Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Sáu, 15/03/2013, 22:09 (GMT+7)
Mục tiêu nào đằng sau đòi hỏi Quân đội phải trung lập về chính trị

Góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là trách nhiệm của toàn dân, nhằm xây dựng một bản hiến pháp đáp ứng nhu cầu công cuộc xây dựng CNXH trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Bên cạnh những ý kiến chân thành, tâm huyết, cũng đã có những ý kiến ít mang tính xây dựng và đi ngược lại yêu cầu của sự nghiệp xây dựng CNXH. Một trong những ý kiến đó là đòi hỏi “Quân đội phải trung lập về chính trị”. Vậy, mục tiêu nào ẩn sau đòi hỏi đó? 

 

 

 

 

Cần khẳng định rằng, việc sửa đổi Hiến pháp lần này gắn liền với việc thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) đã được thông qua tại Đại hội XI của Đảng. Cương lĩnh đó đã được Đảng đưa ra xin ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, nên nó thể hiện đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân ta. Vì vậy, để hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (gọi tắt là Dự thảo Hiến pháp), phải quán triệt sâu sắc những quan điểm của Đảng về xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Tuy nhiên, sau khi bản Dự thảo được Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Quốc hội công bố để lấy ý kiến của nhân dân, thì các thế lực thù địch cũng tranh thủ cơ hội này để gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ Đảng với Nhà nước, Quân đội và nhân dân, với mục tiêu nhất quán là lái con đường cách mạng của nhân dân ta sang con đường phát triển TBCN. Rất tiếc rằng, đã có không ít người mắc mưu những thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, nên đã vào hùa với chúng để nhai lại những luận điệu sai trái, mà chúng đã rêu rao từ rất lâu; trong đó có luận điểm “Quân đội phải trung lập về chính trị”!

Không phải bây giờ chúng ta mới biết đến luận điệu “quân đội phải trung lập về chính trị”, bởi nó đã từng xuất hiện trong thời kỳ diễn ra cuộc cách mạng Nga lần thứ nhất. Khi đó, để đối phó với sự xung đột quyết liệt giữa tuyệt đại đa số nhân dân lao động Nga với Chính phủ Nga hoàng, bọn tôi tớ của nền chuyên chế Nga hoàng đã ra sức tuyên truyền về “tính trung lập của quân đội, về sự cần thiết phải giữ cho quân đội đứng ngoài chính trị”1. Để phản bác sự lừa dối này, V.I. Lê-nin chứng minh cho tất cả binh sĩ và quần chúng lao động Nga đã được giác ngộ chính trị thấy rằng: “Cả Đảng Dân chủ - lập hiến lẫn chính phủ đều theo đuổi những lợi ích riêng trong vấn đề quân đội. Bọn sát nhân cần đến quân đội làm công cụ tàn sát. Bọn tư sản tự do chủ nghĩa cần đến quân đội để bảo vệ nền quân chủ tư sản…”. Từ thực tiễn đó, V.I. Lê-nin đã kết luận: “Quân đội không thể và không nên trung lập. Không lôi kéo quân đội vào chính trị - đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ giả nhân giả nghĩa của giai cấp tư sản..., bọn này trong thực tế bao giờ cũng đã lôi kéo quân đội vào chính trị phản động”2 nếu có ai hoặc lực lượng nào rêu rao về chủ trương: “quân đội phải trung lập về chính trị”, thì đó chỉ là sự “che giấu những nguyện vọng thật sự của giai cấp tư sản”3.

Cả lý luận và thực tiễn lịch sử của các xã hội có giai cấp đều cho thấy: nhà nước và quân đội là sản phẩm của xã hội có giai cấp; và giai cấp nào đương quyền lãnh đạo xã hội, cũng đều tìm cách trực tiếp nắm lấy quân đội và sử dụng quân đội như một công cụ bạo lực để tiến hành đấu tranh giai cấp. Trong lịch sử cận, hiện đại và đương đại, các đảng chính trị đều thông qua nhà nước để nắm lấy quân đội nhằm thực hiện mục tiêu chính trị của đảng mình. Đó không chỉ là ngoại lệ đối với các nước đi theo thể chế chính trị XHCN, mà rất phổ biến ở các nước đi theo thể chế chính trị TBCN.

Ngày nay, ở các nước TBCN đang duy trì thể chế đa đảng, các đảng chính trị luôn đấu tranh với nhau để nắm chính quyền và thông qua chính quyền để lãnh đạo xã hội, nhưng trong thực tế, chỉ có các đảng chính trị được sự hậu thuẫn của các tập đoàn tư bản độc quyền mới có lực và cơ hội để nắm được chính quyền; vì thế, tính nhất nguyên về chính trị của nhà nước tư sản không bao giờ mất đi, cho dù đảng này hay đảng khác (đại diện cho các nhóm, tập đoàn khác nhau của giai cấp tư sản) giành được quyền lãnh đạo xã hội. Do vậy, dù đảng chính trị nào nắm chính quyền, quân đội của các nước này vẫn là công cụ chủ yếu để bảo vệ quyền lợi tối cao của giai cấp tư sản. Theo đó, quân đội ở đây là một bộ phận cấu thành của nhà nước tư sản, được nhà nước tư sản chu cấp nuôi dưỡng, quản lý và sử dụng, nên mục tiêu chiến đấu, chức năng, nhiệm vụ, cơ chế quản lý đối với các quân đội đó hoàn toàn phụ thuộc vào quan điểm và mục tiêu chính trị của giai cấp tư sản. Vì thế, quân đội ở các nước này bao giờ cũng luôn là lực lượng chính trị, mang bản chất chính trị của nhà nước tư sản. Trong thực tế lịch sử, quân đội của nhà nước tư sản không chỉ được sử dụng để bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc mình, mà còn được sử dụng để đàn áp sự phản kháng của nhân dân lao động ở ngay trong nước mình và nhất là ở các nước mà họ tiến hành chiến tranh xâm lược. Thực tiễn lịch sử cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta chống lại sự xâm lược, ách thống trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật và đế quốc Mỹ đã chứng minh quá rõ bản chất chính trị của quân đội các nước này – thứ chính trị tư sản đặc sệt. Vậy là, trong thực tế đã không có và sẽ không thể có quân đội “trung lập về chính trị” như người ta đang rao giảng và ảo tưởng.

Sự sụp đổ chế độ XHCN ở Liên Xô hơn hai thập kỷ trước để lại cho chúng ta bài học đau xót về vấn đề xây dựng bản chất chính trị của quân đội. Với việc từ bỏ những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin về xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân, nhất là với sự phản bội của một số người trong ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô lúc bấy giờ, mà Quân đội Xô viết đã thực hiện chủ trương “phi chính trị hóa”, xóa bỏ cơ chế Đảng lãnh đạo quân đội. Chủ trương đó đã nhanh chóng làm cho Quân đội Xô viết bị biến chất về chính trị, bị vô hiệu hóa trước sức công phá của chiến lược “Diễn biến hòa bình” do chủ nghĩa đế quốc tiến hành, nên không còn là lực lượng nòng cốt bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Mười, thành quả của nhiều thế hệ nhân dân Xô viết xây đắp nên.

Trở lại luận điểm đòi “Quân đội phải trung lập về chính trị”, chúng ta có thể khẳng định ngay rằng: đó là quan điểm sai trái, mà mục tiêu thật sự đằng sau luận điểm đó là nhằm chia rẽ Quân đội với Đảng, là nhằm tước bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội; để từ đó, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, tạo cơ hội ngàn vàng cho các thế lực có thâm thù với cách mạng tiến hành “cuộc chiến không đánh mà thắng”, hòng lái con đường phát triển của dân tộc ta sang con đường TBCN. Thủ đoạn này tuy không mới, nhưng lại được tiến hành dưới chiêu bài thực hiện quyền dân chủ, nên rất tinh vi, mà chúng ta phải hết sức cảnh giác để khỏi mắc mưu.

Thực tiễn gần 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội ta luôn gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngay từ ngày đầu thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã được tổ chức theo nguyên tắc lấy chi bộ đảng làm hạt nhân lãnh đạo. Tuy trải qua một số lần thay đổi cơ chế lãnh đạo, nhưng nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội luôn được thực hiện nhất quán. Nhờ đó, Quân đội ta không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, trở thành đội quân “bách chiến, bách thắng”, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Cái giá phải trả khi từ bỏ nguyên tắc mác - xít về xây dựng quân đội cách mạng ở Liên Xô, cũng như bài học về xây dựng lực lượng vũ trang Việt Nam (ở Nam Bộ) những năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám luôn nhắc nhở chúng ta rằng, trong mọi hoàn cảnh, phải kiên trì quan điểm “Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội”; coi đó là nguyên tắc hàng đầu, cơ bản, bất di bất dịch trong nhiệm vụ xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Tất cả mọi suy nghĩ và hành động làm suy yếu sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, cần phải vạch trần và phê phán; bởi nếu để điều đó xảy ra, Quân đội sẽ mất phương hướng hành động, biến chất về chính trị, rốt cuộc, Quân đội sẽ đứng ngoài cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và CNXH của nhân dân. Lịch sử hình thành và phát triển của Quân đội ta đã khẳng định rõ điều đó; vì thế, không thể chấp nhận quan điểm “Quân đội phải trung lập về chính trị”.

Để vạch trần sự lừa bịp của các quan điểm sai trái về xây dựng quân đội trong các ý kiến đóng góp vào Dự thảo Hiến pháp đang diễn ra hiện nay, một mặt, chúng ta cần nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nâng cao ý thức và trách nhiệm chính trị trong việc thực hiện quyền dân chủ và nghĩa vụ công dân; mặt khác, phải coi trọng xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, mà cốt lõi là thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội; chăm lo công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; đảm bảo cho Quân đội ta luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam XHCN.

 

Đại tá, PGS,TS. TRẦN ĐĂNG BỘ

Viện KHXHNVQS/BQP


______________  

1,2 - V.I. Lê-nin -Toàn tập, Tập 12, Nxb Tiến bộ, M.1979, tr.136.

3 - Sđd, Tập 13, Nxb Tiến bộ, M. 1980, tr. 358.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.