Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Hai, 17/10/2011, 03:28 (GMT+7)
Hiểu đúng tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định con đường cách mạng mà Người đã chọn


Chủ tịch Hồ Chí Minh
 Hiểu đúng tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định con đường cách mạng mà Người và dân tộc ta đã lựa chọn có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong cuộc đấu tranh để bảo vệ và xây dựng đất nước theo con đường XHCN hiện nay.

 

Từ năm 1930 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại. Đó là, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954, toàn thắng mùa Xuân 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế; thắng lợi của công cuộc đổi mới, tiến hành CNH,HĐH và hội nhập quốc tế, tiếp tục đưa đất nước từng bước quá độ lên CNXH. Thực tiễn và thắng lợi của sự nghiệp cách mạng hơn 80 năm qua đã khẳng định: “tư tưởng vĩ đại của Người, cùng với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, mãi mãi là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam, là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta,…”1

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, bên cạnh đa số người dân tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới của dân tộc, vẫn có một số ít người, trong đó có cả những người vốn là cán bộ của Đảng và Nhà nước, nhà trí thức ngoài Đảng..., đã có những bài viết, việc làm thể hiện những quan điểm lệch lạc về lý luận. Cùng với đó, kẻ thù các loại của CNXH đã không ngớt đưa ra những luận điểm xuyên tạc các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

 Có luận điểm cho rằng, ngày nay chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã lỗi thời; bởi đó là sản phẩm của thế kỷ XIX, cách đây đã hơn 150 năm, nên không thể là kim chỉ nam cho hành động của chúng ta trong thời đại mới. Ngay trong hàng ngũ những người cộng sản, cũng có một số ít muốn phủ định con đường XHCN; cho rằng CNXH chỉ là “bóng ma” trong lịch sử, đi theo con đường XHCN là mơ hồ, ảo tưởng về một chế độ xã hội tốt đẹp; rằng học thuyết Mác không có tính phổ biến nên bị phá sản hoàn toàn là tất yếu; CNXH “đẹp nhưng không thực”, nếu gọi là CNXH thì chỉ là loại CNXH không tưởng, không phải là CNXH khoa học, v.v.

Để biết được ý kiến đó đúng hay sai, phải tìm hiểu CNXH không tưởng là như thế nào? CNXH khoa học của C. Mác và Ph. Ăng-ghen khác gì so với CNXH không tưởng? Vì sao Đảng ta vẫn kiên trì lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng?

CNXH không tưởng có nguồn gốc tiền sử xã hội trong quá khứ. Ở phương Đông là sự mong muốn có một thế giới đại đồng, người thân ái với người. Ở phương Tây là mơ ước về một xã hội không có lao động cưỡng bức, không có cảnh nghèo khổ. Thế nhưng, những mong muốn ấy lại không biết làm bằng cách nào. Cũng có những ý kiến nêu ra cách làm nhưng không có giá trị thực thi. CNXH không tưởng với tư cách là một học thuyết, ra đời vào đầu thế kỷ XIX, thời đại cách mạng tư sản. Đại biểu cho những nhà XHCN không tưởng là Xanh-xi-mông, Phu-ri-ê, Ô-oen. C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã kế thừa và hoàn chỉnh một cách thiên tài luận thuyết của ba vị này và hiểu được cách làm của họ sẽ không đem lại kết quả, nên coi đó chỉ là CNXH không tưởng.

CNXH không tưởng do Tô-mát Mo-rơ (1478 - 1535), người Anh đề xuất; theo tiếng Pháp là socialisme utopique, tên của xứ U-tô-pi. Tô-mát Mo-rơ mong muốn có một xã hội được quản lý dân chủ, bình đẳng trong lao động, không có đối lập giữa thành thị và nông thôn, giữa lao động trí óc và chân tay; con người làm việc 6 giờ một ngày, thời gian còn lại dành cho hoạt động khoa học, nghệ thuật; nhân cách được phát triển toàn diện, kết hợp giáo dục lý luận với lao động. Khi Tô-mát Mo-rơ hư cấu về chuyến du lịch đến xứ U-tô-pi (nghĩa đen là “nơi không có thật”, được viết trong cuốn sách vàng nói về chế độ nhà nước tốt đẹp nhất), ông đã bị xử tử theo lệnh của nhà Vua.

