Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Tư, 30/05/2012, 08:11 (GMT+7)
Một báo cáo dựa trên những thông tin sai lệch về thực hiện quyền con người ở Việt Nam

Ngày 26 tháng 5 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ vừa công bố Báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền năm 2011 của các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam (trừ Hoa Kỳ). Cũng giống như trước đây, báo cáo lần này tiếp tục dựa trên những thông tin sai lệch, thiếu khách quan.


Phần nói về tình hình thực thi quyền con người ở Việt Nam, bản Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn nhai lại những luận điệu cũ khi cáo buộc Việt Nam vi phạm nhân quyền; mà chứng cứ họ đưa ra là việc một số người “bất đồng chính kiến” bị bắt giam, tình trạng buôn người... Đó cũng là những thông tin do Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã từng nêu ra trong “Dự luật nhân quyền Việt Nam 2012” vừa qua; mà bản Dự luật ấy đã bị một số chính khách Mỹ cho rằng “thiển cận”, bởi dựa trên những dữ liệu “cũ rích”, được nhắc đi nhắc lại bởi những người chưa bao giờ đặt chân tới Việt Nam và bởi một nhóm người Việt ở Mỹ và hải ngoại luôn có tư tưởng thù địch với Việt Nam vận động cho Dự luật. Trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam tại Mỹ, hạ nghị sĩ Mỹ E. Pha-lê-ô-ma-va-ê-ga đã thẳng thắn nói rằng: người ta đang áp dụng một “tiêu chuẩn kép” đối với Việt Nam trong vấn đề này; rằng “Chính phủ Việt Nam đã rất cố gắng để khắc phục. Trong khi đó, chính ở Mỹ cũng có những vi phạm về nhân quyền. Ở Mỹ cũng có vấn đề buôn người, giống như ở Việt Nam hay bất cứ nước nào khác, từ châu Phi, châu Âu...”

alt
Đào tạo nghề ngắn hạn cho đồng bào dân tộc thiểu số. (Ảnh: TTXVN)
Cần phải khẳng định rằng, trong những năm qua, mặc dù khái niệm nhân quyền và bảo vệ nhân quyền ở mỗi nước vẫn còn những tồn tại khác nhau, nhưng cộng đồng quốc tế vẫn ghi nhận và đánh giá cao những tiến bộ thực chất về tình hình thực hiện quyền con người ở Việt Nam. Đó chính là những thành tựu không thể phủ nhận trong việc Chính phủ Việt Nam thực hiện có hiệu quả Các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) của Liên hợp quốc. Cuối năm 2011, sau chuyến thăm Việt Nam từ ngày 25-11 đến 5-12-2011, ông A-nan Grâu-vơ, báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về quyền sức khỏe đã hoan nghênh Việt Nam đạt được nhiều thành tựu xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện công bằng xã hội trong hơn 20 năm qua. Ông cũng đánh giá cao quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong bảo đảm sức khỏe cho toàn dân, đặc biệt về đáp ứng nhu cầu y tế của người nghèo và các nhóm dễ tổn thương. Ngày 15-3-2011, tại Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc (Geneva, Thụy Sĩ), Bà Gay McDougall - Chuyên gia độc lập về các vấn đề thiểu số - đã đánh giá cao việc Việt Nam coi cộng đồng các dân tộc thiểu số là bộ phận cấu thành của dân tộc Việt Nam. Bà cũng hoan nghênh quyết tâm chính trị, các chính sách, biện pháp và chương trình của Chính phủ Việt Nam nhằm bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số trên mọi lĩnh vực, nhất là nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội giữa dân tộc thiểu số với đồng bào người Kinh. Theo RFA (ngày 16 và 20-4-2011), Ông Cephas Lumina – chuyên gia độc lập của Liên hợp quốc về quyền con người – sau chuyến thăm 9 ngày tại Việt Nam (cuối tháng 3-2011) đã “ca ngợi Việt Nam trong lĩnh vực phát triển con người, đặt người dân vào trung tâm của sự phát triển quốc gia”. Tại khóa họp lần thứ 17 của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc diễn ra đầu tháng 6-2011, Bà M. Ca-mô-ra – chuyên gia độc lập về nhân quyền và chống đói nghèo – đã hoan nghênh những bước tiến ấn tượng của Việt Nam về xóa đói giảm nghèo trong báo cáo về chuyến thăm và làm việc của Bà tại Việt Nam cuối năm 2010. Bà cho rằng: “Việt Nam đã bảo đảm tốt hơn các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa cho người dân”. Những tiếng nói đó khác xa với những gì mà Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ vừa công bố. Điều đó cũng chẳng lạ, bởi đó là những nhận xét chân thực sau khi đã được “tai nghe, mắt thấy” những gì đã diễn ra ở Việt Nam; còn bản Báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ không chỉ dựa trên những thông tin sai lệch, thiếu khách quan, có phần “cũ rích”, mà còn xuất phát từ những tư duy xơ cứng, nặng thiên kiến, áp đặt của kẻ quen tự đặt mình cao hơn tất cả để buộc tội người khác. 

Sự thực là việc thực thi quyền con người ở Việt Nam trong những năm qua, trong đó có năm 2011, tiếp tục có những tiến bộ mới, theo đúng tinh thần của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tuyên bố trong Đại hội lần thứ XI của mình, khi coi “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển”1. Ngay trong năm 2011, mặc dù nền kinh tế của đất nước gặp nhiều khó khăn bởi tác động của cuộc khủng hoảng nợ công trên thế giới, Chính phủ Việt Nam phải ưu tiên các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng ngân sách nhà nước chi cho đảm bảo an sinh xã hội vẫn tăng 20% so với năm 2010; nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới vẫn tiếp tục giảm 1,5% so với 2010. Phúc lợi xã hội và hệ thống an sinh xã hội tiếp tục được coi trọng và mở rộng. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tiếp tục tăng từ 60% (năm 2010) lên 62% (năm 2011). Hơn 15 triệu người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn và 7 triệu trẻ em dưới 6 tuổi đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế khám, chữa bệnh miễn phí. Chương trình phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ nhằm hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững cho 62 huyện nghèo nhất nước, mà về cơ bản là hướng vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhóm người dễ bị tổn thương trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường, vẫn tiếp tục được đẩy mạnh với mục tiêu giảm nghèo mỗi năm 4% so với mục tiêu 2% của cả nước. Bên cạnh đó, việc thực hiện các công ước về bảo đảm quyền phụ nữ, trẻ em, như: “Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ - CEDAW”, “Công ước Quyền trẻ em - CRC” cũng đạt được nhiều hiệu quả tích cực. Tháng 4-2011, các tổ chức quốc tế đã đánh giá Việt Nam là nước xóa bỏ nhanh nhất khoảng cách về giới trong 20 năm qua; xếp chỉ số phát triển giới (GDI) của Việt Nam ở mức trung bình cao (0,723 - năm 2009) so với mức trung bình thấp (0,537) của năm 1995; v.v. Đó là những thành tựu không thể phủ nhận. Chả thế mà đầu năm 2011, Viện Dư luận (BVA) và Tổ chức quốc tế Gallup đã xếp Việt Nam là nước đứng đầu trong nhóm 10 nước (trong 53 nước được điều tra) lạc quan nhất và khẳng định: người Việt Nam lạc quan nhất thế giới. Còn cách đây không lâu, Tổ chức New Economics Foundation (NEF) có trụ sở tại Anh cũng xếp Việt Nam vào danh sách 5 nước hạnh phúc nhất thế giới.

Trong khi phê phán các nước vi phạm nhân quyền, Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lờ tịt đi những vi phạm nghiêm trọng về quyền con người của chính nước Mỹ trong năm 2011. Hẳn ai cũng biết, sự kiện lính Mỹ đốt kinh Cô-ran và xúc phạm thi thể các chiến binh Ta-li-ban ở Áp-ga-ni-xtan (đái vào thi thể họ và chụp ảnh làm dáng với các thi thể của các chiến binh) đã gây phẫn nộ trong xã hội Áp-ga-ni-xtan và trên thế giới. Nhận định về sự kiện này, tờ Dẫn đường khoa học Thiên chúa giáo đã phải thốt lên rằng: “Các sự kiện đáng tiếc liên tiếp diễn ra như vậy phải chăng càng bộc lộ rõ sự thờ ơ của Oa-sinh-tơn với giá trị sống của người dân bản địa”. Còn ngay trên đất Mỹ, truyền thông nước này gần đây vừa lật tẩy một sự thật gây sốc là: phần thi thể của nhiều nạn nhân vụ 11-9 đã bị tiêu hủy ở một bãi rác thay vì được an táng theo đúng quy trình và luật pháp Mỹ quy định. Còn nữa, việc gần 1.000 người bị cảnh sát Mỹ bắt giữ trong 2 tuần đầu  tiên diễn ra cuộc biểu tình “Chiếm phố Uôn” cũng cho thấy thứ “tiêu chuẩn kép” mà chính quyền Mỹ áp dụng khi nói về vấn đề nhân quyền. Ngay Luật An ninh nội địa của Mỹ cho phép chính phủ hay các cơ quan thực thi luật pháp có quyền kiểm soát và ngăn chặn bất kỳ nội dung nào trên internet được xem là “tổn hại tới an ninh quốc gia” cũng lại là một minh chứng cho thấy sự thật về quyền tự do báo chí của nước Mỹ. Chả thế mà trong Báo cáo của Trung Quốc về tình hình nhân quyền ở nước Mỹ năm 2011 đã khẳng định: “tự do báo chí” chỉ là công cụ chính trị được sử dụng để Mỹ tự “tô hồng” và công kích các nước khác.

Tự ý định kỳ công bố những báo cáo về tình hình thực hiện quyền con người của các quốc gia khác là một sự vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của các quốc gia đó. Đây là việc làm không thể chấp nhận được trong một thế giới toàn cầu hóa. Trước khi phê phán người khác, trong đó có Việt Nam, chính quyền Mỹ hãy sờ lên gáy mình trước đã. Đúng như hạ nghị sĩ Mỹ E. Pha-lê-ô-ma-va-ê-ga đã nói: “Không phải Việt Nam có vấn đề về nhân quyền, mà chính nước Mỹ cũng đang có vấn đề đạo đức cần phải khắc phục; bởi nếu đã nói về những việc làm trước kia, thì phải nói đến chuyện hàng triệu ga-lông chất độc da cam/đi-ô-xin mà người Việt Nam phải hứng chịu, chỉ vì sai lầm của chúng ta đã gây ra cho Việt Nam”./.

NGUYỄN NGỌC

_________

1- ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011,  tr. 76.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.