Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Năm, 08/05/2014, 14:09 (GMT+7)
Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam - nhìn từ góc độ nhân văn

Hiến định quyền con người trong Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (năm 2013) là sự tiếp nối những giá trị nhân văn trong truyền thống mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta; tạo nền tảng pháp lý cao nhất để bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân được khẳng định trong thực tiễn, vì mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (năm 2013) là sự phát triển mới về tư duy của Đảng, Nhà nước ta về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Nghiên cứu kỹ Hiến pháp ta thấy, cùng với những hiến định pháp lý trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, dân sự,… tư tưởng đề cao những giá trị chân chính của con người, đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển là một trong những nội dung quan trọng, cơ bản, xuyên suốt của Hiến pháp. Ngay trong lời nói đầu của Hiến pháp, cụm từ “Nhân dân” được viết hoa một cách trang trọng, điều mà các bản Hiến pháp trước đó chưa nêu đã thể hiện sự tôn vinh của Đảng, Nhà nước đối với Nhân dân - chủ thể của đất nước; đồng thời, gửi một thông điệp đến toàn thể Nhân dân, dân tộc Việt Nam và bạn bè quốc tế rằng, ở Việt Nam, mọi thành quả của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế đều thuộc về Nhân dân. Ngay tại khoản 2, Điều 2 của Hiến pháp đã viết: “Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”. Sự khẳng định này không chỉ là sự cụ thể hóa Cương lĩnh, đường lối của Đảng vào thực tiễn, mà còn thể hiện bản chất nhân đạo, nhân văn cao cả của chế độ XHCN - chế độ mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Tiếp đó, khoản 1, Điều 14 quy định: “Ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, các quyền con người (QCN), quyền công dân (QCD) về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Đây là những hiến định thể hiện tinh thần nhân đạo, nhân văn của Đảng, Nhà nước ta là hướng đến con người, vì con người, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để mỗi người, với tính cách là một công dân của một quốc gia có chủ quyền có điều kiện phát huy trí tuệ, tài năng, sức lực để cống hiến, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bản thân mình và cho xã hội. Nhà nước bảo đảm cho mọi người, tổ chức, cá nhân có đầy đủ điều kiện, cơ hội, tranh thủ mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên tất cả các lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) chỉ rõ “Xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”1. “Nhà nước tôn trọng và bảo đảm các QCN, QCD; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người”2. Rõ ràng, tư tưởng vì con người, hướng đến con người, tôn trọng và bảo đảm các quyền cơ bản của con người ở Việt Nam không chỉ được Hiến pháp thừa nhận và bảo vệ, mà còn là một nội dung cốt lõi, xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng, Nhà nước ta.

QCN được thể hiện trong Hiến pháp năm 2013 là sự tiếp nối của các bản hiến pháp trước đó, nhưng có những điều chỉnh, bổ sung, phát triển cho phù hợp với yêu cầu mới. Nếu Hiến pháp năm 1992 chỉ ghi nhận QCN về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội được thể hiện trong QCD, thì Hiến pháp năm 2013 đã làm rõ hơn QCN trong mối quan hệ với quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; đưa Chương “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” từ Chương V trong Hiến pháp năm 1992 lên thành Chương II trong Hiến pháp năm 2013, đồng thời bổ sung thêm cụm từ “Quyền con người” trước “quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Việc thay đổi vị trí nói trên không đơn thuần là một sự dịch chuyển cơ học, một sự hoán vị về bố cục, mà là một sự thay đổi, phát triển mới về tư duy của Nhà nước ta về con người, giải phóng con người, khẳng định con người là chủ thể của quá trình phát triển. Đó còn là sự kế thừa các bản Hiến pháp trước đó, cũng như hiến pháp của nhiều nước trên thế giới; đồng thời phù hợp với các điều ước, cam kết quốc tế trong đó Việt Nam là một thành viên.

