Thứ Sáu, 22/11/2024, 23:37 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Xuyên tạc, bóp méo, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh là một trong những luận điệu mà các thế lực thù địch đang đẩy mạnh, nhằm phá hoại và làm thay đổi nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Do đó, nhận diện, đấu tranh kiên quyết với những luận điệu phản động ấy là vấn đề cấp thiết hiện nay.
Thời gian qua, các thế lực thù địch liên tục đưa ra những lý lẽ vô căn cứ, như: “Hồ Chí Minh du nhập những tư tưởng ngoại lai vào Việt Nam”, “Hồ Chí Minh đi trên cỗ xe Nho giáo đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin”,... cho rằng “tư tưởng Hồ Chí Minh là lý thuyết, giáo điều”. Những luận điệu đó là sự xuyên tạc trắng trợn; bởi chúng đã cố tình bỏ qua phương pháp luận khoa học trong xem xét, đánh giá tư tưởng của một con người, hệ tư tưởng của một giai cấp. Chúng ta đều biết, một tư tưởng, hệ tư tưởng được đánh giá là cách mạng, khoa học khi và chỉ khi xuất phát và phản ánh đúng thực tiễn, soi đường cho hoạt động thực tiễn, thúc đẩy thực tiễn phát triển. Tư tưởng Hồ Chí Minh là như vậy.
Trước hết, trên phương diện lý luận, tư tưởng của Hồ Chí Minh được hình thành, phát triển trên cơ sở kế thừa, chọn lọc những tư tưởng, giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, phù hợp với thực tiễn hoàn cảnh lịch sử nước ta cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Đồng thời, tiếp thu và vận dụng sáng tạo tinh hoa văn hóa nhân loại, cả phương Đông và phương Tây, mà đỉnh cao là chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Chúng ta có thể khẳng định rằng, cơ sở thế giới quan và phương pháp luận của tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, mà hạt nhân lý luận là chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Với thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và một trí tuệ sắc sảo, khả năng tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, Hồ Chí Minh đã tiếp thu, chuyển hóa được những nhân tố tích cực, tiến bộ của truyền thống dân tộc và của nhân loại để hình thành nên hệ thống tư tưởng của mình. Đó là hệ thống những quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, tiêu biểu là tư tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, v.v. Tư tưởng ấy không chỉ giải quyết vấn đề về tư duy lý luận mà cao hơn là tư duy hành động, giải quyết những vấn đề thực tiễn của cách mạng Việt Nam.
Nhìn lại lịch sử, từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, phong trào đấu tranh đánh đuổi ngoại xâm của nhân dân Việt Nam đã liên tục nổ ra, với nhiều hệ tư tưởng khác nhau, như: giai cấp phong kiến (phong trào Cần Vương), dân chủ tiểu tư sản (Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh), giai cấp nông dân (Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Trung Trực),... nhưng đều bị thất bại. Chỉ đến khi tư tưởng, đường lối cứu nước của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh được xác lập trên lập trường giai cấp công nhân và khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”1 với nội dung cốt lõi của tư tưởng đó là “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”, đã chấm dứt thời kỳ khủng hoảng đường lối cứu nước và mở ra trang mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, cách mạng Việt Nam đã liên tục giành những thắng lợi to lớn, từ đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của thực dân, đế quốc, đến thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước, để nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc như ngày hôm nay. Vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh đâu phải là sự “vay mượn”, “du nhập những tư tưởng ngoại lai”, hoặc là “Người đi trên cỗ xe Nho giáo”; và rằng “tư tưởng Hồ Chí Minh là lý thuyết, giáo điều”. Thực chất những luận điệu đó chỉ là sự bịa đặt, nhằm phủ nhận, xóa nhòa bản chất cách mạng, khoa học của tư tưởng Hồ Chí Minh.
Điểm nữa là, hệ thống tư tưởng của Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam luôn thống nhất, hòa quyện với nhau trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng. Đường lối của Đảng dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tư tưởng Hồ Chí Minh cũng luôn soi sáng đường lối, quan điểm của Đảng ta. Điều đó được thể hiện rất rõ qua việc chuẩn bị thành lập và xây dựng Cương lĩnh hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hồ Chí Minh đã trực tiếp soạn thảo “Chánh cương vắn tắt của Đảng”, “Sách lược vắn tắt của Đảng”, “Chương trình tóm tắt của Đảng”, “Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam”, v.v. Những văn kiện đó đã trở thành Cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta. Trong đó, “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”2 và độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là những luận điểm cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh và là mục tiêu của cách mạng Việt Nam. Khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền - Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội, Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng; coi đó vấn đề có tính quy luật, quyết định sự tồn vong của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Hồ Chí Minh thường xuyên yêu cầu phải xây dựng Đảng ta thực sự là “con nòi” của dân tộc, là đạo đức, là văn minh; phải thường xuyên đổi mới, xây dựng Đảng vững mạnh, đủ năng lực lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Điều đó vừa mang tính thực tiễn, vừa có dự báo tương lai.
Không chỉ nêu những quan điểm về xây dựng Đảng cách mệnh chân chính, mà hệ thống quan điểm, tư tưởng của Hồ Chí Minh về mục tiêu, con đường, phương pháp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng xã hội mới ở nước ta đã là cơ sở cho đường lối, quan điểm của Đảng. Trong đó, “giải phóng dân tộc bằng con đường cách mạng vô sản” là quan điểm có tính quyết định đến vận mệnh dân tộc, là con đường duy nhất đúng của dân tộc ta và được Hồ Chí Minh vận dụng một cách khoa học trên cơ sở lý luận, thực tiễn cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Về tập hợp lực lượng cách mạng, Hồ Chí Minh khẳng định “Công, nông là gốc của cách mạng, còn học trò, nhà buôn điền chủ nhỏ là bầu bạn của cách mạng”; và để có lực lượng cách mạng, phải đoàn kết dân tộc kết hợp với đoàn kết quốc tế. Hồ Chí Minh xác định rõ, chủ nghĩa đế quốc, thực dân và bọn phong kiến tay sai ôm chân đế quốc là kẻ thù của dân tộc, kẻ thù của nhân dân. Điều đó hoàn toàn phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của dân tộc Việt Nam lúc bấy giờ. Trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, Hồ Chí Minh đã nêu phương hướng, quyết tâm chiến lược của cách mạng Việt Nam là “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” và thực tiễn đã diễn ra đúng như vậy.
Mặt khác, thực tiễn đã và đang chứng minh hùng hồn “tư tưởng Hồ Chí Minh không bao giờ là tư biện, lý thuyết, giáo điều”. Hay nói theo cách khác, tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự đúc kết từ thực tiễn và được thực tiễn cách mạng Việt Nam kiểm nghiệm hoàn toàn đúng đắn và phù hợp. Ngay từ rất sớm, Hồ Chí Minh được thừa hưởng một nền giáo dục “yêu nước, thương dân” từ gia đình, quê hương, đất nước. Hành trình tìm đường cứu nước, cứu dân gần 30 năm, đi đến khoảng 40 nước trên khắp các châu lục, Hồ Chí Minh luôn “tự làm giàu tri thức” của mình bằng phương pháp tự học và đúc kết thực tiễn cách mạng thế giới để “về giúp đồng bào mình” thực hiện sự nghiệp giải phóng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trên cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh, toàn dân, toàn quân ta đã tiến hành cuộc chiến tranh cách mạng, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Tiếp tục vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Xuất phát từ giá trị, tầm ảnh hưởng của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam, Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Điều đó chứng tỏ tư tưởng Hồ Chí Minh không thể là “lý thuyết suông” mà là lý thuyết được bắt nguồn từ thực tiễn, được thực tiễn kiểm nghiệm và trở lại phục vụ thực tiễn.
Từ lý luận, thực tiễn trên, một lần nữa chúng ta khẳng định luận điệu cho rằng “Tư tưởng Hồ Chí Minh là lý thuyết, giáo điều” chỉ là sự xuyên tạc trắng trợn của các thế lực thù địch, phản động, hòng phủ nhận bản chất cách mạng, khoa học của tư tưởng Hồ Chí Minh, với ý đồ đen tối xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh trong lòng nhân dân ta và bạn bè quốc tế; làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thiếu tin tưởng vào tư tưởng của Hồ Chí Minh. Vì thế, hơn lúc nào hết, chúng ta phải cảnh giác, kiên quyết đấu tranh bác bỏ những luận điệu rác rưởi, phản động, phản khoa học này, góp phần bảo vệ giá trị trường tồn và tính khoa học, cách mạng của tư tưởng Hồ Chí Minh, giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng ta hiện nay. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của mọi tổ chức, mọi lực lượng.
Thực hiện điều đó, vấn đề nhất quán, xuyên suốt của chúng ta là phải tiếp tục khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống quan điểm sâu sắc, toàn diện, khoa học, cách mạng, là một bộ phận không tách rời hệ tư tưởng của giai cấp công nhân - chủ nghĩa Mác – Lê-nin; “là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và của dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”3. Do đó, phải tăng cường nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục bản chất cách mạng, khoa học của tư tưởng Hồ Chí Minh, tích cực làm cho tư tưởng Hồ Chí Minh thấm sâu, trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đời sống tinh thần của nhân dân và toàn xã hội. Hành động thiết thực nhất là mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; việc làm đó phải thường xuyên, trở thành một nhu cầu văn hóa sâu sắc, bền bỉ và rộng khắp trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Đó cũng là cách thiết thực nhất, hiệu quả nhất để đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh và nền tảng tư tưởng của Đảng ta.
Đại tá, TS. NGUYỄN SỸ HỌA, Học viện Lục quân
______________
1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 30.
2 - Sđd, Tập 3, tr. 1.
3 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 88.
Xuyên tạc,phủ nhận tư tưởng,Hồ Chí Minh
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm 07/11/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 30/10/2024
“Nhân quyền cao hơn chủ quyền” – sự đòi hỏi phi lý 07/10/2024
Phê phán quan điểm cho rằng đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là “thiếu khoa học, không khả thi” 30/09/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận tình đồng chí, đồng đội trong Quân đội ta 27/09/2024
Luận cứ đanh thép phản bác sự xuyên tạc đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng 26/09/2024
Phản bác luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam 16/09/2024
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân” 28/08/2024
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch 19/08/2024
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối 19/08/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm