Thứ Bảy, 23/11/2024, 17:58 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Theo dõi từng động thái của Nguyễn Tất Thành, Lu-i Ác-nu, Trưởng Ban Đông Dương của Sở mật thám Pháp khẳng định trước các đồng sự trong Bộ Thuộc địa: “Thưa các ngài, các ngài hãy tin rằng chính anh thanh niên mảnh khảnh và đầy sức sống này sẽ là người đặt cây thập tự cáo chung lên nền thống trị của chúng ta ở Đông Dương”. Và lịch sử đã diễn ra đúng như vậy.
Khi tiếp cận “Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V. I. Lê-nin đăng báo “Nhân đạo” trong 2 số ngày 16,17-7-1919 tại Pa-ri1 và nhớ lại những điều mắt thấy tai nghe trên mọi nẻo đường, anh Nguyễn nhận thấy càng phải liên kết những người bị áp bức trên toàn thế giới trong một cuộc đấu tranh không khoan nhượng cho độc lập, tự do. “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” mà Anh đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Véc-xây chỉ còn lại trong trí nhớ như “một trận đánh thăm dò” để lựa chọn quyết sách. Nhưng với bọn thống trị thực dân Pháp thì “Bản yêu sách...” lại đưa tới “một dự báo đầy tính định mệnh”.
Mở đầu là việc Anh gửi đơn xin gia nhập và được chấp nhận tham gia “Ủy ban đệ tam quốc tế” ở Pa-ri, lựa chọn chủ nghĩa Lê-nin trước khi đón đọc toàn văn “21 điều kiện tham gia Quốc tế Cộng sản (QTCS)” đã trở thành Nghị quyết Đại hội II của Quốc tế từ 06-8-1920. Do đó, Đại hội Tua cuối tháng 12-1920, với anh Nguyễn chỉ còn là dịp để công khai vạch mặt thực dân Pháp, đấu tranh chống phái hữu và tham gia thành lập Đảng Cộng sản (ĐCS) Pháp. Từ việc thành lập “Hội những người Việt Nam yêu nước”; rồi cùng mấy nhà yêu nước châu Phi trong “Hội nghị đấu tranh cho quyền con người của Ma-đa-ga-xca” gắn 2 tổ chức thành “Hội liên hiệp thuộc địa”, ra báo “Người cùng khổ” làm diễn đàn của Hội, Nguyễn Ái Quốc đã biến quê hương của Công xã Pa-ri thành căn cứ của cuộc tiến công chủ nghĩa đế quốc từ hướng thuộc địa, với một diễn đàn rộng mở để lên án kẻ thù, tập hợp lực lượng cho quá trình phi thực dân hóa. Đòn chủ lực về tiến công chính trị được chuẩn bị công phu suốt từ 1921 tới 1925 mới được xuất bản tại Pa-ri, là “Bản án chế độ thực dân Pháp”, biến tác giả thành người sẽ phải trực tiếp thi hành bản án, không chỉ với thực dân Pháp mà với cả thực dân mới là đế quốc Mỹ sau này.
Được giao nhiệm vụ “Trưởng tiểu ban nghiên cứu về Đông Dương” thuộc “Ban nghiên cứu thuộc địa” của Trung ương ĐCS Pháp, trở thành người biên soạn chính và trình bày Nghị quyết “Chủ nghĩa cộng sản và thuộc địa” trước Đại hội Đảng lần thứ nhất, không trái với 21 điều kiện tham gia QTCS của Đại hội II, Quốc tế III, anh Nguyễn nhấn mạnh Điều 8: “các đảng của những nước mà giai cấp tư sản có thuộc địa và đi thống trị các dân tộc khác phải có đường lối đặc biệt rành mạch và rõ ràng về vấn đề thuộc địa và các dân tộc bị áp bức... phải vạch trần một cách không khoan nhượng những thủ đoạn của bọn đế quốc “nước mình” ở các thuộc địa, ủng hộ không phải trên lời nói mà phải bằng việc làm bất kỳ phong trào giải phóng dân tộc nào ở các nước thuộc địa, giáo dục công nhân nước mình phải có thái độ thật sự anh em với nhân dân lao động các nước thuộc địa và các dân tộc bị áp bức, đồng thời phải tuyên truyền một cách có hệ thống vấn đề chống mọi sự áp bức các dân tộc thuộc địa của quân đội nước mình”. Khi đã biến thành Nghị quyết Đại hội của chính đảng lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân lao động, dù còn không ít quan điểm chống đối, nhưng phong trào phản chiến sau này của nhân dân và binh lính Pháp trong cuộc “chiến tranh bẩn thỉu” ở Đông Dương, ở An-giê-ri, tác động dây chuyền tới cuộc “chiến tranh của Mỹ”... không thể không có nguồn gốc sâu xa từ Nghị quyết lịch sử đó mà Nguyễn Ái Quốc đã sớm giữ vai trò chủ động.
Tới Đại hội II của ĐCS Pháp, bài tham luận sắc sảo của anh Nguyễn với tư cách là đại biểu duy nhất của các nước thuộc địa đã được ủy viên Ban chấp hành QTCS Ma-nu-in-ski hết sức đồng tình, dẫn đến việc Anh được QTCS điều sang tham gia “Ban Phương Đông” cùng chuẩn bị Đại hội V. Trong hơn một năm công tác ở Mát-xcơ-va, ngoài những bài chính luận viết cho nhiều tạp chí, Anh đã đại diện cho thuộc địa tham gia các đại hội của Quốc tế Nông dân, Thanh niên, Phụ nữ, Quốc tế Đỏ, ghi đậm dấu ấn trong nhiều tổ chức quốc tế, tác động sau này tới cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam. Tại Đại hội V của QTCS (7-1924), bản “Tham luận về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Nguyễn Ái Quốc bổ sung bản báo cáo của ủy viên Ban chấp hành QTCS Ma-nu-in-ski, đã thực sự mở rộng “Bản án chế độ thực dân Pháp” thành “Bản án chế độ thực dân toàn thế giới”, vì nó tính đến thuộc địa của mọi đế quốc trong thời điểm đó, và dẫn đến kết luận: “Sự nổi dậy của nông dân bản xứ đã chín muồi, nhưng các cuộc nổi dậy đều bị dìm trong biển máu, vì còn thiếu tổ chức, thiếu người lãnh đạo. QTCS phải giúp đỡ họ tổ chức lại, cung cấp cán bộ lãnh đạo và chỉ đường cho họ đi tới cách mạng và giải phóng”.
Cuối năm 1924, được cử là phái viên toàn quyền Ban thư ký Viễn Đông của QTCS, về công tác ở miền Nam Trung Quốc, có sự hỗ trợ của Bô-rô-đin, trưởng phái đoàn Xô viết bên cạnh Chính phủ Tôn Trung Sơn, tại Quảng Châu có nhiều người Việt, Nguyễn Ái Quốc đã xúc tiến nhiều hoạt động chuẩn bị cho cách mạng trong nước, mở lớp huấn luyện đào tạo được vài trăm cán bộ, xuất bản tập bài giảng thành sách “Đường cách mệnh”, cùng mấy nhà cách mạng các nước bạn thành lập “Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức châu Á”, thành lập “Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội” - tiền thân của nhiều nhóm Cộng sản khắp Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Thoát khỏi cuộc đảo chính của Tưởng Giới Thạch, anh Nguyễn về qua Mát-xcơ-va rồi theo đường châu Âu tới Nhật, tìm về Đông Bắc Thái Lan để vận động cách mạng trong đông đảo Việt Kiều. Việc trọng yếu nhất vào thời điểm này là Anh đã kịp thời tới Hương Cảng chủ trì cuộc hợp nhất các tổ chức Cộng sản trong nước thành ĐCS Việt Nam, công bố Cương lĩnh và Sách lược vắn tắt, “gửi lời kêu gọi...” về nước. Được luật sư Lô-dơ-bi giải cứu khỏi cuộc vây bắt ngày 06-6-1931 tại Hương Cảng, đưa đi ẩn cư tại Hạ Môn, anh Nguyễn mất hơn 2 năm mới được đưa về an dưỡng và cư trú tại Mát-xcơ-va cho tới Đại hội VII QTCS (7-1935), là đại hội chống tả khuynh, chủ trương thành lập mặt trận thống nhất ở các nước