Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Hai, 19/11/2018, 20:37 (GMT+7)
Không thể phủ nhận vai trò của Quân đội trong tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế

Vừa qua, xuất hiện nhiều ý kiến về việc Quân đội làm kinh tế với dụng ý xấu, thậm chí có cả sự phủ nhận, xuyên tạc vai trò của Quân đội trong tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội. Nhưng điều đó là không thể.

Quân đội tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế không phải là vấn đề mới và cũng không phải chỉ có ở Việt Nam, mà nhiều nước trên thế giới cũng cho phép quân đội tham gia trong lĩnh vực này, khác chăng là ở mục đích của hoạt động đó mà thôi. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu một cách tường tận và thấu đáo mục đích, lý do việc Quân đội ta tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế, nhưng lại thoải mái tung hô một cách tùy tiện. Có người do thiếu hiểu biết, nhưng lại tự cho mình quyền phán quyết những vấn đề thuộc về quốc kế dân sinh, dẫn đến ngộ nhận; có người cố tình lợi dụng những vấn đề đó để hô hào, cổ súy, với hy vọng được các thế lực thù địch bên ngoài trọng dụng nhằm thỏa mãn những tham vọng cá nhân. Vì thế, cần phải khẳng định rằng:

1. Tham gia lao động sản xuất là một chức năng của Quân đội

Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản, hoàn toàn khác với bản chất của quân đội các thể chế chính trị, xã hội khác, được thể hiện ở mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ giữa quân đội với nhân dân, quan hệ cán binh và thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả. Quân đội của các nước tư bản chủ nghĩa “là công cụ vững chắc nhất để duy trì chế độ cũ, là thành trì kiên cố nhất để bảo đảm cho kỷ luật tư sản và sự thống trị của tư bản, là nhà trường giáo dục một cách nô lệ và sự phụ thuộc của người lao động đối với tư bản”1. Đây là điểm khác biệt cốt yếu của quân đội tư sản với Quân đội ta. Quân đội của Việt Nam là quân đội của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, mục tiêu chiến đấu của Quân đội là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và nền văn hóa; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp đổi mới và lợi ích quốc gia - dân tộc. Ngoài mục tiêu đó, Quân đội không có mục đích nào khác. Nhưng không vì thế mà phủ nhận vai trò của Quân đội trong tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội, mà cùng với chức năng của đội quân chiến đấu, Quân đội ta còn phải thực hiện tốt chức năng đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất.

Trong tiến trình lịch sử của dân tộc, vấn đề quân đội tham gia lao động sản xuất luôn được các triều đại phong kiến Việt Nam vận dụng và phát huy hiệu quả vào công cuộc bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, dân tộc. Đó là chính sách “ngụ binh ư nông”. Điều căn bản cốt lõi của chính sách “ngụ binh ư nông” là gửi quân dự bị ở nông thôn, lao động, sản xuất tại địa phương, khi đất nước cần thì huy động họ trở thành binh lính thường trực bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông” để vừa bảo đảm cho triều đình luôn duy trì một lực lượng cân đối giữa xây dựng kinh tế với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; giữa sản xuất và chiến đấu, hậu phương và tiền tuyến trong chiến tranh giữ nước, bảo đảm cho quân đội luôn có một đội quân thường trực có số lượng đủ mức cần thiết, tinh thông võ nghệ, sẵn sàng chiến đấu cao và quân dự bị đông đảo, dễ dàng huy động khi có chiến tranh. Chính sách này còn thể hiện mối liên kết hài hòa giữa quân sự và kinh tế (trước hết là nông nghiệp), giữa kinh tế và quân sự, có khả năng chuyển hóa nhanh nền kinh tế từ thời bình sang thời chiến và ngược lại. Nhờ thực hiện tốt chính sách này, mà đất nước ta dưới các triều đại phong kiến không những có số lượng quân thường trực phù hợp, đủ sức bảo vệ vững chắc Tổ quốc, mà còn có lực lượng dự bị hùng hậu, khi đất nước chưa huy động, họ góp phần tạo ra một lượng của cải vật chất to lớn phục vụ quốc kế dân sinh; đảm bảo vũ khí, trang bị và các nhu cầu thiết yếu khác cho quân đội cả trong thời bình lẫn thời chiến.

Hiện nay, trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, ngân sách đảm bảo cho quốc phòng hạn hẹp, việc Quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế đã tạo ra nguồn lực to lớn, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội và cải thiện đời sống người lao động, củng cố niềm tin của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, góp phần làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Từ năm 2000 đến nay, các đoàn kinh tế - quốc phòng đã đỡ đầu, đón nhận hơn 101.000 hộ dân vào sinh sống, lập nghiệp; xây dựng mới 536 điểm dân cư tập trung với hơn 32.000 hộ dân; xóa 344 thôn, bản “trắng” đảng viên; củng cố, giúp hàng nghìn chi bộ, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở đi vào hoạt động có nền nếp, v.v. Chỉ tính riêng năm 2016, tổng doanh thu của các doanh nghiệp quân đội đạt gần 350 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt hơn 43 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước hơn 40 nghìn tỷ đồng.

2. Quân đội tham gia lao động sản xuất là một nội dung quan trọng đã được hiến định

Điều 68 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi năm 2013) ghi rõ: “... kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh...”. Điều đó cho thấy, việc kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc là của toàn dân, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là ở nơi dân, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt. Tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế của Quân đội cũng chính hướng tới mục tiêu đó.

Tuy nhiên, để hiểu tường tận vai trò, chức năng tham gia xây dựng kinh tế của Quân đội, cần có một cách nhìn khách quan, khoa học về vấn đề này. Trước hết, thuật ngữ “quân đội làm kinh tế” phải được hiểu dưới góc độ tham gia lao động sản xuất, xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội; không được hiểu với nghĩa kinh tế đơn thuần, dù doanh nghiệp đó sản xuất trong bất cứ lĩnh vực nào. Nhận thức sai lầm, ngộ nhận dù vô tình hay cố ý đối với thuật ngữ này chính là một sự đánh tráo khái niệm, nhằm hạ thấp vai trò, uy tín của Quân đội, gây sự hiểu nhầm trong xã hội, chia rẽ sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Quân đội; giữa Quân đội và nhân dân.

Hơn nữa, mục tiêu tham gia lao động sản xuất, xây dựng phát triển kinh tế của Quân đội là: gia tăng sức mạnh của Quân đội và sức mạnh tổng hợp của quốc gia; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, trong đó có kinh tế quốc phòng; tận dụng tiềm lực, tiềm năng của đất nước về mọi mặt; từng bước nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam. Đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề, khó khăn lại được tiến hành ở những nơi xa xôi, hẻo lánh, nếu không có các đơn vị quân đội, các doanh nghiệp ngoài Quân đội khó có thể tiếp cận được. Ở khía cạnh này ta thấy, ngay từ đầu, vấn đề giữa lợi nhuận và sự toàn vẹn của lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, dân tộc đã được các đơn vị quân đội tham gia lao động sản xuất trả lời một cách dứt khoát. Với thế mạnh của mình và về nguồn nhân lực, vật tư, trang thiết bị, Quân đội tham gia sẽ phải gánh vác những nhiệm vụ chính trị xã hội mà các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước cũng khó có thể đảm đương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, những nơi đời sống của nhân dân còn hết sức thiếu thốn, lạc hậu. Rõ ràng, tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội là một mệnh lệnh, một nhiệm vụ chính trị của Quân đội. Không chỉ tham gia lao động sản xuất đơn thuần, mà các đơn vị quân đội còn có thế mạnh là sử dụng nguồn lực có chất lượng của mình để tổ chức các lớp học văn hóa, giúp nhân dân nâng cao dân trí, xây dựng kết cấu hạ tầng, như: điện, đường, trường, trạm, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, v.v. Có thể nói, những đóng góp của cán bộ, chiến sĩ các đoàn kinh tế - quốc phòng trên lĩnh vực kinh tế, xã hội, kết hợp giữa phát triển kinh tế, xã hội với thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; giữa quân sự, quốc phòng với phát triển kinh tế, xã hội thời gian qua là rất lớn và không thể phủ nhận.

3. Chức năng tham gia lao động sản xuất được khẳng định trong thực tiễn xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội

Hơn 70 năm qua cho thấy, trong bất cứ điều kiện nào, dù khó khăn đến đâu, Quân đội ta cũng vừa chiến đấu, vừa lao động sản xuất, tham gia xây dựng kinh tế bằng những hình thức, biện pháp sáng tạo, phù hợp, hiệu quả. Trong kháng chiến chống Pháp, với vô vàn khó khăn chồng chất, trước hết là ăn, mặc, tiếp đến là trang bị vũ khí…, nếu không có các đơn vị quân đội tham gia lao động sản xuất, chế tạo vũ khí, khí tài, đạn dược…, liệu Quân đội có thể hoàn thành được nhiệm vụ mà Đảng, Tổ quốc và nhân dân giao phó! Trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, hậu phương lớn miền Bắc vừa tiến hành công cuộc cải tạo, phục hồi kinh tế từ một nước sản xuất nhỏ, manh mún, lạc hậu trong điều kiện chiến tranh, vừa chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, nếu các đơn vị quân đội không tham gia lao động sản xuất, không có các căn cứ hậu cần tại chỗ trên chiến trường miền Nam, nhất là ở các địa bàn chiến lược như: khu 5, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ,... đặc biệt là Bộ đội Trường Sơn, Quân chủng Hải quân để xẻ núi, bạt đèo, xây dựng hàng chục ngàn cây số đường bộ, đường sông, đường ống, đường biển, mở các tuyến vận tải chiến lược chi viện cho chiến trường miền Nam và nước bạn Lào, Cam-pu-chia, liệu có thể có Chiến thắng của ngày 30 tháng 4 lịch sử!

Sau ngày 30 tháng 4, đất nước hoàn toàn thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước ra sức hô hào, cổ súy, viện trợ tiền của, vũ khí cho bọn ngụy quân, ngụy quyền, bọn Fulro tăng cường hoạt động chống phá, nhằm lật đổ chính quyền cách mạng. Một lần nữa, Quân đội lại tiên phong trên các mặt trận, vừa phải làm tròn chức năng là đội quân chiến đấu bảo vệ thành quả cách mạng, vừa là đội quân xung kích vào những nơi khó khăn, nguy hiểm nhất, cùng cả nước xây dựng kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh. Đồng thời, kết hợp phát triển kinh tế với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân; giữa xây dựng thế trận quốc phòng với phát triển kinh tế, góp phần cùng cả nước từng bước vượt qua khó khăn, thách thức để bước vào hội nhập và giao lưu quốc tế với uy tín và vị thế mới.

Trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã quán triệt, cụ thể hóa đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị quân đội tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế; trọng tâm là Nghị quyết 71/ĐUQSTW, ngày 25-4-2002 “Về nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội trong thời kỳ mới - Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội”; Nghị quyết 520-NQ/QUTW, ngày 25-9-2012 về “Lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm 2020”; Thông tư 69/2017/TT-BQP ngày 03-4-2017 của Bộ Quốc phòng ban hành Quy chế quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh kinh tế của Quân đội. Trên cơ sở đó, nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, có bước phát triển toàn diện, đạt kết quả quan trọng cả về kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh.

Quán triệt quan điểm đó, các đơn vị quân đội đã phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng thực sự là nhân tố quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, phát triển kinh tế, xã hội ở từng địa phương, vùng, miền gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh của đất nước; tham gia có hiệu quả xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo, vùng căn cứ cách mạng, đẩy lùi các hủ tục; xây dựng làng, bản văn hóa; cùng đồng bào các dân tộc xây dựng vành đai biên giới, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Những việc làm đó góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, dân tộc, cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Như vậy, lao động sản xuất là một nhiệm vụ chính trị xuyên suốt của Quân đội ta, một giá trị cốt lõi làm nên nhân cách, phẩm giá “Bộ đội Cụ Hồ”. Vì thế, những luận điệu xuyên tạc của tổ chức, cá nhân thời gian qua dù vô tình hay cố ý là không thể chấp nhận và đáng bị lên án.

TS. ĐỖ VĂN NGOAN - ThS. NGUYỄN VĂN TOÁN
_______
___________

1 - V.I. Lê-nin - Toàn tập, Tập 28, Nxb Tiến Bộ, M. 1977, tr. 364.

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.