Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Hai, 08/01/2024, 06:46 (GMT+7)
Không thể phủ nhận thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm các quyền dân sự và chính trị

Trong những năm qua, việc triển khai đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp về đảm bảo các quyền dân sự và chính trị cho người dân với nhiều thành tựu đạt được là nỗ lực rất lớn của Việt Nam. Qua đó, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng và bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa. Đó là thực tiễn sinh động, không ai có thể phủ nhận.

Cùng với Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (International Covenant on Civil and Political Rights - ICCPR) là một trong ba trụ cột của Bộ luật nhân quyền quốc tế - nhóm văn kiện nền tảng cho sự hình thành và phát triển các tiêu chuẩn nhân quyền cơ bản trên thế giới. Nội dung cơ bản của ICCPR khẳng định những quyền cốt lõi của con người, với quyền tự quyết của mọi dân tộc và 18 nhóm quyền của mỗi cá nhân.

Tổ bầu cử số 05, bản Mường Lạn, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La mang hòm phiếu đến tận nhà để cử tri tận tay bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ảnh: tapchicongsan.org.vn

Lâu nay, các thế lực thù địch và những kẻ đội lốt nhân quyền luôn dùng mọi thủ đoạn để phủ nhận, xuyên tạc những thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người nói chung, các quyền dân sự và chính trị nói riêng. Họ vu khống Việt Nam vi phạm nhân quyền; vi phạm tự do ngôn luận, báo chí; dân chủ hình thức,… nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta, làm suy giảm uy tín của Việt Nam với thế giới, kêu gọi, gây áp lực để đạt được mục đích của mình. Tuy nhiên, thực tiễn đã chứng minh, từ khi gia nhập Công ước ICCPR vào năm 1982, Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện đồng bộ các chủ trương, giải pháp đảm bảo các quyền dân sự, chính trị cho công dân và đạt nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các mặt. Đây không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm thành viên của Công ước, mà còn là mục tiêu nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam nhằm mang lại cuộc sống tốt đẹp cho người dân.

Trước hết, Việt Nam luôn nỗ lực xây dựng, hoàn thiện pháp luật về đảm bảo quyền dân sự và chính trị cho người dân; được hiến định đầy đủ trong Hiến pháp năm 2013: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”1. Đồng thời, quy định rõ: “mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác, việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”2. Việc cụ thể hóa Hiến pháp, cũng như các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên bằng các bộ luật, luật và các văn bản quy phạm pháp luật cũng luôn được Nhà nước ta quan tâm. Chỉ riêng từ tháng 01/2019 đến tháng 12/2022, Quốc hội Việt Nam đã thông qua gần 60 luật, nghị quyết có liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Song song với đó, Việt Nam không ngừng hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước để bảo đảm các quyền dân sự, chính trị và khuôn khổ pháp luật về xử lý các hành vi xâm phạm các quyền này, như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Luật Tổ chức tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Quốc phòng, Luật Công an nhân dân, Luật Xử lý vi phạm hành chính, v.v. Chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức phản biện xã hội cũng được quy định rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật, như: Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, v.v. Đồng thời, ban hành, sửa đổi, bổ sung luật, quy định xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực bảo đảm các quyền dân sự và chính trị của người dân Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam tích cực hoàn thiện các khuôn khổ pháp luật khác, tạo điều kiện thuận lợi nhất, bảo đảm cho cá nhân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương được thụ hưởng các quyền dân sự và chính trị, được tiếp cận thông tin, nâng cao nhận thức và có điều kiện thuận lợi trong thực hiện các quyền này, như: Luật Trợ giúp pháp lý; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, v.v.

Hai là, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, pháp luật về các quyền dân sự và chính trị nói riêng được Nhà nước Việt Nam xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, được tiến hành thường xuyên, liên tục, đạt nhiều kết quả quan trọng. Theo đó, các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác này bằng nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Chính sách pháp luật được truyền tải đến người dân bằng nhiều kênh khác nhau, với sự phong phú, đa dạng về hình thức, phương pháp, cách thức tiến hành; từ các diễn đàn, hội thảo, tọa đàm chuyên sâu, đến các hình thức phổ thông, tiếp cận mọi người dân trên mọi vùng miền của đất nước. Công tác truyền thông chính sách được đẩy mạnh với các chuyên mục chuyên sâu về phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện truyền thông đại chúng của Trung ương và địa phương, được thể hiện bằng tiếng phổ thông cùng 13 tiếng dân tộc thiểu số và tiếng nước ngoài. Các cơ quan báo chí tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương xây dựng và thực hiện các chuyên mục pháp luật ngày càng chặt chẽ, sáng tạo, hiệu quả. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội bằng fanpage, zalo, sử dụng nhắn tin qua các mạng di động để tăng tính tương tác, hấp dẫn cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được đẩy mạnh thực hiện rộng rãi. Đồng thời, chú trọng đăng tải các văn bản pháp luật, nhất là những văn bản pháp luật mới ban hành, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật lên cổng, trang thông tin điện tử của bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương. Giai đoạn 2013 - 2023, các cấp, các ngành đã tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp cho hơn 9.429.000 lượt người dân; biên soạn và cấp phát miễn phí gần 512.000.000 tài liệu pháp luật, nhiều tài liệu được dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài. Qua đó, góp phần quan trọng trong nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về quyền dân sự, chính trị ở nước ta.

Ba là, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thi hành kịp thời, đầy đủ, nhất quán và nghiêm minh pháp luật về bảo đảm các quyền dân sự và chính trị của người dân. Tiêu biểu như: quyền bầu cử và ứng cử của công dân được quy định cụ thể, được bảo đảm thực thi nghiêm minh, không phân biệt dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo. Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp. Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021 - 2026), tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu đạt 99,6%, cao nhất từ trước đến nay và có thể nói khó có quốc gia nào khác sánh được. Điều đó cho thấy, người dân ngày càng ý thức được quyền của mình và quyền chính trị đó ngày càng được Nhà nước ta đảm bảo tốt hơn.

Các thế lực thù địch thường xuyên tạc, vu khống Việt Nam “bóp ngặt” tự do ngôn luận, báo chí, tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, đó chỉ là những xảo ngôn thiếu căn cứ. Bởi lẽ, không có một quốc gia nào “bóp ngặt” tự do ngôn luận, báo chí mà lại có số lượng các cơ quan báo chí đông đảo, với đầy đủ các loại hình và phát triển mạnh mẽ như vậy. Lại càng không thể là một quốc gia đứng tốp đầu về tốc độ phát triển internet và người dùng mạng xã hội như Việt Nam. Hiện nay, nước ta có 797 cơ quan báo chí, gồm 127 báo và 670 tạp chí; đến tháng 01/2023, Việt Nam có 72,1 triệu người dùng Internet, tương đương 73,2% dân số; có hơn 70 triệu người dùng mạng xã hội, tương đương 71% dân số và khoảng 161,6 triệu kết nối di động đang hoạt động, tương đương 164% dân số. Các cuộc tranh luận, chất vấn, phản biện về chủ trương, chính sách không chỉ diễn ra tại nghị trường Quốc hội, mà còn diễn ra sôi nổi tại các cuộc tọa đàm, hội thảo, bàn luận,… với sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị, xã hội và người dân. Đây là minh chứng khẳng định quyền tự do ngôn luận, báo chí, tự do thông tin ở Việt Nam luôn được bảo đảm.

Về tín ngưỡng, tôn giáo, Đảng, Nhà nước ta nhất quán tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân; mọi công dân có quyền theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo nào. Hiện nay, Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, với trên 26,7 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số, hơn 55 nghìn chức sắc, 135 nghìn chức việc, gần 30 nghìn cơ sở thờ tự. Các tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam đều hòa hợp và bình đẳng, Nhà nước không phân biệt đối xử, tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật. Đặc biệt, Đảng, Nhà nước ta luôn tôn trọng, phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia vào đời sống chính trị xã hội, xây dựng đất nước. Quốc hội khóa XV có 05 vị chức sắc là đại biểu và hàng chục nghìn chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo trúng cử đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã nhiệm kỳ 2021 - 2026 và là thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các hội, đoàn thể chính trị xã hội các cấp, v.v. Về vấn đề dân tộc, Việt Nam không chỉ bảo đảm các quyền bình đẳng cho người dân, mà còn có chính sách ưu tiên đặc biệt để các dân tộc phát triển; luôn quan tâm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa; tạo điều kiện để họ tham gia hệ thống chính trị, quản lý xã hội, quản lý nhà nước, ứng cử vào Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Quốc hội khóa XV có 89/499 đại biểu là người dân tộc thiểu số, chiếm 17,8%, nhiều nhất từ trước đến nay.

Cùng với đó, các quyền cơ bản của người dân theo Công ước ICCPR: quyền được đối xử bình đẳng trước tòa án và các cơ quan tài phán khác; quyền an ninh cá nhân và bất khả xâm phạm thân thể; quyền tự do đi lại và cư trú trong phạm vi lãnh thổ quốc gia; quyền được xuất cảnh khỏi bất cứ quốc gia nào, kể cả nước mình, và được quay trở lại nước mình; quyền có quốc tịch; quyền kết hôn, lập gia đình và bình đẳng trong hôn nhân; quyền thừa kế; quyền tự do hội họp và lập hội; quyền có việc làm; quyền về nhà ở; quyền được giáo dục và đào tạo; quyền được tham gia bình đẳng vào các hoạt động văn hóa; quyền được tiếp cận với bất kỳ địa điểm và dịch vụ công cộng,... đều được Việt Nam quan tâm bảo đảm toàn diện, thực chất.

Ngày 22/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nội dung, cho phép nộp Báo cáo thực thi ICCPR lần thứ 4 tại Việt Nam và đã được đăng tải trên website của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc. Việc này thể hiện sự cam kết thực hiện của một quốc gia thành viên có trách nhiệm, phản ánh khách quan, minh bạch sự phát triển và nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy các quyền dân sự và chính trị của người dân. Những thành tựu đó đã góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa; là động lực quan trọng để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng nước Việt Nam ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Đó là những minh chứng sinh động, bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc, phủ nhận của các thế lực chống phá.

Thượng tá, TS. PHẠM CÔNG THƯỞNG, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
_____________________
         

1 - Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb CTQGST, H. 2018, Điều 14, Khoản 1.

2 - Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb CTQGST, H. 2018, Điều 15, Khoản 2, 4.

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.