Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Sáu, 28/06/2013, 11:49 (GMT+7)
Kiên định quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân

Hiến định chế độ sở hữu toàn dân về đất đai; hiến định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất sẽ là cơ sở cho việc tiếp tục đổi mới và hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, góp phần ổn định chính trị - xã hội, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân sử dụng đất.

 

Điều 57 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định chế độ sở hữu đất đai; theo đó, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Đến nay, phần lớn ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân đều nhất trí cao với Dự thảo. Bởi lẽ, việc hiến định chế độ sở hữu toàn dân về đất đai đã tạo điều kiện để đất đai được sử dụng có hiệu quả và phù hợp với mục đích chung của nhân dân, của dân tộc. Tuy nhiên, vừa qua có một số ý kiến cho rằng, cần tư nhân hóa đất đai; thậm chí còn cho rằng, sở hữu toàn dân về đất đai là nguyên nhân sâu xa dẫn đến những vụ khiếu kiện kéo dài trong nhân dân thời gian qua. Phải chăng ý kiến này là đúng?

Cần thấy rằng, việc hiến định chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là phù hợp với lý luận và thực tiễn. C. Mác đã nghiên cứu lý luận địa tô tư bản chủ nghĩa (TBCN) trong khuôn khổ chung của lý luận giá trị thặng dư; đồng thời, phát triển hơn nữa lý luận ấy trong nền nông nghiệp hàng hóa TBCN. Lý luận địa tô TBCN đã chỉ rõ phương thức kinh doanh TBCN trong nông nghiệp dựa trên chế độ sở hữu tư nhân về đất đai.

Địa tô TBCN là biểu hiện đặc thù của quan hệ sản xuất TBCN trong lĩnh vực nông nghiệp. CNTB đã hoàn thành phá vỡ sản xuất nhỏ trong nông nghiệp, buộc nông dân bị thôn tính ruộng đất phải làm thuê, lệ thuộc vào tư bản kinh doanh nông nghiệp và người cho vay nặng lãi. Trong CNTB, độc quyền tư hữu ruộng đất gắn với độc quyền kinh doanh ruộng đất tất yếu sinh ra địa tô (bộ phận lợi nhuận siêu ngạch ngoài lợi nhuận bình quân của tư bản đầu tư trong nông nghiệp phải nộp cho chủ sở hữu ruộng đất). Địa tô tuyệt đối chỉ tồn tại trong điều kiện của chế độ tư hữu ruộng đất. Muốn xóa bỏ địa tô tuyệt đối, phải xóa bỏ chế độ tư hữu ruộng đất.

Các lý luận gia tư sản luôn cổ vũ cho chế độ tư hữu ruộng đất. Trong các nước TBCN phát triển hiện nay, chế độ tư hữu ruộng đất vẫn tồn tại và địa tô tuyệt đối vẫn tồn tại, nhưng nó được “biến dạng” sang các hình thức phù hợp với CNTB độc quyền nhà nước. Sự “biến dạng” này đã và đang diễn ra trong các nước khác nhau bằng các con đường khác nhau và phương thức khác nhau. Các nhà tư bản đã độc chiếm phần lớn ruộng đất, trở thành tư nhân sở hữu ruộng đất trực tiếp hoặc thông qua cầm cố ngân hàng cũng như hình thức phụ thuộc kinh tế khác. Người nông dân dù có sở hữu mảnh ruộng nhỏ cũng chỉ là người sở hữu trên danh nghĩa. Còn các ông chủ tư bản nông nghiệp thì nhờ luật pháp tư bản cho phép sở hữu tư nhân về đất đai mà gom được nhiều đất của nông dân và từ đấy nhận được rất nhiều cống vật từ người nông dân dưới hình thức địa tô tuyệt đối và địa tô chênh lệch. Chính chế độ tư nhân hóa về đất đai ở các nước TBCN là nguyên nhân làm cho mâu thuẫn giai cấp giữa nông dân và bọn tư bản độc quyền ngày càng gay gắt. Và cũng chính từ sự mâu thuẫn này đã hình thành nên mặt trận thống nhất giữa giai cấp công nhân và nông dân chống lại CNTB độc quyền.

Lý luận về ruộng đất của chủ nghĩa Mác - Lê-nin vạch rõ tính chất thối nát của chế độ sở hữu tư nhân về đất đai và yêu cầu tất yếu phải giành lại quyền làm chủ ruộng đất cho nông dân trên cơ sở chế độ sở hữu toàn dân về đất đai; đồng thời, đấu trang đòi thủ tiêu quan hệ tư hữu ruộng đất TBCN.

Khác hẳn với việc ra đời Nhà nước ở các nước phương Tây, ở Việt Nam, Nhà nước ra đời rất sớm, khi sự phân hóa giai cấp chưa sâu sắc, mâu thuẫn giai cấp chưa gay gắt, do nhu cầu chống giặc ngoại xâm và chống chọi với những khắc nghiệt của thiên nhiên. Ngay từ thời đầu dựng nước, kéo dài suốt lịch sử các triều đại phong kiến, Nhà nước phong kiến Việt Nam đã tổ chức theo nguyên tắc tập quyền. Chính quyền trung ương tập quyền được xác lập và củng cố vững chắc, lấy thống nhất và giữ vững toàn vẹn lãnh thổ làm cơ sở cho thống nhất chính trị. Cơ sở kinh tế của chế độ phong kiến Việt Nam là sở hữu nhà nước về ruộng đất. Chính nhờ chế độ sở hữu nhà nước về đất đai mà chế độ quân chủ phong kiến Việt Nam không phát triển đến mức cực đoan như các nước phương Đông cùng thời hay bị cát cứ bởi những lãnh chúa như các nước phương Tây.

Các triều đại phong kiến Việt Nam đều xác định chế độ sở hữu đất đai rất rõ ràng và có vị trí quan trọng trong tổng thể chính sách kinh tế. Theo đó, quyền sở hữu nhà nước về đất đai là tối cao, tuyệt đối, với đầy đủ quyền năng chủ sở hữu, sử dụng và định đoạt về ruộng đất (thực chất là quyền sở hữu của Vua); biến hàng ngũ chức dịch làng, xã thành chủ thể quản lý đất đai của Nhà nước phong kiến; đồng thời, biến người nông dân thành tá điền. Lúc bấy giờ, sở hữu tư nhân về ruộng đất có xuất hiện, nhưng là đất của Vua ban phát cho quan lại, ở phạm vi nhỏ bé. Sở hữu tư nhân cũng như sở hữu của làng xã đều bị hạn chế, thực chất là người quản lý ruộng đất cho Nhà nước. Chính chế độ tư hữu ruộng đất chưa phổ biến, nên mâu thuẫn giai cấp trong nông thôn chưa đến mức sâu sắc. Đó là điều kiện thuận lợi để Nhà nước phong kiến các triều đại huy động được lực lượng toàn dân tộc đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ vững bờ cõi, lãnh thổ.

Dưới thời Pháp thuộc, phần lớn ruộng đất tập trung vào tay địa chủ và thực dân. Trong quá trình tìm đường cứu nước, cứu dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tìm hiểu thực tiễn xã hội Việt Nam và Người đã rút ra kết luận: “... ruộng đồng thuộc sở hữu của địa chủ hạng trung và hạng nhỏ và những kẻ mà ở đó được coi là đại địa chủ thì chỉ là những tên lùn tịt bên cạnh những người trùng tên với họ ở châu Âu và châu Mỹ”; “nếu nông dân gần như không có gì thì địa chủ cũng không có vốn liếng gì lớn1. Tình cảnh trên đưa đến một đặc điểm nổi bật về quan hệ giai cấp trong xã hội Việt Nam là sự xung đột giai cấp về quyền lợi của họ bị giảm thiểu, không gay gắt như ở phương Tây. Theo Hồ Chí Minh, nguyên nhân là do cấu trúc kinh tế có tính truyền thống của xã hội Việt Nam chi phối. Chính sự vận động theo cách riêng, với nhiều đặc điểm mang tính truyền thống đã làm cho quan hệ sản xuất TBCN dựa trên chế độ tư hữu đất đai ở Việt Nam chưa diễn ra, hay diễn ra rất chậm chạp. Lợi ích chung của toàn dân tộc là chống giặc ngoại xâm đã trở thành mẫu số chung chi phối và góp phần làm suy yếu mâu thuẫn giai cấp trong xã hội Việt Nam nói chung và trong nông thôn Việt Nam nói riêng.

Ngày nay, đất đai thuộc sở hữu toàn dân là điều kiện phát triển đất nước theo định hướng XHCN. Đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá; là tư liệu sản xuất đặc biệt; là tài sản nguồn lực to lớn của đất nước và là nguồn sống của nhân dân. Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai không chỉ phù hợp với lý luận Mác - Lê-nin, với thực tiễn lịch sử mà nó còn là một tất yếu khách quan của quá trình phát triển ở nước ta.

Xét về mặt kinh tế, đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt; là đối tượng sở hữu đặc biệt không thể đánh đồng như sở hữu những tư liệu sản xuất khác. Nó là phương tiện cơ bản nhất, quan trọng nhất đối với sự tồn tại của cả cộng đồng xã hội. Xét về mặt xã hội, đất đai là lãnh thổ; là nơi cư trú của cả cộng đồng, cũng là cơ sở vật chất để triển khai chiến lược bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Đất đai, tài nguyên trên lãnh thổ Việt Nam đã được bao thế hệ bảo vệ, vun bồi, gìn giữ bằng mồ hôi, xương máu. Vì vậy, đất đai có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự tồn tại, ổn định và phát triển xã hội, bảo vệ an ninh, quốc phòng của đất nước. Với vai trò to lớn không gì thay thế đó, với tình cảm thiêng liêng của thế hệ hôm nay đối với công lao xương máu của cha ông, các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống thì đất đai không thể và không bao giờ được coi là đối tượng sở hữu của cá nhân nào, mà nó phải thuộc sở hữu của mọi người dân Việt Nam.

Sở hữu toàn dân về đất đai hoàn toàn không phải là sở hữu nhà nước về đất đai. Sở hữu toàn dân về đất đai là sở hữu chung của toàn dân. Theo nguyên tắc hiến định: tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, thì nhân dân phải là chủ sở hữu đất đai với tư cách là tư liệu sản xuất đặc biệt quý giá của đất nước; đồng thời, là cơ sở vật chất để xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu thông qua việc quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cho phép chuyển mục đích sử dụng và quy định thời hạn sử dụng đất; quyết định giá đất; quyết định chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra; trao quyền sử dụng đất và thu hồi đất.

Đất đai dù là tư liệu sản xuất đặc biệt nhưng trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN nó vẫn phải vận động theo quy luật khách quan. Vì thế, cần có chủ thể sản xuất và trao đổi cụ thể. Nếu không thì quan hệ sở hữu cũng bị biến dạng, lực lượng sản xuất không thể phát triển được. Cho nên, ở Việt Nam, tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất để sử dụng ổn định lâu dài hoặc có thời hạn. Đối tượng được giao quyền sử dụng đất đã được mở rộng, đa dạng hóa. Quyền của người sử dụng đất cũng được tăng thêm, gồm các quyền: Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất và được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Như thế, quyền sử dụng đất là quyền của mỗi người dân, người dân không ủy quyền cho Nhà nước, người dân cũng không bị mất quyền này. Trái lại, mọi người dân có quyền tiếp cận với đất đai và đất đai được sử dụng có hiệu quả, hợp lý.

Cũng cần hiểu rằng, quyền sử dụng đất không phải là quyền sở hữu. Quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ. Quan hệ giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng đất đai được biểu hiện thông qua mối quan hệ giữa Nhà nước và người dân. Nhà nước đại diện chủ sở hữu thực hiện việc kiểm soát quyền sử dụng và định đoạt thu hồi đất đai khi cần thiết. Người sử dụng đất có trách nhiệm bồi bổ, khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm, đúng mục đích, thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, được bồi thường thỏa đáng khi Nhà nước thu hồi đất. Do vậy, làm chủ đất đai là thực hiện đúng các quyền của người sử dụng đất.

Trong thời gian vừa qua, chính sách pháp luật về đất đai và việc thực thi chính sách pháp luật về đất đai ở các cấp từ Trung ương xuống địa phương còn những hạn chế, thiếu sót. Đây là nguyên nhân chủ yếu gây nên những bức xúc trong nhân dân dẫn đến khiếu kiện kéo dài ở nhiều nơi. Tuy nhiên ý kiến cho rằng, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai chính là nguồn gốc của những khiếu kiện đất đai hiện nay là mơ hồ, sai lầm, lẫn lộn giữa bản chất và hiện tượng. Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai không phải là nguyên nhân gây ra những khiếu kiện đất đai. Những bức xúc của dân về đất đai bắt nguồn chủ yếu từ những yếu kém trong quản lý đất đai, thu hồi đất chưa xem xét kỹ càng và đền bù cho dân nhiều nơi chưa thỏa đáng. Qua góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, tuyệt đại đa số người dân, đặc biệt là nông dân không đòi tư nhân hóa đất đai mà chỉ yêu cầu Nhà nước tôn trọng và có cơ chế, chính sách để người dân được thực hiện đầy đủ, đúng pháp luật quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, từ đó yên tâm đầu tư vào đất, làm ăn khấm khá từ đất. Cho nên, cùng với thực thi nguyên tắc hiến định đất đai thuộc sở hữu toàn dân thì vấn đề cốt yếu nhất, quan trọng nhất là phải tôn trọng và bảo đảm cả trên pháp lý lẫn thực tế quyền sử dụng đất hợp pháp của người dân và tổ chức.

Nhân dân ta không lựa chọn con đường phát triển TBCN, tư nhân hóa đất đai, hy sinh quyền lợi làm chủ ruộng đất của người lao động, chấp nhận sự tích lũy ruộng đất vô lối vào số ít người giàu có trong xã hội. Hiến pháp quy định sở hữu toàn dân về đất đai là cơ sở pháp lý để mọi người bảo vệ lợi ích của chính mình trong việc sử dụng tài sản công. Vì vậy, kiên trì nguyên tắc hiến định đất đai thuộc sở hữu toàn dân không chỉ phù hợp với thực tiễn lịch sử, mà còn là điều kiện phát triển đất nước theo định hướng XHCN.

 

TỐNG THẾ GIA

_________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 1, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 464.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.