Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Ba, 22/02/2011, 02:00 (GMT+7)
Khái niệm chiến lược mới của NATO và sự tác động đa chiều của nó

alt

Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen tại Hội nghị thượng đỉnh NATO, ngày 14/10 tại Brussels (Bỉ). (Ảnh: AP/TTXVN)

  Với 28 quốc gia thành viên, trong đó có 6 nước nằm trong nhóm các quốc gia phát triển hàng đầu thế giới (G-7), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là một liên minh quân sự lớn nhất toàn cầu. Điều này giải thích vì sao mọi hành động của NATO đều tác động sâu sắc đến phần còn lại của thế giới. Vì vậy, việc NATO đưa ra Khái niệm chiến lược mới trong tháng 11 năm 2010 chắc chắn sẽ tác động mạnh mẽ đến cả trong và ngoài NATO, và đó cũng là vấn đề đang được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm.

Cần thấy rằng, việc NATO đưa ra Khái niệm chiến lược mới không phải là cái gì đó quá mới. Trên thực tế, khái niệm chiến lược mới đã trở thành một văn kiện cơ bản của NATO kể từ khi kết thúc thời kỳ Chiến tranh lạnh. Theo đó, trong 3 thập kỷ gần đây, cứ khoảng 10 năm một lần, NATO đưa ra một khái niệm chiến lược mới. Lần thứ nhất, NATO đưa ra khái niệm chiến lược mới vào năm 1991, lần thứ hai là vào năm 1999, và như vậy, đây là lần thứ ba.

Với một lộ trình vạch ra cho tương lai, điểm trọng tâm của khái niệm chiến lược mới năm 2010 của NATO là liên minh này khẳng định lại tầm quan trọng của Điều 5 Hiệp ước Oa-sinh-tơn; theo đó, quy định một cuộc tiến công nhằm vào một trong những nước thành viên NATO được xem là tiến công nhằm vào NATO; đồng thời, triển khai “lá chắn phòng thủ tên lửa tập thể” - một lá chắn để bảo vệ toàn bộ lãnh thổ thành viên của liên minh. Cùng với những vấn đề đó, NATO tiếp tục tái khẳng định những vấn đề mà tổ chức này đã và đang theo đuổi. Đó là việc tái khẳng định sự liên kết giữa các thành viên; tái tuyên bố sự cam kết của liên minh, rằng, tổ chức này sẽ luôn mở rộng cánh cửa cho tất cả các nền dân chủ châu Âu miễn là các nước này đáp ứng được các tiêu chuẩn thành viên; và tái cam kết cải cách liên tục theo hướng vì một liên minh hiệu quả hơn và linh hoạt hơn.

Ngoài các vấn đề được tái khẳng định trên, để thích ứng với một thế giới thay đổi chứa đựng nhiều mối đe dọa cả cũ và mới có thể đến từ tên lửa đạn đạo, khủng bố và tiến công mạng, khái niệm chiến lược mới của NATO lần này có những điểm “mới” rất đáng chú ý. Trước hết, các mục tiêu, nguyên tắc và đối tác hợp tác của NATO được xây dựng trên phạm vi toàn cầu, phản ánh những thực tế địa chính trị mới thông qua việc mở rộng quan hệ với một thế giới rộng lớn hơn, chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi châu Âu - Đại Tây Dương như trước kia. NATO viện dẫn cho lý do này rằng, bản chất của các thách thức an ninh đang thay đổi, do đó, NATO cần phải điều chỉnh, không chỉ để tồn tại, mà còn để tổ chức này trở thành “một khối duy nhất và mạnh mẽ có khả năng về chính trị và quân sự để giải quyết tất cả các cuộc khủng hoảng - trước, trong và sau xung đột”. Thứ hai, khái niệm chiến lược mới chỉ ra rằng, các cuộc tiến công mạng có thể được xem là hành động xâm lược. Thứ ba, khái niệm chiến lược mới còn nhằm trang bị cho liên minh này “các công cụ” để xử lý những mối đe dọa, ngăn chặn khủng hoảng và quản lý xung đột trong thế giới hiện đại. Một trong “các công cụ” đó là NATO thành lập các lực lượng phản ứng nhanh và linh hoạt hơn để triển khai các sứ mệnh ở vùng sâu, vùng xa. Thứ tư, trên cơ sở xác định sứ mạng an ninh tập thể, khái niệm chiến lược mới khẳng định vai trò trung tâm của hệ thống răn đe hạt nhân của NATO, đồng thời nêu bật cam kết của tất cả các đồng minh nhằm bảo vệ các thành viên khỏi các mối đe dọa về an ninh và quân sự từ bên ngoài. Ngoài ra, NATO còn đề cao nhiệm vụ ngoài châu Âu, cũng như sẽ hiện đại hóa NATO theo hướng tập trung chống lại các nguy cơ an ninh xuất phát từ những nhóm vũ trang quy mô nhỏ, nhưng có khả năng tiếp cận và sử dụng các loại vũ khí có sức hủy diệt lớn.

Tuy nhiên, tham vọng về kế hoạch mới theo khái niệm chiến lược mới năm 2010 của NATO có nguy cơ bị nhấn chìm bởi mâu thuẫn giữa Mỹ với các đồng minh châu Âu. Hầu hết các đồng minh châu Âu đang ngày càng tỏ ra miễn cưỡng trong vấn đề chi tiêu quốc phòng và cam kết gửi quân tham gia các sứ mệnh nguy hiểm ở nước ngoài. Nhiều chính phủ đồng minh của Mỹ ở châu Âu đang chịu một sức ép rất lớn từ người dân trong nước, trong đó có chính phủ đã bị sụp đổ do liên quan đến việc gửi binh lính ra nước ngoài. Tất cả những vấn đề đó - theo Oa-sinh-tơn - sẽ làm suy yếu liên minh, từ đó buộc Mỹ phải gánh một gánh nặng an ninh thậm chí còn lớn hơn, thay vì các thành viên NATO cùng chia sẻ “trách nhiệm” với Mỹ như trước đây. Vì vậy, thông điệp từ Thủ đô Li-xbon (Bồ Đào Nha) - nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh NATO trong hai ngày 19 và 20 tháng 11-2010 - rằng: các nước đồng minh châu Âu phải giảm bớt bộ máy quan liêu cồng kềnh trong ngành quốc phòng và loại bỏ các trang thiết bị lỗi thời của kỷ nguyên Chiến tranh lạnh, chứ không phải cắt giảm tiềm lực quân sự.

Như vậy, khái niệm chiến lược mới năm 2010 của NATO sẽ có sự tác động trực tiếp và trước hết đến các thành viên của liên minh quân sự này. Nhìn một cách tổng thể, người ta vẫn dễ nhận thấy “đoạn đứt gãy” trong NATO, tức là mâu thuẫn giữa đòi hỏi chủ quan với khả năng thực tế đang chống lại họ. Đó là chưa nói đến việc “chia lợi ích, chia nguy cơ và chia trách nhiệm” trong một tổ chức có sự chênh lệch lớn về tiềm lực kinh tế, quân sự - quả thực, đều khó. Và nữa, một loạt thành viên NATO ở châu Âu đang rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế, thâm thủng ngân sách, nợ công, nợ nước ngoài và thất nghiệp, thì việc chi phí quốc phòng của họ càng không phải cứ muốn là được. Tóm lại, khái niệm chiến lược mới năm 2010 của NATO - cái mà tổ chức này đưa ra với kỳ vọng đối phó với những thách thức trong tương lai - thì “số phận” của nó cũng đang đứng trước một thách thức thật sự.

Song, bất chấp như thế nào, khái niệm chiến lược mới năm 2010 của NATO cũng khiến cộng đồng quốc tế quan ngại. Sự tác động của nó đến phần còn lại của thế giới là đương nhiên, nhưng ở mức độ nào thì chưa ai dám quả quyết. Nhưng những gì đã qua thì cho phép người ta khẳng định được, rằng: Mỹ và NATO xâm lược I-rắc năm 1991, can dự vào các cuộc nội chiến ở Bô-xni-a - Héc-xê-gô-vi-na năm 1995, Xéc-bi-a năm 1999, Áp-ga-ni-xtan năm 2001, I-rắc năm 2003, chính là hệ quả của khái niệm chiến lược mới mà NATO đưa ra năm 1991 và năm 1999. Theo mạng tin Nghiên cứu toàn cầu (của Ca-na-đa) ra ngày 18-11-2010 thì 11 năm trước, Xéc-bi-a đã trở thành nơi thử nghiệm và là nạn nhân đầu tiên của cái được gọi là “Khái niệm chiến lược mới” của NATO. Mạng tin này nhắc lại rằng, trong hơn một thập kỷ tiến hành các cuộc viễn chinh, chỉ tính 72 ngày xâm lược quân sự chống Xéc-bi-a, NATO đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng, khoảng 10.000 người bị thương, trong đó có 2/3 là dân thường. Nền kinh tế của Xéc-bi-a hoàn toàn bị phá hủy, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng do việc sử dụng đạn dược chứa u-ra-ni. Hàng trăm nghìn người dân ở trong khu vực phải sơ tán, và cho đến nay, nhiều tòa nhà ở Thủ đô Bê-ô-grát vẫn ở trong tình trạng đổ nát, trong khi khoảng 200.000 người Xéc-bi-a ở Cô-xô-vô và Mê-tô-hi-gia không thể trở về ngôi nhà của họ. Về chính trị, NATO đã ủng hộ sự ly khai đơn phương của Cô-xô-vô khỏi Xéc-bi-a năm 2008, tức là đi đầu trong việc công nhận một quốc gia mà chính liên minh này góp phần lập ra sau cuộc xâm lược năm 1999.  Hành động này đã dẫn đến làn sóng ly khai, hợp thức hóa các hành động can thiệp quân sự, cũng như phá hoại vai trò của Liên hợp quốc và thách thức luật pháp quốc tế. Nghĩa là, trên thực tế, chẳng những NATO không giải quyết được bất kỳ vấn đề nào tại Ban-căng, mà còn biến Ban-căng thành khu vực bất ổn lâu dài. Và, một khi khu vực bất ổn thì nó không chỉ tác động tiêu cực đến một, hay một số quốc gia. Những gì đang diễn ra ở Áp-ga-ni-xtan, Pa-ki-xtan và I-rắc, một lần nữa, đã nói lên tất cả. Điều đó, từ khái niệm chiến lược mới năm 2010 của NATO, sẽ khiến nhiều quốc gia ngoài NATO (mặc dù họ không phải là kẻ thù của NATO) phải thay đổi chính sách đối ngoại, thậm chí có thể xuất hiện làn sóng chạy đua vũ trang mới, là điều người ta có thể dự báo được.

Như vậy, hai khái niệm chiến lược của NATO trước đây đã cho thấy những “kết quả” đi liền với chúng. Còn, “kết quả” sẽ đến trong tương lai xuất phát từ khái niệm chiến lược mới năm 2010 của NATO thì sao? Rõ ràng, câu trả lời còn nằm ở phía trước. Không ai tỏ ra nghi ngờ về nhiệm vụ trọng yếu của NATO: “Đảm bảo rằng liên minh vẫn là một cộng đồng vô song về tự do, hòa bình, an ninh và có những giá trị chung” và “đảm bảo quốc phòng và an ninh chung của liên minh”. Đó là quyền, là nguyện vọng, là lợi ích của NATO. Nhưng một khi NATO mở rộng phạm vi, đối tượng can dự, trong đó coi hành động tiến công mạng là hành động xâm lược và triển khai “lá chắn phòng thủ tên lửa tập thể”, thì trái lại, có thể còn làm cho nhiều khu vực trên thế giới vốn bất ổn sẽ ngày càng bất ổn hơn. Do đó, thay vì “hợp tác chặt chẽ” với Liên hợp quốc trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, NATO cần và phải “tuân thủ” Liên hợp quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng nguyên tắc duy trì hòa bình, an ninh, giải quyết xung đột, quản lý xung đột bằng biện pháp chính trị-ngoại giao và hòa bình. Đó là điều mà cộng đồng quốc tế mong đợi ở NATO. Bất kỳ tổ chức quốc tế nào can dự vào một khu vực, một quốc gia khác mà vượt lên Liên hợp quốc, bất chấp luật pháp quốc tế, đều là hành động bất hợp pháp. Cách hành xử ấy sẽ nhìn thấy ngay thất bại trước khi nó xảy ra, mà NATO không phải là ngoại lệ.

ĐỨC LÊ


 

 
Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.