Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Hai, 17/11/2014, 13:39 (GMT+7)
Không thể phá vỡ sự đoàn kết dân tộc

Đoàn kết, hòa hợp dân tộc là điều kiện cần thiết cho sự ổn định và phát triển của mọi quốc gia. Đó cũng là truyền thống, đạo lý của dân tộc Việt Nam, được nhân dân ta xây đắp, gìn giữ từ ngàn đời và hiện nay đang được tiếp tục phát huy trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là xu thế không thể làm thay đổi, đảo ngược cho dù vẫn còn những người với động cơ xấu vì chính trị cố tình ngăn trở.

Bác Hồ với các đại biểu dự Đại hội Thống nhất Việt Minh - Liên Việt, năm 1951
(Ảnh tư liệu)

Nhiều thế hệ người Việt Nam từng thấm thía nỗi đau chia rẽ, tàn phá của chiến tranh và các chính sách cai trị thâm độc của các thế lực phong kiến, thực dân, đế quốc và tay sai. Đặc biệt là cuộc chiến tranh tàn bạo do đế quốc Mỹ tiến hành, với thủ đoạn “Việt Nam hóa chiến tranh” đã để lại những hậu quả hết sức nặng nề đối với hầu hết gia đình Việt Nam suốt mấy chục năm qua và còn kéo dài. Điều đó đã làm cho nguyện vọng về đoàn kết, hòa hợp dân tộc, đoàn tụ quê hương, gia đình trở thành khát vọng thường trực của mọi người dân. Nguyện vọng đó cũng là điều quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước Việt Nam; là vấn đề có ý nghĩa như một động lực, một mục tiêu của cách mạng. Lòng yêu nước và sự nhân ái luôn được lấy làm nền tảng tinh thần cho sự đoàn kết, hòa hợp dân tộc. Ngay sau khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mới ra đời, trong khi phải lo đối phó với thù trong, giặc ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài, nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này, người thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều là dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng, đại độ. Ta phải nhận ra rằng đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít nhiều lòng ái quốc”1.

Tinh thần đó được tiếp tục vận dụng thực hiện sau ngày 30-4-1975 khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, thống nhất. Bước vào thời kỳ mới, bám sát tình hình và nhu cầu thực tiễn, Đảng, Nhà nước ta đã kịp thời xác định các chủ trương, chính sách mới về đoàn kết, hòa hợp dân tộc. Ngay từ năm 2003, Hội nghị Trung ương 7 (khóa IX) của Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng quyết định các nội dung cơ bản về vấn đề này. Đó là: Nghị quyết 23-NQ/TW “Về phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, Nghị quyết 24-NQ/TW “Về công tác dân tộc”, Nghị quyết 25-NQ/TW “Về công tác tôn giáo”, Nghị quyết 08-NQ/TW, ngày 29-11-1993 của Bộ Chính trị (khóa VII), và tiếp sau đó là Nghị quyết 36-NQ/TW, ngày 26-3-2004 của Bộ Chính trị (khóa X) “Về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”. Trong đó khẳng định: Người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời và là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước. Đó là những định hướng chiến lược làm cơ sở thống nhất về nhận thức, tư tưởng, tổ chức, chính sách để thực hiện đoàn kết, hòa hợp dân tộc. Cho đến nay, những định hướng đó vẫn còn nguyên giá trị. Đại hội lần thứ XI của Đảng một lần nữa khẳng định các quan điểm, chủ trương về đoàn kết, hòa hợp dân tộc: “Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh làm điểm tương đồng; xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; truyền thống nhân nghĩa, khoan dung đề cao tinh thần dân tộc, để tập hợp mọi người vào mặt trận chung, tăng cường đồng thuận xã hội”2. Gần đây, Hiến pháp mới của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam được ban hành ngày 28-11-2013 đã phản ánh tập trung ý chí, nguyện vọng các tầng lớp nhân dân cả trong và ngoài nước, trở thành đạo luật cơ bản, quan trọng nhất để thực hiện đoàn kết, hòa hợp dân tộc.

Trước sự tác động của bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội, hiện nay, việc thực hiện đoàn kết, hòa hợp không chỉ tập trung vào các vấn đề dân tộc, tôn giáo hay định kiến lịch sử, mà còn phải tích cực, chủ động giải quyết những mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân; tập trung vào các vấn đề lợi ích kinh tế, dân chủ, bình đẳng xã hội giữa các tầng lớp nhân dân ở các vùng, miền. Nhằm giải quyết thực tế đó, những năm gần đây, bên cạnh việc thể chế hóa các quan điểm, chính sách, Đảng, Nhà nước đã hết sức chú trọng nâng cao vai trò lãnh đạo, quản lý mọi mặt đời sống xã hội, nhất là trong hoạch định chính sách kinh tế - xã hội, tăng cường các thiết chế dân chủ; tích cực bài trừ tham nhũng, quan liêu…, đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực. Tiêu biểu như: các chương trình, chính sách xóa đói giảm nghèo, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, hỗ trợ bảo hiểm y tế trẻ em thuộc hộ nghèo, là người dân tộc thiểu số cư trú tại các xã đặc biệt khó khăn, dưới sáu tuổi được miễn 100% chi phí khám, chữa bệnh. Đặc biệt trong công tác giáo dục, đến tháng 12-2011, 100% số tỉnh miền núi có trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú dành cho trẻ em là người dân tộc thiểu số. Thông qua những việc làm đó, tình trạng bất bình đẳng, phân hóa xã hội ngày càng giảm, sự đồng thuận xã hội được nâng lên, những mặc cảm, định kiến, thù oán do lịch sử để lại được thu hẹp.

Tuy còn những vấn đề cần được tiếp tục quan tâm giải quyết, thế nhưng những thành tựu quan trọng về đoàn kết, hòa hợp dân tộc ở Việt Nam từ sau 30-4-1975 đến nay là điều không thể phủ nhận. Hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước là những tiền đề cơ bản cho hòa hợp, đoàn kết toàn dân tộc. Thế nhưng các thế lực thù địch, một số người Việt Nam ở nước ngoài vẫn còn mang nặng thù hận, tìm mọi cách lợi dụng các chiêu bài dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, chủ quyền để xuyên tạc, kích động nhằm chia rẽ, cô lập đất nước, gây mất ổn định chính trị - xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hòng lật đổ chế độ. Mặc dù vậy, đại đa số quần chúng ngày càng nhận rõ sự đúng đắn của chính sách đoàn kết, hòa hợp dân tộc của Đảng, Nhà nước, và thấy rõ chân tướng của những kẻ mưu toan nhằm chống phá chế độ, đi ngược lại lợi ích của dân tộc. Sau ngày giải phóng, quần chúng bày tỏ sự đồng tình cao với quan điểm của Đảng, Nhà nước về “Chiến thắng 30-4-1975 là thắng lợi lịch sử của toàn dân tộc”, là kết quả của sự đoàn kết dân tộc, của cuộc chiến tranh chính nghĩa chống xâm lược của nhân dân ta, và “lấy lợi ích dân tộc làm điểm tương đồng để hòa hợp, hòa giải”. Thực tế cho thấy, không hề có sự “tắm máu” hay trả thù, đàn áp của “cộng sản” đối với những ai vì các lý do khác nhau đã từng phục vụ trong bộ máy của chính quyền Ngụy Sài Gòn. Mọi người cũng thấy rõ nguyên nhân của sự kiện được gọi là “thuyền nhân” - chỉ làn sóng người vượt biên trái phép ra nước ngoài định cư sau ngày giải phóng chủ yếu là vì sợ bị trả thù theo những luận điệu xuyên tạc hoặc vì lý do mưu sinh mà không hề có bất cứ sự xua đuổi, truy bức nào. Trớ trêu thay, sự kiện này sau đó lại được quy chụp là “tội ác của cộng sản” để tiếp tục mưu đồ gieo rắc thù oán. Bất chấp sự phát triển, tiến bộ về tình hình dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận, ở đâu đó người ta vẫn còn đưa ra những điều bịa đặt về một Việt Nam đàn áp tôn giáo, dân tộc và những đòi hỏi vô lý về dân chủ, nhân quyền. Những ai quan tâm đều nhớ rõ, ngày 12-11-2013, trong phiên họp toàn thể của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68 (nhiệm kỳ 2014 - 2016), Việt Nam được bầu là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc với số phiếu cao nhất và hiện đang phát huy rất tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Điều đó, chắc chắn không phải là một sự “nhầm lẫn” hay “cảm tình” của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam.

Thực tế trên còn cho thấy, những mưu toan bôi nhọ chế độ, hạ thấp uy tín đất nước, cản trở xu thế đoàn kết, hòa hợp dân tộc của những thế lực thù địch với mưu đồ xấu là điều không bao giờ trở thành hiện thực. Trong những năm gần đây, bằng sự đoàn kết, cảnh giác cao của nhân dân và các lực lượng chức năng, chúng ta đã đập tan âm mưu kích động, bạo loạn chính trị cùng các thủ đoạn ngăn trở, chia rẽ đoàn kết dân tộc, như: ở Tây Nguyên vào các năm 2001, 2004, Tây Bắc năm 2011. Vượt lên mọi thách thức cản trở, khối đại đoàn kết dân tộc nói chung, sự ổn định về chính trị - xã hội ở Việt Nam nói riêng vẫn được củng cố, tăng cường, trở thành một yếu tố đảm bảo cho sự phát triển, tiến bộ của đất nước, trước hết là tăng trưởng kinh tế và quan hệ đối ngoại.

Từ chỗ bị bao vây, cấm vận, trong vòng 20 năm trở lại đây đã có khoảng 90 nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam (FDI) với lượng vốn đăng ký khoảng 270 tỷ đô la. Hiện có trên 200 nước và vùng lãnh thổ, trong đó hầu hết các nền kinh tế phát triển có quan hệ thương mại với Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta hiện nay đạt trên 264 tỷ đô la, v.v. Sự tăng trưởng kinh tế và thu nhập của người dân không những nói lên sự nỗ lực và gắn kết của cộng đồng dân tộc trong tiến trình khắc phục tàn tích nặng nề của chiến tranh, mà còn phản ánh khát vọng to lớn của nhân dân Việt Nam đối với công cuộc hòa bình, đoàn kết, hợp tác quốc tế. Phương châm “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế” đã đem lại cho đất nước vị thế, vóc dáng mới. Đến nay, với các cấp độ khác nhau, Nhà nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 13 nước và quan hệ đối tác toàn diện với 03 nước. Việt Nam cũng là nước duy nhất ở ASEAN thiết lập quan hệ đối tác chiến lược hoặc đối tác toàn diện với cả 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việc hợp tác toàn diện Việt - Mỹ là một minh chứng thực tế trong thực hiện phương châm “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai” của Đảng và Nhà nước Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước và xu thế hội nhập quốc tế; đồng thời, góp phần thiết thực vào quá trình hòa hợp dân tộc, nhất là với một bộ phận người Việt Nam di cư sang Mỹ sau năm 1975.

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được xác định là bộ phận không tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Từ khoảng 2,7 triệu người năm 2004, đến nay số người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài đã có gần 4,5 triệu, tại 103 quốc gia. Trong đó, có hơn 40 vạn trí thức, hàng ngàn nhà khoa học. Đó là một nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển đất nước. Tuy sống xa Tổ quốc, nhưng hầu hết kiều bào ta ở nước ngoài luôn nêu cao ý thức đoàn kết, tự tôn dân tộc, gìn giữ bản sắc văn hóa, luôn hướng về đất Mẹ, tích cực tham gia vào các sự kiện chính trị - xã hội trong nước, nhất là trong việc khắc phục hậu quả thiên tai, trong đấu tranh gìn giữ chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo của Tổ quốc. Hiện nay, cả nước có trên 3.200 dự án của kiều bào đầu tư với số vốn gần 5,7 tỷ đô la. Lượng kiều hối gửi về nước hằng năm tăng trung bình từ 10% đến15%; riêng năm 2013 đạt gần 11 tỷ đô la. Hằng năm, trung bình có khoảng 50 vạn lượt kiều bào về nước, trong đó có khoảng 300 chuyên gia, trí thức trên nhiều lĩnh vực về làm việc và hàng ngàn người về tìm cơ hội đầu tư, kinh doanh.

Thực tế đó cho thấy, ý thức hướng về nguồn cội, đoàn kết, hòa hợp dân tộc ngày càng hiện hữu trong hầu hết người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cho dù trước đó có thể họ đã không đi chung với con đường mà dân tộc đã lựa chọn. Năm 2010, khi được hỏi về vấn đề hòa hợp dân tộc, cố Thủ tướng của chế độ Sài Gòn cũ - ông Nguyễn Cao Kỳ - cho rằng: “Việt Nam bây giờ đã là một rồi. Đứng trước tương lai của đất nước chúng ta phải sớm xóa bỏ hận thù và đoàn kết lại”. Nghị viên thành phố Hou-Ston (Mỹ) - ông Hoàng Duy Hùng - vốn là một người chống cộng cực đoan thuộc chế độ cũ, sau thời gian về thăm Việt Nam đầu tháng 4-2013 đã thừa nhận: “Tôi đã nhìn ra nhiều sự thật ở Việt Nam làm cho tôi khẳng định vững vàng con đường đối thoại với Việt Nam là con đường đúng và tốt đẹp nhất”.

Đoàn kết, hòa hợp dân tộc ngày càng trở thành nguyện vọng chung của hầu hết những ai là người Việt Nam quan tâm tới tương lai của đất nước. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thiện chí và nhìn ra thực tế đó. Cho tới hôm nay, sau gần 40 năm chiến tranh, nhiều nước đã trở thành đối tác toàn diện, bạn bè của Nhà nước và nhân dân ta thì một số ít người vẫn còn mang nặng sự hận thù, tìm mọi cách để khoét sâu vết thương do lịch sử để lại trong lòng dân tộc. Họ nói không với hòa giải, hòa hợp khi cho rằng: “Đảng Cộng sản không hòa hợp, hòa giải với dân tộc Việt” và đặt điều kiện đòi “Đảng Cộng sản phải đa nguyên, tản quyền”! Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khi nhìn nhận về vấn đề này cho rằng: “Sau chiến tranh, chúng ta đã ứng xử với kẻ gây ra chiến tranh theo đạo lý gác lại quá khứ, hướng tới tương lai thì không có lý gì người trong một nước không thể hòa giải thương yêu, đoàn kết với nhau để cùng xây dựng quê hương, Tổ quốc mình”. Thiết nghĩ, đó cũng là tiếng nói chung của những người Việt Nam yêu nước hiện nay.

Quá trình thực hiện đoàn kết, hòa hợp dân tộc ở Việt Nam tuy còn có những cản trở từ sự định kiến, đố kỵ, thù nghịch, nhưng đó không phải là xu hướng chủ đạo đại diện cho ý chí, nguyện vọng chung của toàn dân tộc. Đoàn kết, hòa hợp, xóa bỏ hận thù vì tương lai tươi sáng là xu hướng tất yếu của đất nước và dân tộc ta. Không có thế lực nào có thể ngăn cản, đảo ngược.

VŨ KHẮC THƯỜNG
____________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG,    H. 2011, tr. 280 - 281.

2 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011,  tr. 239 - 240.

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.