Thứ Sáu, 22/11/2024, 14:03 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân Việt Nam là nguyên tắc bất di, bất dịch, có cơ sở lý luận, thực tiễn và pháp lý vững chắc không thể xuyên tạc!
Đòi quân đội phải “phi chính trị hóa”, hay “trung lập”, “đứng ngoài chính trị” là luận điệu phản khoa học, phi lý, là một thủ đoạn thâm độc trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Mục đích chính của hành động đó là nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, vô hiệu hóa Quân đội, làm cho Quân đội mất phương hướng, mục tiêu và sức mạnh chiến đấu, tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội nhân dân Việt Nam nhằm đảm bảo cho “Quân đội luôn là chỗ dựa vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”. Điều này, có cơ sở lý luận, thực tiễn và pháp lý vững chắc, không thể bác bỏ!
Về lý luận, quân đội là sản phẩm tất yếu, trực tiếp của sự phân chia xã hội thành giai cấp và đối kháng giai cấp, nhà nước và chiến tranh. Trong cuộc đấu tranh đó, để giành, giữ vững quyền thống trị đối với toàn xã hội, các giai cấp thống trị đã thành lập ra tổ chức vũ trang có quyền lực chính trị đặc biệt, nhằm duy trì xã hội trong vòng trật tự có lợi cho giai cấp thống trị. Cùng với sự phát triển của xã hội, một mặt, các giai cấp thống trị ngày càng hoàn thiện cơ chế tổ chức, tăng cường sự lãnh đạo đối với toàn xã hội và tổ chức vũ trang ấy, bảo đảm nó tuyệt đối trung thành với lợi ích của mình. Mặt khác, các giai cấp thống trị cũng không ngừng hoàn thiện và mở rộng chức năng xã hội của tổ chức vũ trang, kể cả việc tiến hành chiến tranh thôn tính các dân tộc khác. Tổ chức vũ trang đó là quân đội. Như vậy, ngay từ đầu, quân đội đã là công cụ bạo lực để các giai cấp thống trị thực hiện mục đích chính trị của mình và điều đó vẫn còn tồn tại chừng nào còn tồn tại quân đội. Theo V.I. Lê-nin: không phải chỉ dưới chính thể quân chủ, quân đội mới là công cụ đàn áp, nó vẫn là công cụ đàn áp trong tất cả các chính thể cộng hòa tư sản, kể cả những chính thể cộng hòa dân chủ nhất. Sự tồn tại của các kiểu quân đội trong lịch sử cho thấy, chưa có và không thể có một kiểu quân đội nào, của giai cấp nào là trung lập, đứng ngoài chính trị. Điều đó, đã chứng minh một sự thật hiển nhiên rằng, nó luôn là một lực lượng chính trị của một giai cấp, nhà nước nhất định và mang bản chất của giai cấp, nhà nước đã tổ chức ra nó. Theo đó, cả về chính trị, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, về tư tưởng hay về đường lối, nguyên tắc tổ chức xây dựng quân đội cũng như các mối quan hệ trong nội bộ quân đội và các quan hệ khác đều do giai cấp, nhà nước sinh ra nó quyết định. Đây là sự thật khách quan không thể bác bỏ!
Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp sáng lập, tổ chức xây dựng, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện. Đây là đội quân kiểu mới, mang bản chất của giai cấp vô sản. Sự ra đời của Quân đội ta không phải từ các đội quân của chế độ thực dân, phong kiến để lại, mà là đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu; được xây dựng hoàn toàn mới, theo hệ tư tưởng, nguyên tắc, đường lối chính trị, quân sự Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ những đội tự vệ công nông đầu tiên trong cao trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931, những đội du kích hình thành từ các cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, Bắc Sơn,… đến Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay luôn là công cụ bạo lực vũ trang, lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân; có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Ngoài mục tiêu đó, Quân đội nhân dân Việt Nam không còn mục tiêu và lợi ích nào khác. Nhân đây cũng cần chỉ rõ, bất kỳ một quốc gia nào dù vô sản hay tư sản cũng được hình thành từ phương diện tự nhiên - lịch sử và chính trị - xã hội. Điều đó có nghĩa, tổ quốc bao giờ cũng gắn với một thể chế chính trị nhất định đại diện cho xu hướng phát triển của tổ quốc đó. Bảo vệ tổ quốc không chỉ là bảo vệ sự toàn vẹn, thống nhất của phương diện tự nhiên - lịch sử, mà còn là bảo vệ thể chế chính trị của tổ quốc ấy. Trung thành với tổ quốc cũng chính là trung thành với thể chế chính trị đó. Vì thế, sẽ là mơ hồ, ấu trĩ khi cho rằng quân đội chỉ bảo vệ tổ quốc mà không bảo vệ thể chế chính trị trong tổ quốc ấy. Không có mấy người từ những kẻ tung ra luận điệu trên là mơ hồ, ấu trĩ, chẳng qua đó là sự xuyên tạc, kích động để gieo rắc sự mơ hồ,
Luận điệu “phi chính trị hóa” quân đội, hay quân đội “trung lập”, “đứng ngoài chính trị” dù che đậy dưới bất cứ thủ đoạn nào, nhân danh bởi bất cứ lực lượng nào, xét trên phương diện lý luận là phi khoa học, cần phải bác bỏ. Thực chất, những kẻ đang cổ vũ cho luận điệu trên đang ngấm ngầm cổ vũ cho thể chế đa nguyên, đa đảng ở Việt Nam, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam, với toàn xã hội tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Về thực tiễn, lịch sử thế giới đương đại cho chúng ta những bài học rất sâu sắc về vấn đề này. Vào những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, khi những người lãnh đạo Đảng, Nhà nước các nước Đông Âu và Liên Xô chấp nhận từ bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với toàn xã hội và quân đội, đã làm cho quân đội bị vô hiệu hóa, mất phương hướng, mục tiêu chiến đấu, biến chất về chính trị, Đảng Cộng sản, nhà nước và nhân dân mất chỗ dựa vững chắc để bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Hậu quả là, Đảng Cộng sản mất quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội; chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước đó bị tan vỡ, chủ nghĩa dân tộc cực đoan lên ngôi, đất nước bị tàn phá bởi các cuộc chiến tranh, xung đột sắc tộc; độc lập dân tộc, quyền tự do của người dân bị xâm phạm nặng nề. Phải chăng xã hội phương Tây hiện nay là một xã hội đa nguyên về chính trị, đa đảng đối lập, hay quân đội các nước theo mô hình xã hội phương Tây là “trung lập”, “đứng ngoài chính trị”, có nhiệm vụ chỉ bảo vệ tổ quốc? Hoàn toàn không phải như thế. Khoản 8, Điều I, Hiến pháp nước Mỹ quy định: nhà nước có nhiệm vụ “nuôi dưỡng và cung cấp cho quân đội; Thiết lập và duy trì quân chủng hải quân; Soạn các luật lệ và các quy chế về lực lượng lục quân và hải quân; Trù liệu việc xây dựng lực lượng dự bị nhằm thực thi pháp luật của liên bang, trấn áp các cuộc phiến loạn và đẩy lùi xâm lăng; Trù liệu sự tổ chức, vũ trang và duy trì kỷ luật các lực lượng dự bị của các bang và lãnh đạo lực lượng này khi được huy động vào lực lượng liên bang”. Còn Mục 1, Khoản 2, Điều II, quy định: “Tổng thống là Tổng Tư lệnh các lực lượng lục quân và hải quân Hoa Kỳ”. Mục 3, Khoản 10, Điều I, quy định: “Nếu không được sự đồng ý của Quốc hội, không một bang nào được,… duy trì quân đội và tàu chiến trong thời kỳ hòa bình, ký kết hiệp định hoặc thỏa ước với một bang khác hoặc với lực lượng nước ngoài”. Những quy định đó phải chăng nhằm bảo đảm cho Quân đội Mỹ luôn là một quân đội trung lập, đứng ngoài chính trị? Tương tự như vậy, năm 1858, Quân đội Pháp đến Việt Nam, năm 1954 các cố vấn quân sự Mỹ và sau đó là Quân đội Mỹ đến miền Nam Việt Nam là để bảo vệ tổ quốc?
Lịch sử Việt Nam đương đại đã chứng minh, trong những thời khắc vận mệnh của đất nước, tương lai của giống nòi “ngàn cân treo sợi tóc”, các đảng phái khác như Việt quốc, Việt cách đã bỏ mặc vận mệnh của dân tộc để ôm chân thế lực ngoại bang, bán nước cầu vinh. Chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam và đội quân còn rất non trẻ do Đảng sáng lập dám chấp nhận hy sinh, đương đầu với những thách thức của lịch sử, lãnh đạo toàn dân tộc vượt qua mọi thác nghềnh, đánh bại kẻ thù xâm lược, đưa dân tộc ta từ thân kiếp nô lệ thành người làm chủ vận mệnh tương lai của chính mình. Điều đó khẳng định, sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội và toàn xã hội đã được dân tộc ta thừa nhận là một sự thật hiển nhiên. Ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam không và không thể có một đảng phái nào, một lực lượng xã hội nào, trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào được toàn thể dân tộc thừa nhận là lực lượng lãnh đạo Quân đội Nhân dân Việt Nam và dân tộc Việt Nam. Những luận điệu cổ súy cho cái gọi là quân đội “trung lập”, “đứng ngoài chính trị” không những cố tình xuyên tạc lịch sử dân tộc Việt Nam từ khi có Đảng, nguy hiểm hơn, họ cố tình thật, giả lẫn lộn hòng gây ra sự hoài nghi, hoang mang trong xã hội, tạo ra những khoảng trống về ý thức hệ, nhằm thực hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tạo cớ cho sự can thiệp, thực hiện mưu đồ chống phá.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với Quân đội là một nguyên tắc bất di, bất dịch trong xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản, nhất là trong tình hiện nay. Tình hình phức tạp ở Bắc Phi, Trung Đông và gần đây là U-crai-na đã cho ta những bài học sâu sắc về vấn đề này. V.I. Lê-nin đã nhắc nhở: giai cấp vô sản muốn là giai cấp thống trị và nếu nó thực sự thống trị, thì nó phải tỏ rõ điều đó bằng tổ chức quân sự của mình. Bởi vậy, cùng với việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay, hệ thống tổ chức đảng và cán bộ chính trị cũng được xác lập từ trên xuống. Trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân nghĩa là “chính trị trọng hơn quân sự”, “tuyên truyền trọng hơn tác chiến”. Như vậy, ngay từ khi mới ra đời, Quân đội ta đã là một đội quân chính trị, gắn với chính trị và thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng. Điều đó cũng có nghĩa, cùng với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, Quân đội Nhân dân Việt Nam còn thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt: bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. Trung thành với Tổ quốc và nhân dân phải đồng thời trung thành với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Thực tế cho thấy, các cuộc xung đột, tranh giành quyền lực gần đây ở Đông Âu, Trung Đông, Bắc Phi,… dù được che đậy dưới những cái tên rất mỹ miều: “cách mạng cam”, “cách mạng màu”, “hoa tuy líp”,… về thực chất đều do Mỹ và phương Tây tiến hành bằng chiến lược “chiến tranh qua tay người khác”, nhằm thực hiện những toan tính và lợi ích của họ. Việc kêu gọi quân đội “trung lập”, “đứng ngoài chính trị” luôn là màn giáo đầu được họ sử dụng nhằm xóa bỏ thể chế ở các quốc gia độc lập, có chủ quyền. Vì thế, không lạ khi các thế lực thù địch, phản động, cơ hội, xét lại lớn tiếng lu loa đòi quân đội phải “phi chính trị hóa”, hay “trung lập”, “đứng ngoài chính trị”.
Về pháp lý, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật. Vì thế, việc khẳng định Quân đội nhân dân Việt Nam phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân, với Đảng và Nhà nước không phải là ý muốn chủ quan của bất kỳ một tổ chức, cá nhân nào, mà được hiến định trong Hiến pháp. Khoản 1, Điều 4, Hiến pháp 2013, khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Điều 65, chỉ rõ: “Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”. Như vậy, việc khẳng định vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội là hoàn toàn phù hợp cả về lý luận, thực tiễn và luật pháp Việt Nam, theo ý nguyện của toàn thể dân tộc Việt Nam. Không một thế lực nào có thể bác bỏ được điều đó.
Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền trong khi khẳng định quyền con người là tối thượng không một quốc gia thành viên nào tự ý bác bỏ quyền ấy, thì tại Khoản 3, Điều 21 cũng chỉ rõ: “Ý nguyện của quốc dân phải được coi là căn bản của mọi quyền lực quốc gia; ý nguyện này phải được biểu lộ qua những cuộc tuyển cử có định kỳ và trung thực”. Tương tự như vậy, Khoản 1, Điều 1, Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (năm 1966), quy định: “Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ các quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa”. Điều đó có nghĩa, việc lựa chọn một mô hình xã hội nào, việc thiết lập cơ chế lãnh đạo của giai cấp, nhà nước đó đối với các tổ chức xã hội nào,… là do toàn thể nhân dân trong cộng đồng dân tộc đó quyết định, hoàn toàn không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của bất cứ cá nhân nào, dù họ nhân danh ai, vì mục đích gì. Thiết nghĩ đây là vấn đề không cần bàn cãi.
Việc hiến định vai trò lãnh đạo của giai cấp, nhà nước đối với quân đội không chỉ được thể hiện trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mà bất cứ một quốc gia nào, trong hệ thống pháp luật của mình, bằng cách này, hay cách khác đều hiến định quyền lãnh đạo không thể chia sẻ của mình đối với quân đội. Chẳng hạn, tại Điều 35, Hiến pháp Cộng hòa Pháp quy định rõ, chỉ có nghị viện mới có quyền thông qua các quy định như “các quyền dân sự, các bảo đảm cơ bản cho công dân thực hiện các quyền tự do công dân của mình, nghĩa vụ về người và tài sản của công dân phục vụ nhiệm vụ quốc phòng”. Khoản 5, Điều 13 Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Nga cấm các tổ chức xã hội, tổ chức chính trị - xã hội, trừ nhà nước “thành lập và cấm sự hoạt động của các tổ chức xã hội có mục đích hay hoạt động hướng tới việc dùng bạo lực để thay đổi nền tảng chế độ hiến pháp và xâm phạm sự toàn vẹn của Liên bang Nga, đe dọa an ninh quốc gia, thành lập các tổ chức vũ trang, gây chia rẽ về xã hội, chủng tộc, sắc tộc và tôn giáo”. Rõ ràng, luận điệu đòi “phi chính trị hóa” quân đội, hay quân đội “trung lập”, “đứng ngoài chính trị”…, không chỉ là sự đòi hỏi vô lý của những thế lực tha hóa về nhân cách, mà còn là hành vi lợi dụng tự do ngôn luận để vi phạm trắng trợn luật pháp Việt Nam và các chuẩn mực quốc tế.
TS. ĐỖ VĂN NGOAN
Đảng lãnh đạo Quân đội
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm 07/11/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 30/10/2024
“Nhân quyền cao hơn chủ quyền” – sự đòi hỏi phi lý 07/10/2024
Phê phán quan điểm cho rằng đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là “thiếu khoa học, không khả thi” 30/09/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận tình đồng chí, đồng đội trong Quân đội ta 27/09/2024
Luận cứ đanh thép phản bác sự xuyên tạc đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng 26/09/2024
Phản bác luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam 16/09/2024
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân” 28/08/2024
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch 19/08/2024
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối 19/08/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm