Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Hai, 12/12/2022, 20:33 (GMT+7)
Không thể tách rời kinh tế với quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Kết hợp kinh tế với quốc phòng là nội dung quan trọng trong đường lối phát triển đất nước của Đảng ta, nhằm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, vấn đề này đang chịu những tác động tiêu cực từ âm mưu, hoạt động chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch và từ chính nhận thức, hành động chưa đúng của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân; đòi hỏi phải có nhiều hình thức, biện pháp đấu tranh bác bỏ.

Kết hợp kinh tế với quốc phòng là vấn đề có tính quy luật nhằm bảo đảm sự tồn tại và phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc. Nó nảy sinh từ mối quan hệ giữa kinh tế với chiến tranh, kinh tế với quốc phòng, giữa xây dựng và bảo vệ đất nước; là phương thức hiệu quả để vừa nâng cao tiềm lực kinh tế, vừa tăng cường tiềm lực quốc phòng của mỗi quốc gia. Đối với Việt Nam, kết hợp kinh tế với quốc phòng còn là sự tiếp nối truyền thống, quy luật đặc thù của lịch sử dân tộc: dựng nước đi đôi với giữ nước; là đòi hỏi khách quan của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Và thực tiễn cũng cho thấy, những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, việc kết hợp kinh tế với quốc phòng được các cấp, ngành, lực lượng, địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách để phát triển nhanh, bền vững.

Tuy nhiên, hiện nay đang tồn tại những vấn đề tác động tiêu cực, cản trở quá trình kết hợp kinh tế với quốc phòng của đất nước. Trước hết là âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Nổi bật là sự xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kết hợp kinh tế với quốc phòng; kích động, cổ súy tư tưởng phát triển kinh tế bằng mọi giá; lợi dụng quá trình mở cửa, kêu gọi đầu tư nước ngoài của nước ta để tiếp cận những ngành, lĩnh vực, vị trí có ý nghĩa chiến lược về quốc phòng; thông qua giúp đỡ, viện trợ kinh tế, đầu tư vốn, chuyển giao công nghệ cho Việt Nam để đặt ra các điều kiện và gây sức ép về chính trị, từng bước chuyển hóa Việt Nam theo con đường tư bản chủ nghĩa, v.v. Cùng với đó, vẫn còn hiện tượng một số cán bộ nhận thức mơ hồ cả về lý luận và thực tiễn đối với quan điểm kết hợp kinh tế với quốc phòng; một số địa phương buông lỏng quản lý, mất cảnh giác, kém hiệu quả trong việc gắn kết giữa phát triển kinh tế với củng cố, tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh, nhất là việc thẩm định, cấp phép cho các dự án tại các vùng chiến lược trọng điểm. Nguy hiểm hơn, có những cán bộ cố tình làm sai sự hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chức năng, thậm chí vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kết hợp kinh tế với quốc phòng để thực hiện các dự án kinh tế nhằm phục vụ lợi ích nhóm, trục lợi cá nhân, v.v. Những nhận thức, hành động đó, dù cố tình hay vô ý đều đi ngược với quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; làm tổn hại lợi ích quốc gia, dân tộc; là lực cản đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cơ sở lý luận và thực tiễn

Cả lý luận và thực tiễn cho thấy, kinh tế, quốc phòng, an ninh tồn tại khách quan trong đời sống xã hội và có mối quan hệ biện chứng tác động qua lại với nhau; trong đó, sản xuất vật chất là cơ sở của đời sống xã hội, các lĩnh vực khác của đời sống xã hội tác động trở lại kinh tế. Vì thế, việc kết hợp kinh tế với quốc phòng trở thành vấn đề có tính quy luật chung của các quốc gia trên thế giới.

Nhìn vào tiến trình phát triển của các quốc gia trên thế giới chúng ta thấy, dù là nước lớn hay nước nhỏ, trình độ phát triển kinh tế, chế độ chính trị có thể khác nhau, nhưng tất cả các quốc gia đều chăm lo thực hiện gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, kể cả những nước mà hằng trăm năm nay chưa có chiến tranh. Tất nhiên, sự kết hợp đó ở mỗi quốc gia sẽ có những khác biệt về mục đích, nội dung, phương thức, kết quả và ngay trong một nước, ở mỗi giai đoạn phát triển thì sự kết hợp cũng khác nhau. Điều này được thể hiện rõ nét khi hầu hết các nước phát triển đều quy định: chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại đều phải được thông qua hội đồng quốc phòng, an ninh quốc gia và phải đáp ứng các yêu cầu của chiến lược an ninh quốc gia. Các nước đều rất chú trọng xây dựng khung khổ pháp lý cho việc gắn phát triển kinh tế - xã hội, quan hệ đối ngoại với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh. Nhiều quốc gia đặc biệt coi trọng những yêu cầu về quốc phòng, an ninh trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, các công trình đô thị, trụ sở, nơi làm việc của các cơ quan đầu não, các cơ sở sản xuất trọng yếu, then chốt; lồng ghép các hoạt động nghiên cứu phát triển cho cả mục đích dân sự, quân sự trong các cơ sở nghiên cứu phát triển của cả dân sự và quân sự; gắn đào tạo nhân lực cho nhu cầu quân sự, quốc phòng trong các nhà trường dân sự. Đặc biệt, các nước luôn coi trọng phát triển công nghiệp cả dân sự và quốc phòng theo hướng lưỡng dụng, điển hình là Mỹ, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc. Hiện nay, ở Nhật có hơn 1.500 xí nghiệp tham gia sản xuất trang bị quân sự, với khoảng 70.000 công nhân, chiếm khoảng 0,1% tổng số công nhân trên toàn quốc1. Tổ hợp công nghiệp quốc phòng ở Mỹ có khả năng chế tạo các sản phẩm đa dạng, phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau, từ trang bị vũ khí đến hàng tiêu dùng hoặc các dịch vụ có công dụng quân sự, như: vận tải, xăng dầu, thiết bị điện tử. Ở Nga, tổ hợp công nghiệp quốc phòng có khả năng vừa chế tạo vũ khí trang bị và các phương tiện quân sự, vừa tạo ra các sản phẩm công nghiệp dân dụng cao, chiếm tới 70% toàn bộ sản phẩm ngành công nghiệp. Điều đó khẳng định, kết hợp kinh tế với quốc phòng là yêu cầu, xu thế chung trên toàn thế giới.

Kết hợp kinh tế với quốc phòng trong lịch sử dân tộc Việt Nam

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, kể từ khi các Vua Hùng dựng nước đến nay, đất nước ta luôn luôn bị các thế lực ngoại bang nhòm ngó, xâm lăng. Nếu chỉ tính từ năm 214 trước Công nguyên đến năm 1945, trước khi Cách mạng Tháng Tám thành công, dân tộc ta đã trải qua hơn 2.000 năm luôn phải tiến hành các cuộc chiến đấu chống ngoại xâm. Trong điều kiện lịch sử như vậy, một trong những bài học quý báu mà tổ tiên ta đúc rút ra là dựng nước luôn gắn liền với giữ nước, với những tư tưởng: “thực túc, binh cường”, “quốc phú binh cường”,… chú trọng kết hợp xây dựng, phát triển kinh tế, chăm lo đời sống của nhân dân với xây dựng, củng cố quốc phòng, chuẩn bị nguồn lực động viên cho quốc phòng vững mạnh; thực hiện huy động vật lực của toàn dân, của cả nước để đánh giặc. Các triều đại phong kiến Việt Nam đã ban hành và thực hiện một số chính sách lớn (có thế nói là quốc sách), như: “Ngụ binh ư nông”, “tĩnh vi nông, động vi binh”, v.v. Khi hòa bình là nông dân, khi có chiến tranh được huy động để bổ sung cho quân đội. Chính sách “Ngụ binh ư nông” là một cơ chế hoàn thiện về mặt động viên và sử dụng nhân lực trong việc xây dựng lực lượng vũ trang phòng giữ đất nước, xây dựng tiềm lực quốc phòng mạnh trên cơ sở phát triển kinh tế với củng cố lực lượng quân sự. Với việc thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, nhất là chính sách “Ngụ binh ư nông”, các triều đại phong kiến Việt Nam đã xây dựng được nguồn nhân lực động viên từ thời bình phù hợp với khả năng của đất nước, để khi có chiến tranh, huy động kịp thời nhằm bảo vệ Tổ quốc. Điều đó khẳng định rằng, tuy còn sơ khai, song việc kết hợp kinh tế với quốc phòng đã được cha ông ta quan tâm thực hiện từ rất sớm; là phương thức cốt yếu để vừa bảo đảm đời sống ấm no cho nhân dân, vừa giữ cho đất nước hòa bình, ổn định và phát triển.

Quan điểm của Đảng về kết hợp kinh tế với quốc phòng

Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh là quan điểm xuyên suốt, chủ trương nhất quán của Đảng, được bổ sung, phát triển phù hợp với điều kiện thực tế qua các kỳ đại hội. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại”2. Thực hiện chủ trương mỗi bước phát triển kinh tế - xã hội là một bước tăng cường quốc phòng, an ninh, những năm qua, việc kết hợp kinh tế với quốc phòng trên phạm vi cả nước đã được thực hiện ngày càng toàn diện, chặt chẽ, đồng bộ, trách nhiệm và hiệu quả hơn. Điều đó được thể hiện ngay từ khâu xây dựng chiến lược, quy hoạch vùng, lãnh thổ, các ngành, lĩnh vực; các kế hoạch dài hạn, trung hạn và ngắn hạn; trong từng công trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội,... đều gắn với quy hoạch tổng thể xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ. Các địa phương, nhất là ở địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đã coi trọng quy hoạch phân bố dân cư, phát triển lực lượng dân phòng cùng các tổ, đội liên kết của ngư dân,... bảo đảm mục tiêu vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa tăng cường quốc phòng, an ninh bảo vệ vững chắc địa bàn biên giới, biển, đảo. Các đơn vị Quân đội vừa bảo đảm huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, vừa tham gia phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn đóng quân, v.v. Các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng, bên cạnh việc sản xuất sản phẩm phục vụ nhu cầu quốc phòng còn tận dụng tiềm năng, thế mạnh tham gia sản xuất các mặt hàng phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội. Điển hình như những doanh nghiệp trong lĩnh vực đóng và sửa chữa tàu, cơ khí, hóa chất, điện - điện tử, quang học với nhiều sản phẩm uy tín, có thương hiệu và hội nhập sâu rộng vào thị trường trong nước, khu vực và thế giới. Tổng Công ty Sông Thu, Công ty đóng tàu Hồng Hà, Nhà máy Z189 đã đóng được nhiều loại tàu, xuồng hiện đại phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang thị trường châu Âu, châu Mỹ. Nhiều nhà máy đã bứt phá mạnh mẽ với các sản phẩm quốc phòng mũi nhọn và sản phẩm phục vụ nhu cầu thị trường. Trong đó, Nhà máy Z176 đã và đang là “lá cờ đầu” trong việc sản xuất sản phẩm kinh tế xuất khẩu (hiện xuất khẩu chiếm hơn 80% tổng doanh thu), v.v. Những kết quả từ sự kết hợp đó đã góp phần trực tiếp tăng cường sức mạnh quốc phòng của đất nước; đồng thời, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế đất nước nhanh, bền vững.

Đó là những cơ sở để khẳng định tính tất yếu, khách quan phải kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng trong mọi giai đoạn phát triển, nhằm mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đó cũng là những minh chứng sống động bác bỏ những nhận thức và hành động đòi tách rời kinh tế với quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

TS. NGUYỄN ĐỨC LONG, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
_______________

1 - http://tapchi.vdi.org.vn/article/2889/chien-luoc-phat-trien-cong-nghiep-quoc-phong-nhat-ban.

2 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 68.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.