Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Ba, 04/10/2011, 01:21 (GMT+7)
HRW "Mùa chay nào cũng có nước mắt"!
Thành ngữ Việt Nam có câu "Mùa chay nào cũng có nước mắt" để chỉ thói xấu của những người thường lấy cớ thương cảm, chia sẻ với những số phận rủi ro, bất hạnh để trục lợi, hoặc xía vào chuyện của thiên hạ. Việc tổ chức Theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch - viết tắt là HRW) ngày 14-8-2011 vừa qua, công bố danh   sách những người được trao giải thưởng Hellman/Hammett  năm 2011, trong đó có 8 người mang quốc tịch Việt Nam là một thí dụ điển hình như thế. Bởi lẽ, trong số 48 người được “vinh danh” thì HRW “dành” cho Việt Nam tới 8 người… Qua đó, người ta cũng thấy rõ họ đã “ưu ái, quan tâm” đến Việt Nam như thế nào! Trong số những “cây bút dũng cảm” của HRW đưa ra lần này có Cù Huy Hà Vũ, người vừa bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội (sau đó xử phúc thẩm tại Tòa án nhân dân Tối cao) kết án 7 năm tù giam và 3 năm quản chế hành chính về tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, theo Điều 88, Bộ luật Hình sự.

Vậy HRW là ai? Giải thưởng Hellman/ Hammett trao cho những người như thế nào? Và với việc trao giải thưởng cho Cù Huy Hà Vũ, HRW nhằm mục đích gì?

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền được thành lập vào năm 1978, trong thời kỳ chiến tranh lạnh, dưới cái tên Helsinki Watch. Năm 1988 Helsinki Watch hợp nhất với các tổ chức phi chính phủ khác cùng chung mục đích trở thành tổ chức HRW, có trụ sở tại New York - Hoa Kỳ. Tổ chức này ban đầu  có chức năng “giám sát”, “thu thập các tư liệu” về Liên Xô và giúp đỡ "các nhóm bảo vệ nhân quyền trong Liên bang Xô viết". Ngày nay, HRW tự cho mình quyền theo dõi nhân quyền ở các nước trên toàn thế giới. Nhìn lại lịch sử hoạt động của HRW, người ta thấy rõ, các thế lực chống Cộng đã sớm thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” đối với các nước XHCN thông qua HRW.

Giải thưởng Hellman/Hammett mang tên hai cây bút người Mỹ, ra đời từ năm 1989. Hằng năm, HRW xét trao giải này cho các “cây bút” mà HRW cho rằng: họ đang đấu tranh “bằng cách ôn hòa” cho dân chủ, nhân quyền, nhằm “vinh danh lòng dũng cảm của họ trước tình trạng bị đàn áp về chính trị” của các “nhà nước độc tài”.

Như đã nói ở trên, trong các quốc gia “Cộng sản” - theo cách gọi của họ, thì  Việt Nam có thể được xem là quốc gia được họ “ưu ái” quan tâm hơn cả. Phải chăng sự “ưu ái” này là Việt Nam không chỉ là quốc gia do Đảng Cộng sản nắm quyền lãnh đạo, mà còn là quốc gia đã để lại “những trang lịch sử đau buồn” cho Hoa Kỳ? Đầu năm 2007, HRW đã trao giải - mà thực chất là tài trợ tiền cho một số “nhà hoạt động nhân quyền”, những đối tượng chống đối đã bị Tòa án xử phạt tù, như  Lê Chí Quang, Trần Khải Thanh Thủy, Đỗ Nam Hải, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Chính Kết, Nguyễn Khắc Toàn,v.v.      

