Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Hai, 17/09/2012, 07:41 (GMT+7)
H.R.1410 vẫn dựa trên những thông tin sai lệch, thiếu khách quan

Chiều 11-9-2012, Hạ viện Mỹ thông qua “Dự luật nhân quyền Việt Nam 2012” mang số hiệu H.R.1410. Vẫn giữ  thái độ định kiến, bản Dự luật này tiếp tục dựa trên những thông tin sai lệch, thiếu khách quan về tình hình thực thi quyền con người ở Việt Nam.

 

H.R.1410 do dân biểu Chris Smith, người luôn có hành động cản trở sự phát triển quan hệ Việt – Mỹ bảo trợ và vận động từ đầu năm, được Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ ủng hộ hồi tháng 3 và nay được Hạ viện Mỹ thông qua; với mục tiêu: thúc đẩy tự do, dân chủ ở Việt Nam. Nội dung chính của Dự luật này là đòi giới hạn các khoản hỗ trợ đối với Việt Nam, trừ phi Chính phủ Việt Nam có “tiến bộ đáng kể” trong việc bảo vệ quyền tự do tôn giáo và tự do ngôn luận!

Đáp lại việc làm này của Hạ viện Mỹ, ngày 13-9-2012, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thanh Nghị đã khẳng định rằng: việc thông qua Dự luật này “là sai trái, không phù hợp với xu hướng phát triển của quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ”; bởi nội dung của Dự luật tiếp tục dựa trên những thông tin sai lệch, thiếu khách quan về tình hình thực thi quyền con người ở Việt Nam.

Phát biểu ý kiến trong cuộc thảo luận ở Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đầu tháng 3 năm nay, Hạ nghị sĩ Mỹ E. Pha-lê-ô-ma-va-ê-ga đã khẳng định: H.R.1410 là “thiển cận”, bởi nó chỉ dựa trên những dữ liệu “cũ rích”, có từ cách đây 10 – 15 năm và được nhắc đi nhắc lại bởi những người chưa bao giờ đặt chân tới Việt Nam; và bởi một nhóm người Việt ở Mỹ và hải ngoại luôn có tư tưởng thù địch với Việt Nam vận động. Trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam tại Mỹ hôm 08 tháng 3, Ông đã thẳng thắn nói rằng: người ta đang áp dụng một “tiêu chuẩn kép” đối với Việt Nam trong vấn đề nhân quyền; rằng “Chính phủ Việt Nam đã rất cố gắng để khắc phục. Trong khi đó, chính ở Mỹ cũng có những vi phạm về nhân quyền...”.

Cần phải nhắc lại rằng, khái niệm nhân quyền không chỉ bao hàm những giá trị phổ quát cho toàn thế giới, mà còn luôn gắn chặt với tính đặc thù về lịch sử, văn hóa của mỗi dân tộc; trong đó, nhân quyền không thể tách rời chủ quyền quốc gia và quyền dân tộc tự quyết. Mặt khác, việc thực hiện quyền con người trong mỗi quốc gia bao giờ cũng đòi hỏi phải gắn liền với trách nhiệm công dân, nên luôn phải chịu một sự giới hạn nhất định để bảo vệ quyền con người của những người khác và bảo đảm an ninh quốc gia. Bởi thế mà Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa đã được Liên hợp quốc (LHQ) thông qua, đều đặt vấn đề “quyền dân tộc tự quyết” ở vị trí ưu tiên số 1; đồng thời, không quên xác định những điều khoản chế ngự sự lạm dụng quyền con người. Chính Điều 18, khoản 3 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị nói về quyền tự do tôn giáo đã xác định: “Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi những quy định của pháp luật và những giới hạn này là cần thiết cho việc bảo vệ an toàn, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng hoặc những quyền và tự do cơ bản của người khác”. Còn về quyền tự do ngôn luận, Điều 19, khoản 3 của Công ước này cũng nhấn mạnh: “Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 của Điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, có thể dẫn tới một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được pháp luật quy định và cần thiết để: a/ Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; b/ Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hay đạo đức của công chúng”. Ngay tại Điều 30 của Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người (UDHR) cũng xác định rõ: “Quyền con người của những người khác cần được tôn trọng chứ không chỉ khoan dung. Quyền con người không được sử dụng để vi phạm quyền của người khác”. Căn cứ vào tinh thần của các công ước quốc tế nói trên và Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người, có thể khẳng định rằng, những cáo buộc của Dự luật H.R.1410 về việc Việt Nam vi phạm quyền tự do tôn giáo và tự do ngôn luận là không có căn cứ. Những người bị chính quyền Việt Nam giam giữ,  mà Dự luật này quan tâm, không phải là tù nhân chính trị và tù nhân tôn giáo. Họ bị xử lý vì đã vi phạm luật pháp Việt Nam, vi phạm quyền con người của những người khác như chính khoản 3 của Điều 18 và 19 trong hai công ước quốc tế nói trên đã chỉ rõ. Phản ứng lại H.R.1410 ngay hôm Dự luật này được thông qua, Amaritx – một tác giả ở Houston (Hoa Kỳ) – đã viết cho một tờ báo mạng của cộng đồng người Việt ở Mỹ rằng: “Vấn đề nhân quyền cho thấy nó đòi hỏi tất cả các nước phải chấp nhận một thực tế là những chuẩn mực của một nước hoặc là một nhóm các nước không thích hợp và thiếu thực tế để áp đặt những chuẩn mực đó lên một nước khác”; do vậy, “Là những người hoạt động chính trị chuyên nghiệp thì các vị dân biểu tại Hạ viện Hoa Kỳ phải hiểu rằng, trật tự thế giới này được duy trì trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi cho nhau, cùng chung sống hòa bình”.