Với 36/120 Điều (từ Điều 14 đến Điều 49), Chương II “QCN, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” chiếm tỷ trọng lớn của Hiến pháp. Ngoài ra, QCN, quyền và nghĩa vụ công dân còn được thể hiện ở các chương khác của Hiến pháp, như: Chương III “Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường”; Chương VIII “Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân” và Chương IX “Chính quyền địa phương”. Bởi vậy, nếu nhìn dưới góc độ lập hiến, Hiến pháp năm 2013 là sự kế thừa, phát triển những vấn đề pháp lý cơ bản vào điều kiện cụ thể của nước ta trong hoàn cảnh mới. Nhưng nếu nhìn từ góc độ nhân văn, có thể nói Hiến pháp cũng đồng thời là bản tuyên ngôn của Đảng, Nhà nước ta về nhân quyền ở Việt Nam. Điểm mới thể hiện giá trị nổi bật của Hiến pháp năm 2013 là, ngoài các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được hiến định trong Hiến pháp năm 1992, QCN lần đầu tiên được hiến định một cách toàn diện, cụ thể, liên quan đến mọi mặt của đời sống xã hội mà trong đó con người đang sống và thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình. Đó là: quyền sống, quyền không bị tước đoạt tính mạng trái luật (Điều 19); quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể (Điều 20); quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư (Điều 21); quyền được bảo đảm an sinh xã hội (Điều 34); quyền kết hôn và ly hôn (Điều 36). Để con người phát huy cao độ sở trường, thế mạnh trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, Hiến pháp còn hiến định quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó (Điều 40); quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa (Điều 41); quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp (Điều 42); quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường (Điều 43),... Sự điều chỉnh, bổ sung này hết sức quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, khi nước ta tham gia đầy đủ và có trách nhiệm hơn vào mọi quá trình của cộng đồng nhân loại. Đó không chỉ là sự tiếp nối các giá trị truyền thống văn hiến Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh; khẳng định bản chất tốt đẹp của chế độ XHCN, cơ sở để chúng ta có điều kiện thực hiện tốt hơn, đầy đủ hơn các nghĩa vụ và cam kết của mình với tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc; quan trọng hơn, đây là sự thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện QCN, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Một điểm mới nữa trong Hiến pháp năm 2013 là QCN được Nhà nước mặc nhiên thừa nhận mà không có những quy định mang tính ràng buộc nào, đồng thời xác định rõ quan hệ giữa QCN và QCD. Theo đó, QCN là quyền tự nhiên vốn có của con người từ lúc sinh ra, không ai có thể áp đặt hoặc tước bỏ được các quyền tự nhiên ấy. QCD, về thực chất đó cũng là QCN, nhưng việc thực hiện nó gắn với quốc tịch, tức là gắn với nghĩa vụ pháp lý của mỗi người trong quan hệ với nhà nước, chỉ có những người có quốc tịch Việt Nam mới được hưởng QCD của nước Việt Nam, như: quyền bầu cử, ứng cử, quyền tham gia quản lý nhà nước,... Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo cũng như bảo vệ cho những quyền đó được thực hiện trên thực tế, ngoại trừ những trường hợp cố tình lợi dụng các quyền đó để làm tổn hại đến an ninh quốc gia, sức khỏe cộng đồng và đạo đức xã hội. Điều 3 của Hiến pháp chỉ rõ: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm QCN, QCD; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”. Đây là những khẳng định về những cam kết của Nhà nước trong bảo đảm QCN, QCD về chính trị, kinh tế, dân sự, văn hóa, xã hội. Khoản 1, Điều 14 cũng chỉ rõ những cam kết của Nhà nước về QCN, QCD. Tuy nhiên, cũng như hiến pháp của nhiều quốc gia khác và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, khoản 2, Điều 14 của Hiến pháp năm 2013 cũng đồng thời chỉ rõ “QCN, QCD chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Tương tự như vậy, khoản 4, Điều 15 cũng quy định “Việc thực hiện QCN, QCD không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”. Thiết nghĩ, đây là những hiến định hoàn toàn xuất phát từ những lý do nhân đạo, vì sự phát triển của con người, lợi ích chung của cộng đồng quốc gia, dân tộc và xã hội. Từ phương diện lý luận và thực tiễn, không có và không thể có một thứ quyền tự do tuyệt đối, mà tự do phải được xuất phát trên cơ sở nhận thức được cái tất yếu, phải được đặt trong tổng thể lợi ích chung của quốc gia, dân tộc và của cộng đồng. Điều này hoàn toàn phù hợp với Công ước và Luật pháp quốc tế. Trong “Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị”, khi xác định các quyền cơ bản của con người phải được tôn trọng và thực thi trên thực tế, tại khoản 1, Điều 4 cũng chỉ rõ: “Trong thời gian có tình trạng khẩn cấp xảy ra đe dọa sự sống còn của quốc gia và đã được công bố, các quốc gia thành viên có thể áp dụng những biện pháp hạn chế các quyền nêu ra trong Công ước này, trừ một số quyền đặc biệt như quyền sống, bị đối xử vô nhân đạo, tra tấn, bắt làm nô lệ, nô dịch,...”. Cũng tại khoản 2, Điều 29 của Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền chỉ rõ: “Trong khi thực hiện những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra do những yêu cầu chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và an lạc chung của xã hội”. Ngay tại Điều 4 của Hiến pháp Cộng hòa Pháp cũng quy định rõ: “Tự do là có thể làm bất cứ điều gì không gây hại cho người khác”. Điều này có nghĩa, cũng như các quốc gia có chủ quyền khác, QCN, QCD ở Việt Nam luôn được tôn trọng và được Nhà nước bảo vệ, nếu các quyền đó không vượt quá giới hạn dẫn đến làm ảnh hưởng chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và các quy định của pháp luật.

Nhân đây xin được nói thêm rằng, hiện nay, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền cũng như sự chống phá của một số phần tử tiêu cực, bất mãn trong nước và các thế lực thù địch ở nước ngoài cùng với sự thiếu hiểu biết của một số người, các tổ chức vốn không thân thiện với Việt Nam tự cho mình quyền được phán xét người khác để vu khống, xuyên tạc tình hình, gây mất ổn định chính trị ở Việt Nam. Là người có lương tri, có lòng tự trọng, không khó để nhận ra bản chất của vấn đề. Theo nhiều nhà phân tích, tình hình bất ổn tại Trung Đông, Bắc Phi và nhiều nơi khác trên thế giới trong thời gian qua, và mới nhất là ở U-crai-na khiến hàng chục ngàn người chết, hàng triệu người rơi vào cảnh bần hàn,… bên cạnh nguyên nhân nội tại, đều có một nguyên nhân khác, đó là sự can thiệp, hậu thuẫn, gây chia rẽ, thúc đẩy “cách mạng màu” của các nước phương Tây. Phải chăng đó là nhân quyền, là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc như họ thường lớn tiếng? Nhân quyền là quyền cơ bản của con người mà mọi xã hội văn minh phải tôn trọng, trong đó quyền được sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc là những quyền cơ bản nhất. Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dù còn gặp vô vàn những khó khăn, thách thức, nhưng Ðảng và Nhà nước ta luôn quan tâm nhằm bảo đảm các quyền lợi đó của con người được thực thi trong thực tế. Những cố gắng của Đảng, Nhà nước ta về thực hiện QCN, QCD đã được nhân dân ghi nhận và bạn bè quốc tế tôn vinh. Không phải ngẫu nhiên mà tại kỳ họp khóa 68 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Việt Nam đã được bầu làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014 - 2016) với số phiếu cao nhất. Và để khách quan hơn, xin dẫn lại ý kiến của tác giả Trần Ngọc Chung, người Mỹ gốc Việt đăng trên Báo Nhân dân số 21188, ngày 20-9-2013 cho rằng, gần đây, các hãng truyền thông nước ngoài như BBC, VOA, RFA, RFI thường sử dụng quan điểm tiêu cực để đánh giá các sự kiện xảy ra ở Việt Nam, hoặc liên quan tới Việt Nam, từ đó xuyên tạc, cổ vũ cho luận điệu sai trái, tạo diễn đàn để một số cá nhân bình luận thiếu thiện chí. Phần kết bài báo muốn nhắc nhở những người nào còn lầm tưởng RFA đấu tranh cho quyền lợi của người Việt Nam, rằng: RFA là một tổ chức phục vụ cho quyền lợi của Mỹ và do một nhóm người Việt lưu vong điều hành nhằm làm suy yếu sự đoàn kết dân tộc Việt Nam và gây bất ổn chính trị xã hội Việt Nam để người nước ngoài có cơ hội “thừa nước đục thả câu”. Những người ở trong nước đã và đang cộng tác với họ hoặc do bị lừa gạt hoặc tự nguyện nên ý thức rằng, RFA chưa bao giờ khách quan, chưa bao giờ có thiện chí với Việt Nam và dân tộc Việt Nam. “Tự do là có thể làm bất cứ điều gì không gây hại cho người khác”. Điều này nếu suy rộng ra, những hiến định về QCN, QCD trong Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là những hiến định vừa mang tính pháp lý, vừa mang giá trị nhân đạo và nhân văn sâu sắc, phản ánh ý chí, ước mơ, nguyện vọng của toàn thể dân tộc Việt Nam; đồng thờ, đó còn là sự kế thừa có chọn lọc các giá trị văn hóa làm nên cốt cách, bản lĩnh, trí tuệ, ý chí, sức mạnh Việt Nam trong suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Cùng với việc hiến định các quyền cơ bản của con người, QCD, Hiến pháp năm 2013 cũng đồng thời khẳng định những cam kết mạnh mẽ của Nhà nước đối với công dân: không thể bị trục xuất, giao nộp cho nước khác; công dân Việt Nam ở nước ngoài được Nhà nước bảo hộ (Điều 17); Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội (Điều 28); Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh,… Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa (Điều 51); Nhà nước, xã hội tạo mọi điều kiện, môi trường xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng con người Việt Nam có sức khỏe, văn hóa (Điều 60),... Những cam kết đó không chỉ khẳng định trách nhiệm của Nhà nước đối với mọi người dân, tổ chức, nhằm hiện thực hóa QCN, QCD trên thực tế, mà còn mang một ý nghĩa cao hơn, nhân văn hơn, đó là khẳng định Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Ở đó, mọi công dân đều có trách nhiệm, nghĩa vụ tham gia xây dựng Nhà nước, kể cả quyền ứng cử vào các vị trí lãnh đạo, quản lý Nhà nước không phân biệt giới tính, dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội. Điều đó cũng thể hiện quan điểm nhất quán, trước sau như một của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Mọi hành động cổ súy, truyên truyền, kích động, xuyên tạc Hiến pháp, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoặc lợi dụng QCN,QCD để phá hoại công cuộc đổi mới, sự ổn định xã hội Việt Nam dù dưới bất kỳ hình thức nào đều bị lên án và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

 

ĐỖ VĂN NGOAN

__________

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 70.

2 - Sđd, tr. 85.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.