Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Hai, 17/09/2012, 08:18 (GMT+7)
Nghịch lý về nhân quyền trong quan hệ cộng đồng quốc tế

Cùng với sự phát triển của văn minh nhân loại, vấn đề nhân quyền ngày càng được quan tâm và có bước tiến bộ. Song, đi liền với đó cũng nảy sinh những mâu thuẫn và nghịch lý mới bắt nguồn từ sự định kiến, áp đặt. Xóa bỏ nghịch lý, thực hiện công bằng và lẽ phải về nhân quyền là trách nhiệm chung đặt ra đối với mọi quốc gia, dân tộc trong quan hệ quốc tế hiện nay.

Không phải đến bây giờ mà từ nhiều năm trước, ý thức về nhân quyền và đấu tranh cho sự tiến bộ của nó đã trở thành vấn đề chung, là sự quan tâm của nhà nước ở mọi quốc gia, dân tộc. Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Lời bất hủ ấy trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ, đã một lần nữa được Hồ Chí Minh đề cập trong Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (02-9-1945) - nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam. Các tuyên ngôn đó đều khẳng định rõ: quyền con người và sứ mệnh của mỗi nhà nước trong việc thực thi quyền con người đối với mọi công dân nước mình cũng như cộng đồng quốc tế.

Sự tiến bộ về nhân quyền trong quá trình phát triển của văn minh nhân loại, in đậm dấu ấn lịch sử mỗi dân tộc. Dưới chế độ chiếm hữu nô lệ và phong kiến, nhân quyền đối với hầu hết mọi người có chăng chỉ là nhu cầu tối thiểu nhất về sự sinh tồn. Ở đó, tầng lớp chủ nô và các lãnh chúa tuy chiếm tỷ lệ nhỏ, song lại độc chiếm hầu như toàn bộ quyền sinh, quyền sát đối với toàn xã hội. Các thành phần nô lệ, nông dân và người lao động chiếm số đông, nhưng thường xuyên rơi vào tình cảnh cùng cực, thậm chí phải chịu đòn roi, xiềng xích, bị đem bán đổi, nên quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc không bao giờ được bảo đảm.

Theo sự phát triển của lịch sử, người ta hy vọng những nghịch lý nhân quyền trên sẽ được xóa bỏ khi bước sang một chế độ xã hội mới - chế độ TBCN. Sự ra đời của chế độ TBCN đã đánh dấu bước phát triển lớn trong lịch sử nhân loại, bởi nó đã tạo ra được nguồn lực to lớn, bảo đảm cho việc thực thi nhân quyền, mà chưa có chế độ xã hội nào trước đó làm được. Chỉ trong vòng mấy trăm năm ra đời và phát triển, CNTB đã tạo ra một lượng vật chất lớn gấp nhiều lần so với tất cả các chế độ trước cộng lại. Những thành tựu do nó tạo ra, cả về tri thức, khoa học, công nghệ, pháp luật,… bảo đảm cho sự phát triển nói chung, về nhân quyền nói riêng là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, thực tế những gì diễn ra kể từ khi CNTB ra đời đến nay cho thấy, không phải cứ nắm giữ nguồn lực bảo đảm cho phát triển thì sự bất bình đẳng về nhân quyền sẽ tự nhiên mất đi. Cũng không phải vì thế mà tình hình nhân quyền trong lòng chế độ TBCN sẽ ngày càng hoàn thiện, trở thành mực thước cho mọi quốc gia khác noi theo, như bộ máy tuyên truyền của họ lâu nay vẫn thường xuyên cổ xúy. Tình trạng đó có nguồn gốc sâu xa từ chính bản chất chế độ kinh tế, chính trị của xã hội tư bản. Ở đó, mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân TBCN về tư liệu sản xuất đã trở thành lực cản vô hình đối với việc thực thi nhân quyền trên mọi bình diện xã hội. Điều đó sẽ không bao giờ tạo ra cơ hội để những người lao động làm thuê được ngồi chung mâm, hưởng phần đều từ “chiếc bánh” nhân quyền cùng với các đại diện của nền dân chủ tư sản là các trùm tư bản, tài phiệt. Liệu có được sự bình đẳng, dân chủ đầy đủ, thực chất hay không ngay như trong lòng nước Mỹ hiện nay, khi người giàu chỉ chiếm 1% dân số, nhưng lại chiếm tới 21% tổng thu nhập và 35% tài sản đất nước? Lỗ hổng về nhân quyền đó là nét đặc trưng chung không gì có thể san lấp nổi của hệ thống TBCN. Thực tế trên đã diễn ra đúng như nhận định từ hơn 150 năm trước của C. Mác và Ph. Ăng-ghen: “giai cấp tư sản gọi quyền lợi của mình là nhân quyền… Kỳ thực, nhân quyền của giai cấp tư sản cũng là một đặc quyền, đặc quyền được che đậy bằng nhân quyền - đặc quyền của giai cấp tư sản”1. Bản chất kinh tế, chính trị của nhà nước cầm quyền tư sản không thể xóa bỏ được gốc rễ nghịch lý nhân quyền đã tạo ra ở chế độ xã hội trước đó, mà còn làm nảy sinh những biến thái mới, tinh vi hơn. Song, dù cố tình điều chỉnh, che đậy đến mấy, bức tranh toàn cảnh về nhân quyền dưới chế độ TBCN vẫn bộc lộ những điều bất ổn, những nghịch lý mới. Điều đáng quan tâm là, trong khi kinh tế và các nguồn lực phát triển được tăng cường, thì sự gia tăng về bất bình đẳng xã hội, phân biệt, đối xử; các giá trị nhân bản lại bị coi nhẹ và suy giảm trầm trọng. Cuộc biểu tình với khẩu hiệu “Chiếm lấy phố Wall” nổ ra vào tháng 9 năm 2011 ở nước Mỹ, lan rộng trên 950 thành phố, thuộc 82 quốc gia đã bày tỏ sự bất bình của đông đảo người lao động, đặc biệt là tầng lớp thanh niên, trí thức trên toàn thế giới trước tình trạng bất công, thiếu dân chủ trong hệ thống TBCN. Đại diện cho những người cùng quan tâm tới vấn đề trên, Tô-ny - một trong số người tổ chức ra chiến dịch đấu tranh đó (ở Anh), đã thẳng thắn bày tỏ: “Chúng tôi không thể tin được các nhà chính trị và giới chủ ngân hàng đang thỏa thuận và quyết định tương lai của mình”. Ben-gia-min Dic-to - một luật sư tương lai ở Mỹ, cũng cho rằng: “Chúng tôi phải đấu tranh để mang lại dân chủ cho xã hội và phân phối lại thành quả lao động. CNTB và cái mà họ gọi là nền dân chủ tự do xuất hiện hằng ngày đã đến mức không thể chịu nổi”... Rõ ràng là lòng tin của hầu hết người dân lao động về dân chủ, nhân quyền trong lòng chế độ TBCN đã trở nên suy giảm tới mức khó có thể khôi phục được. Nếu không được Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố, thì nhiều người khó có thể tin rằng, hiện nay cứ 06 người Mỹ lại có 01 người phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực. Trong 50 triệu người thuộc số đó, có tới 17 triệu người nằm trong tình trạng báo động. Qua báo cáo hằng năm của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tình hình nhân quyền thế giới, người ta còn được biết việc phân biệt, đối xử với các nhóm tôn giáo; đối xử không công bằng với nhóm phụ nữ, trẻ em, các dân tộc thiểu số ở Anh còn nhiều điều nhức nhối. Cũng tương tự như vậy, tình trạng bắt giữ người kéo dài trước khi xét xử, bạo hành đối với phụ nữ, buôn bán người và ngược đãi người nước ngoài... vẫn diễn ra thường xuyên ở I-ta-li-a... Khó có thể kể hết tình trạng phân biệt chủng tộc, xung đột sắc tộc, kỳ thị tôn giáo, văn hóa; sự gia tăng về bạo lực, tội phạm... đang diễn ra với mức độ và biểu hiện nghiêm trọng ở hầu hết các nước trong hệ thống TBCN.

Thực tế trên cho thấy, nhân quyền dưới chế độ TBCN, nhất là ở các nước tư bản phát triển không hoàn hảo như họ tự nhận. Mặc dù thế, trong khi chưa giải quyết thấu đáo được vấn đề nhân quyền trong nước, những nhà cầm quyền tư sản, đứng đầu là Mỹ vẫn ráo riết phán xét, giám sát và áp đặt các tiêu chí về nhân quyền của mình đối với mọi quốc gia. Người ta còn nhớ, Báo cáo Nhân quyền thế giới năm 2010 của Mỹ đã chỉ trích 130 quốc gia vì hạn chế các quyền con người. Trong khi đó, họ lại quên Tổ chức Ân xá quốc tế đã cảnh báo về tình trạng vi phạm nhân quyền của chính nước Mỹ khi nêu ra “Là một quốc gia hùng mạnh bậc nhất thế giới, Mỹ tự cho mình cái quyền đề ra tiêu chuẩn ứng xử cho các quốc gia. Nhưng Oa-sinh-tơn lại thể hiện cái xấu của mình qua hàng loạt hành động thách thức luật pháp quốc tế”! Sự phán xét mang nặng tính chủ quan, định kiến đi liền với những áp đặt võ đoán về nhân quyền, coi nhân quyền như một công cụ để can thiệp vào nội bộ nước khác chính là một nghịch lý mới trong quan hệ quốc tế hiện nay. Ngày 24-5-2012, Bộ Ngoại giao Mỹ lại công bố “Báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền thế giới năm 2011”; trong đó, phê phán tình hình nhân quyền của nhiều quốc gia trên thế giới... Với tư cách và quyền hạn gì mà Mỹ lại sốt sắng làm việc này đến thế? Đó vẫn là câu hỏi đang được đặt ra với cộng đồng quốc tế. Việc làm này hoàn toàn không phải chuyện nội bộ, vì nó đã được công khai trước toàn thế giới; hơn nữa, đi liền với nó còn có các chế định chính trị, kinh tế, giám sát và khi cần thiết còn có sự hỗ trợ, can thiệp vũ trang. Dẫu cho việc làm đó chẳng khác gì “gọt chân cho vừa giày”, thế nhưng nó vẫn tồn tại và đang còn tiếp diễn. Phần nhiều các phán xét về nhân quyền của Mỹ, khi đưa ra đều không nhận được sự đồng tình của cộng đồng quốc tế. Điều đó có nhiều nguyên nhân, trước hết là từ sự tùy tiện, chủ quan áp đặt các tiêu chí nhân quyền riêng của mình để soi xét các nước khác mà bất chấp hoàn cảnh lịch sử, điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội... cụ thể của mỗi quốc gia. Điều khác nữa, việc khai thác và xử lý các thông tin về nhân quyền thường chỉ một chiều, dựa vào ý kiến cá nhân, mang nặng định kiến, chủ quan, hoặc cực đoan, bất mãn, thù địch, chống đối chế độ và nhà nước đương quyền. Nhân quyền rất cần sự khách quan, thiện chí, nhưng khi bị thao túng bởi chủ quan, định kiến, thù nghịch,… nó sẽ bị sai lệch, méo mó. Với thái độ và cách làm nhân quyền như trên, các báo cáo về nhân quyền hằng năm của Mỹ mỗi khi đưa ra đều vấp phải sự phản bác quyết liệt của nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, mà lần này cũng không phải là ngoại lệ. Phản ứng với báo cáo nhân quyền thế giới năm 2011 của Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cho rằng: đó là một sự phân biệt, đối xử, coi thường sự thật. Bộ Ngoại giao Cu Ba tuyên bố, bản báo cáo nhân quyền của Mỹ đối với Cu Ba là những thông tin giả dối và vu cáo, chỉ nhằm bào chữa cho chính sách bao vây, cấm vận tàn bạo của Mỹ áp đặt chống Cu Ba từ hơn nửa thế kỷ qua. Cũng với tinh thần đó, nhiều quốc gia khác đều chỉ ra sự chủ quan, sai lệch, dụng ý xấu... từ báo cáo nhân quyền thế giới của Mỹ vừa qua.

