Thứ Bảy, 23/11/2024, 22:27 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Mục tiêu phát triển và tầm nhìn dài hạn là một điểm nhấn mới, nổi bật trong các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, được xác định một cách có cơ sở khoa học và thực tiễn; được đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân quan tâm, đồng tình. Đó là điều không ai có thể xuyên tạc.
Nhằm phá hoại, làm giảm ý nghĩa thành công của các đại hội Đảng; gây mất niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào mục tiêu và định hướng phát triển đất nước mà Đảng ta xác định, các thế lực thù địch thường xuyên xuyên tạc nội dung các văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc, mỗi khi Đảng ta tiến hành đại hội thường kỳ.
Đối với Đại hội XIII của Đảng, một điểm nhấn mới, nổi bật thể hiện trong các Văn kiện được Đảng ta xác định là, tiếp tục phấn đấu theo con đường xã hội chủ nghĩa; đồng thời, đặt ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2025, 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 gắn với các dấu mốc lịch sử 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập Nước. Theo đó, Đại hội xác định đến năm 2025: phấn đấu đưa nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030: là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045: phấn đấu trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Những mục tiêu đó thể hiện khát vọng hướng tới tương lai của cả dân tộc nhằm thực hiện thành công ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh là xây dựng nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”; đồng thời, thể hiện ý chí phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong các nhiệm kỳ tới.
Tuy nhiên, những kẻ cơ hội chính trị, phản động và thù địch lại coi đó là “ảo tưởng”, “hão huyền” (!). Họ cho rằng: chủ nghĩa xã hội trên thế giới đã sụp đổ mà chúng ta vẫn hướng tới mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội là “bảo thủ” (!); và rằng: việc đề ra mục tiêu đến 2030, 2045 là “ngẫu hứng” (!).
Cần thấy rằng: mục tiêu hướng tới một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh là mục tiêu chiến lược, đã được Đảng ta xác định ngay từ Cương lĩnh năm 1930. Mục tiêu đó được khẳng định và cụ thể hóa ở các cương lĩnh và đại hội Đảng tiếp theo trong suốt hơn 90 năm qua. Từ đó đến nay, phấn đấu thực hiện mục tiêu chiến lược đó, chúng ta đã giành được độc lập dân tộc và đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội với tiêu chí “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Mặc dù hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới không còn, nhưng không vì thế mà phủ định con đường tiến tới chủ nghĩa xã hội của dân tộc ta, cũng như của cả nhân loại. Bởi lẽ, sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu chỉ là sự sụp đổ của một mô hình cụ thể - mô hình kiểu “Xô Viết”. Sự sụp đổ đó có nguyên nhân chủ quan, mang tính quyết định là những sai lầm từ sự lãnh đạo của Đảng cầm quyền đã xa rời những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin trong xây dựng xã hội mới và sự phản bội lý tưởng xã hội chủ nghĩa của những người lãnh đạo ở những nước này. Do đó, đây không phải là sự sụp đổ lý tưởng và khát vọng đi tới chủ nghĩa xã hội của nhân loại. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta đã khẳng định: “Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội” và “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”1. Chính những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới đất nước 35 năm qua có nguyên nhân rất quan trọng là chúng ta luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Do vậy, Đại hội XIII tiếp tục khẳng định mục tiêu chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn đúng đắn; phản ánh sự nhất quán trong đường lối cách mạng của Đảng ta, không phải là “ảo tưởng”, “bảo thủ”.
Việc đề ra các mục tiêu trung hạn (10 năm) đến năm 2030 và mục tiêu dài hạn (25 năm) đến năm 2045 có cơ sở khoa học và thực tiễn vững chắc; được Đảng ta tính toán kỹ lưỡng, trên cơ sở phân tích thấu đáo bối cảnh quốc tế và thực lực ở trong nước.
Trước hết, đây không phải là lần đầu tiên Đảng ta đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trung hạn và dài hạn, nên không phải là “hão huyền”, “ngẫu hứng”. Trong lịch sử các nhiệm kỳ đại hội, Đảng ta nhiều lần đề ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm. Tại Đại hội VIII (năm 1996), Đảng đề ra mục tiêu đến năm 2020 - tức là tầm nhìn cho 24 năm sau. Tại Đại hội XI (năm 2011), Cương lĩnh phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đã đề ra mục tiêu cho đến giữa thế kỷ XXI: “toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”2, tức là tầm nhìn khoảng 40 năm. Các nghị quyết Trung ương và Bộ Chính trị gần đây cũng xác định mục tiêu cho đến giữa thế kỷ XXI và chúng ta đang phấn đấu hiện thực hóa những mục tiêu đó, giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử với nhiều dấu ấn nổi bật. Lần này, Đại hội XIII có sự khác biệt trong xác định các mục tiêu trung hạn và dài hạn là gắn với những thời điểm, dấu mốc có ý nghĩa lịch sử của Đảng và Nhà nước ta.
Thứ hai, các Văn kiện của Đại hội XIII được chuẩn bị rất kỹ lưỡng; được đưa ra thảo luận tại nhiều cuộc hội thảo, hội nghị, diễn đàn; đã xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân. Các Văn kiện đã qua 23 lần chỉnh sửa, sau khi tiếp thu ý kiến xác đáng của các tổ chức, các nhà khoa học, các nhân sĩ, trí thức, các chuyên gia trong nước và quốc tế; các cán bộ, đảng viên của Đảng; các tầng lớp nhân dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Vì thế, các Văn kiện của Đại hội XIII nói chung, mục tiêu phát triển và tầm nhìn của Đảng trong các Văn kiện này nói riêng, là sự kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, chứ không phải là sự “ngẫu hứng”, “hão huyền”. Điểm nhấn mới trong các Văn kiện Đại hội XIII là việc xác định các mục tiêu phát triển được thực hiện theo cách tiếp cận phù hợp với cách tiếp cận của thế giới. Theo đó, với tính toán của Ngân hàng thế giới (WB): mức thu nhập bình quân thấp là dưới 4.045 USD/người/năm; mức thu nhập trung bình là từ 4.045 USD/người/năm đến 12.535 USD/ người/năm; mức thu nhập cao là trên 12.535 USD/người/năm. Theo cách tiếp cận này, căn cứ vào thực tiễn phát triển những năm qua, Đại hội XIII dự kiến đến 2025, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 USD - 5.000 USD, tức là nước ta vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; dự kiến đến năm 2030, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.500 USD, tức là nước ta là nước có thu nhập trung bình cao. Như vậy, dự kiến đến năm 2045, nước ta là nước có mức thu nhập cao là hoàn toàn khả thi.
Thứ ba, thực lực của nước ta sau 35 năm đổi mới đã được nâng lên so với trước rất nhiều, cho phép chúng ta không chỉ có khát vọng, mà còn tạo khả năng để hiện thực hóa các mục tiêu này. Đó là lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991), đã ngày càng được xác định rõ hơn và từng bước được hiện thực hóa. Đó còn là những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại thời gian qua. Đất nước đã phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô nền kinh tế được nâng lên gấp hơn 2,9 lần, từ 116 tỷ USD năm 2010 lên “hơn 340 tỷ USD vào năm 2020, đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, tương đương hoặc vượt qua một số nền kinh tế có trình độ phát triển cao trong khu vực”3. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người tăng gấp hơn 2,6 lần từ 1.331 USD năm 2010 lên gần 3.500 USD năm 2020, bằng gần 9.000 USD nếu tính theo sức mua tương đương. Kinh tế nước ta hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới với nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã được ký và có hiệu lực; nổi bật là: Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ mang lại cho đất nước nhiều cơ hội để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra. Đúng như Báo cáo Chính trị của Đại hội XIII khẳng định: “Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Chính những thành tựu của 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, đặc biệt trong 10 năm thực hiện Cương lĩnh đã tiếp tục khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo. Những thành tựu đó còn khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; đồng thời, là minh chứng bác bỏ sự xuyên tạc của các thế lực thù địch về những mục tiêu phát triển và tầm nhìn của Đảng.
Nhằm hiện thực hóa những mục tiêu đã nêu, Đại hội XIII cũng đề ra những định hướng phát triển và các giải pháp chiến lược, mà tổng quát là “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định” để phát triển. Trong 5 năm tới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược nhằm cụ thể hóa một bước những mục tiêu phát triển đã đề ra.
Điều đó đã khẳng định, khát vọng phát triển “đất nước phồn vinh, hạnh phúc không phải là “huyễn tưởng” mà là một khát vọng bắt nguồn từ niềm tin vững chắc vào cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới; vào bản lĩnh và kinh nghiệm dầy dặn mà Đảng, Nhân dân Việt Nam đã kiểm nghiệm, đúc kết trong thực tiễn lao động, sáng tạo. Đó cũng không phải là khát vọng giản đơn, xuôi chiều mà là khát vọng được bồi đắp trên cơ sở phân tích dự báo, lường đoán kỹ những thời cơ thuận lợi, có thể nắm bắt và phát huy.
Với sự kiên định vào con đường đã chọn; bằng sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, nhất định khát vọng phát triển đất nước với những mục tiêu mà Đại hội XIII xác định sẽ sớm trở thành hiện thực.
NGUYỄN NGỌC HỒI _______________
1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 69 - 70.
2 - Sđd, tr. 71.
3 - Báo Nhân dân, số 23810, ngày 29/12/2020 – Phát biểu khai mạc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, ngày 28/12/2020, tr. 02.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng,Phòng,chống "DBHB" - "tự diễn biến","tự chuyển hóa"
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm 07/11/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 30/10/2024
“Nhân quyền cao hơn chủ quyền” – sự đòi hỏi phi lý 07/10/2024
Phê phán quan điểm cho rằng đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là “thiếu khoa học, không khả thi” 30/09/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận tình đồng chí, đồng đội trong Quân đội ta 27/09/2024
Luận cứ đanh thép phản bác sự xuyên tạc đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng 26/09/2024
Phản bác luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam 16/09/2024
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân” 28/08/2024
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch 19/08/2024
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối 19/08/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm