kỳ thực hiện NEP là một cống hiến xuất sắc của V.I. Lênin trong phát triển chủ nghĩa Mác về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở các nước có nền kinh tế còn kém phát triển. Khai thác những di sản đó, từ những năm cuối thập niên 70 và 80 của thế kỷ XX, Trung Quốc và Việt Nam đã căn cứ vào thực tiễn của nước mình, tiến hành “cải cách”, “đổi mới” theo hướng duy trì và phát triển kinh tế thị trường, đem lại những kết quả tích cực, cho phép hiện thực hóa từng bước các mục tiêu của chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước.
Đối với nước ta, việc tổ chức thực hiện đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hơn 35 năm qua đã đem lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kinh tế kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình. Quy mô và tiềm lực kinh tế của đất nước không ngừng tăng lên, từ chỗ chỉ đạt 6,3 tỉ USD vào năm 1989, thì đến năm 2022 đã đạt 409 tỉ USD, đứng thứ 37 nền kinh tế lớn nhất thế giới, đứng thứ năm trong ASEAN và trong nhóm 14 nước hàng đầu châu Á. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người trong những năm đầu đổi mới chỉ khoảng 250 USD/năm, thì đến năm 2022 đã đạt 4.110 USD, đứng thứ năm trong ASEAN. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 58% năm 1993 xuống dưới 03% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều, được Liên hợp quốc xếp là một trong những nước đứng đầu trong thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ. Văn hóa - xã hội có bước phát triển tích cực; dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày càng mở rộng. Các vấn đề an sinh xã hội luôn được chăm lo, ngay cả lúc nền kinh tế gặp khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế thế giới, hay của đại dịch Covid-19, trở thành một trong những điểm sáng của Việt Nam được quốc tế ghi nhận. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu. Nền kinh tế quốc gia hội nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường quốc tế với nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, từng bước thích ứng với nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường thế giới. Việc trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thành viên của hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực, trong đó có 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với những cam kết rất cao về tự do hóa thương mại và phát triển bền vững (liên quan đến lao động và bảo vệ môi trường), đã chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam ngày càng thích ứng với các điều kiện của nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế; đồng thời, đưa nước ta trở thành nền kinh tế có độ mở cao - tới 200% GDP. Điều đó được thể hiện bằng các con số ấn tượng, nếu tổng kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân giai đoạn từ năm 1986 đến năm 2005 mới đạt 20,7 tỉ USD/năm, thì riêng năm 2022 đã đạt 732,5 tỉ USD; cán cân thương mại hàng hóa đã chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu 07 năm liên tục kể từ năm 2016, riêng năm 2022 xuất siêu đạt 11,2 tỉ USD. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam (do Công ty tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới - Brand Finance công bố) liên tục tăng trưởng với tốc độ nhanh. Nếu năm 2019, giá trị đó là 274 tỉ USD, thì năm 2022 đã đạt 431 tỉ USD, được xem là quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới (tăng 74%) trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2022.
Thực tiễn đó đã chứng minh rõ những lợi ích mà sự phát triển kinh tế thị trường đem lại phù hợp với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta. Nó không đối lập với các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, mà ngược lại, còn thúc đẩy việc thực hiện những nhiệm vụ đó hiệu quả hơn. Tuy nhiên, chúng ta không chọn phát triển kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, mà chọn phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. “Đó là một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường; một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội, thể hiện trên cả ba mặt: sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối. Đây không phải là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và cũng chưa phải là nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đầy đủ”5. Nói cách khác, đó là nền kinh tế thị trường của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nền kinh tế đó có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế cùng tồn tại bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh; nhưng kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là công cụ, lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là “nền kinh tế thị trường hiện đại”, được điều tiết, vận hành bằng “bàn tay” của cơ chế thị trường kết hợp với “bàn tay” của nhà nước, nhưng đây là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Chế độ phân phối được thực hiện chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế; đồng thời, theo mức góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Vấn đề tiến bộ và công bằng xã hội được quan tâm giải quyết ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển; chính sách kinh tế luôn thống nhất và gắn chặt với chính sách xã hội. Theo đó, mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, người có hoàn cảnh khó khăn. Đó là những điểm khác biệt rất căn bản của mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa so với kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa.
Qua 37 năm đổi mới, bằng nỗ lực của toàn Đảng và toàn dân ta, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với những đặc trưng nói trên đã từng bước hình thành và phát triển. “Thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, từng bước được xác lập”6; “Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện phù hợp với yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. Các yếu tố thị trường và các loại thị trường từng bước phát triển, gắn với thị trường khu vực và thế giới”7. Hầu hết các loại giá cả hàng hóa được xác lập theo nguyên tắc thị trường. Vai trò của nhà nước được điều chỉnh phù hợp hơn với cơ chế thị trường, ngày càng phát huy dân chủ trong đời sống kinh tế - xã hội. Việc huy động và phân bổ các nguồn lực gắn với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng bước phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ rệt. Những tiến bộ nói trên là cơ sở để đến nay đã có 90 quốc gia công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ8.
Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta. Việc thực hiện thành công đường lối đó sẽ góp phần bổ sung, phát triển lý luận Mác – Lênin về chủ nghĩa xã hội và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở những nước có nền kinh tế còn kém phát triển; đồng thời, là minh chứng sinh động bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc, phá hoại của các thế lực thù địch.
NGUYỄN NGỌC HỒI __________________
1 - Như: “Khoán 100” trong nông nghiệp, theo Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/01/1981 của Ban Bí thư (khóa IV) về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp; “Ba phần kế hoạch” theo Quyết định số 25/QĐ-CP, ngày 21/01/1981 của Hội đồng Chính phủ về một số chủ trương và biện pháp nhằm phát huy quyền chủ động sản xuất kinh doanh và quyền tự chủ về tài chính của các xí nghiệp quốc doanh.
2 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, H. 2001, tr. 86.
3 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 128.
4 - Nguyễn Phú Trọng – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb CTQGST, H. 2022, tr. 25.
5 - Nguyễn Phú Trọng – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb CTQGST, H. 2022, tr. 25.
6 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 102.
7 - Sđd, tr. 59 - 60.
8 - Nguyễn Minh Phong – Dấu ấn tích cực trên hành trình đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam, https://www.baochinhphu.vn, ngày 10/01/2022.
Kinh tế thị trường,đường lối phát triển,bảo vệ nền tảng,tư tưởng của Đảng
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm 07/11/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 30/10/2024
“Nhân quyền cao hơn chủ quyền” – sự đòi hỏi phi lý 07/10/2024
Phê phán quan điểm cho rằng đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là “thiếu khoa học, không khả thi” 30/09/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận tình đồng chí, đồng đội trong Quân đội ta 27/09/2024
Luận cứ đanh thép phản bác sự xuyên tạc đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng 26/09/2024
Phản bác luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam 16/09/2024
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân” 28/08/2024
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch 19/08/2024
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối 19/08/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm