Chủ Nhật, 24/11/2024, 00:46 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Ngày 17-9-2011, cuộc xuống đường mang tên “Chiếm phố Uôn” của giới trí thức và nhân dân thành phố Niu Y-oóc (Mỹ) đã dấy lên phong trào phản đối sự lũng đoạn của các tập đoàn tư bản tài chính. Đây là sự phản kháng bắt nguồn từ nỗi bất bình sâu xa của dân chúng trong lòng xã hội tư bản. Đồng thời, nó cũng phản ánh một cách chân thực về bản chất của chủ nghĩa tư bản (CNTB) hậu công nghiệp.
Nếu lấy kinh tế tri thức làm tiêu chí cơ bản để đánh giá trình độ phát triển kinh tế của một quốc gia, có thể xếp 217 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới thành 3 khu vực. Khu vực 1, gồm các nước: Mỹ, Nhật Bản và Tây Âu. Đây là khu vực trung tâm, là đầu tàu của CNTB. Các quốc gia thuộc khu vực này đã bước vào giai đoạn phát triển hậu công nghiệp và đang dẫn đầu trong việc phát triển kinh tế tri thức. Khu vực 2, gồm các nước phát triển ở trình độ công nghiệp hiện đại (chưa đạt tới hậu công nghiệp), như: Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Nam Phi, Mê-hi-cô, Ác-hen-ti-na… Trên các diễn đàn quốc tế, người ta thường gọi khu vực này là các nền kinh tế mới nổi. Khu vực 3, gồm hơn 100 quốc gia đang phát triển, như: Việt Nam, Phi-lip-pin,… nhiều người gọi đây là vùng ngoại vi. Việc xếp các nền kinh tế thế giới thành 3 khu vực nói trên chỉ có ý nghĩa tương đối, nhưng nó giúp chúng ta có cái nhìn khái quát, qua đó tìm hiểu bản chất của các sự kiện và hiện tượng kinh tế hiện nay.
1. Đại khủng hoảng của CNTB hậu công nghiệp.
Ngay sau khi chiến tranh lạnh kết thúc (1991), các nước tư bản phát triển, như: Mỹ, Nhật Bản và Tây Âu, lần lượt bước vào thời kỳ phát triển kinh tế tri thức và “văn minh” hậu công nghiệp. Theo đó, CNTB được khoác chiếc áo mới là CNTB hậu công nghiệp. Vào thời điểm đó, nhiều học giả và các chính khách phương Tây đã vội vàng tán thưởng và cho rằng: CNTB hậu công nghiệp sẽ có khả năng tránh được khủng hoảng theo chu kỳ và đem lại cho xã hội loài người một cuộc sống tốt đẹp. Tuy nhiên, thực tế không được như người ta mong đợi. Mới đây, theo công bố của Cục Thống kê Mỹ, năm 2010, tỷ lệ người nghèo ở nước này đã tăng lên 15,1% (khoảng 46,2 triệu người) và đây là con số cao nhất trong vòng hơn 50 năm qua. ở Nhật Bản và các nước Tây Âu tình hình cũng không khả quan hơn. Trước thực tế đó, chính phủ các nước này đã tung ra các gói cứu trợ trị giá hàng trăm tỷ đô-la, hy vọng các tập đoàn tư bản sẽ đầu tư tái thiết nền kinh tế, cơ cấu lại sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Nhưng, các tập đoàn này đã không đầu tư, mở rộng sản xuất, mà dùng tiền cứu trợ của chính phủ đầu tư vào các lĩnh vực khác để kiếm lời. Trong khi đó, người lao động ở trên chính quê hương họ đang khổ cực, đói nghèo vì không có việc làm. Cùng với đó, vì lợi nhuận tối đa của mình, các nhà tư bản đã không nương tay trong việc cắt giảm lương và sa thải hàng loạt công nhân, dẫn tới nạn thất nghiệp tràn lan. Mặt khác, trong lúc đời sống nhân dân ngày càng khốn khó, chính phủ các nước tư bản đầu sỏ lại đổ tiền của (do nhân dân đóng góp) để tiến hành các cuộc chiến tranh (ở Nam Tư, I-rắc, Áp-ga-ni-xtan và gần đây là Li-bi), với những lời ngụy biện: “chống khủng bố”, “bảo vệ dân thường”, nhưng đằng sau đó là những khoản thu lợi kếch xù từ chiến tranh của các ông trùm tư bản. Thật phi lý, khi những ông chủ tư bản được coi là thủ phạm gây ra các cuộc chiến tranh đẫm máu, vô nhân đạo và làm cho hàng triệu người lao động thất nghiệp phải sống dưới mức nghèo khổ, cùng với gánh nặng nợ công chồng chất trên vai, lại được các chính phủ tư bản ưu ái qua các gói tiền cứu trợ. Những định chế tài chính của CNTB được đặt ra chủ yếu để mang lại lợi ích cho người giàu, đẩy gánh nặng sưu thuế lên vai những người nghèo khó và giới trung lưu, tạo sự bất bình gay gắt trong lòng xã hội tư bản.
Với các chính sách và định chế tài chính sai lầm, không phục vụ lợi ích của đa số người dân – lực lượng sản xuất chủ yếu, nên CNTB không những không phát triển như các chính khách và học giả tư sản mong đợi, mà rơi vào khủng hoảng trầm trọng và kéo dài. Ba trung tâm kinh tế thế giới: Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản - nơi được coi là chuyển dần từ “văn minh” công nghiệp sang “văn minh” hậu công nghiệp – kỹ thuật số - đều rơi vào khủng hoảng, bế tắc. Sau hai thập kỷ (từ năm 1991 đến nay), nền kinh tế Nhật Bản rơi vào suy thoái trầm trọng, gần như dẫm chân tại chỗ và cho đến nay vẫn bế tắc, chưa tìm ra lối thoát. Tại Tây Âu, nợ công, lạm phát đang đẩy khu vực đồng tiền ơ-rô đến bên bờ sụp đổ, mọi giải pháp cứu vãn cũng chưa mang lại hiệu quả. Các nền kinh tế lớn ngoài khu vực đồng ơ-rô ở Tây Âu cũng đang vật lộn với nợ công, lạm phát. Còn ở Mỹ (thành trì của CNTB), từ ngày 15 đến ngày 21-9-2008, thị trường chứng khoán phố Uôn sụp đổ, như hiệu ứng đô-mi-nô, ngay sau đó, thị trường chứng khoán ở hầu hết các nước tư bản phát triển từ Tô-ky-ô (Nhật Bản), Pa-ri (Pháp), Luân Đôn (Anh), Phran-phuốc (Đức) đến Am-xtéc-đam (Hà Lan),… lần lượt chao đảo, tụt dốc. Nền kinh tế thế giới ngay tại khu vực trung tâm của các nước tư bản phát triển hàng đầu rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện, sâu sắc nhất và lớn nhất trong suốt gần 1 thế kỷ qua (kể từ sau cuộc đại khủng hoảng 1929 - 1933). Đặc biệt, cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ thế giới từ cuối năm 2008 đến nay ở ngay tại các trung tâm của CNTB đã dấy lên sự phản ứng mạnh mẽ của nhân dân lao động, làm chao đảo chính giới của các nước tư bản chủ nghĩa. Thực tiễn đó càng thêm phần khẳng định: khủng hoảng kinh tế vẫn là thuộc tính bản chất của CNTB, nhất là trong giai đoạn phát triển hậu công nghiệp.
2. Phong trào “Chiếm phố Uôn” và những mâu thuẫn gay gắt trong lòng các nước tư bản phát triển. Phong trào “Chiếm phố Uôn” bắt đầu từ việc một nhóm những người trẻ tuổi, phần lớn là sinh viên, dựng lều trại bên ngoài trụ sở của Công ty chứng khoán Niu Y-oóc (ngày 17-9-2011) nhằm biểu lộ sự giận dữ, phản đối đối với những bất công, bất bình đẳng sâu sắc trong xã hội Mỹ – một trong những trung tâm của CNTB hậu công nghiệp. Đa số những người tham gia phong trào “Chiếm phố Uôn” ở độ tuổi trên dưới 30, với thành phần khá đa dạng. Họ là những cựu chiến binh (phần lớn trở về từ Áp-ga-ni-xtan và I-rắc), học sinh, sinh viên, công nhân, y tá, có cả linh mục và giáo sư ở các trường đại học. Nhiều người trong số họ là những người thất nghiệp hoặc bán thất nghiệp. Những người tham gia phong trào này thường tụ tập trước các ngân hàng hoặc công ty tài chính lớn như: J. P. Mô-gân Chan-si, Gôn-man,… với các biểu ngữ gây ấn tượng mạnh mẽ: “Ngân hàng được cứu giúp, chúng tôi bị bán rẻ”, “Hãy chấm dứt bóc lột tầng lớp thường dân để trả cho kẻ giàu”, hay “Chúng tôi là 99%”, nói lên sự bất công quá lớn trong xã hội Mỹ - những người giàu chỉ chiếm 1% dân số Mỹ nhưng sở hữu 40% của cải của nước Mỹ. Ở Mỹ, 0,1% số người giàu nhất kiếm được số tiền bằng 120 triệu người nghèo nhất cộng lại.
Những người biểu tình “Chiếm phố Uôn” cho rằng: những nhà tư bản tài chính giàu có ở phố Uôn là thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng tài chính, làm cho hàng chục triệu người lâm vào khó khăn, hàng triệu người bị đuổi ra khỏi nhà, thất nghiệp, lạm phát, giá cả đều tăng cao ở mức kỷ lục trong nhiều thập kỷ. Theo họ, phố Uôn là nơi sở hữu nhiều tiền nhất, cũng là vương quốc của những nhà tư bản tài chính tham lam, tham nhũng; đồng thời, chi phối việc hoạch định và thực thi các chính sách kinh tế của Chính phủ liên bang. Trong ba năm qua, Chính phủ Mỹ đã chi gần một nghìn tỷ đô-la thực hiện kế hoạch trợ giúp các ngân hàng, các tập đoàn lớn, các nhà tư bản tài chính tham lam – những kẻ đó gây ra khủng hoảng, và bắt người dân Mỹ phải gánh vác các chi phí của kế hoạch cứu trợ đó.
Nhiều chính trị gia, chính khách, nhà kinh tế nổi tiếng ở Mỹ và các nước phương Tây cũng chia sẻ ý kiến và ủng hộ những người “Chiếm phố Uôn”. Ông Jô-dép Sti-lít, nhà kinh tế nổi tiếng Mỹ cho rằng: với tư cách là đơn vị phân phối vốn và quản lý rủi ro, phố Uôn đã không thực hiện được vai trò của mình, xã hội Mỹ đang phải gánh chịu những thua lỗ, thất thoát một khoản tài chính khổng lồ do những việc làm sai trái của phố Uôn. Trong khi đó, gói cứu trợ của Chính phủ lại rơi vào túi của một số nhà tư bản tài chính giàu có. Điều đó cho thấy, chính sách kinh tế vĩ mô của CNTB, từ an sinh xã hội đến đời sống của các tầng lớp dân cư, nhất là tầng lớp dân nghèo và giới trung lưu đang bộc lộ những sai lầm khó có thể khắc phục được, mà điểm cốt tử ở đây là sự phân hóa quá lớn về khoảng cách giàu, nghèo; an sinh và công bằng xã hội không được bảo đảm.
Khởi phát tại công viên Du-cốt-ti, thành phố Niu Y-oóc từ ngày 17-9-2011, đến cuối tháng 10-2011, phong trào “Chiếm phố Uôn” đã lan rộng ra hầu hết các thành phố lớn ở Mỹ, từ bờ Đông sang bờ Tây: Bô-xtơn, Oa-sinh-tơn DC, Xan-phran-xi-cô, Lốt An-giơ-lét… Không chỉ ở Mỹ, phong trào “Chiếm phố Uôn” cũng phát triển nhanh tại hơn 1.000 thành phố ở nhiều nước tư bản phát triển trên toàn thế giới, từ Ca-na-đa sang Nhật Bản, Hàn Quốc đến các nước Tây Âu (Anh, Cộng hoà Ai-len, Đức, Pháp, I-ta-li-a…). Mặc dù với các khẩu hiệu khác nhau, nhưng phong trào “Chiếm phố Uôn” ở các nước tư bản phát triển đều phản ánh tồn tại bất công, bất bình đẳng sâu sắc trong xã hội, nhất là sự bất bình của người dân đối với thói tham lam và vô trách nhiệm của giới tư bản tài chính giàu có – thủ phạm gây ra cuộc đại khủng hoảng tài chính trên thế giới từ 2008 đến nay. Đây có thể mới chỉ là nguyên nhân trực tiếp, là bề nổi của “tảng băng chìm”. Sâu xa hơn, đây là điểm khởi đầu cho một giai đoạn chín muồi của những nỗi bất bình xuất phát từ những bất cập tiềm ẩn ở thượng tầng kiến trúc của CNTB
Như vậy, cuộc đại khủng hoảng của CNTB hậu công nghiệp (đại khủng hoảng tài chính từ 2008) và phong trào “Chiếm phố Uôn” ở Mỹ và các nước tư bản phát triển giúp chúng ta nhìn nhận, đánh giá CNTB thời đại kinh tế tri thức - kỹ thuật số một cách khách quan, toàn diện và sâu sắc, nhất là những biểu hiện của nó về mặt kinh tế và xã hội của những mối quan hệ thuộc bản chất của CNTB. Đồng thời, nó cũng đã góp phần minh chứng và làm sáng tỏ một số luận điểm đã được những nhà sáng lập chủ nghĩa Mác – Lê-nin khái quát.
Một là, khủng hoảng kinh tế luôn là bạn đồng hành của CNTB ở trình độ “văn minh” công nghiệp và cả trong thời đại kinh tế tri thức - kỹ thuật số (hậu công nghiệp).
Hai là, dù tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau (quân chủ lập hiến, cộng hòa đại nghị, cộng hòa tổng thống… ) thì bản chất của nhà nước tư sản không bao giờ thay đổi. Nó chỉ là công cụ của các tập đoàn tư bản tài chính – công nghiệp, nên trước hết và chủ yếu nó chỉ bảo vệ lợi ích của giai cấp tư sản trong điều kiện phát triển bình thường và cả trong thời kỳ suy thoái, khủng hoảng kinh tế.
Ba là, bất công, bất bình đẳng và những mâu thuẫn gay gắt về chính trị, kinh tế và xã hội, về nguyên tắc, không thể được giải quyết trong khuôn khổ của CNTB ở trình độ phát triển công nghiệp hay ở trình độ phát triển hậu công nghiệp. Nói cách khác, CNTB không phải là điểm đến của nền văn minh nhân loại.
Thiếu tướng, PGS, TS. LÊ VĂN CƯƠNG
và TS. ĐỒNG XUÂN THỌ
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm 07/11/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 30/10/2024
“Nhân quyền cao hơn chủ quyền” – sự đòi hỏi phi lý 07/10/2024
Phê phán quan điểm cho rằng đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là “thiếu khoa học, không khả thi” 30/09/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận tình đồng chí, đồng đội trong Quân đội ta 27/09/2024
Luận cứ đanh thép phản bác sự xuyên tạc đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng 26/09/2024
Phản bác luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam 16/09/2024
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân” 28/08/2024
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch 19/08/2024
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối 19/08/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm