Thứ Bảy, 23/11/2024, 11:36 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Ngày 08-02-2012, Tiểu ban phụ trách các vấn đề Nhân quyền và châu Phi thuộc Uỷ ban đối ngoại Hạ viện Mỹ đã thông qua "Dự luật nhân quyền Việt Nam 2012” (HR 1410), do ông Chủ tịch của Tiểu ban này, Hạ nghị sĩ C. Smít đệ trình. Như mấy lần trước đây, Dự luật này cũng khó tránh khỏi số phận "chết yểu"; bởi, nó vẫn chỉ là một “Điệp khúc nhân quyền” nhàm chán, lạc điệu và sai trái đến mức phi lý.
Sự nhàm chán.
Sự nhàm chán trước hết bởi đây đã là lần thứ ba, ông dân biểu Hoa Kỳ C. Smít khởi xướng, sáng tác ra “Điệp khúc nhân quyền” kiểu này rồi, mà cách thức, nội dung, “ca từ” cũng chẳng có gì mới. Về cơ bản vẫn là cách nhìn phiến diện, một chiều, dựa trên những thông tin không đầy đủ, không chính xác, những sự việc cá biệt, những hình ảnh, bằng chứng nguỵ tạo để quy kết Nhà nước Việt Nam “vi phạm nhân quyền”; từ đó, kiến nghị với Chính phủ Mỹ về những biện pháp xử lý, trừng phạt đối với Việt Nam.
Theo ông C. Smít, lý do khiến ông phải cho ra Dự luật HR 1410 vì trong buổi điều trần ngày 25-01-2012 tại Tiểu ban phụ trách các vấn đề Nhân quyền và châu Phi thuộc Uỷ ban đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ do ông đứng đầu, ông được nghe các nhân chứng tố cáo rất mạnh về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Trong các nhân chứng có Nguyễn Đình Thắng, cầm đầu một tổ chức gọi là “cứu nguy người vượt biển”, người vừa mới sang Thái Lan để điều tra các vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Vậy là ông C. Smít chỉ “bắc chõ nghe hơi” từ một người đến Thái Lan để “điều tra tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam” – thật nhảm nhí và khôi hài hết chỗ nói. Điều khôi hài nữa là, trong buổi điều trần, ông C. Smít còn được nghe một nhân chứng nữa là Vũ Thị Phương Anh, được giới thiệu là “nạn nhân buôn người” bị chính quyền Việt Nam đưa đến một công xưởng ở Giooc-đa-ni, nơi thị nói “đã phải làm việc cả ngày lẫn đêm với tiền công ít ỏi”. Nghe những nhân chứng đại loại như vậy, dân biểu Hoa Kỳ C. Smít liền quy kết:“Chính quyền Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục vi phạm tệ hại nhân quyền”. Dự luật còn kiến nghị cắt các khoản viện trợ không có mục đích nhân đạo cho Chính phủ Việt Nam ở mức hiện hành; trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị và tôn giáo bị bắt giữ chỉ vì “sự vận động trong hoà bình cho tự do tôn giáo, dân chủ và nhân quyền”. Trắng trợn hơn, Dự luật còn đòi Việt Nam phải thay đổi nhiều điều luật hình sự liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội…
Sự nhàm chán đến nỗi đã hai lần “Dự luật nhân quyền Việt Nam” những năm trước đây được chuyển lên Thượng viện Hoa Kỳ xem xét thì cả hai lần đều bị rơi vào “quên lãng” không hề đả động tới. Vậy là đến những chính khách ở Thượng viện Mỹ cũng nhận thấy tác phẩm của ông C. Smít là nhàm chán, vô bổ, không thèm xài tới thì thiên hạ còn thấy nhàm chán đến mức nào! Thực ra, cũng có một số người Việt Nam tự nhận là những người “tỵ nạn cộng sản”, định cư ở hải ngoại và một số kẻ chống đối chế độ ở Việt Nam cũng đã lên tiếng trên các trang mạng để hoan nghênh HR 1410; coi đó như một “sự hỗ trợ mạnh mẽ” cho cuộc đấu tranh lật đổ chế độ ở Việt Nam. Tin cho hay, dân biểu C. Smít vẫn thường kiếm chác số phiếu ủng hộ trong các kỳ bầu cử chủ yếu từ số người Mỹ gốc Việt “tỵ nạn cộng sản”, nên chuyện “kẻ xướng, người họa” về “Điệp khúc nhân quyền Việt Nam” của ông C. Smít cũng là điều dễ hiểu.
Sự lạc điệu.
“Điệp khúc nhân quyền” này không chỉ nhàm chán mà còn rất lạc điệu, lạc lõng khi xét nó trong bối cảnh thế giới cũng như mối quan hệ Việt - Mỹ hiện nay. Trong thời đại ngày nay, mọi quốc gia, dân tộc, dù lớn hay nhỏ đều hướng tới sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp nội bộ của nhau, chung sống hoà bình hữu nghị, hợp tác để cùng tồn tại và phát triển. Mọi biểu hiện của chủ nghĩa bá quyền, áp đặt ý chí của mình cho người khác, kẻ mạnh hiếp đáp kẻ yếu, cá lớn nuốt cá bé đều là lối tư duy và cách hành xử lạc lõng, không còn phù hợp trong một thế giới văn minh, hiện đại. Dự luật HR 1410 là hiện thân của lối tư duy bá quyền, can thiệp thô bạo vào nội bộ nước khác, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, đi ngược xu thế thời đại và trào lưu chính của thế giới ngày nay.
“Điệp khúc nhân quyền” này còn lạc điệu vì nó không đúng với tính chất và nhịp điệu của quan hệ Mỹ – Việt Nam hiện nay. Nhân dân Việt Nam đã từng là nạn nhân cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ trước đây. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn không nhìn nước Mỹ, Chính phủ Mỹ bằng con mắt hận thù, mà gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, cố gắng xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ. Hiện nay ở Việt Nam vẫn còn hàng triệu nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin và hàng triệu nạn nhân bom, mìn và các hậu quả khác do chiến tranh xâm lược của Mỹ để lại, là những vấn đề nhân quyền lớn nhất mà Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Mỹ phải cùng nhau giải quyết. Rất nhiều tổ chức và cá nhân ở các nước trên thế giới cũng đã và đang quan tâm, giúp đỡ những nạn chất độc da cam/đi-ô-xin và bom, mìn ở Việt Nam. Nếu như ông C. Smít và những người Mỹ thực lòng quan tâm đến vấn đề nhân quyền ở Việt Nam thì hãy quan tâm, giúp đỡ những nạn nhân chiến tranh nêu trên thì mới hợp đạo lý và lòng người.
Sự sai trái đến mức phi lý.
Bản thân sự nhàm chán, lạc điệu nêu trên đã nói lên sự sai trái của dự luật HR 1410 ở nhiều khía cạnh, lĩnh vực khác nhau, như luật pháp quốc tế, đạo lý và lòng người. Đi vào một số nội dung cụ thể của dự luật HR 1410 còn có thể thấy nhiều điều sai trái đến mức phi lý, không thể tin được.
Việt Nam có câu “không có lửa sao có khói” để nói về một mối quan hệ nhân quả. Vậy hãy xem ông C. Smít căn cứ vào cái “lửa” gì để tung lên những màn “khói”, ví như:“ Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam vẫn truy bức tôn giáo, chính trị và các sắc tộc”. Phải chăng cái “lửa” chính là việc một số người Việt Nam, trong đó có những cá nhân là người dân tộc thiểu số, là chức sắc tôn giáo và hoạt động chính trị vi phạm pháp luật bị xử lý theo pháp luật Việt Nam! Vậy thì tại sao lại tung lên màn “khói” gọi là “truy bức tôn giáo, chính trị và các sắc tộc” được? Sự thực là ở Việt Nam, bất cứ ai vi phạm pháp luật, bất kể là người có chức, có quyền, người thuộc dân tộc, tôn giáo nào, cũng đều bị xử lý theo pháp luật. Việc Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch huyện Tiên Lãng, Hải Phòng vi phạm pháp luật đã bị cách chức; nhiều cán bộ, đảng viên khác ở đây cũng đã và đang được điều tra, xem xét để xử lý theo kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước; việc này đang được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Đó là ví dụ điển hình gần đây nhất. Liệu, ông C. Smít có thể gọi đây là vụ “truy bức chính trị” hay không ?
Còn chuyện “bộ đội Việt Nam đốt sạch một ngôi làng của người Tin lành thiểu số” thì đó là sự xuyên tạc trắng trợn, nhảm nhí, hết sức phi lý với dụng ý xấu xa, tệ hại. Có thể khẳng định, tuyệt đại đa số cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn luôn giữ gìn và phát huy tốt bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, hết lòng vì nhân dân. Bộ đội giúp dân sản xuất, làm đường, làm nhà, cứu dân trong bão lụt là những hình ảnh thường ngày, quen thuộc, in đậm trong tâm trí mọi người. Chỉ riêng Bộ đội Biên phòng Việt Nam mỗi năm cũng giúp đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng hàng nghìn “Nhà tình nghĩa”, “Nhà đại đoàn kết”, … Vậy, làm sao lại có chuyện Quân đội “đốt nhà” của dân ?
Khỏi phải nhắc lại những thành tựu, những tiến bộ rất cơ bản, về mọi mặt trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế, thực thi dân chủ, giải quyết vấn đề nhân quyền nói chung, trong chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam nói riêng, trong đó có các vấn đề dân tộc, tôn giáo được Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm. Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc đã nhiều lần ghi nhận, đánh giá cao, coi Việt Nam là tấm gương, là điển hình về xoá đói, giảm nghèo, về thực hiện các “Mục tiêu Thiên niên kỷ” của Liên hợp quốc. Năm 2011, tuy cũng chịu ảnh hưởng lớn của khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng Việt Nam vẫn giữ mức tăng trưởng kinh tế gần 6% - mức tăng trưởng khá cao trên thế giới. Vì vậy, đời sống mọi mặt của nhân dân Việt Nam vẫn không ngừng được cải thiện; từ một nước nghèo, kém phát triển đã trở thành nước có thu nhập trung bình trên thế giới. Đó là những mảng màu cơ bản, tươi sáng trong bức tranh tổng thể về nhân quyền ở Việt Nam. Nói vậy không có nghĩa là ở Việt Nam không còn vấn đề gì về nhân quyền. Trong thực tế, Việt Nam cũng còn mặt yếu kém, những hiện tượng, sự việc cụ thể vi phạm quyền làm chủ của nhân dân. Nhưng đó không phải là bản chất của vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, càng không phải là bản chất của chế độ xã hội và đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản và Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Trái lại, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã và đang tìm mọi cách, phấn đấu hết mình để vấn đề nhân quyền ở Việt Nam ngày càng được giải quyết tốt hơn. Khi đề cập đến vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, người có lương tri trong sáng, con mắt tinh tường, ngay thẳng thì phải nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, khách quan.
Tiếc thay, ông C. Smít lại không có được như vậy! Với lòng dạ thiếu trong sáng, con mắt nhìn méo mó, ông chỉ chăm chú soi mói vào những mảng tối, những yếu kém, những tồn tại chưa giải quyết được về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Từ đó, ông xuyên tạc, thổi phồng, bóp méo sự thật rồi đưa cả vào “Dự luật nhân quyền Việt Nam” với hy vọng làm công cụ hỗ trợ cho các thế lực thù địch chống phá Việt Nam, phá hoại quan hệ Việt – Mỹ.
Điều đáng mừng là trong giới chính khách Mỹ, có không ít người còn sáng suốt, có lương tri khi nhìn nhận vấn đề nhân quyền ở Việt Nam cũng như quan hệ Việt – Mỹ. Trong số đó có cả những người đã từng tham gia chiến tranh Việt Nam trước đây, như Thượng nghị sĩ Giôn Mắc-kên - người đã có những hoạt động tích cực góp phần xây dựng quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước. Hạ nghị sĩ R. Xim-mơn, đại biểu trong “Nhóm nghị sĩ vì quan hệ Mỹ – Việt Nam” đã từng nói trong Hạ viện Mỹ rằng:“Chúng ta không được quên một sự thực là, trong nhiều năm, nước chúng ta đã gieo rắc sự tàn phá xuống nhân dân Việt Nam và đất nước họ. Về mặt nhân quyền, nước Mỹ phải tự thấy có trách nhiệm tinh thần đối với nhân dân Việt Nam về những việc làm và chính sách trước đây của mình”. Còn ông R. Bu-sơ ở bang Ô-hai-ô đã từng gửi thư lên Quốc hội Mỹ, viết rằng:“Thật là đạo đức giả khi chúng ta phán quyết Việt Nam, trong khi chúng ta có hàng loạt vấn đề về nhân quyền… Hãy dọn dẹp ngôi nhà của mình trước đã… Hãy chấm dứt phán quyết nghiêm khắc Việt Nam về mặt nhân quyền, mà lẽ ra phải để cho họ phán quyết chúng ta một cách nghiêm khắc”.
Đó là những tiếng nói của lương tri, của lẽ phải, của những giá trị nhân văn đích thực. Chỉ có những giá trị nhân văn đích thực mới góp phần làm cho nước Mỹ được tôn trọng, vị thế nước Mỹ được nâng cao. Những chính khách nói và làm trái với điều đó, chỉ làm cho uy tín của chính họ và của nước Mỹ giảm sút mà thôi. Việc Thượng viện Hoa Kỳ đã hai lần không đếm xỉa đến “Dự luật nhân quyền Việt Nam” của dân biểu C. Smít, phải chăng cũng là xuất phát từ lợi ích, uy tín của nước Mỹ ?
NGUYỄN TRUNG
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm 07/11/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 30/10/2024
“Nhân quyền cao hơn chủ quyền” – sự đòi hỏi phi lý 07/10/2024
Phê phán quan điểm cho rằng đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là “thiếu khoa học, không khả thi” 30/09/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận tình đồng chí, đồng đội trong Quân đội ta 27/09/2024
Luận cứ đanh thép phản bác sự xuyên tạc đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng 26/09/2024
Phản bác luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam 16/09/2024
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân” 28/08/2024
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch 19/08/2024
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối 19/08/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm