Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Sáu, 15/04/2011, 02:26 (GMT+7)
Ngăn ngừa nguy cơ "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"

Đại hội XI của Đảng đã cảnh báo: "Trong nội bộ, những biểu hiện xa rời mục tiêu của CNXH, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" có những diễn biến phức tạp"1. Tình hình đó chứng tỏ nguy cơ "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" hiện nay là vấn đề không thể xem thường; cần phải phân tích làm rõ, có biện pháp khắc phục hiệu quả.

V.I. Lê-nin đã từng nhắc nhở và cảnh báo những người Cộng sản rằng, không ai có thể đánh đổ được chúng ta, trừ chính những sai lầm của chúng ta. Lời di huấn trên của Người ngày nay vẫn còn giá trị và mang tính thời sự nóng hổi. Nó đòi hỏi Đảng ta, mỗi cán bộ, đảng viên (CB,ĐV) phải khắc sâu lời dạy trên, để tránh nguy cơ "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", dần dần xa rời mục tiêu, lý tưởng, đi vào quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản.

Lịch sử CNXH hiện thực thế giới đã có nhiều bài học cay đắng, nhất là những bài học nóng hổi ở Liên Xô và Đông Âu; nơi mà Đảng Cộng sản, giai cấp công nhân, chế độ XHCN đã từng chiến thắng trước mọi thử thách cam go, ác liệt của chiến tranh, nhưng lại gục ngã trong hoà bình, trước sự tấn công nham hiểm, ác độc của chiến lược "Diễn biến hoà bình" do các thế lực thù địch phát động.

Trong những nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ CNXH ở Liên Xô và Đông Âu, có nguyên nhân "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của một bộ phận CB,ĐV và tổ chức đảng. Những sai lầm trong đường lối chính trị của Đảng Cộng sản ở các nước đó đã làm cho CNXH lâm vào trì trệ, khủng hoảng; cộng với đó là sự tấn công nguy hiểm của các thế lực thù địch đã làm cho tổ chức đảng và một bộ phận CB,ĐV do bản lĩnh non kém, đã "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", buông lỏng vai trò lãnh đạo, xa rời nguyên tắc Đảng, thủ tiêu đấu tranh…, dần dần đi vào lập trường của giai cấp tư sản; không có hành động cần thiết trước sự tấn công thâm độc của chủ nghĩa đế quốc..., làm cho CNXH ở đó nhanh chóng tan rã.

Nhận rõ tính chất nguy hại của "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, nên những năm qua, trong nhiều kỳ đại hội, hội nghị Trung ương, Đảng ta từng cảnh báo về tình trạng này. Đại hội XI của Đảng khẳng định: "Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ CB,ĐV gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn nghiêm trọng, làm giảm sút niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước"2. Tình trạng đó sẽ làm cho nội bộ tổ chức đảng, tổ chức chính quyền suy yếu; cán bộ thoái hóa... xa dân; đồng thời, làm suy giảm trí tuệ, năng lực tổ chức thực hiện hoạt động lãnh đạo; dẫn đến sai lầm trong việc đề ra chủ trương, quyết sách về kinh tế - xã hội. Tình trạng phân hóa giàu - nghèo ngày càng lớn, cùng với sự phân tầng giai cấp trong xã hội và những mâu thuẫn trong nội bộ được tích tụ từ lâu chưa được giải quyết..., sẽ gây nên những bất bình giữa nhân dân với một bộ phận CB,ĐV và chính quyền; làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng và với chế độ. Đây là vấn đề không thể xem thường đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta; là vấn đề mà các thế lực thù địch có thể lợi dụng trong thực hiện chiến lược "Diễn biến hòa bình", thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", nhằm mục tiêu xoá bỏ chế độ XHCN trên đất nước ta.

Điều đáng quan tâm nhất là, trước sự đổ vỡ của CNXH ở Liên Xô và Đông Âu; những tác động tiêu cực từ mặt trái kinh tế thị trường và sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, một số CB,ĐV đã giao động về mục tiêu, lý tưởng, con đường XHCN, chuyển sang phụ họa, bênh vực cho CNXH dân chủ; công kích các nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nguyên tắc lãnh đạo của Đảng; thậm chí, vô tình hay hữu ý, họ còn tuyên truyền cho chủ nghĩa tư bản. Một số CB,ĐV lợi dụng chức quyền, tham ô, tham nhũng… giầu lên nhanh chóng, đã và đang tham gia vào một bộ phận xã hội có những quan điểm xa lạ với Đảng Cộng sản… Vấn đề đáng nói ở đây là, trong khi thừa nhận tình trạng yếu kém của đội ngũ CB,ĐV mà Đảng đã chỉ ra, một bộ phận tổ chức đảng lại cho rằng, những sai lầm, khuyết điểm ở con người, tổ chức nào đấy, chứ không có ở con người mình, tổ chức mình. Một bộ phận thừa nhận trong tổ chức mình cũng có những yếu kém, khuyết điểm mà mỗi CB,ĐV của một đảng chân chính không cho phép tồn tại, nhưng lại không đấu tranh, giữ thái độ hữu khuynh, an phận. Nhận thức phiến diện, chủ quan đó đã dẫn tới tình trạng đơn giản, xuôi chiều trong sinh hoạt tự phê bình và phê bình; bởi thực tế cho thấy, không ít CB,ĐV rơi vào vòng lao lý, nhưng không phải do tổ chức đảng và tập thể CB,ĐV ở đó phát hiện ra, mà lại nhờ sự "lên tiếng" của các phương tiện thông tin đại chúng và nhân dân. Điều này đặt ra và đòi hỏi mỗi chúng ta cần phải suy nghĩ một cách nghiêm túc về chất lượng công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng và chế độ sinh hoạt tự phê bình, phê bình trong các tổ chức đó.

"Tự diễn biến", "tự chuyển hóa" là một nguy cơ không thể xem thường đối với Đảng, với chế độ. Nguy cơ đó lại đặt trong bối cảnh tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường, của quá trình toàn cầu hóa kinh tế, sự chống phá của các thế lực thù địch với âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nguy hiểm và quyết liệt, đã trực tiếp đe dọa đến sự an nguy của chế độ XHCN.

Yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH để đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, đang đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải vượt qua mọi nguy cơ, đẩy lùi thách thức, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Điều đó đòi hỏi mỗi CB,ĐV và tổ chức đảng phải tỉnh táo nhìn thẳng vào những hạn chế, thiếu sót của mình để kịp thời khắc phục đúng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: một đảng "không dấu giếm", dám nhìn rõ khuyết điểm của mình, là một đảng mạnh. Để góp phần thực hiện tốt vấn đề đó, chúng ta cần tiến hành nhiều nội dung, biện pháp; kết hợp công tác tư tưởng, tổ chức với công tác chính sách; trong đó, cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:

1. Thường xuyên thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ CB,ĐV. Nội dung công tác giáo dục chính trị, tư tưởng tập trung vào nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, nhất là tư duy mới của Đảng về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, làm cho đội ngũ CB,ĐV nhận rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng nước ta của các thế lực thù địch bằng chiến lược "Diễn biến hòa bình"; trong đó, đội ngũ CB,ĐV là một mục tiêu mà chúng hướng tới. 

2. Tập trung xây dựng đội ngũ CB,ĐV (nhất là cán bộ chủ trì) ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Mỗi CB,ĐV phải  tích cực phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện về mọi mặt, nhất là về tư tưởng, chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống, năng lực công tác; đồng thời, tích cực "làm theo" tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Mỗi tổ chức đảng cần đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái về chính trị, tư tưởng; chống tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác. Muốn vậy, tinh thần dân chủ phải được "nuôi dưỡng" trong mỗi tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội, nhằm đẩy mạnh tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc.

Mỗi tổ chức đảng cần tăng cường giáo dục, quản lý cán bộ, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, thực hiện tốt các hình thức giám sát của nhân dân và công luận đối với CB,ĐV (nhất là ở nơi cư trú); kiên trì thực hiện việc CB,ĐV kê khai tài sản, đặc biệt là cán bộ, công chức làm những việc dễ phát sinh tiêu cực, có liên quan trực tiếp với công dân, trong các ngành quản lý tài chính, tiền tệ, đất đai, đầu tư, xây dựng, trong các cơ quan bảo vệ pháp luật...; đảm bảo việc kê khai tài sản được thực hiện có nền nếp, thực chất.

Việc đánh giá trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp, ngành phải được tiến hành thành nền nếp, nhằm phát hiện kịp thời CB,ĐV vi phạm tư cách, vi phạm đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của CB,ĐV mà uốn nắn, nhắc nhở hoặc có các biện pháp xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ những phần tử cơ hội, thoái hóa, biến chất ra khỏi hàng ngũ của Đảng để tăng cường sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của một đảng cầm quyền.

Trong việc nhận xét, đánh giá cán bộ, phải lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo chủ yếu; đồng thời, phải tăng cường thông tin, bổ sung, hoàn thiện quy chế, quy trình đánh giá cán bộ một cách khách quan, dân chủ và khoa học.

3. Tăng cường công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ lãnh đạo và chỉ huy, quản lý, tạo nguồn cán bộ (nhất là cán bộ trẻ). Trên cơ sở quy hoạch, tích cực đào tạo, đào tạo lại cán bộ theo chức danh và cán bộ nguồn để nâng cao chất lượng cán bộ. Trong quá trình đào tạo, cần chú trọng bồi dưỡng phẩm chất chính trị, trình độ nghề nghiệp, năng lực thực tiễn, xử lý các tình huống nảy sinh, khắc phục những tiêu cực trong quá trình đào tạo. Bên cạnh đó, khuyến khích phong trào tự học tập, tự nâng cao trình độ của CB,ĐV bằng nhiều hình thức; thực hiện nghiêm túc kế hoạch luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý chủ chốt. Đồng thời, phải kiên quyết giữ đúng nguyên tắc: công tác cán bộ là của tập thể cấp ủy; không một cá nhân nào có quyền quyết định về công tác cán bộ; ngăn chặn triệt để mọi biểu hiện và hành động "chạy chức, chạy quyền", vì hệ lụy của nó là làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ XHCN.

4. Mỗi tổ chức đảng cần gắn vic xây dng t chc mình vi giáo dc, rèn luyn đi ngũ CB,ĐV. Đây là giải pháp có tính quyết định để ngăn chặn nguy cơ "tự diễn biến". Mỗi tổ chức đảng phải được xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; đặc biệt, chú trọng thực hiện nghiêm túc nguyên tắc "tập trung dân chủ", đẩy mạnh tự phê bình và phê bình. Cần chú trọng xây dựng tổ chức đảng ở cơ sở; nhất là ở các địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa; tránh để xảy ra mâu thuẫn, mất đoàn kết, chủ động khắc phục những hạn chế, yếu kém trong mỗi tổ chức đảng, không để cho các thế lực thù địch lợi dụng tạo cớ kích động. Để thực hiện được điều đó, cần chăm lo xây dựng tổ chức đảng, chính quyền các cấp trong sạch vững mạnh, đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của đất nước và từng địa phương; chăm lo giải quyết có hiệu quả những bức xúc, khó khăn về đời sống, những nguyện vọng chính đáng của nhân dân, như: đất đai, việc làm, tệ nạn xã hội... không để những bức xúc của nhân dân bị dồn nén lâu ngày, không được giải quyết một cách dứt điểm và có hiệu quả. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh với những luận điệu vu cáo, bôi nhọ hình ảnh Đảng nói chung, CB,ĐV nói riêng, nhất là đối với cán bộ cao cấp của Đảng, hòng hạ uy tín của Đảng; đấu tranh với những luận điệu phủ nhận những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử mà công cuộc đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng đã mang lại.

Các nội dung, giải pháp trên đây có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tập trung cốt lõi vào vấn đề cán bộ và công tác cán bộ của Đảng. Có được đội ngũ CB,ĐV thực sự là "công bộc" của dân, chăm lo cho dân, cho nước, luôn đặt lợi ích của tập thể, của đất nước lên trên lợi ích của cá nhân, thực sự "chí công vô tư" như lời dạy của Bác Hồ, thì chúng ta sẽ không sợ "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", Tổ quốc Việt Nam XHCN mãi mãi sẽ trường tồn.

 NGUYN PHÚ HƯNG

           

1, 2 - Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, ngày 20-01-2011, tr.3.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.