Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Năm, 06/10/2011, 16:29 (GMT+7)
Một thông lệ kỳ quặc, cách nhìn sai lệch, lỗi thời

alt
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương và chức sắc Phật giáo thả chim bồ câu tại Lễ Phật đản - Ảnh mang tính minh họa (nguồn btgcp.gov.vn)
 Như một thông lệ, từ nhiều năm nay, “Uỷ ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ” (USCIRF) thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thường đưa ra những báo cáo về tình hình tự do tôn giáo ở các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Mới đây, ngày 13-9-2011, USCIRF lại ra “Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế giai đoạn từ tháng 7-2010 đến tháng 12-2010”. Đây lại là một thông lệ kỳ quặc với cách nhìn sai lệch, lỗi thời về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam.

 

Một thông lệ kỳ quặc: USCIRF chỉ là một tổ chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ lại tự cho mình cái quyền hằng năm, hoặc nửa năm (như vừa rồi) đưa ra những báo cáo về tình hình tự do tôn giáo của các nước trên thế giới theo quan điểm, cách nhìn của họ. Trong đó, họ như một cơ quan an ninh toàn cầu, hoặc như một toà án tối cao để phán xét, kết tội, đưa nước này, nước nọ vào “sổ đen tôn giáo” để theo dõi, xử lý. Điều đó thật là kỳ quặc. Trong Báo cáo công bố ngày 13-9 vừa rồi, họ đưa 8 nước vào danh sách “các nước vi phạm tự do tôn giáo trầm trọng nhất” (CPC), gồm: Trung Quốc, My-an-ma, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, I-ran, A-rập Xê-út, Xu-đăng, Ê-ri-tơ-ri-a, và U-dơ-bê-ki-xtan. Ngoài 8 nước đó, USCIRF còn đưa thêm 6 nước cũng có “tội” về tự do tôn giáo, nhưng ở thể nhẹ hơn vào danh sách mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cần “theo dõi chặt chẽ”. Các nước này gồm: Ai-cập, Ni-giê-ri-a, I-rắc, Tuốc-mê-ni-xtan, Pa-ki-xtan và Việt Nam.

Cái “thông lệ kỳ quặc” đó trái ngược với các thông lệ, tập quán trong quan hệ quốc tế, trái với những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc. Không có một thông lệ, tập quán quốc tế nào cho phép một cơ quan, tổ chức ở một nước lại có quyền theo dõi, phán xét theo ý mình một cách công khai, trắng trợn công việc của các nước khác. Không có điều khoản nào trong Hiến chương Liên hợp quốc và các luật pháp quốc tế cho phép một quốc gia, kể cả siêu cường Mỹ có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Tôn trọng và bảo vệ sự bình đẳng giữa các nước có chủ quyền; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau là nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Hiến chương Liên hợp quốc quy định: Tất cả các quốc gia, không phân biệt lớn nhỏ, giàu nghèo, mạnh yếu đều là thành viên bình đẳng của cộng đồng quốc tế; công việc mỗi nước là do nhân dân nước đó tự quyết định. Do vậy, việc “phán xét” tình trạng tự do tôn giáo ở các nước, trong đó có Việt Nam mà Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra hằng năm là một “thông lệ kỳ quặc”, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ nước khác, vi phạm trắng trợn những nguyên tắc pháp lý quốc tế cơ bản, có ý nghĩa phổ biến chỉ đạo mối quan hệ bang giao giữa các quốc gia. Chính vì vậy, sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ thực hành cái “thông lệ kỳ quặc” ấy, Việt Nam cũng như các nước bị quy chụp đều phải lên tiếng phản bác.

Vậy có nên và cần thiết phải có thứ “thông lệ kỳ quặc” như thế làm ảnh hưởng không tốt đến quan hệ giữa các nước với Hoa Kỳ nữa không ?

Một cách nhìn sai lệch, tư duy lỗi thời. Đáp lại “thông lệ kỳ quặc” của USCIRF công bố ngày 13-9-2011, ngày 14-9-2011 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ: “Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ cho giai đoạn từ tháng 7-2010 đến tháng 12-2010, mặc dù đã ghi nhận những thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực này, vẫn tiếp tục đưa ra những đánh giá không khách quan, trích dẫn những thông tin sai lệch về Việt Nam”. Trong Báo cáo lần này, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn chỉ trích việc Nhà nước Việt Nam xử lý một số tín đồ, chức sắc tôn giáo vi phạm pháp luật (như việc bắt giam lại linh mục Nguyễn Văn Lý), việc không cho phép hoặc “chậm cho phép” một số tôn giáo hoạt động là “vi phạm tự do tôn giáo” để rồi liệt Việt Nam vào danh sách các nước “cần theo dõi chặt chẽ”. Ông Leord Leo, Chủ tịch USCIRF chuyên tham vấn cho Chính phủ Mỹ về các vấn đề tôn giáo còn nói rằng: “Hoa Kỳ đã giúp Việt Nam, đã hỗ trợ cho quyền lợi an ninh và kinh tế của Việt Nam,… thế mà đổi lại, họ lại bắt giữ một linh mục công giáo ốm yếu, người chỉ vận động một cách hoà bình cho tự do tôn giáo và pháp quyền”. Ông còn đe dọa: “Chính quyền Mỹ không thể duy trì chính sách hỗ trợ cho quyền lợi an ninh và kinh tế của Việt Nam, chừng nào chưa có cải thiện rõ ràng đáp lại các quan tâm của Mỹ trong lĩnh vực tự do tôn giáo và pháp quyền”.

Rõ ràng, những điều nêu trên vẫn thể hiện cách nhìn rất sai lệch về tự do tôn giáo ở Việt Nam và về mối quan hệ Việt - Mỹ, cho thấy tư duy của các tác giả “thông lệ kỳ quặc” ấy là rất “lỗi thời”.

Một là, tác giả của “thông lệ kỳ quặc” coi việc Nhà nước Việt Nam xử lý một số tín đồ, chức sắc tôn giáo khi những người này vi phạm pháp luật là “đàn áp tôn giáo” hay “vi phạm tự do tôn giáo” là cách nhìn rất sai lệch. Ở Việt Nam, tuyệt đối không có việc “người chỉ vận động một cách hoà bình cho tự do tôn giáo và pháp quyền” mà lại bị bắt giam. Linh mục Nguyễn Văn Lý được một số thế lực ở phương Tây ca ngợi là “nhà hoạt động tôn giáo, nhân quyền nổi tiếng” bấy lâu nay, chính là người lợi dụng tôn giáo để hoạt động chính trị chống phá chế độ, vi phạm nghiêm trọng luật pháp Việt Nam, đã bị xử lý theo pháp luật. Sau khi ra tù, ông ta lại “ngựa quen đường cũ” tiếp tục vi phạm pháp luật, thì lại bị xử lý theo pháp luật là lẽ đương nhiên. Nhà nước Việt Nam là nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Bất kể người có đạo hay không có đạo, bất kể theo tôn giáo nào, chức vụ, địa vị nào, nếu vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý theo pháp luật. Sự thực là tại Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân được quy định rõ trong Hiến pháp và được bảo đảm trên thực tế. Điều này đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Rất nhiều du khách và quan chức chính quyền Mỹ, như cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Michalak, Phó Chủ tịch USCIRF Michael Lewis Cromartie, Đại sứ lưu động phụ trách tự do tôn giáo Mỹ John Hanford,… qua khảo sát thực tế ở Việt Nam đều có chung nhận xét: “Tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam đã được mở rộng và có nhiều tiến bộ, nhiều điểm đáng khích lệ”. Những tôn giáo lớn nhất trên thế giới, như: Phật giáo, Thiên chúa giáo, Tin lành, Hồi giáo,… đều sinh hoạt bình thường, được tạo điều kiện để ngày càng phát triển ở Việt Nam. Chỉ tính từ năm 2005 đến nay, số tôn giáo tăng từ 6 tôn giáo với 16 tổ chức lên 12 tôn giáo với 32 tổ chức được Nhà nước Việt Nam thừa nhận, với gần 24 triệu tín đồ, chiếm gần 30% dân số. Cả nước Việt Nam có gần 26 nghìn đền chùa, thánh thất, cơ sở thờ tự của các tôn giáo. Mọi gia đình Việt Nam đều có bàn thờ tổ tiên đặt ở nơi trang trọng nhất. Hầu hết các làng, xã, địa phương ở Việt Nam đều tổ chức lễ hội hằng năm, ở đó diễn ra các hoạt động văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo vô cùng phong phú, đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu tâm linh của người Việt Nam. Đó là sự thật; là một phần bức tranh vô cùng sinh động về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, không ai có thể xuyên tạc được. Nếu cần ghi nhận cho đúng sự thật, thì tự do tôn giáo ở Việt Nam là phải ghi vào “sổ vàng” chứ không phải “sổ đen” để “theo dõi chặt chẽ” như Bộ Ngoại giao Mỹ đang làm. Tự do tôn giáo là điểm mạnh chứ không phải là điểm yếu của Việt Nam. Vậy nên, cách nhìn nhận như Báo cáo của USCIRF vừa qua chẳng là sai lệch lắm sao!

Có một sự thật là, tự do tôn giáo ở Việt Nam có lúc, có nơi đã diễn ra quá mức cần thiết, có quá nhiều thứ “đạo” ra đời; trong đó, có những kẻ xấu đã lợi dụng tự do tôn giáo mà đẻ ra cả những “tà đạo” có hại cho nhân dân để trục lợi hoặc để hoạt động chính trị chống phá chế độ. Bởi vậy, Nhà nước Việt Nam phải thực hiện chức năng quản lý các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng pháp luật, sao cho các hoạt động này được phát triển đúng đắn, lành mạnh, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân. Nhà nước Việt Nam không cho phép các “tà đạo” hoạt động, không cho phép những kẻ lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động chính trị chống phá chế độ, có hại cho an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Bộ Ngoại giao Mỹ coi việc Nhà nước Việt Nam thực hiện chức năng quản lý các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo pháp luật là “vi phạm tự do tôn giáo” cũng là cách nhìn rất sai lệch. Thử hỏi trên thế giới ngày nay, có thứ tự do nào, kể cả tự do tôn giáo lại đứng ngoài vòng pháp luật trong một nhà nước pháp quyền?

Hai là, quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ từ khi chuyển sang bình thường hóa đến nay đã khác xưa rất nhiều; đó là quan hệ đối tác, hợp tác trên mọi lĩnh vực: kinh tế, chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, đã và đang đạt nhiều kết quả to lớn, mang lại lợi ích cho cả đôi bên. Các tác giả của “thông lệ kỳ quặc” đó vẫn nhìn Việt Nam nói chung, tự do tôn giáo ở Việt Nam nói riêng bằng con mắt kỳ thị, không khách quan, đó là cách nhìn sai lệch, lỗi thời, không phù hợp, cũng không có lợi cho sự phát triển quan hệ Mỹ - Việt hiện nay. Việt Nam đã từng là nạn nhân của chiến tranh xâm lược của Mỹ trước đây, hàng triệu nạn nhân chất độc da cam/ đi-ô-xin, hàng triệu nạn nhân chết và thương tật do hậu quả chiến tranh của Mỹ để lại đang là những vấn đề nhân quyền lớn nhất ở Việt Nam mà hai bên đang phải cùng nhau giải quyết. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn không nhìn nước Mỹ, người Mỹ bằng con mắt kỳ thị, thù địch, mà gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ. Đáng tiếc là, phía Mỹ đôi khi vẫn còn cách nhìn kỳ thị, sai lệch về Việt Nam nói chung, tự do tôn giáo ở Việt Nam nói riêng. Điều này thật không hợp đạo lý.

Tác giả của “thông lệ kỳ quặc” cho rằng, “Mỹ đang giúp Việt Nam, đang hỗ trợ Việt Nam,… mà Việt Nam đáp lại bằng việc bắt giữ một linh mục ốm yếu…” tức là vẫn “vi phạm tự do tôn giáo” để gây áp lực đòi Chính phủ Mỹ “không duy trì chính sách hỗ trợ Việt Nam…”, đây cũng là cách nhìn rất kỳ quặc.  Quan hệ Việt - Mỹ hiện nay là quan hệ đối tác, hợp tác bình đẳng, hai bên cùng có lợi, không thể chỉ có việc “Mỹ giúp đỡ, hỗ trợ Việt Nam…” mà Việt Nam lại không làm gì để hỗ trợ, giúp đỡ Mỹ! Cũng không thể lấy việc “Mỹ giúp đỡ, hỗ trợ Việt Nam…” để gây áp lực buộc Chính phủ Việt Nam phải từ bỏ chủ quyền, từ bỏ nhiệm vụ quản lý đất nước nói chung, quản lý các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng.

Đương nhiên, quan hệ Việt - Mỹ còn không ít trở ngại, còn có những khác biệt, đặc biệt là vấn đề tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền. Việt - Mỹ đã thiết lập kênh đối thoại về các vấn đề này. Dù nay còn khác biệt về quan điểm, nhận thức thì hãy tiếp tục đối thoại để giải quyết, thay vì Mỹ đơn phương, tự cho mình có cái “thông lệ kỳ quặc”  ấy để phán xét Việt Nam trước công luận.          

Ba là, quan hệ giữa các nước thời hiện đại, dù lớn hay nhỏ đều phải tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi. Ỷ thế là nước lớn, là siêu cường mà áp đặt các quan niệm giá trị của mình, bắt các nước phải tuân theo, đó là thứ tư duy bá quyền đã lỗi thời.

Ai cũng biết nước Mỹ vẫn tự cho mình có vai trò “lãnh đạo thế giới”. Nhưng phải chăng, để thể hiện có quyền đó, họ phải cao ngạo, trịch thượng, trắng trợn áp đặt những quan niệm giá trị của Mỹ lên các nước khác, buộc các nước phải nghe theo, làm theo ý mình. Có lẽ không ai trách cứ hoặc lên án khi Mỹ hành xử vì lợi ích của họ, nếu cách hành xử đó đúng, không gây phương hại đến lợi ích của các nước khác, lợi ích của hoà bình, ổn định và sự phát triển của thế giới. Là một nước lớn, lẽ ra Mỹ phải biết nêu gương sáng bằng hành động tích cực, chứ không thể bằng cái “thông lệ kỳ quặc” đó được! Khi người ta nhận thức được cái thông lệ của Bộ Ngoại giao Mỹ là “kỳ quặc” với cách nhìn sai lệch, tư duy lỗi thời thì nó sẽ “mất thiêng”, sẽ chỉ làm giảm vai trò của Mỹ trên thế giới mà thôi.

NGUYỄN TRUNG

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.