thuộc địa. Trong thời gian này, Anh không những vừa học tập tại Học viện Lê-nin, vừa giảng dạy cho sinh viên Việt Nam, mà còn tham gia tích cực vào việc chuẩn bị tham luận cho từng thành viên đoàn đại biểu ĐCS Đông Dương và tham dự Đại hội với tư cách là cán bộ của Bộ Phương Đông... Giữa năm 1938, đề nghị của Nguyễn Ái Quốc được đích thân Chủ tịch Chủ tịch Đoàn Cộng sản Đông Dương chấp nhận điều về tham gia chống Nhật ở Trung Quốc. Trong thời điểm đó, Mặt trận Dân chủ Đông Dương được thành lập, Nguyễn đã tranh thủ đề xuất những “ý kiến về đường lối chủ trương của Đảng ta trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ”, đồng thời tiến hành cuộc hành trình về Hoa Nam với bí danh Hồ Quang; tới tháng 2 mới tiếp cận được người của Đảng từ trong nước sang Côn Minh báo cáo. Sau ngày Pháp đầu hàng Đức, cùng Ban hải ngoại ĐCS Đông Dương, Nguyễn rời về Quảng Tây, đón cán bộ trong nước ra huấn luyện...
Ngày 28-01-1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vượt cột mốc số 108, về Pác Bó sau 3 chục năm kể từ ngày bước chân lên tàu La-tus Trê-vin từ Cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân.
Hội Nghị Trung ương 8, ngày 10-5-1941, do Nguyễn Ái Quốc chủ trì, mà trọng tâm là xác định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng: Trong lúc này, thời cơ đã đến nếu không đòi được Độc lập tự do cho dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được. Việc thành lập “Việt Minh” đã thực sự trở thành cuộc vừa động viên toàn dân, vừa sắp xếp lực lượng, tập trung mũi nhọn vào bọn thực dân xâm lược, gắn chặt vận mệnh cách mạng Việt Nam vào cuộc chiến đấu đánh bại trục phát xít trên toàn thế giới.
Hơn 4 năm sau, khi căn cứ địa Việt Bắc thành khu giải phóng, Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân được triển khai có hiệu quả, vào lúc kẻ thù cũ là thực dân Pháp đã bị đánh bại từ Âu sang Á, kẻ thù mới là phát xít Nhật phải tuyên bố đầu hàng, một cuộc khởi nghĩa toàn dân do ĐCS lãnh đạo đã nổ ra vào một thời cơ không thể chuẩn xác hơn, do chính những động thái của đối phương dẫn tới: Cuộc mít tinh giữa Thủ đô Hà Nội để “đón mừng” nền độc lập do Nhật trao cho Tổng bộ công chức Chính phủ Trần Trọng Kim đã bị biến thành mít tinh ủng hộ Việt Minh, tuần hành qua các phố, đòi Việt Nam hoàn toàn độc lập. Cuộc Khởi nghĩa giành chính quyền ở Thủ đô diễn ra 2 ngày sau đó đã kéo theo vũ trang khởi nghĩa trên khắp 58 tỉnh, thành phố chỉ trong vòng 10 ngày. “Bản án chế độ thực dân Pháp” đã được thi hành một bước cơ bản ở Việt Nam bằng Tuyên ngôn độc lập ngày 02-9-1945 và Tổng tuyển cử bầu Quốc hội hợp pháp vào ngày 06-01-1946.
