Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Năm, 05/05/2011, 07:39 (GMT+7)
HRW - phi lý và kỳ quái

Gần đây, tổ chức Giám sát nhân quyền (HRW - viết tắt theo tiếng Anh: Human Rights Watch) là tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở thành phố New York, Hoa Kỳ liên tiếp đưa ra thông báo, nhận xét sai trái về tình hình nhân quyền ở  Việt Nam. Việt Nam đã từng lên tiếng phản đối, bác bỏ vì nó có quá nhiều điều phi lý đến mức kỳ quái.                                               

Sự phi lý và kỳ quái trước hết ở chỗ: là một tổ chức tư nhân, nhưng HRW lại tự xác định cho mình “chức năng nhiệm vụ” là “giám sát tình hình nhân quyền trên toàn thế giới”1. Điều đó có nghĩa là can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ các nước bằng cách đưa ra các thông báo phán xét về tình hình nhân quyền, yêu cầu chính phủ nước sở tại phải làm thế này, thế khác để “bảo đảm nhân quyền” theo quan điểm của HRW. Không hiểu vì lý do và động cơ gì mà từ nhiều năm nay, HRW lại có sự “quan tâm đặc biệt” đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam - một dân tộc, một đất nước đã bao lần phải đứng lên đấu tranh, giành quyền sống, quyền làm người từ tay bọn thực dân, đế quốc xâm lược! Và ngày nay, đang giành được những thành tựu nổi bật trong việc cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đi đầu trong công cuộc “xoá đói giảm nghèo”, thực hiện các “Mục tiêu Thiên niên kỷ” của Liên hợp quốc, được dư luận thế giới thừa nhận, đánh giá cao. Chỉ riêng trong tháng 3-2011, HRW đã hai lần ra thông báo, kiến nghị về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Sự phi lý và kỳ quái thể hiện rất rõ trong nội dung những thông báo, kiến nghị đó của HRW.

Lần thứ nhất là vào hồi đầu tháng 3-2011, khi biết tin Toà án nhân dân tỉnh Trà Vinh chuẩn bị mở phiên toà phúc thẩm xét xử ba bị cáo, gồm: Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương phạm tội “Phá rối an ninh trật tự, nhằm chống lại chính quyền nhân dân” theo Điều 89, bộ Luật Hình sự nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, HRW đã ra thông cáo yêu cầu Toà án nhân dân tỉnh Trà Vinh huỷ bỏ bản án, trả tự do cho ba bị cáo, vì cho rằng họ chỉ hành động theo đúng “quyền con người”. Dư luận cho rằng, Toà án nhân dân tỉnh Trà Vinh đã xử đúng người, đúng tội, theo đúng luật pháp Việt Nam. Giả sử, nếu có xử oan sai thì chỉ có Toà án nhân dân tối cao của Việt Nam khi xử giám đốc thẩm mới có quyền huỷ bỏ bản án đó. Ấy vậy mà RHW lại ngang nhiên giành cái quyền đó cho mình. Đó thật là điều phi lý đến mức kỳ quái, can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của Việt Nam.

alt
Đại tá Nguyễn Xuân Minh, Giám đốc công ty 78 hướng dẫn bà con dân tộc thiểu số xã Mo Ray (Sa Thầy. Công Tum) kỹ thuật trồng lúa nước. (nguồn: Báo QĐND)
Lần thứ hai là thông báo mà HRW đưa ra ngày 30-3-2011 với tiêu đề “Việt Nam: người Thượng bị đàn áp nghiêm trọng”, trong đó cũng chứa đựng rất nhiều điều phi lý và kỳ quái. HRW “bắc chõ nghe hơi”, dựa trên những thông tin sai lệch, chủ yếu do những phần tử “bất đồng chính kiến”, hoạt động chống phá chế độ cung cấp, đưa ra con số “hàng trăm người Thượng bị kết án tù từ năm 2001 đến nay”, hay “hàng trăm người bị ép buộc từ bỏ đạo Tin Lành Đề-ga” trong năm 2010 đến đầu năm 2011, để rồi kết luận: “người Thượng bị đàn áp nghiêm trọng”, rằng Việt Nam: “đã gia tăng đàn áp giáo dân người dân tộc thiểu số bản địa vùng Tây Nguyên, những người lên tiếng đòi quyền tự do tôn giáo và quyền sở hữu đất đai”. Rồi họ lớn tiếng yêu cầu chính quyền Việt Nam “phải ngay lập tức công nhận các hội nhóm tôn giáo độc lập và để cho họ thực hành tín ngưỡng của mình”, vì theo họ tự do tôn giáo không có nghĩa là tự do theo các tôn giáo được nhà nước phê duyệt mà thôi. Thật nực cười!

Sự thực là, một số giáo dân thuộc dân tộc thiểu số Tây Nguyên vi phạm pháp luật và bị xử lý theo pháp luật, nhưng HRW với dụng ý xấu đã đánh tráo khái niệm, biến việc đó thành: Việt Nam “đàn áp nghiêm trọng”, hay “gia tăng đàn áp giáo dân người dân tộc thiểu số bản địa vùng Tây Nguyên”. Đây là sự xuyên tạc, bóp méo sự thật với dụng ý xấu hết sức phi lý và kỳ quái.

alt
Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số (nguồn:Cục Thông tin đối ngoại)
Cần khẳng định là ở Việt Nam nói chung, trong đó có Tây Nguyên không thể có chuyện người dân “lên tiếng đòi tự do tôn giáo và đòi quyền sở hữu đất đai” theo đúng luật pháp mà lại bị “đàn áp nghiêm trọng”. Thực tế ở Việt Nam cho thấy, khi người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số chưa hiểu đúng pháp luật hoặc bị kẻ xấu xúi giục mà làm những việc sai trái, chính quyền luôn kiên trì giải thích, nhắc nhở để họ không tái phạm, chứ không hề có chuyện bắt bớ, tù đày, “đàn áp nghiêm trọng” như HRW vu cáo. Chỉ những kẻ chủ mưu phá rối trật tự, an toàn xã hội, bất chấp những lời khuyên răn, cảnh cáo, cố tình phạm pháp đến mức nghiêm trọng mới bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Thử hỏi HRW có tư cách gì, có quyền uy gì mà ra lệnh cho Việt Nam - một quốc gia có chủ quyền phải “ngay lập tức” làm theo ý chí, theo quan điểm “tự do tôn giáo” của họ! Điều này cũng thật phi lý và kỳ quái.

Cần phải nhấn mạnh rằng, Việt Nam là một nhà nước pháp quyền, mọi công dân đều có đầy đủ các quyền tự do, dân chủ, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nhưng đều hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được pháp luật bảo đảm. Đây cũng là lẽ thông thường, bởi bất cứ nhà nước pháp quyền nào trên thế giới, kể cả Mỹ cũng đều làm như vậy. Hơn nữa, có thứ tự do, dân chủ nào ở các nhà nước pháp quyền hiện nay mà lại không nằm trong khuôn khổ pháp luật, không được bảo đảm bằng pháp luật? Cái thứ “tự do ngoài vòng pháp luật” mà HRW đưa ra chỉ có thể là thứ tự do của các loại tội phạm, của chủ nghĩa khủng bố đang bị cả loài người lên án! Tiếp tay, cổ vũ cho thứ tự do như thế thì chẳng phải là phi lý và kỳ quái lắm sao!

Pháp luật Việt Nam không cho phép những thứ tự do làm hại, xâm phạm đến lợi ích của nhân dân, sự ổn định, phát triển của đất nước. Pháp luật Việt Nam không thừa nhận những thứ tà đạo có hại cho người dân, hoặc lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, núp dưới danh nghĩa đạo này, đạo kia để hoạt động chống phá đất nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo. Vào cuối năm 1992, một số thế lực phản động ở trong và ngoài nước do Ksor Kơk cầm đầu bịa ra cái gọi là “Nhà nước Đề-ga độc lập” và “Tin lành Đề-ga” ở Tây Nguyên nhằm tuyên truyền, kích động cho sự chia rẽ, ly khai, gây bạo loạn ở một số nơi. Nhà nước Việt Nam đã kiên quyết bác bỏ cái gọi là “Nhà nước Đề-ga độc lập”, coi đây là âm mưu chia cắt sự toàn vẹn lãnh thổ và gây mất an ninh trật tự của đất nước và khẳng định ở Việt Nam không có cái gọi là “Đạo Tin lành Đề-ga’, ngoài đạo Tin lành đã tồn tại ở Việt Nam trong nhiều năm qua. Bởi vì “Tin lành Đề-ga” thực chất là một tổ chức chính trị dưới vỏ bọc tôn giáo, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo hoạt động với mục tiêu thành lập “Nhà nước Đề-ga độc lập” ở Tây Nguyên. Giờ đây HRW vu cáo Việt Nam “ép buộc hàng trăm người phải từ bỏ đạo Tin lành Đề-ga”, rõ ràng đã để lộ rõ ý đồ can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của Việt Nam, kích động chủ nghĩa ly khai, muốn làm sống lại thây ma “Nhà nước Đề-ga độc lập” mà nhân dân Việt Nam đã chôn vùi từ lâu.

Việc Nhà nước Việt Nam không thừa nhận cái gọi là “Tin lành Đề-ga” không có nghĩa là ở Việt Nam không có tự do tôn giáo, hay “đàn áp tôn giáo”, “vi phạm nhân quyền” như HRW cùng các thế lực thù địch thường rêu rao. Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là “Đoàn kết tôn giáo, hoà hợp dân tộc, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, và không tín ngưỡng, tôn giáo”. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam được quy định và bảo đảm trong Hiến pháp, pháp luật, pháp lệnh, nghị định của Nhà nước và trên thực tế. Tháng 2 năm 2007, Việt Nam công bố “Sách trắng về tôn giáo”, trong đó nhấn mạnh: “Đảng và Nhà nước Việt Nam thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo… Đại đoàn kết toàn dân tộc với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các tôn giáo với sự nghiệp chung.”

alt

Một góc làng công nhân đồng bào dân tộc thiểu số thuộc xã Ia Khai, huyện Ia Grai. (nguồn: Báo QĐND)

