Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Ba, 19/11/2013, 14:42 (GMT+7)
Nhận diện một số biểu hiện lệch lạc trong sáng tạo văn học

Văn học - nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa. Sự lệch lạc, thiếu chuẩn mực trong sáng tạo văn học, dù ở mức độ nào, cũng sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nguy hại đối với nền tảng tinh thần của xã hội. Do đó, “nhận diện một số biểu hiện lệch lạc trong sáng tạo văn học” là việc làm cần thiết nhằm đánh giá thẳng thắn, trực diện hiện trạng của nền văn học hiện nay, giúp cho những định hướng của Đảng ta về chăm lo phát triển nền văn học nước nhà trong thời gian tới thêm sát thực, phù hợp, hiệu quả.

Mười lăm năm (1998 - 2013) thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, văn học nước nhà đã có sự chuyển biến tích cực với những đóng góp đáng trân trọng của các tác phẩm đạt chất lượng tốt về tư tưởng và nghệ thuật, góp phần khắc họa chân thực chân dung con người và công cuộc đổi mới của đất nước; khẳng định những giá trị tốt đẹp, nhân văn; phê phán trực diện những thói hư tật xấu, những cái thấp hèn, những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong xã hội,... Tuy vậy, cũng phải thẳng thắn nhận thấy: hoạt động sáng tạo văn học hiện nay còn một số bất cập, hạn chế, “chưa tương xứng với tiềm năng sáng tạo và nhu cầu hưởng thụ của nhân dân; chưa có nhiều tác phẩm có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật, chưa phản ánh sâu sắc, sinh động những hiện thực lớn lao của đất nước…”, “đã và đang xuất hiện xu hướng “thương mại hoá” cùng những biểu hiện “bắt chước, lai căng”,... trên nhiều phương diện”1. Trong đó, ở một số cá nhân, một số tác phẩm văn học (TPVH) đã xuất hiện dấu hiệu của sự lệch lạc, thiếu chuẩn mực.

Trước hết, cần nói đến sự lệch lạc trong quan điểm, quan niệm sáng tác (QĐ,QNST) của một bộ phận văn nghệ sĩ (VNS). QĐ,QNST của người nghệ sĩ phản ánh nhận thức của chính tác giả về vai trò, vị trí của văn học trong mối quan hệ với xã hội, cuộc sống, con người; vai trò, vị trí, trách nhiệm, điểm đứng của chủ thể sáng tạo trước cộng đồng, độc giả về “đứa con tinh thần” của mình; đồng thời, là sự phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan của người nghệ sĩ trước hiện thực đời sống,… Văn học là sự phản ánh hiện thực khách quan qua “lăng kính” chủ quan của tác giả; do đó, cùng với tài năng, tâm huyết thì QĐ,QNST chính là yếu tố đóng vai trò quyết định đến tầm vóc tư tưởng và giá trị nghệ thuật của một TPVH. Một “lăng kính” tiến bộ, nhân văn sẽ hứa hẹn sự ra đời của những tác phẩm lành mạnh, có giá trị tốt đẹp, nâng đỡ con người hướng tới chân - thiện - mỹ. Ngược lại, một “đôi mắt” lệch lạc, phản nhân văn sẽ dẫn tới những tác phẩm tầm thường, thiếu lành mạnh, ấy là chưa kể đến khả năng tác động ngược, “di hại tới hai, ba thế hệ”2. Thời gian qua, bên cạnh những VNS có QĐ,QNST tích cực, tiến bộ, coi hoạt động sáng tạo văn chương là để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, tôn vinh Cái Đẹp; thể hiện trách nhiệm cao của bản thân trong sự khẳng định “Làm văn là để làm người”, “đặt mình ở vị trí khiêm tốn phía sau độc giả”,… lại xuất hiện một số cây bút xem văn chương chỉ là “trò chơi”, “trò diễn”; là lãnh địa của sự nổi loạn, phá phách; thậm chí, còn tuyên bố một cách hùng hồn nhưng vô căn cứ về “những cái (cần) chết trong văn học Việt Nam”!... Những quan niệm này bắt nguồn từ một số trào lưu văn học ở phương Tây (trong đó có trào lưu đã suy tàn mấy chục năm nay), giờ được một số VNS có tâm lý “sính ngoại” vin lấy để hô hào, cổ súy cho cái gọi là “chủ nghĩa hậu hiện đại” và những quan niệm, những khuynh hướng sáng tác kỳ dị, lố lăng, phản nhân văn. Thực chất là, những người này đã cố tình đánh tráo bản chất xã hội, bản chất thẩm mỹ và mục đích “vị nhân sinh” tự thân của văn học - nghệ thuật (VH-NT) chân chính bằng cái nhìn méo mó về bản chất, chức năng của văn học cũng như hiện thực phát triển của VH-NT Việt Nam đương đại, nhằm “gây rối”, “gây nhiễu”, gây ra sự lệch chuẩn, loạn chuẩn trong sáng tác cũng như nghiên cứu, phê bình văn học ở ta. Vì vậy, cần kiên quyết đấu tranh, bài trừ những QĐ,QNST lệch lạc để góp phần lành mạnh hóa tư tưởng của bộ phận VNS này, giúp họ xác định được cho mình một “chỗ đứng và cách nhìn đúng đắn, khách quan, khoa học”3 trong lao động nghề nghiệp để cống hiến tích cực cho sự phát triển của nền văn hóa nói chung, VH-NT nói riêng.