Các báo cáo thường niên và những phát biểu của người đại diện HRW ở khu vực châu Á thường xuyên bôi nhọ, vu cáo Việt Nam về tình hình chính trị - xã hội, mà họ gọi là những vi phạm dân chủ, nhân quyền. Sự thật thì sao? Những người mà HRW trao giải  đều là những công dân Việt Nam vi phạm pháp luật, đã có án phạt tù. Cù Huy Hà Vũ là một trường hợp đặc biệt được HRW sử dụng trong chiến lược chống phá chế độ XHCN, chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

 Ngày 26-5-2011, HRW đã công bố bản báo cáo dài gần 60 trang, mang tựa đề "Đảng Cộng sản Việt Nam đối đầu với luật gia Cù Huy Hà Vũ". Trong Thông cáo báo chí cùng ngày liên quan đến báo cáo này, người đại diện của HRW cho rằng: “Cù Huy Hà Vũ không vi phạm pháp luật”, vụ án là "bước ngoặt mở ra cuộc đấu tranh mới" và việc nhà cầm quyền Hà Nội bỏ tù ông về tội danh tuyên truyền chống phá nhà nước khiến phong trào ủng hộ trong quần chúng đòi phóng thích ông ngày càng nóng lên... Đương nhiên, tổ chức này đòi “nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam trả tự do ngay lập tức, vô điều kiện” cho Cù Huy Hà Vũ,v.v.

Về phía mình, Cù Huy Hà Vũ và gia đình cũng đã có ngay “Thư cám ơn”. Đương nhiên, người ta không quên lợi dụng “Thư cám ơn” này để một lần nữa vu cáo, bôi nhọ Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt  Nam. Trong “Thư cám ơn”, em gái Cù Huy Hà Vũ đã ca ngợi bản báo cáo này, là “đã không có một chút sơ xuất nhỏ nhặt nào, điều đó không chỉ chứng tỏ một trình độ làm việc chuyên nghiệp tuyệt vời… Bản báo cáo đó không cho đối phương một cơ hội lấp liếm…“

Trong thời đại thừa thông tin như hiện nay, thiết tưởng không phải lúc nào, ai cũng có thời gian để theo dõi vụ án Cù Huy Hà Vũ; biết đâu, chẳng có người tin vào báo cáo của tổ chức được gọi là phi lợi nhuận HRW và thư của một phụ nữ Việt! Bởi vậy, người bình luận này thấy cần phải cung cấp thông tin về Cù Huy Hà Vũ để mọi người xem xét. Phải chăng Cù Huy Hà Vũ vô tội, đã bị xử phạt oan? Tại phiên tòa phúc thẩm, Cù Huy Hà Vũ đã nói rằng, anh ta “không chống Đảng Cộng sản Việt Nam, không chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”. Nhưng thử hỏi những tài liệu Vũ viết, những bài trả lời của Vũ trên sóng phát thanh sau đây có phải là chống lại Nhà nước và chống Đảng Cộng sản Việt Nam không? Cù Huy Hà Vũ nói: “cả lập pháp, hành pháp, tư pháp chỉ là công cụ cai trị của Đảng Cộng sản”. Pháp luật Việt Nam, theo Vũ chỉ là  “một quái trạng”.

Vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được quy định tại Điều 4, Hiến pháp năm 1992 của Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Thế nhưng, Cù Huy Hà Vũ nói: “việc Đảng nắm quyền lãnh đạo đất nước chỉ có thể là hành vi tiếm quyền, là hành vi chiếm đoạt thành quả của nhân dân”… là “không chính danh. Mà Đảng đã không “chính danh” thì quyết không thể “lãnh đạo” bất kỳ ai! Tóm lại, Điều 4, Hiến pháp Việt Nam là hoàn toàn phi lý và vì vậy dứt khoát phải xóa bỏ”. Công kích Hiến pháp năm 1992 của Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, chẳng những Cù Huy Hà Vũ chống lại Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn chống lại Hiến pháp. Vì vậy, hành vi của Cù Huy Hà Vũ không chỉ là quan điểm cá nhân mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.

Ở Hoa Kỳ cũng như nhiều nơi trên thế giới ngày nay đang có không ít những kẻ “hành nghề chống Cộng”, nghĩa là họ viết sách, viết báo, làm phim, mở website, đi rao giảng... mà thực chất là tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo Việt Nam để làm “một công hai việc”: vừa chống Cộng lại vừa nhận được nhiều tài trợ. Phần lớn trong số họ chỉ dựa vào ký ức về những cuộc di tản lênh đênh trên biển và hận thù với Cộng sản. Có kẻ thậm chí chưa bao giờ được đặt chân tới Việt Nam… HRW là một trong những số đó.  Rút cuộc, qua các hoạt động của HRW người ta thấy gì? Điều dễ nhận thấy nhất đó là tư duy của họ vừa thực dụng, vừa bảo thủ lại lỗi thời.

Thực dụng là vì: họ chỉ nói lấy được, viết lấy được, không quan tâm gì đến đánh giá, thẩm định các thông tin; không nghiên cứu luật pháp quốc gia, áp đặt quan điểm của mình cho người khác. Trong các báo cáo của HRW người ta chỉ lấy thông tin từ những kẻ chống lại nhà nước. Và như có người nói, việc HRW trao giải cho những “cây bút” chống Cộng có tiếng không phải là vô tư, vì mục tiêu chính trị mà còn là một thủ thuật tranh thủ các nhà tài trợ!

Bảo thủ là vì: cho đến nay HRW vẫn nhìn nhận tình hình chính trị - xã hội thế giới bằng lăng kính đối lập về ý thức hệ ra đời từ thời kỳ chiến tranh lạnh. HRW luôn lợi dụng sự đối lập giữa hai hệ tưởng XHCN và TBCN để công kích các quốc gia đi theo con đường XHCN do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Đồng thời, HRW luôn sùng bái mô hình dân chủ, nhân quyền kiểu Hoa Kỳ. Chẳng thế mà vụ án Cù Huy Hà Vũ được tổ chức này khái quát là "Đảng Cộng sản Việt Nam đối đầu với luật gia Cù Huy Hà Vũ". 

Lỗi thời là vì: mọi hoạt động của HRW chỉ hướng tới mục tiêu gây mất ổn định chính trị - xã hội ở các quốc gia. Điều này, HRW đã làm trái với tôn chỉ của mình là bảo đảm quyền con người. Mà việc bảo đảm quyền con người chỉ có thể dựa trên tiền đề ổn định chính trị - xã hội. Mặt khác, việc làm của HRW đang đi ngược lại với sự phát triển tích cực của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Chính tân đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ngài David Shear cho biết: “các ưu tiên cao nhất của tôi trong nhiệm kỳ là gia tăng hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ”. Ông còn chia sẻ với mọi người ấn tượng khi đến Việt Nam lần đầu (năm 2007) cùng vợ và con gái, rằng: gia đình ông đã rất vui vì sự thân thiện và hiếu khách của người Việt Nam. Ông Shear nói: "Chúng tôi đã bị Việt Nam quyến rũ".

Nhân đây cần phải nhắc lại rằng: Điều1, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (năm 1966) đã quy định:  “Tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa”1. Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Việc lựa chọn thể chế chính trị nào, đa đảng hay một đảng lãnh đạo cầm quyền; Hiến pháp và hệ thống pháp luật ra sao, tòa án xét xử như thế nào… là quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam, không ai có quyền bài bác. Sự khác biệt về thể chế chính trị, xã hội, văn hóa là điều bình thường và người ta có thể giảm thiểu sự khác biệt đó bằng con đường đối thoại bình đẳng chứ không thể là sự kỳ thị, áp đặt từ một phía.

Human Rights Watch nếu muốn trở thành một tổ chức nhân quyền đích thực, được các quốc gia tôn trọng, thì hãy từ bỏ cách nhìn nhận thiên kiến, hẹp hòi; đồng thời, phải biết tôn trọng chủ quyền của các nước, không nên biến mình thành công cụ của những lực lượng chính trị nào đó, can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác.

BẮC HÀ

______________

1 - Trung tâm nghiên cứu quyền con người - Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người, H. 2002, tr. 250.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.