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, có nhiều loại hình tín ngưỡng, tôn giáo. Các tôn giáo lớn trên thế giới như Phật giáo, Thiên chúa giáo, Hồi giáo..., đều có mặt ở Việt Nam. Theo thống kê, hiện nay có khoảng 80 % dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó khoảng 20 triệu tín đồ của 6 tôn giáo lớn nhất ở Việt Nam ( Phật giáo, Thiên chúa giáo, Cao Đài, Hoà Hảo, Tin Lành, Hồi giáo) đang hoạt động bình thường, ổn định, chiếm 25 % dân số. Cho đến nay, Nhà nước Việt Nam đã công nhận tư cách pháp nhân cho 15 tổ chức tôn giáo và tiếp tục xem xét theo tinh thần của “Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo”. Có thể khẳng định, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đã và đang diễn ra bình thường ở mọi nơi trên đất nước Việt Nam. Riêng tại Tây Nguyên, có 21 dân tộc thiểu số (khoảng 1,5 triệu người), trong đó có gần 300 ngàn người theo Công giáo và gần 400 ngàn người theo đạo Tin lành đều sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo bình thường; số còn lại không theo đạo nào, nhưng tất cả đều được bình đẳng, đều được thụ hưởng sự ưu tiên đặc biệt trong chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Theo thống kê, năm 2010, trong khi kinh tế cả nước tăng trưởng khoảng 6,3% thì khu vực Tây Nguyên tăng trưởng 11,9%, giá trị tổng sản phẩm tăng 2,8 lần; tổng thu ngân sách năm 2010 tăng bảy lần so với năm 2001. Trên cơ sở đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên được cải thiện, nâng cao; tỷ lệ đói nghèo không ngừng giảm. Đồng bào từ cuộc sống du canh, du cư hiện nay đã tiến tới định canh, định cư, trồng lúa nước, cao su, cà phê. Mô hình các gia đình người dân tộc thiểu số có vài héc-ta cà phê, nhà cửa khang trang, có đủ máy móc, công cụ sản xuất; phương tiện nghe nhìn, giao thông hiện đại không còn hiếm thấy. Hằng năm, Trường Đại học Tây Nguyên đón nhận hàng trăm con em đồng bào các dân tộc thiểu số vào học; hàng chục, hàng trăm bộ Sử thi Tây Nguyên được phục hồi, bảo tồn; “Không gian văn hoá cồng chiêng” được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại; các đài phát thanh, truyền hình trung ương, địa phương phát bằng nhiều thứ tiếng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên... Đó là bức tranh thực tế rất sinh động về nhân quyền ở địa bàn chiến lược Tây Nguyên của Việt Nam. Tiếc thay, HRW lại không hề đề cập tới!

Chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam là rất rõ ràng, mang đầy tính nhân văn và quyền con người. Tuy nhiên, các vấn đề dân tộc, tôn giáo là hết sức phức tạp, nhạy cảm; việc thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo có lúc, có nơi còn chưa đúng, chưa đầy đủ là điều khó tránh khỏi. Dù thế nào thì những luận điệu “Việt Nam không có tự do tôn giáo”, hay “đàn áp tôn giáo”, “đàn áp người dân tộc thiểu số Tây Nguyên”..., là hết sức phi lý. Đảng, Nhà nước Việt Nam là của dân, không bao giờ hành động như vậy. Bởi vì, nếu làm thế thì Việt Nam làm sao có được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo để mà chiến thắng trong các cuộc chiến tranh giải phóng, chiến tranh vệ quốc trước đây và sự ổn định, phát triển cùng những thành tựu trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước như hiện nay!

Đấu tranh cho nhân quyền, bảo vệ nhân quyền là việc làm mang ý nghĩa nhân văn cao cả, hàng triệu con người trên thế giới đã và đang làm việc đó một cách thật sự và công tâm, không thiên lệch, không vụ lợi, và cũng không ngạo mạn tự cho mình như một quan toà tối cao muốn phán xét nước nào tùy hứng. Nhân loại tiến bộ không thể đồng tình, không thể dung thứ cho những kẻ lợi dụng vấn đề nhân quyền, giương chiêu bài “bảo vệ nhân quyền” để làm những điều phi lý và kỳ quái như HRW.

Nếu gọi là có vấn đề nhân quyền thực sự và gây nhức nhối lương tâm loài người ở Việt Nam, thì đó là hàng triệu nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin và hàng triệu nạn nhân bom mìn do cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ để lại, mà hiện nay Việt Nam và Mỹ đang phải giải quyết. Nếu HRW thực sự quan tâm đến vấn đề nhân quyền ở Việt Nam thì hãy quan tâm, góp phần giải quyết vấn đề này, thay vì thỉnh thoảng lại “chọc gậy bánh xe” đưa ra những báo cáo, chỉ trích hết sức phi lý và kỳ quái về nhân quyền, tự do tôn giáo đối với Việt Nam.

NGUYỄN TRUNG

           

1 - Theo “Bách khoa toàn thư Wikipedia”.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.