Tiếp đến là sự lệch lạc trong nội dung tư tưởng của một số TPVH. Mặc dù “Các sản phẩm văn hóa, VH-NT ngày càng phong phú, đa dạng, phần lớn trong số đó có nội dung lành mạnh, tích cực”4, song, đây đó vẫn tồn tại tình trạng một số TPVH lệch lạc về nội dung tư tưởng. Ấy là trường hợp không ít tác phẩm mà nội dung chỉ loanh quanh khai thác những đề tài “hot”, đồi trụy, bạo lực (có cả những tác phẩm dành cho thiếu nhi); một số khác, nội dung phản ánh cường điệu quá mức, tô đậm mặt trái, tiêu cực của xã hội, thậm chí xuyên tạc, bóp méo lịch sử khiến người đọc hoang mang, mất niềm tin,… Cá biệt hơn là sự tồn tại của “một dòng ngầm”, mà nội dung gồm toàn những từ ngữ tục tĩu, bệnh hoạn, những luận điệu xuyên tạc, lệch lạc về chính trị, chống đối chính quyền. Ai cũng biết rằng, với vai trò là một bộ phận quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa, VH-NT thể hiện khát vọng chân - thiện - mỹ của con người, đồng thời cũng là nơi mà người đọc có thể tìm thấy diện mạo, tâm hồn, cốt cách văn hóa của một quốc gia, dân tộc. Thử hình dung là, với những sản phẩm lệch lạc, thiếu lành mạnh như thế, gương mặt của dân tộc Việt Nam ta - một dân tộc có truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, đoàn kết sáng ngời, kết tinh trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước - sẽ được hiển hiện như thế nào? Xét đến cùng, các tác phẩm này đã không đem đến cho độc giả những hiểu biết mới, những bài học làm người, sự hưởng thụ Cái Đẹp,… mà chỉ nhằm thỏa mãn thị hiếu thấp kém, nhu cầu giải trí tầm thường của một bộ phận độc giả; chẳng những không góp phần “thanh lọc tâm hồn” con người, không “đáp ứng nhu cầu tinh thần lành mạnh, đa dạng và bồi dưỡng lý tưởng, thị hiếu cho công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ”5 mà còn dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng, kích thích thói hư tật xấu, tiêm nhiễm suy nghĩ và hành động bạo lực, kích động sự phá phách, thiếu tính xây dựng đối với sự nghiệp đổi mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân,… Những TPVH thuộc loại này đã đi chệch khỏi con đường đúng đắn, tốt đẹp của văn học chân chính mọi thời đại; đi ngược lại mong muốn, kỳ vọng “Cổ vũ cái đúng, cái tốt, cái đẹp trong quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với xã hội, với thiên nhiên; phê phán những thói hư tật xấu, lên án cái ác, cái thấp hèn”6 của Đảng, Nhà nước, nhân dân đối với VH-NT trong thời kỳ mới. Thiết nghĩ, cần phải có một thái độ dứt khoát, kiên quyết để chấm dứt những lệch lạc nhằm hạn chế triệt để sự ảnh hưởng, “di hại” mà chúng gây ra đối với quá trình xây dựng nền tảng tinh thần tốt đẹp của xã hội.

Sự lệch lạc trong sáng tạo hình thức biểu đạt cũng là một vấn đề không thể không nói đến. VH-NT là lãnh địa của sự sáng tạo Cái Đẹp. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) khẳng định “Khuyến khích tìm tòi, thể nghiệm mọi phương pháp, mọi phong cách sáng tác”, nhưng quan trọng hơn, những tìm tòi, thể nghiệm đó phải nhằm mục đích “đáp ứng đời sống tinh thần lành mạnh, bổ ích cho công chúng”7. Thời gian gần đây, ngoài những tác phẩm có chất lượng tốt về giá trị nghệ thuật, tạo được dấu ấn riêng, sức hấp dẫn đặc biệt đối với công chúng, có một bộ phận sa vào dễ dãi, sáo mòn, kiểu “mì ăn liền”, thiếu tính nghệ thuật trong hình thức biểu đạt; bộ phận khác lại cố tìm kiếm sự “cách tân” khi lao theo những cái cầu kỳ, bí hiểm, nổi loạn về ngôn từ, lạm dụng thủ pháp “giải thiêng”, “giễu nhại” một cách thái quá. Kết quả là sự dễ dãi, sáo mòn trong sáng tạo nghệ thuật khiến công chúng có cảm giác nhàm chán, tẻ nhạt; ngược lại, sự cầu kỳ, bí hiểm của “cái lạ, cái khác” làm người đọc mệt mỏi, đọc mà không hiểu gì (như trường hợp tập thơ với một mê cung dầy đặc chữ cái, ký hiệu, con số, dấu chấm,… đăng trên một số báo trong và ngoài nước; đặc biệt trên các trang mạng), mà đã không hiểu, không sẻ chia được thì làm sao có thể xúc động, đồng cảm? Nguy hại hơn, một số cây bút từ “nổi loạn trong ngôn từ” (thực chất là phá hỏng tiếng Việt chứ không phải làm giàu đẹp thêm ngôn ngữ của dân tộc) đã lún sâu vào “nổi loạn về chính trị”; lạm dụng thủ pháp “giễu nhại”, “giải thiêng” để xúc phạm hình ảnh đất nước, lãnh tụ và những giá trị thiêng liêng của văn hóa dân tộc, như: “thơ dơ”, “thơ rác”, “thơ nghĩa địa” của nhóm Mở Miệng. Cần nhận thức rõ rằng, có những cái đẹp đã bao gồm sự mới lạ, nhưng không phải bất cứ cái mới lạ nào cũng là đẹp hay cứ phải lạ mới đẹp. Do đó, việc một số tác giả (vô tình hay hữu ý) mải mê “lạ hóa” mà không chú ý đến hiệu ứng, tác động của nó đối với độc giả cũng là một sự lệch lạc đáng lưu ý. TPVH, chưa bàn đến hay - dở mà bị công chúng thờ ơ, ghẻ lạnh quay lưng đã là một sự thất bại; bị xã hội lên án vì sự phản thẩm mỹ, phản văn hóa thì chẳng khác nào “chết trong lúc sống” (như cách nói của nhà văn Nam Cao), bởi khi người viết đã thoát ly những chức năng quan trọng của văn học (nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ,…), rời bỏ trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của mình thì sự tồn tại của sản phẩm họ tạo nên cũng chỉ là vô nghĩa.

Hiện nay, cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ truyền thông là sự du nhập ồ ạt từ bên ngoài vào Việt Nam nhiều lý thuyết, quan điểm, trường phái VH-NT tích cực có, tiêu cực có, trong khi một bộ phận VNS và giới lý luận, phê bình văn học vẫn tồn tại tâm lý “sính ngoại”, thiếu sự chọn lọc, phê phán trong tiếp nhận; tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp, khó lường; âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa, VH-NT ngày càng tinh vi, xảo quyệt; mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự vận động của một số “chuẩn giá trị”,… đã và đang là những nguyên nhân khách quan dẫn đến những lệch lạc kể trên. Về nguyên nhân chủ quan, mặc dù “Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng công tác xây dựng, bổ sung hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật về lĩnh vực này”8, nhưng hiện vẫn còn một số bất cập, chưa đồng bộ. Hoạt động lý luận phê bình đóng vai trò định hướng rất quan trọng cho quá trình sáng tạo VH-NT có lúc, có nơi còn thụ động, “dĩ hòa vi quý”, thiếu tính chiến đấu. Ở một bộ phận VNS - chủ thể của hoạt động sáng tạo - tài năng, tâm huyết chưa phát huy triệt để, nhận thức còn phiến diện, cực đoan về hiện thực đất nước, có biểu hiện chạy theo cơ chế thị trường, xem nhẹ trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân,… Vì vậy, chúng ta cần khắc phục những lệch lạc trên bằng một số việc làm cụ thể như sau:

Đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý: Đảng, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động VH-NT; chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần đối với đội ngũ VNS, tạo điều kiện để khơi nguồn cảm hứng sáng tạo ở họ. Các cấp cần tăng cường quản lý hoạt động và thông tin trên in-tơ-nét để khắc phục tình trạng nhiễu loạn, sự lan tràn các luồng tư tưởng phản nhân văn, đồi trụy, không có lợi đối với đời sống tinh thần của con người Việt Nam và sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đối với hoạt động lý luận phê bình: cần tích cực bồi dưỡng, nâng cao nhận thức lý luận, bản lĩnh chính trị, trình độ học thuật, năng lực nghiên cứu cho đội ngũ làm công tác lý luận phê bình; bảo đảm để đội ngũ này thực sự trở thành lực lượng nòng cốt đấu tranh có hiệu quả với những xu hướng lệch lạc, phản văn hóa trong sáng tác VH-NT.

Đối với đội ngũ VNS: cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của VH-NT đối với công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; lòng tự hào, tự tôn dân tộc, xây dựng nhãn quan đúng đắn, khách quan, khoa học trong phản ánh, đánh giá hiện thực cuộc sống và sáng tạo nghệ thuật; đồng thời, phát huy tinh thần tự giác, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân đối với cộng đồng, xã hội;… Mỗi VNS phải tự tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, để luôn vững vàng, tự miễn dịch trước những cám dỗ vật chất tầm thường và những khuynh hướng tư tưởng lệch lạc, sai trái.

Tích cực thực hiện những việc làm kể trên, thời gian tới, hoạt động sáng tạo VH-NT sẽ khắc phục được những lệch lạc để “có nhiều tác phẩm xứng đáng với dân tộc, đất nước, nhân dân, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, tất cả vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”9./.

 

Thủy Nguyên

______________

 

1, 3, 4, 8, 9- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Văn nghệ phải chiếu sáng cuộc sống, chứ không chỉ là nơi cuộc sống hiện hình, Báo Quân đội nhân dân, Số 18841, ngày 22-9-2013.

2- Hà Minh Đức – Lý luận văn học, Nxb Giáo dục, H.2000, tr. 125.

5- ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI – Nxb CTQG, H.2011, tr. 224.

6,7- ĐCSVN – Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb CTQG, H.1998, tr. 61.

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.