Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Tư, 03/04/2013, 23:13 (GMT+7)
Lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhà nước và chính đảng cầm quyền

Hiến pháp - "đạo luật cơ bản của Nhà nước, quy định chế độ chính trị, kinh tế, xã hội, quyền và nghĩa vụ công dân, tổ chức bộ máy nhà nước"1. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã thể hiện rõ trách nhiệm và mục tiêu bảo vệ Tổ quốc của lực lượng vũ trang nhân dân mà Quân đội nhân dân là nòng cốt.

Tọa đàm tham gia góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Báo QĐND tổ chức (Nguồn qdnd.vn).

Thế giới đương đại có gần 200 quốc gia; mỗi quốc gia, dân tộc đều có quốc hiệu riêng biệt với một chế độ kinh tế, chính trị - xã hội nhất định, không có nền độc lập dân tộc nào tách khỏi chế độ đang lựa chọn. Bởi vậy, xây dựng đất nước phải đồng thời xây dựng chế độ, cũng như bảo vệ đất nước không thể tách rời bảo vệ chế độ.

Lịch sử loài người, ngay từ khi còn là xã hội nguyên thủy các bộ tộc đã phải cử ra những "thủ lĩnh" để lựa chọn, sắp xếp và điều khiển những người khỏe mạnh và lanh lợi, dùng khí giới thô sơ để chiến đấu, vừa chống lại thiên tai, thú dữ, vừa chống lại những bầy người khác xâm chiếm vùng cư trú, địa bàn hái lượm và nguồn nước của bộ tộc mình, hoặc đi tranh giành các nguồn lực sinh tồn của các bộ tộc khác. Từ đó, lực lượng vũ trang (LLVT) thời cổ đại đã ra đời theo đòi hỏi khách quan của cuộc sống.

Mỗi một nhà nước ra đời đều phải tổ chức ra LLVT của riêng mình để bảo vệ quốc gia, dân tộc và “thần dân”; chống lại thù trong, giặc ngoài dưới mọi hình thức, quyết liệt nhất là dùng vũ lực. Trong thời kỳ chủ nô và vua chúa còn thống trị thế giới thì toàn thể đất đai cùng con người – “thần dân” trong lãnh địa đều thuộc quyền sở hữu đương nhiên của người cầm đầu, LLVT buộc phải tuyệt đối trung thành với cá nhân chủ nô, vua, chúa. Những người này thường cho phép một lực lượng tin cậy nhất dùng "thượng phương bảo kiếm" chặt đầu bất cứ tướng lĩnh, quần thần nào chống lại mình, xử tử từng đội quân phản loạn. Đến giai đoạn TBCN mới xuất hiện các chính đảng tư sản để thay thế nền chuyên chế cũ, xác lập nền chuyên chế tư sản; lãnh đạo nhà nước theo một đường lối chính trị (và kinh tế) nhất định, cả về đối nội và đối ngoại. LLVT thực sự trở thành công cụ chuyên chế – “thanh gươm báu” của nhà nước, do vậy được chăm sóc, gìn giữ và sẵn sàng sử dụng để chiến đấu bảo vệ chế độ. Ngược lại, các giai cấp bị trị khi đứng lên làm cách mạng cũng phải xây dựng LLVT của mình, làm công cụ giành và giữ chính quyền.

Nói đến "chính đảng" là đề cập đến các tổ chức chính trị đại diện cho những giai cấp và tầng lớp xã hội khác nhau, có Cương lĩnh, đường lối, chủ trương chính sách phản ánh những lợi ích khác nhau, không dễ dung hòa. Đảng phái nào có đường lối phù hợp với sự phát triển của đất nước, dân tộc thì được quần chúng đồng tình ủng hộ. Các đảng cầm quyền đều hoạt động theo quy luật đó, còn số lượng nhiều hay ít tùy thuộc vào lịch sử hình thành nên chính đảng và nhà nước đó, không thể đem mẫu hình của nước này bắt "thực tiễn" nước khác phải tuân theo. Thời "Minh Trị Thiên hoàng" ở Nhật, Pi-ốt Đại đế ở Nga, chẳng cần đa nguyên đa đảng mà nước Nhật, nước Nga thời đó vẫn phát triển ngoạn mục. Dưới thời Ngô Đình Diệm còn thống trị miền Nam Việt Nam, như bao chế độ tư sản thân Mỹ khác, các đảng phái "luôn đấu tranh gay gắt với nhau" mà chế độ vẫn ngày một suy vong, kinh tế ngày thêm cạn kiệt. Bởi vậy, không thể khẳng định cứ "đa đảng" là mọi việc sẽ diễn ra tốt đẹp.

Từ đó, LLVT của bất cứ nhà nước nào, ngoài việc bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất quốc gia, an ninh trật tự, cũng phải đồng thời bảo vệ chính quyền, chính đảng lãnh đạo; bảo vệ đường lối, chính sách đối nội, đối ngoại. Đồng thời, nhà nước cũng sẵn sàng sử dụng lực lượng này để đấu tranh vũ trang thay cho đấu tranh chính trị khi phương thức đó không còn hiệu lực. Chính vì vậy, mới xuất hiện nguyên lý "Chiến tranh là kế tục của chính trị", không phải do những người cộng sản đặt ra mà do nhà lý luận quân sự người Phổ khái quát thành quy luật2. Quy luật đó chứng minh, LLVT nào cũng là công cụ trung thành của đấu tranh chính trị và sẵn sàng kế tục cuộc đấu tranh đó bằng phương thức vũ trang mà vẫn không xa rời mục đích chính trị ban đầu. Nói cách khác, nó là những biểu hiện tập trung nhất, có ý thức nhất của các mục tiêu kinh tế do các đảng cầm quyền chi phối, theo nguyên tắc "không một nhà nước nào không có chính đảng lãnh đạo". Ngược lại, không có cuộc chiến tranh nào lại không tuân theo những mục đích chính trị của chính đảng cầm quyền và nhà nước đó. Vì thế, trong mọi cuộc chiến tranh, LLVT phải tuân theo sự lãnh đạo, chỉ huy, quản lý của nhà nước và chính đảng cầm quyền một cách tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt. Bản chất là như vậy, vấn đề là có công khai nói rõ hay được che đậy bằng vỏ bọc mỹ miều mà thôi. Tin vào luận điệu "quân đội tư sản đứng ngoài chính trị" cũng chẳng khác gì tin rằng nhà tư sản sở dĩ sở hữu rất nhiều vốn liếng và tư liệu sản xuất là do tài quản lý của cá nhân chứ không phải do bóc lột tầng lớp lao động làm thuê mà có.

Chính vì không có LLVT nào tự ý tách khỏi cuộc đấu tranh chính trị của nhà nước và của đảng cầm quyền, thậm chí còn đi sâu đến mức thiết lập chính quyền "của các tướng lĩnh" trong nhiều thập kỷ, nên các thế lực chống đối mới phải dùng tới "đảo chính quân sự" là "cuộc lật đổ chính phủ một cách đột ngột do giới quân sự tiến hành", hoặc cuộc "binh biến" là "cuộc nổi dậy của binh lính, sĩ quan chống lại nhà nước và chính đảng cầm quyền", như cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam và nhiều cuộc đảo chính do các nước phương Tây thực hiện chống chính phủ các nước không cùng phe cánh đang diễn ra ở nhiều khu vực trên thế giới.

Bởi vậy, trong việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, nếu đạt tới điều khoản "Quân đội không có trách nhiệm phục tùng và bảo vệ đảng cầm quyền" thì cũng chẳng khác gì một cuộc "tước vũ khí của cơ quan lãnh đạo" bằng một cuộc "đảo chính quân sự" không cần đến binh lính mà chỉ cần cuộc vận động... thông qua Hiến pháp!

Bộ luật căn bản của Nhà nước (Hiến pháp) là một thể thống nhất, không thể chứa những điều phi lý nêu trên. Thừa nhận quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tức là thừa nhận cơ sở lịch sử, cơ sở pháp lý của vấn đề đề cập; cũng tức là mặc nhiên thừa nhận Điều 70 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 "LLVT nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và Nhân dân", chừng nào Đảng Cộng sản Việt Nam còn "là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc", tuân theo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011), với mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Quân đội ta là quân đội kiểu mới, xuất thân từ nhân dân lao động, luôn rèn luyện theo bản chất của giai cấp công nhân. Nó sẽ không ngừng phát huy truyền thống "chính trị trọng hơn quân sự" của đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện. Quân đội nhân dân Việt Nam, thành lập (ngày 22-12-1944) trước hai năm ngày ra đời Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (ngày 09-11-1946), là đội quân chiến đấu, đội quân công tác (vận động cách mạng, tuyên truyền giáo dục đường lối chính sách của Đảng cầm quyền và Nhà nước trong quần chúng), đội quân lao động sản xuất (cùng toàn dân tham gia xây dựng đất nước, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh...).

Với truyền thống anh hùng, mang bản chất giai cấp công nhân, tính dân tộc và nhân dân sâu sắc, Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ không bao giờ chịu để cho mình bị "phi chính trị hóa", tự hạ thấp xuống hàng "quân sự thuần túy", "chỉ đâu đánh đấy" như đội quân nhà nghề của giai cấp tư sản không phân biệt được đâu là chính nghĩa và phi nghĩa. Đó chính là tính ưu việt của Quân đội nhân dân Việt Nam, một đội quân "từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu", luôn được xây dựng theo phương châm "cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại" và mãi mãi mang danh hiệu "Bộ đội Cụ Hồ".

 

Thiếu tướng, GS. BÙI PHAN KỲ

_____________

1 - Trung tâm Từ điển học – Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 2008.

2 - C.P. Cờ-lau-dơ-vít (1780 - 1831) – nhà lý luận quân sự của nước Phổ.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.