Thời gian qua, mặc dù vẫn còn những nhận thức khác nhau về vấn đề nhân quyền giữa các quốc gia, nhưng cộng đồng quốc tế vẫn ghi nhận và đánh giá cao những tiến bộ thực chất về tình hình thực hiện quyền con người ở Việt Nam. Trước hết, đó là những thành tựu trong thực hiện có hiệu quả Các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) của LHQ. Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh LHQ về phát triển bền vững (Rio+20) từ ngày 20 đến ngày 22-6-2012, trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói Việt Nam, Bà P. Mehta, Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam nói: “Tiến bộ của Việt Nam cần được giới thiệu với cộng đồng thế giới. Hội nghị Rio+20 cung cấp một diễn đàn tuyệt vời để Việt Nam cho thế giới thấy những thành công trong 20 năm qua đối với việc xóa đói giảm nghèo”. Ngày 15-3-2011, tại Hội đồng Nhân quyền của LHQ (Geneva, Thụy Sĩ), Bà Gay McDougall – Chuyên gia độc lập về các vấn đề thiểu số – đã hoan nghênh quyết tâm chính trị, các chính sách, biện pháp và chương trình của Chính phủ Việt Nam nhằm bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số trên mọi lĩnh vực, nhất là nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội giữa dân tộc thiểu số với đồng bào người Kinh. Theo RFA (ngày 16 và 20-4-2011), ông Cephas Lumina – chuyên gia độc lập của LHQ về quyền con người – sau chuyến thăm 9 ngày tại Việt Nam (cuối tháng 3-2011) đã “ca ngợi Việt Nam trong lĩnh vực phát triển con người, đặt người dân vào trung tâm của sự phát triển quốc gia”. Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam hồi tháng 02-2012, Thứ trưởng ngoại giao Tòa thánh Va-ti-can E. Balestreo đã ghi nhận việc Nhà nước Việt Nam tiếp tục nỗ lực thực hiện nhất quán và không ngừng hoàn thiện chính sách tôn trọng và bảo vệ tự do tín ngưỡng và tự do tôn giáo của người dân. Tại Hội thảo quốc tế về tôn giáo ở Việt Nam tháng 6-2012, ông A. Herrador, cố vấn chính trị phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cũng đánh giá Việt Nam có những bước phát triển rất quan trọng trong bảo đảm tự do tôn giáo, tín ngưỡng thời gian qua. Còn cựu Đại tá Quân đội Mỹ, ông A. Sauvageot, đã có hơn 20 năm đi - về giữa Mỹ và Việt Nam, trong nhiều lần trả lời phỏng vấn báo chí phương Tây và Việt Nam đã nói thẳng rằng: về tôn giáo, Việt Nam tự do hơn Mỹ. Hạ Nghị sĩ E. Pha-lê-ô-ma-va-ê-ga, người nhiều lần đến Việt Nam, trong cuộc phỏng vấn gần đây đã nhấn mạnh: trong các chuyến đến Việt Nam, không có bất cứ nơi nào mà Ông phải chứng kiến cảnh người ta bị cấm đoán vì lý do tín ngưỡng. Rõ ràng là, những tiếng nói trên đây khác xa với những gì mà Dự luật H.R.1410 nêu ra; bởi đó là các nhận xét chân thực của những người “tai nghe, mắt thấy” những gì đã diễn ra ở Việt Nam; còn Dự luật H.R.1410 không chỉ dựa trên những thông tin sai lệch, thiếu khách quan, mà còn xuất phát từ sự định kiến và thói quen áp đặt người khác của các vị dân biểu Mỹ. 

Thực tế những gì đang diễn ra ở Việt Nam thời gian qua cho thấy: việc thực thi quyền con người ở Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Mặc dù năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn bởi tác động của cuộc khủng hoảng nợ công trên thế giới, nhưng Nhà nước vẫn ưu tiên bố trí tăng thêm nguồn lực để thực hiện các chính sách xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia. Năm 2011, ngân sách nhà nước chi cho đảm bảo an sinh xã hội vẫn tăng 20% so với năm 2010; trong đó, Nhà nước đã cấp 71,7 ngàn tấn gạo cứu đói đột xuất trong dịp Tết và giáp hạt, hỗ trợ nhà ở cho 20 ngàn hộ nghèo với số tiền 1.850 tỷ đồng, hỗ trợ mua Bảo hiểm Y tế cho hộ nghèo và cận nghèo 3.500 tỷ đồng (14 triệu người nghèo được cấp thẻ), dư nợ tín dụng cho vay hộ nghèo đạt 37,6 ngàn tỷ đồng, tạo được 1,54 triệu việc làm mới, v.v. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 (theo chuẩn mới) giảm 2,44% so với 2010 (mức kế hoạch là 2%). Riêng 5 tháng đầu năm 2012, cả nước đã tạo việc làm cho 612.138 người; các chính sách an sinh xã hội, như: hỗ trợ cứu đói (34.394 tấn lương thực và 23,2 tỷ đồng), hỗ trợ giá điện, hỗ trợ về nhà ở, hỗ trợ tín dụng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số... đều được thực hiện tốt. Chương trình phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ nhằm hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững cho 62 huyện nghèo nhất nước, mà về cơ bản là hướng vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vẫn tiếp tục được đẩy mạnh với mục tiêu giảm nghèo mỗi năm 4% so với mục tiêu 2% của cả nước; riêng năm 2011, Nhà nước đã bố trí 3.290 tỷ đồng để thực hiện Chương trình này. Bên cạnh đó, việc thực hiện “Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ - CEDAW”, “Công ước Quyền trẻ em - CRC” cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Tháng 4-2011, các tổ chức quốc tế đã đánh giá Việt Nam là nước xóa bỏ nhanh nhất khoảng cách về giới trong 20 năm qua; xếp chỉ số phát triển giới (GDI) của Việt Nam ở mức trung bình cao (0,723 - năm 2009) so với mức trung bình thấp (0,537) của năm 1995, v.v. Đó là những thành tựu không thể phủ nhận. Chả thế mà đầu năm 2011, Viện Dư luận (BVA) và Tổ chức quốc tế Gallup đã xếp Việt Nam là nước đứng đầu trong nhóm 10 nước (với 53 nước được điều tra) lạc quan nhất và khẳng định: người Việt Nam lạc quan nhất thế giới. Còn mới đây (6-2012), Tổ chức New Economics Foundation (NEF) có trụ sở tại Anh cũng xếp Việt Nam đứng thứ 2 trên 151 quốc gia và vùng lãnh thổ về chỉ số hạnh phúc toàn cầu (HPI), mà 2 trong 3 tiêu chí của HPI đều liên quan đến việc thực thi quyền con người; đó là: mức độ hài lòng với cuộc sống và tuổi thọ trung bình của người dân. Ngay cuối tháng 6-2012, các tổ chức của LHQ tại Hà Nội cũng hoan nghênh Quốc hội Việt Nam đã thông qua các bộ luật mang lại nhiều lợi ích cho người dân trong Kỳ họp thứ 3/Quốc hội khóa XIII. Bà P. Mehta nói: “Chúng tôi đánh giá cao Chính phủ và Quốc hội đã có những quyết định rất quan trọng mang lại lợi ích thực sự cho cuộc sống của nhiều người dân Việt Nam. Việc thông qua các bộ luật mới và bộ luật sửa đổi cũng đã đưa Việt Nam tiến gần hơn với những cam kết quốc tế của mình”.

Tự “làm sướng” mình bằng cách phê phán các nước khác về nhân quyền, trong khi tình hình nhân quyền trong nước mình không mấy sáng sủa là phong cách của Hạ viện Mỹ. Vì thế, chẳng lấy làm ngạc nhiên khi cùng một hành động để bảo đảm sự nghiêm minh của luật pháp, nhưng chính quyền Việt Nam thực thi thì người Mỹ lại lên án, còn Chính phủ Mỹ thực hiện thì họ lại làm ngơ. Còn nhớ, đầu tháng 02 năm nay, cảnh sát Thành phố Ô-clen (bang California) và Thành phố Sa-lô-te (bang Carolaina Bắc) đã dùng hơi cay và súng điện đàn áp những người biểu tình hòa bình của phong trào “Chiếm phố Uôn” và bắt giữ hơn 400 người. Đó là chưa kể đến việc gần 1.000 người bị bắt giữ trong 2 tuần đầu tiên diễn ra cuộc biểu tình này hồi tháng 9 năm ngoái. Cũng giữa tháng 02-2012, cảnh sát Mỹ đã bắt 7 thành viên của nhóm Hutaree (tự xưng là Chiến binh Thiên chúa giáo) với tội danh “âm mưu tiến hành cuộc chiến chống lại chính quyền Mỹ”; trong khi những người này cho rằng: “Họ chỉ sử dụng quyền hợp pháp trong việc tự do phát biểu, hội họp và mang theo vũ khí cá nhân”. Vậy là, trong khi phê phán Việt Nam vi phạm nhân quyền, Hạ viện Mỹ lại làm ngơ trước những vi phạm nghiêm trọng về quyền con người của chính nước Mỹ. Hẳn ai cũng biết, sự kiện lính Mỹ đốt kinh Cô-ran và xúc phạm thi thể các chiến binh Ta-li-ban ở Ápganixtan (đái vào thi thể họ và chụp ảnh làm dáng với các thi thể của các chiến binh) đã gây phẫn nộ trong xã hội Ápganixtan và trên thế giới. Tờ Dẫn đường khoa học Thiên chúa giáo đã phải thốt lên rằng: “Các sự kiện đáng tiếc liên tiếp diễn ra như vậy phải chăng càng bộc lộ rõ sự thờ ơ của Oa-sinh-tơn với giá trị sống của người dân bản địa”. Còn ngay trên đất Mỹ, truyền thông nước này vừa mới lật tẩy một sự thật gây sốc là: phần thi thể của nhiều nạn nhân vụ 11-9 đã bị tiêu hủy ở một bãi rác thay vì được an táng theo đúng quy trình và luật pháp Mỹ quy định. Ngay Luật An ninh nội địa của Mỹ cho phép chính phủ hay các cơ quan thực thi luật pháp có quyền kiểm soát và ngăn chặn bất kỳ nội dung nào trên internet được xem là “tổn hại tới an ninh quốc gia” cũng cho thấy thứ “tiêu chuẩn kép” mà chính quyền Mỹ áp dụng khi nói về vấn đề nhân quyền.

Tự ý ra các dự luật đánh giá về tình hình thực hiện quyền con người của Việt Nam; can thiệp vào việc thực thi pháp luật của một nước có chủ quyền; gắn điều kiện chính trị với nhu cầu phát triển kinh tế là một sự vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Đây là việc làm không thể chấp nhận được, nhất là trong bối cảnh quan hệ Việt – Mỹ đang có chiều hướng phát triển tốt đẹp. Dự luật H.R.1410 sẽ sớm rơi vào quên lãng như số phận của các dự luật trước đây bởi sự thiếu khách quan, dựa trên những thông tin sai lệch và tư duy định kiến của những người soạn thảo ./. 

 

NGUYỄN NGỌC

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.