CNXH khoa học của C. Mác và Ph. Ăng-ghen khác hẳn với CNXH không tưởng. Lý luận về CNXH khoa học được C. Mác và Ph. Ăng-ghen nhiều năm nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu về sự ra đời của giai cấp và cuộc đấu tranh giai cấp trong lịch sử tiến hóa của xã hội loài người; về CNTB với sự bóc lột giai cấp công nhân về giá trị thặng dư; về nền sản xuất công nghiệp hiện đại TBCN, trong đó máy móc là công cụ sản xuất tập thể được giai cấp vô sản công nghiệp - một lực lượng lao động tập thể sử dụng và nền công nghiệp hiện đại càng phát triển thì giai cấp vô sản công nghiệp ngày càng đông; về cuộc đấu tranh giai cấp giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản,v.v. Từ đó, đi đến kết luận rằng, theo quy luật khách quan của sự phát triển lịch sử, chính giai cấp vô sản công nghiệp hiện đại là giai cấp có sứ mệnh lịch sử đào huyệt chôn CNTB, xây dựng thành công xã hội XHCN. Để thực hiện sứ mệnh lịch sử đó, giai cấp vô sản phải có đội tiên phong của mình là Đảng Cộng sản, được trang bị lý luận cách mạng để lãnh đạo công nhân, nhân dân lao động đấu tranh giành chính quyền về tay mình. Chính quyền cách mạng phải được xây dựng đủ mạnh để làm công cụ cho việc xóa bỏ chế độ xã hội TBCN đầy thảm họa, xây dựng chế độ xã hội mới - xã hội XHCN tốt đẹp hơn. Từ kinh nghiệm thành công và chưa thành công của quá trình xây dựng CNXH; từ những tri thức và kinh nghiệm mới mà nhân loại đã tạo ra trong những thể chế chính trị - xã hội khác nhau, trong hiện thực lịch sử và thời đại, những người cộng sản có khả năng đổi mới nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH. Điều đó đã được thực tế khẳng định: CNXH ở Việt Nam, Trung Quốc và một số nước khác không chỉ thoát khỏi khủng hoảng, mà còn có bước phát triển mạnh mẽ cả trong hiện tại và tương lai.

Hiện nay, trong giai đoạn đầu của thời kỳ quá độ lên CNXH, những thách thức và nguy cơ đối với sự tồn tại và phát triển của CNXH hiện thực là rất lớn. Sự phát triển của khoa học và công nghệ ngày nay đã tạo điều kiện để CNTB tự điều chỉnh, thích nghi, kéo dài sự tồn tại và tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó, công cuộc đổi mới của đất nước ta có cả thành tựu và khuyết điểm, trong đó thành tựu là cơ bản, là mặt chủ yếu của sự phát triển; còn khuyết điểm không phải từ bản chất của CNXH và có những nguyên nhân khách quan, song chủ quan là chủ yếu. Trước tình hình đó, một số người do phai nhạt lý tưởng, thoái hóa biến chất, cơ hội về chính trị, đã đưa ra một số quan điểm làm phân tâm xã hội, tác động tiêu cực tới quá trình đổi mới và phát triển đất nước theo định hướng XHCN. Điều đó đã làm cho một số người vốn tôn sùng CNTB, càng giảm niềm tin đối với CNXH; thậm chí, có người còn nuối tiếc: giá nước ta không đi theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, không đi theo con đường XHCN, không tiến hành hai cuộc chiến tranh chống xâm lược, thì dân tộc ta đã tiến ngang hàng các cường quốc. Họ cố làm ngơ và cho rằng lựa chọn con đường XHCN ở nước ta có gì chưa ổn, trái với xu thế phát triển của thời đại hiện nay, không phù hợp với tình hình cụ thể ở Việt Nam. Họ công khai kiến nghị Đảng ta không lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm nền tảng tư tưởng nữa, với lập luận rằng: Bác Hồ đã vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào việc giải quyết đúng đắn các vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, những bài viết của Người rất dễ hiểu; như vậy thì chỉ nên lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng là đủ, không cần phải nêu thêm chủ nghĩa Mác - Lê-nin! v.v.

Những luận điệu trên là hoàn toàn phi lý và đầy mâu thuẫn. Bởi lẽ, chủ nghĩa Mác - Lê-nin là một hệ thống lý luận hoàn chỉnh, sâu rộng, có ý nghĩa cách mạng và khoa học. Bác Hồ đã nghiên cứu vận dụng, Đảng ta cũng phải tiếp tục nghiên cứu vận dụng, vì công cuộc cách mạng luôn đặt ra những vấn đề mới. Đồng thời, xuất phát từ những bài học rút ra trong sự nghiệp dựng nước và giữ  nước, cũng như trước yêu cầu bức xúc của lịch sử, Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam đã nhận thức và hành động theo quy luật khách quan; đó là: “Ngọn đuốc lý luận Mác - Lê-nin và kinh nghiệm Cách mạng Tháng Mười soi sáng con đường cách mạng Việt Nam. Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản (CMVS)”2. Con đường cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh là sản phẩm của sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể ở nước ta. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin là một học thuyết khoa học và cách mạng. Đó không chỉ là học thuyết nhận thức và giải thích thế giới một cách đúng đắn, mà còn là một học thuyết cải tạo thế giới. Vận mệnh của nó gắn liền với vận mệnh của giai cấp công nhân hiện đại, của nhân loại cần lao và tiến bộ trong cuộc đấu tranh vì sự tiến bộ, công bằng xã hội. Nó vạch ra những nguyên lý cơ bản nhất, chung nhất về con đường, về hình thức, phương pháp, lực lượng đấu tranh cách mạng để xóa bỏ áp bức, bất công. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, một khi giai cấp công nhân đã nắm được lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, thì cuộc đấu tranh của họ chống chủ nghĩa đế quốc và giai cấp thống trị phản động trong nước sẽ chuyển từ tự phát sang tự giác. Vì vậy, chỉ có con đường CMVS mới là con đường duy nhất đúng cho các dân tộc bị áp bức, trong đó có Việt Nam.

Ai đó nói rằng, Bác Hồ là người cộng sản nhưng luôn vì lợi ích dân tộc, không theo lý luận về giai cấp và đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, nên đã tập hợp được khối đại đoàn kết toàn dân, đã giành được thắng lợi to lớn cho cách mạng. Đúng là thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thành công của 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược là do Bác Hồ và Đảng ta đã phát huy được cao độ lòng yêu nước, xây dựng được khối đoàn kết toàn dân. Nhưng nếu cho rằng, Bác Hồ chỉ đứng trên lập trường dân tộc, không theo lý luận về giai cấp và đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác - Lê-nin là hoàn toàn không đúng. Bởi lẽ, trong con đường cách mạng Việt Nam, vấn đề cứu nước, giải phóng dân tộc, giành độc lập luôn gắn chặt với xác lập quyền làm chủ của nhân dân; đó là tính giai cấp. Vấn đề cứu nước, giải phóng dân tộc, giành độc lập khi được gắn với vấn đề xác lập quyền làm chủ của nhân dân sẽ nhận rõ được tính giai cấp. Giành độc lập để Vua làm chủ, để giai cấp tư sản làm chủ hay để nhân dân lao động làm chủ; rõ ràng, về bản chất giai cấp là khác nhau. Trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, Bác Hồ cùng với Đảng luôn giương cao ngọn cờ yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân dựa trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân và nông dân, nên thành lập được mặt trận dân tộc vừa rộng rãi, vừa vững chắc. Phất cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, nhưng Đảng và Bác Hồ luôn nắm vững mục tiêu giành độc lập để đi lên CNXH, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.

Mặt khác, con đường CMVS được Bác Hồ tìm ra vào lúc ở Việt Nam đã có giai cấp công nhân công nghiệp. Giai cấp công nhân lúc này đã tham gia những cuộc đấu tranh yêu nước, nhưng chưa có ý thức về sự đối lập về quyền lợi giữa giai cấp công nhân với toàn bộ chế độ TBCN, trước mắt là chế độ thuộc địa của tư bản thực dân Pháp và tay sai. Tìm ra con đường CMVS với việc xây dựng được Đảng Cộng Sản Việt Nam, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã đưa giai cấp công nhân Việt Nam bước lên vũ đài chính trị, thực hiện sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng của mình, đồng thời giải quyết được cuộc khủng hoảng đường lối cứu nước vào những năm 20 của thế kỷ XX.

Con đường cách mạng theo CNXH khoa học đã được Bác Hồ vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế ở Việt Nam. Đó là con đường giành độc lập để nhân dân làm chủ, nhằm chăm lo cuộc sống tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Theo con đường đó, cách mạng Việt Nam đã giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Rõ ràng, rất không đúng khi cho rằng: đi theo con đường XHCN ở nước ta như "đi vào bụi rậm"; và rằng, ở Việt Nam đi lên CNXH là duy ý chí, là không tưởng.

Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo 25 năm qua đã đem lại sự phát triển toàn diện cho đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đó là một thực tế không thể xuyên tạc được. Vậy mà gần đây, các bài phát biểu, các ấn phẩm đa dạng của một số cá nhân vẫn chứa đựng những quan điểm lệch lạc, hằn học với những gì đang diễn ra trên đất nước Việt Nam… Rõ ràng, đó là những biểu hiện của sự thoái hóa biến chất, thụt lùi về trình độ tư duy khoa học và xen vào đó là chủ nghĩa cá nhân vị kỷ. Về lý luận, họ đã khởi xướng cho sự hoài nghi các giá trị của chủ nghĩa Mác - Lê-nin; đối lập chủ nghĩa Mác - Lê-nin với tư tưởng Hồ Chí Minh. Về thực tiễn, họ phủ nhận những thành tựu của công cuộc đổi mới, tính ưu việt, hợp quy luật của CNXH. Một số người đã công khai chia tay với CNXH; lớn tiếng kêu gọi thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập,v.v. Tất cả các nhận thức và hành vi trên cần phải kiên quyết đấu tranh, bác bỏ; vì nó đi ngược lại quy luật tất yếu của lịch sử và tương lai rực rỡ của dân tộc Việt Nam.

TRẦN TRỌNG TÂN

                  

1 - ĐCSVN -Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 6.

2 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 9, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 314.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.