Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Sáu, 01/06/2012, 08:51 (GMT+7)
Một báo cáo phản ánh sai sự thật về tình hình nhân quyền ở Việt Nam

          Hằng năm, cứ vào thời điểm này, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại có cái gọi là "Báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền thế giới". Năm nay, trong Báo cáo của họ, phần viết về Việt Nam, có nhiều nội dung hết sức sai trái, cố tình bóp méo tình hình thực hiện quyền con người ở Việt Nam.

          Cái sai trước tiên trong bản Báo cáo này là việc cố tình bỏ qua những nỗ lực, cố gắng của Nhà nước Việt Nam trong chăm lo đảm bảo cho người dân có cuộc sống ngày càng tốt hơn cả về vật chất và tinh thần. Báo cáo chỉ dựa trên những thông tin một chiều mang tính định kiến của một số người Việt lưu vong, vốn thâm thù với chế độ, rồi vu khống Chính phủ Việt Nam là “độc tài”, “đàn áp những người bất đồng chính kiến”. “Những nhà hoạt động chính trị”, “Những nhà dân chủ mới” mà Báo cáo này tung hô, cổ xúy lại không ai khác chính là những kẻ vi phạm pháp luật, bị các cơ quan luật pháp Việt Nam kết án về tội chống phá Nhà nước Việt Nam, gây rối an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong thời gian gân đây, như: Cù Huy Hà Vũ, Trần Huỳnh Duy Thức, Phan Thanh Hải, Tạ Phong Tần… Ai cũng biết, những người vi phạm pháp luật, bất luận kẻ đó là quan chức hay dân thường đều phải bị pháp luật trừng trị; bởi lẽ, đó là việc làm cần thiết mà bất kỳ nhà nước nào trên thế giới cũng đều thực hiện để đảm bảo an ninh quốc gia, sự an toàn và phát triển của xã hội. Cũng phải nói thêm rằng, trong “Những nhà hoạt động chính trị”, “Những nhà dân chủ” được Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nêu ra, có kẻ phạm tội do nhận thức kém, hoặc bị dụ dỗ, xúi bẩy; nhưng cũng có kẻ “cầu vinh, bán nước”, bất mãn với chế độ nên cố tình chống phá… Họ đã được các cấp chính quyền, các đoàn thể xã hội giáo dục, nhắc nhở nhiều lần, nhưng “chứng nào, tật ấy”; có kẻ “ngựa quen đường cũ” vẫn cố tình vi phạm, nên việc họ bị kết án, luận tội tùy theo mức độ vi phạm là việc làm hoàn toàn đúng đắn, chính đáng. Những bản án dành cho họ được tòa án các cấp công khai trước bàn dân thiên hạ; được đông đảo quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ; thể hiện sự công minh của pháp luật. Những kẻ mưu toan xóa bỏ những thành quả cách mạng mà nhân dân Việt Nam phải tốn biết bao xương máu mới có được, không chỉ bị pháp luật trừng trị, mà sẽ bị nhân dân Việt Nam nguyền rủa. Đó là đạo lý và cũng là kết cục tất yếu. Đáng ra, Chính quyền Mỹ phải hiểu và ủng hộ những việc làm đó của Chính phủ Việt Nam, vì nó bảo đảm cho mọi người dân Việt Nam được sống trong hòa bình, ổn định và phát triển – tiêu chí cơ bản, quan trọng nhất của nhân quyền. Tiếc thay, Bộ Ngoại giao Mỹ lại không làm như vậy, mà vẫn cố tình bóp méo sự thật!   

          Một sai trái nữa của bản Báo cáo này là phản ánh không khách quan, thể hiện sự thiếu thông tin chính xác về tình hình thực tế ở Việt Nam; phê phán Việt Nam “hạn chế quyền chính trị của công dân”, “phân biệt, kỳ thị tôn giáo”… một cách hết sức vô lối. Vốn là nước nghèo, lại liên tục phải trải qua chiến tranh chống xâm lược, giải phóng dân tộc, nên đến nay, tuy đã có nhiều tiến bộ, nhưng Việt Nam vẫn là nước đang phát triển, còn muôn vàn khó khăn. Nhận thức rõ điều đó, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn tìm mọi cách để đổi mới, đẩy mạnh CNH,HĐH và hội nhập quốc tế, xây dựng đất nước giàu mạnh, đảm bảo an ninh xã hội, chăm lo cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống mọi mặt của nhân dân. Nhờ đó, trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực, Việt Nam đã đạt được những thành quả hết sức quan trọng. Điểm nổi bật là, trong bối cảnh thế giới đang chịu tác động mạnh của khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, các nước, trong đó có nhiều nước vốn được coi là phát triển nhất, cũng đang chao đảo trong tình trạng suy thoái, nợ công trầm trọng. Nhưng, Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định kinh tế vĩ mô, giữ được đà tăng trưởng kinh tế; tiếp tục là “điểm sáng”, tấm gương cho các nước, nhất là các nước đang phát triển noi theo trong xóa đói, giảm nghèo và thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs) của Liên hợp quốc. Điều đó thật đáng trân trọng, không chỉ thể hiện năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước Việt Nam, mà còn thể hiện bản chất ưu việt của chế độ chính trị XHCN, trong đó, phát triển con người được coi là trung tâm của phát triển. Trong khả năng của mình, Đảng, Nhà nước Việt Nam hết sức quan tâm, chăm lo bảo đảm quyền con người, nhất là đối với những nhóm người “cần được ưu tiên” như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật. Việt Nam là nước tham gia tích cực và hiệu quả Công ước Liên hợp quốc về loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (1981); Công ước về Quyền trẻ em (1990),… Việt Nam đã thông qua Pháp lệnh về phòng chống mại dâm (2003); Luật Bình đẳng giới (2006); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (2007); Chương trình hành động, phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em. Đặc biệt, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã có Nghị quyết số 11-NQ/TW về Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước; Chính phủ có Chương trình Quốc gia về bình đẳng giới (2011-2020)… Trên thực tế, ở Việt Nam, vai trò của phụ nữ ngày càng được nâng cao. Hiện nay, nữ giới chiếm 50% lực lượng lao động của cả nước; tỷ lệ phụ nữ tham gia hệ thống Đảng, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và các cơ quan dân cử ngày càng tăng. Trong Quốc hội (nhiệm kỳ 2011-2016) , tỷ lệ nữ chiếm 24,4% (là một trong những nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tỷ lệ nữ trong Quốc hội cao nhất). Ngân hàng Thế giới (WB) đã đánh giá, Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu thế giới về tỷ lệ phụ nữ tham gia các hoạt động kinh tế và là quốc gia đạt được sự thay đổi nhanh nhất về xóa bỏ khoảng cách giới ở khu vực Đông Nam Á (mục tiêu thứ 3 trong 8 Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc). Thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, Nhà nước Việt Nam tôn trọng quyền tham gia hoặc không tham gia tôn giáo của người dân; tạo mọi điều kiện để các tôn giáo hoạt động, phát triển, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Tính đến năm 2009, cả nước có trên 6,8 triệu tín đồ Phật giáo; trên 5,6 triệu tín đồ Thiên chúa giáo; trên 1,4 triệu tín đồ Phật giáo Hòa Hảo và hàng triệu tín đồ của các giáo phái khác. Năm 2010, cả nước có 1.160 người được phong chức, hơn 1.600 người được bổ nhiệm chức sắc, chức việc, nhà tu hành để chăm lo việc đạo; hơn 500 cơ sở thờ tự được xây mới và hơn 550 cơ sở thờ tự được cải tạo, nâng cấp. Những con số đó là minh chứng cụ thể về tình hình tôn giáo ở Việt Nam, sự quan tâm của Nhà nước đối với tôn giáo, coi tôn giáo là bộ phận cấu thành quan trọng của xã hội. Tuy nhiên, Nhà nước Việt Nam, cũng như bất cứ một nhà nước nào trên thế giới, không cho phép và có những biện pháp trừng trị thích đáng những hành động mượn danh, đội lốt tôn giáo để quấy phá an ninh quốc gia, sự ổn định của xã hội. Do vậy, việc Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ phê phán Việt Nam phân biệt, kỳ thị tôn giáo là điều hoàn toàn không có cơ sở; nó phản ánh một cách không trung thực, thiếu khách quan về tình hình và chính sách tôn giáo của Việt Nam. Điều đó hoàn toàn không thể chấp nhận được.

          Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng cố tình áp đặt về nhân quyền đối với nước khác. Ai cũng biết rằng, trên thế giới này không có một mô hình nhân quyền nào có thể áp dụng chung cho các nước. Bên cạnh tiêu chí chung được nêu trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa, nhân quyền của một nước còn phụ thuộc vào điều kiện thực tế về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, lịch sử, phong tục, tập quán của nước đó. Mỹ là quốc gia tư bản phát triển, người dân Mỹ có mức sống cao hơn các nước khác, nên tiêu chí về nhân quyền của Mỹ cũng có nhiều mặt tiến bộ; đó là thực tế không thể phủ nhận. Nhưng, Mỹ cũng còn rất nhiều vấn đề về nhân quyền cần phải giải quyết, như: tình trạng phân biệt chủng tộc, phân hóa giàu nghèo, các tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, buôn bán trẻ em, phụ nữ, ma-túy, người già bị bỏ rơi… Hẳn mọi người còn nhớ, trong Phong trào "Chiếm phố Uôn" (2011), chính người dân Mỹ đã xuống đường biểu tình phản đối sự bất công hết sức sâu sắc của xã hội Mỹ, khi mà 1% số người giàu ở Mỹ kiểm soát hơn 90% tài sản nước Mỹ. Cục Điều tra dân số Mỹ công bố cho biết: năm 2010, Mỹ có tới 46,2 triệu người (chiếm 15,2% dân số) thuộc diện nghèo (mức cao nhất trong vòng 20 năm qua). Ấy vậy mà, Báo cáo nhân quyền của họ không thấy phê phán thực trạng đó của Mỹ, mà chỉ phê phán nhân quyền của Việt Nam và các nước khác. Hành động đó được nhiều người cho là “rỗi hơi, rách chuyện”; là can thiệp trắng trợn, thô bạo vào công việc nội bộ nước khác - một điều kiêng kỵ trong quan hệ quốc tế đương đại. Cũng chính vì sự áp đặt nhân quyền của Mỹ, nên ngay sau khi công bố Báo cáo này, không chỉ Việt Nam, mà nhiều nước, trong đó có Nga, Trung Quốc… lên tiếng phản đối. Mới đây, ngài nghị sĩ Mỹ Enl Faleomaveega đã nêu rõ rằng, Ông đã đến Việt Nam, hiểu rất rõ những cố gắng của Chính phủ Việt Nam trong vấn đề bảo vệ quyền con người. Ông cho rằng: trong khi cố tình gán ghép chuyện này chuyện kia vào vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, thì Chính quyền Mỹ cố tình quên đi bao đau thương, tang tóc mà họ đã gây ra với nhân dân Việt Nam, đặc biệt là hàng triệu gallon chất da cam, loại chất đi-ô-xin độc hại nhất mà hàng nghìn người dân Việt Nam đã và đang phải hứng chịu, chưa thể khắc phục nổi. Hạ nghị sĩ Enl Faleomaveega cũng chỉ rõ, Bộ Ngoại giao Mỹ đang áp đặt một thứ “tiêu chuẩn kép” đối với Việt Nam.

Cần phải khẳng định rằng, thực chất nội dung báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn là biểu hiện cụ thể của luận điệu cho rằng: “dân chủ”, “nhân quyền” cao hơn chủ quyền và đều nhằm ngụy biện cho chính sách cường quyền muốn can thiệp vào các quốc gia độc lập có chủ quyền mà thôi. Trong quá trình phát triển, mặc dù Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân, nên Việt Nam sẵn sàng đối thoại với các nước, trong đó có Mỹ để việc đảm bảo quyền con người ở Việt Nam được tốt hơn. Đó là thiện chí của Việt Nam mà Mỹ cần lưu ý, thay vì cứ áp đặt như hiện nay. Quan hệ Việt – Mỹ đang phát triển tốt đẹp; đối thoại về nhân quyền sẽ là cách làm đúng đắn nhất để tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ đó. Quan hệ Việt – Mỹ tốt đẹp không chỉ đưa lại lợi ích đối với Việt Nam mà còn đối với cả Mỹ./.  

ĐỒNG VĂN

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.