Xét trong lịch sử cận đại, hiếm thấy cuộc cách mạng nào diễn ra thuận lợi và ít đổ máu như “Cách mạng Tháng Tám” ở Việt Nam; nó còn có ý nghĩa hết sức quan trọng và tác động mạnh mẽ tới cục diện quốc tế. Theo dõi sự phát triển của thế giới 45 năm sau, nhà nghiên cứu lịch sử thế giới Stê-in Tôn-nét-sơn, Viện nghiên cứu hòa bình thế giới Oslo, khái quát: “Nước Việt Nam tuyên bố độc lập vào năm 1945 là giai đoạn đầu tiên mở đầu cho làn sóng xóa bỏ chế độ thuộc địa ở châu Á, tiếp theo là châu Phi”2. Vì sao In-đô-nê-xi-a cũng tuyên bố độc lập năm 1945, còn sớm hơn Việt Nam (17-8), lại không được tác giả tính đến trong tác phẩm? Phải chăng sau ngày quốc khánh, In-đô-nê-xi-a chấp nhận quy chế liên hợp với đế quốc Hà Lan, khiến năm 1954, Tổng thống Xu-các-nô lại đấu tranh giành độc lập? Còn ở châu Á, chứng minh cho luận điểm nói trên, chỉ từ cuối năm 1945 tới năm 1950 đã có 13 nước giành độc lập, 15 nước khác giành độc lập trong các thập niên 50, 60, 70. Không kể các nước tách khỏi Liên bang Xô viết vào các năm 90, 91, sau 1990 chỉ còn lại Y-ê-men. Ở châu Phi xa xôi, tác động của Cách mạng Tháng Tám lan tới chậm hơn (từ 1947 tới 1952 mới được 3 nước: Li-bê-ri-a, Trung Phi và Ai Cập). Nhưng bù lại, thắng lợi của kháng chiến chống Pháp lại tác động rất mạnh tới các nước châu Phi, thông qua cuộc kháng chiến của nhân dân An-giê-ri; ở đó, địa danh “Điện Biên Phủ” biến thành “động từ quân sự”, mang nghĩa “tiến công tiêu diệt”. Chỉ từ 1950 đến 1960, 14 nước châu Phi đứng dậy giành độc lập. Các nước còn lại cứ theo đà đó mà nối tiếp cho đến khi ông Stê-in Tôn-nét-sơn khái quát. Châu Đại Dương và Mỹ - la tinh cũng không thành ngoại lệ, nhưng có nét riêng do chịu ảnh hưởng sâu sắc của Anh và Bắc Mỹ.
Năm 2000, khi Liên hợp quốc ra nghị quyết phi thực dân hóa trên toàn thế giới, cũng là năm Báo Time của Mỹ khẳng định: “Hồ Chí Minh là người đã góp phần thay đổi diện mạo hành tinh chúng ta”, đương nhiên các cơ quan đó không thể quên quyết định năm 1990 của UNESCO về tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, được đánh giá “là một trong những nhân vật quan trọng và kiệt xuất của lịch sử”. Sang năm 2010, nhân Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Người, tại Đại sứ quán Việt Nam ở Pa-ri, Phó Tổng giám đốc UNESCO lại đọc một tham luận dài khẳng định công lao của Hồ Chí Minh với sự nghiệp giải phóng các thuộc địa nhưng vẫn thúc đẩy “sự xích lại gần nhau giữa các nền văn hóa”, khiến “Hồ Chí Minh trở thành một người thầy về cuộc sống trong một thế giới có xu hướng toàn cầu hóa hiện nay”. Để đạt tới thành tựu đó, chiến lược “mở mặt trận tiến công chủ nghĩa đế quốc từ hướng thuộc địa, thúc đẩy quá trình phi thực dân hóa trên thế giới” là chặng đường đã phải trải qua, nay cần được ghi nhận rõ trong lịch sử.
Thiếu tướng, GS. BÙI PHAN KỲ
2 - Stein Tonnesson: “Cuộc cách mạng Việt Nam 1945- Roosevelt, Hồ Chí Minh, De Gaulle trong thế giới có chiến tranh”. Viện nghiên cứu hòa bình thế giới Oslo. Nxb. Sage, London 1991. Bản dịch của Viện Lịch sử Đảng, tr.114.
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm 07/11/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 30/10/2024
“Nhân quyền cao hơn chủ quyền” – sự đòi hỏi phi lý 07/10/2024
Phê phán quan điểm cho rằng đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là “thiếu khoa học, không khả thi” 30/09/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận tình đồng chí, đồng đội trong Quân đội ta 27/09/2024
Luận cứ đanh thép phản bác sự xuyên tạc đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng 26/09/2024
Phản bác luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam 16/09/2024
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân” 28/08/2024
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch 19/08/2024
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối 19/08/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm