Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Ba, 21/04/2015, 10:07 (GMT+7)
Mưu đồ gì ẩn sau những lời kêu gọi liên minh quân sự.

Trước tình hình diễn biến phức tạp ở Biển Đông, vừa qua xuất hiện những luận điệu kích động, rằng: “không liên minh với nước nào nhằm chống nước thứ ba là tự trói buộc mình, không phù hợp với thực tế, cần phải thay đổi”. Thoáng qua tưởng ý kiến đó là đúng, nhưng thực chất là chống quan điểm, đường lối của Đảng ta. Vì thế, nó thực sự thâm độc, nguy hiểm.

Vậy mục đích của “lời kêu gọi” đó là gì? Tại sao họ lại sốt sắng đòi Đảng và Nhà nước ta phải liên minh quân sự (LMQS) với nước này chống nước khác, nhất là phải liên minh bằng mọi giá? Họ là ai? Phải chăng họ muốn thể hiện “lòng trung thành với tâm nguyện vì dân vì nước”, v.v. Không quá khó để tìm lời giải cho những câu hỏi trên khi bóc dỡ màn kịch vụng về của họ nhằm mưu toan lái Việt Nam chệch khỏi đường lối độc lập, tự chủ trong thực hiện chính sách quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc (BVTQ), cũng như trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, hòng “đục nước béo cò”, phục vụ cho những dã tâm nguy hiểm hơn.

Lịch sử quân sự và chiến tranh trên thế giới cho thấy, LMQS, liên minh chiến đấu (LMCĐ) là một hiện tượng khá phổ biến nhằm xâm lược hoặc chống xâm lược. LMQS, LMCĐ giữa các quốc gia có thể là nhất thời, trong giai đoạn ngắn, nhưng cũng có thể tồn tại lâu dài. Tựu trung, tính bền vững của nó phụ thuộc vào những điều kiện cụ thể của bối cảnh quốc tế mà mỗi quốc gia tham gia liên minh.

Căn cứ vào lý luận và thực tiễn có thể khái quát: “LMQS là sự liên kết hoạt động quân sự giữa hai hoặc nhiều nước hay tập đoàn chính trị trên cơ sở thống nhất về mục đích và lợi ích. LMQS có thể tổ chức ra khối quân sự hoặc chỉ lập thành đơn vị chiến đấu chung. Tùy thuộc vào mục đích chính trị, LMQS có thể là tiến bộ hay phản động, tự vệ hay xâm lược”1. Như vậy, LMQS có cả mặt tích cực và tiêu cực. Mặt tích cực: Tăng cường sức mạnh quân sự, quốc phòng cho hành động xâm lược hoặc chống xâm lược; tạo sự chuyển hóa về thế trận và lực lượng quân sự trên chiến trường, nhằm thực hiện các chiến lược chiến tranh hay chiến dịch quân sự tiến công hoặc phòng ngự; tạo thêm uy tín và vị thế, sức mạnh cho quốc gia tham gia liên minh, v.v. Mặt tiêu cực: Gia tăng căng thẳng và đối đầu giữa các nước, các khối quân sự sẵn có các mâu thuẫn về mục đích và lợi ích; là nguyên cớ để các nước, các khối quân sự chạy đua vũ trang, gia tăng tiềm lực, thực lực và đẩy mạnh hoạt động quân sự, tăng cường hiện diện quân sự, đẩy thế giới, khu vực và đất nước đến “miệng hố chiến tranh”, “chiến tranh đẻ ra chiến tranh”; các quốc gia, dân tộc phải từ bỏ một phần hoặc hy sinh những lợi ích căn bản của mình, đặc biệt là quyền dân tộc tự quyết; là điều kiện thuận lợi để các nước lớn, các tập đoàn tài phiệt, tập đoàn quân sự hùng mạnh hay các thế lực phản động thỏa hiệp với nhau, thực hiện chính sách hai mặt đối với các quốc gia, dân tộc nhỏ yếu bị lôi kéo, ép buộc vào liên minh, v.v. Nhìn chung, tính chất tích cực và tiêu cực của hành động LMQS đan xen, chuyển hóa tác động lẫn nhau; gây nguy hại đến các mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và an ninh của đất nước, khu vực và thế giới.

Tùy theo mục đích chính trị, mà có LMQS, LMCĐ chính nghĩa, tiến bộ hoặc phi nghĩa, phản động; theo hình thức và thời gian nhất định, mà có liên minh lâu dài hoặc tạm thời. Từ đầu thế kỷ XX đến nay, trên thế giới đã xuất hiện những LMQS, LMCĐ tiến bộ, chính nghĩa, như: liên minh chống chủ nghĩa phát xít của các nước đồng minh (1940 - 1945), Liên minh ba nước Đông Dương (1945 - 1975), Tổ chức hiệp ước Vac-sa-va (1955 - 1989). Đồng thời, cũng xuất hiện liên minh phản động, phi nghĩa giữa các nước đế quốc nhằm tiến hành xâm lược vũ trang hoặc “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ, chống lại các nước XHCN và phong trào giải phóng dân tộc hoặc những quốc gia không chịu khuất phục và lệ thuộc, như: Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Liên minh Phòng thủ Đông Nam Á (SEATO), Khối hiệp ước quân sự Úc - New Zealand  - Mỹ (ANZUS), v.v.

Lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam đã chứng minh tính chất tự vệ, hòa bình và chính nghĩa của LMQS, LMCĐ, đồng thời khẳng định LMQS, LMCĐ là một trong những phương thức BVTQ trong những thời điểm nhất định. Năm 722, trong cuộc nổi dậy chống ách đô hộ của nhà Đường, bên cạnh việc “tìm cách liên kết với các thủ lĩnh và nhân dân các châu miền núi, với Chăm-pa để có thêm lực lượng chống quân Đường”2, tích cực liên minh được với Lâm Ấp, Chân Lạp (Cam-pu-chia) và Kim Lân (Ma-lai-xi-a),… thì hành động quân sự đặc biệt quan trọng lại là “Mai Thúc Loan đã dấy quân 32 châu”3, nhằm “Vận động LMQS với nước ngoài để cùng đánh giặc. Đây là nét độc đáo trong kế sách đối ngoại của Mai Thúc Loan”4. Việc chủ động giữ nước bằng cả chính trị, quân sự và ngoại giao này, được lịch sử thời nay nhận định: “Đoàn kết với các nước láng giềng, LMQS với các nước bạn để cùng chiến đấu chống xâm lược là một sự phát triển mới trong đường lối đối ngoại và đường lối chiến tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta cách đây hơn một nghìn năm”5. Từ năm 1945 đến năm 1975, trong sự nghiệp đấu tranh giành và giữ nền độc lập dân tộc, Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam đã thực hành LMQS, LMCĐ với Lào và Cam-pu-chia chống kẻ thù chung là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; qua đó, xây đắp nên tình hữu nghị đặc biệt giữa ba nước trên bán đảo Đông Dương. Điều đó đồng thời khẳng định tính tất yếu phải liên minh và tính chất tự vệ, hòa bình, chính nghĩa của liên minh ba nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia.

Từ khi đất nước hòa bình, thống nhất đến nay, Việt Nam nhất quán thực hiện những chính sách quốc phòng theo phương hướng, nội dung cơ bản như sau: Một là, nền quốc phòng Việt Nam mang tính chất tự vệ, không nhằm xâm lược hoặc đe dọa xâm lược bất cứ quốc gia nào. Hai là, xây dựng sức mạnh quốc phòng dựa trên sức mạnh tổng hợp của cả nước, của khối đại đoàn kết toàn dân, của cả hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh của lực lượng quân sự và thế trận quốc phòng toàn dân với sức mạnh của lực lượng và thế trận an ninh nhân dân. Ba là, quốc phòng luôn gắn bó mật thiết với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Thông qua các mối quan hệ đối ngoại, Việt Nam tăng cường sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau với nhân dân và chính phủ các nước, tạo cơ sở mở rộng hợp tác, giải quyết các mâu thuẫn nhằm ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ xung đột, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Bốn là, thực hiện chính sách quốc phòng độc lập, tự chủ, xây dựng sức mạnh quốc phòng bằng nguồn lực mọi mặt của đất nước là chính, kết hợp tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài thông qua hợp tác quốc tế. Năm là, thực hiện chiến lược quốc phòng dựa trên tổng thể các hoạt động chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa - xã hội và quân sự nhằm triệt tiêu các nguyên nhân dẫn đến xung đột vũ trang và chiến tranh. Sáu là, giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên đất liền, trên biển do lịch sử để lại hoặc mới nảy sinh bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, v.v. Đối với các tranh chấp chủ quyền trên biển, mặc dù có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý chứng minh chủ quyền không thể tranh cãi đối với các vùng biển, đảo của Việt Nam trên Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, song Việt Nam vẫn sẵn sàng đàm phán hòa bình để giải quyết các tranh chấp dựa trên các quy định của Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật Biển. Việt Nam chủ trương không tham gia các tổ chức LMQS, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của mình để chống lại nước khác.

Nhờ thực thi đường lối và chính sách quốc phòng đúng đắn, sức mạnh quốc phòng của Việt Nam trong những năm qua không ngừng được tăng cường, phục vụ có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ BVTQ đã đề ra, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, ngăn ngừa xung đột, chiến tranh, góp phần củng cố hòa bình, giữ vững an ninh, vun đắp tình hữu nghị giữa các nước trong khu vực và trên thế giới. Bởi vậy, Việt Nam đang được hầu hết các quốc gia và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Chủ quyền quốc gia dân tộc là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Tư tưởng và tinh thần đó luôn là vấn đề có tính nguyên tắc trong đường lối quốc phòng, an ninh của Việt Nam. Bảo vệ chủ quyền quốc gia dân tộc là trách nhiệm và là tình cảm tự nhiên, thiêng liêng, sâu đậm trong trái tim, khối óc của mỗi người dân Việt Nam. Để thực hiện được nhiệm vụ thiêng liêng đó, giữ vững chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc, toàn thể nhân dân và hệ thống chính trị, các đoàn thể xã hội nước ta đang tích cực, chủ động và kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập và tự chủ. Đây là đường lối hoàn toàn đúng đắn của Đảng và nhân dân ta, phù hợp với bối cảnh quốc tế và trong nước. Đường lối đó là sự kết tinh truyền thống đấu tranh bất khuất, kiên cường, độc lập, tự chủ, tự lực tự cường của dân tộc Việt Nam qua hàng ngàn năm giữ nước. Thực tiễn lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta cho thấy, khi nào kiên định quan điểm độc lập và tự chủ, nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, “vua tôi một lòng”, “trên dưới hợp sức” thì chủ quyền, độc lập dân tộc sẽ được giữ vững và ngược lại.

Trên thế giới, các cuộc chiến tranh và xung đột khắp Nam Âu đến Nam Á, Trung Đông và Bắc Phi mấy thập niên qua đều chỉ ra, một trong những nguyên nhân và “ngòi nổ” của nó là trong chính sách đối nội và đối ngoại thiếu sự nhất quán độc lập và tự chủ của đảng cầm quyền và chính phủ các nước đó. Mới đây, bài học về cuộc nội chiến ở Xy-ri, xung đột ở U-crai-na, sự leo thang quân sự ở I-rắc chính là sự không tuân thủ nguyên tắc độc lập, tự chủ. Chính phủ và ngay cả một bộ phận nhân dân các nước này luôn trông chờ sự “cứu giúp” của các thế lực bên ngoài. Họ biết đâu rằng, đằng sau những hành động và việc làm tưởng như vô tư đó là cả một mưu đồ tham vọng về lợi ích chiến lược của các cường quốc; mà hậu quả để lại cho nhân dân các nước đó không chỉ là phá hỏng không gian kinh tế - xã hội, kéo lùi sự phát triển của đất nước, mà còn là cảnh “nồi da nấu thịt”, chia cắt, tàn phá đất nước.

Những bài học lịch sử được rút ra từ xương máu của nhân loại và nhân dân Việt Nam còn tươi mới trong hiện tại. Ấy vậy mà, vẫn có những kẻ với giọng điệu, tư tưởng “ngóng trông”, “chờ đợi”, “khuyên can chân thành” Chính phủ và nhân dân Việt Nam nên LMQS với nước này để kiềm chế hay đối phó với nước kia mới bảo vệ được độc lập, chủ quyền, lãnh thổ. Đó là chưa đề cập tới việc cái giá phải trả sẽ thế nào. Phải chăng là “thay đổi chính sách nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam”, “phải từ bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với đất nước và Quân đội”; “thay đổi Cương lĩnh, từ bỏ đường lối xây dựng CNXH”, đi theo con đường “dân tộc và dân chủ” theo kiểu phương Tây, v.v. Như vậy, động cơ và tình cảm “chân thành” của họ đã rõ ràng. Việc họ kêu gọi đòi Đảng ta tham gia LMQS thực chất là chống quan điểm, đường lối của Đảng và như thế tức là chống phá sự lãnh đạo của Đảng. Đây là mục tiêu nhất quán, không thay đổi của các thế lực thù địch xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chế độ XHCN ở nước ta. Do đó, chúng ta phải hết sức cảnh giác, kiên quyết đấu tranh bác bỏ luận điệu thâm độc, nguy hiểm này.

Đại tá, TS. NGUYỄN VĂN QUANG, Viện Khoa học XHNVQS - Bộ Quốc phòng
___________________

1 - Trung tâm từ điển Bách khoa Quân sự - Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, Nxb QĐND, H. 2004, tr. 610.

2 - Quỳnh Cư - Đỗ Đức Hùng - Các Triều đại Việt Nam, Nxb Thanh Niên, H. 2006, tr. 52.

3 - Tân Đường thư (sách sử Trung Quốc) - q. 207, Dương Tư Húc truyện.

4 - Nguyễn Lương Bích - Lược sử ngoại giao Việt Nam các thời trước, Nxb QĐND, H. 2003, tr. 17.

5 - Sđd - tr. 18.

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.