Trong hoàn cảnh và điều kiện lịch sử của một đất nước vừa trải qua những cuộc chiến tranh lâu dài và khốc liệt, việc chăm lo, bảo đảm ngày càng đầy đủ hơn đến quyền con người vừa là mối quan tâm hàng đầu, vừa là một thách thức lớn đối với Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Hiện nay, chiến tranh đã lùi xa, nhưng hậu quả của nó vẫn còn hiện hữu nặng nề trong mọi mặt đời sống xã hội và trong mỗi gia đình Việt Nam. Khoảng thời gian đó đã đánh dấu sự vươn lên mãnh liệt của dân tộc Việt Nam trong sự phát triển đất nước nói chung, sự khắc phục hậu quả chiến tranh và chăm lo phát triển quyền con người nói riêng. Trong khi điều kiện bảo đảm để thực hiện việc làm đó còn vô vàn khó khăn, thiếu đồng bộ, có thể vẫn còn những hạn chế, bất cập, song không thể phủ nhận những thành tựu rất quan trọng và ngày càng phát triển, tiến bộ về chăm lo quyền con người ở Việt Nam. Điều này đã được tất cả những ai có thiện chí, yêu chuộng công lý và lẽ phải trong cộng đồng quốc tế thừa nhận. Nếu nói tiêu chí tổng quát nhất về thực hiện quyền con người trong thế kỷ XXI, trước hết phải kể đến Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc tổ chức năm 2000, với sự tham gia của 189 thành viên đã nhất trí thông qua Tuyên bố Thiên niên kỷ với 08 Mục tiêu cụ thể và đặt mốc hoàn thành các mục tiêu này vào năm 2015. Sau 10 năm nỗ lực phấn đấu thực hiện, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá hoàn thành 90% kế hoạch đặt ra và là một trong hai nước đi đầu trong việc giảm nghèo, cải thiện sức khỏe cho nhân dân. Trong quá trình chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam còn được ghi nhận có sự phát triển tích cực trong việc bảo đảm các quyền con người, đặc biệt là thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng dân chủ, đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của người dân.

Những năm gần đây, nhiều nước ở Trung Đông, Đông Âu, châu Phi đã liên tiếp xảy ra những biến động chính trị, xã hội sâu sắc bởi các cuộc chiến tranh, cách mạng thay thế chính quyền sở tại. Trong vòng 12 năm (1999 - 2011), đã có 4 cuộc chiến tranh do Mỹ và NATO tiến hành đối với Nam Tư (1999), Áp-ga-ni-xtan (2001), I-rắc (2003) và Li-bia (2011). Hiện nay, họ đang can thiệp vào tình hình Xy-ri, nhằm lật đổ chính quyền sở tại. Cùng với đó là sự bùng phát và lan rộng của các cuộc “cách mạng màu” và phong trào “Mùa xuân Ả-rập” ở một số nước thuộc Liên Xô cũ và châu Phi. Điểm giống nhau là các sự kiện này đều diễn ra dưới danh nghĩa “dân chủ”, “nhân quyền”, với các lý do mơ hồ, giả tạo, có sự can thiệp của Mỹ và phương Tây. Điều trớ trêu là, trong khi chưa đem lại điều gì tốt đẹp hơn cho người dân, thì các sự kiện “nhân quyền” đó đã cướp đi sinh mạng và làm thương tật hàng chục vạn thường dân vô tội; đồng thời, làm cho tình trạng rối ren, bất ổn ở các quốc gia này không ngừng tiếp diễn. Sự can thiệp thô bạo của Mỹ và phương Tây đã là một tác nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng đó. Thực tế trên không khỏi để người ta đưa ra điều nghi vấn: phải chăng hiện nay, bạo lực và chiến tranh đã trở thành bạn đường của nhân quyền? Nếu đúng như vậy thì quả là nghịch lý về nhân quyên đã lên tới đỉnh điểm và cuộc đấu tranh vì sự tiến bộ nhân quyền, trước hết cần phải từ việc giải quyết nghịch lý ấy.

TRỊNH THỊ HOA

Học viện CT-HC Quốc gia Hồ Chí Minh

                  

1 - C.Mác – Ph. Ăng-ghen - Toàn tập, Tập 1, Nxb CTQG, H.1995, tr.156.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.