Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Năm, 06/12/2012, 03:28 (GMT+7)
Hành động “chọc gậy bánh xe” không cản nổi bước phát triển của Đảng

Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) của Đảng thu hút sự quan tâm sâu sắc của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân ta, không chỉ do những vấn đề được thảo luận và quyết nghị rất hệ trọng, nhạy cảm, mang tính cấp thiết của Đảng và của đất nước, mà còn đánh dấu một bước phát triển mới trong công tác xây dựng Đảng. Thế nhưng, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách cho rằng Hội nghị này bị thất bại. Đó là hành động “chọc gậy bánh xe”.

Ngay sau khi Đảng ta thông báo nội dung, chương trình Hội nghị Trung ương (HNTƯ) 6 (khóa XI), trên một số trang mạng, blog đã xuất hiện những luận điểm cho rằng: “Hội nghị lần này phe A sẽ thắng phe B, ông này nhất định sẽ bị kỷ luật, ông kia nhất định sẽ bị thanh trừng, hạ bệ!”… Trong quá trình Đảng ta tiến hành Hội nghị thì chúng lại đưa ra “nhận định”: “có lẽ đây chỉ là cuộc tắm gội vờ vịt, qua loa… rồi mọi sự xí xóa, huề cả làng… để tránh tình trạng sụp đổ, chết cả nút”… Khi Hội nghị thành công, bế mạc, chúng xuyên tạc kết quả của Hội nghị là “trái núi đã sinh ra con chuột nhắt!”, rồi còn suy rộng ra “hình thức phê bình và tự phê bình của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể đạt được hiệu quả trong thực tế, bởi vì từ trước đến giờ chưa có một cuộc kiểm điểm, phê bình và tự phê bình nào thật nghiêm khắc hay như mong đợi của người dân. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương vừa rồi cũng phản ánh điều đó… làm cho nhiều người bất ngờ, hụt hẫng, thất vọng, báo hiệu một nguy cơ!”…

Thực chất, những luận điệu trên đây chẳng có gì mới, vẫn là kiểu “chọc gậy bánh xe” của các thế lực thù địch. Những luận điểm này không chỉ do phương pháp nhận thức mang tính tư biện, suy diễn chủ quan, phiến diện, chỉ lấy việc xử lý kỷ luật, thanh trừng nội bộ làm tiêu chí đánh giá kết quả HNTƯ 6 (khóa XI); mà còn xuất phát từ những toan tính cá nhân cơ hội, thực dụng về chính trị, ngộ nhận, lầm tưởng mình là “người có tài, am hiểu thời, thế”. Bên cạnh đó là những bức xúc cá nhân do quá đề cao “cái tôi”, cố tình tráo trở phương pháp, ra sức xuyên tạc tình hình, tìm cách “chọc gậy bánh xe”, mưu toan gây chia rẽ, làm phân hóa Đảng, Nhà nước ta và làm rạn vỡ sự đồng thuận trong xã hội. Thậm chí, có kẻ còn kích động, cho rằng, căn nguyên của tình trạng “vẫn như cũ” là do chúng ta chưa có “một cá nhân hay một nhóm nổi trội hẳn lên về trí tuệ, nhân cách, phất cờ chính nghĩa dân tộc như Lech Walesa ở Ba Lan, Gorbachev hay Yeltsin ở Liên Xô trước đây”. Thực ra, những cá nhân được họ dẫn ra đó đã để lại những dấu ấn đau buồn trong lịch sử nhân loại; họ không hiểu, hay cố tình không hiểu như vậy?

Đảng ta là một đảng cầm quyền. Trong quá trình lãnh đạo Nhà nước và xã hội, có những cán bộ, đảng viên (CB,ĐV) vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước, kỷ cương xã hội cần phải kiên quyết xử lý nghiêm túc. Đảng ta không phủ nhận điều đó, nhưng việc thi hành kỷ luật CB,ĐV đòi hỏi phải xem xét thật sự công minh, chính xác. Muốn làm được điều đó, phải dựa chắc trên cơ sở kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của tổ chức đảng và đảng viên; kết quả kiểm tra, giám sát của cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp; phân tích kỹ điều kiện lịch sử, cụ thể; thấm nhuần sâu sắc đạo lý mang đậm tính nhân văn của Đảng và của dân tộc ta là “trị bệnh cứu người”, “lấy lòng thân ái, lấy lòng thành thật mà ráo riết, phê bình đồng chí mình” để giúp nhau tiến bộ1… Điều quan trọng nhất là, xử lý kỷ luật trong Đảng không phải để thanh trừng nội bộ, mà mục đích tối thượng là làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, đoàn kết thống nhất, gắn bó mật thiết với nhân dân. Trong bối cảnh lịch sử đầy khó khăn, thách thức hiện nay, toàn Đảng và toàn dân ta càng phải chăm lo giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong xã hội như giữ gìn con ngươi trong mắt mình, bảo đảm cho đất nước luôn ổn định và phát triển bền vững. 

Đúng là chúng ta còn nhiều trăn trở, suy tư về việc một số cán bộ cao cấp (cả đương chức và nguyên chức) có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, chưa gương mẫu về đạo đức, lối sống của bản thân và gia đình, nói không đi đôi với làm, ảnh hưởng lớn đến uy tín của Đảng và Nhà nước. Hay trong đợt sinh hoạt kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, có một số tổ chức đảng chưa làm rõ được thực chất, mức độ, địa chỉ cụ thể của những hạn chế, khuyết điểm và quy rõ trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu… Song, với bản lĩnh và trí tuệ được tôi luyện và kiểm nghiệm nghiêm ngặt trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, chúng ta cảm nhận sâu sắc rằng: HNTƯ 6 (khóa XI) đã đánh dấu bước phát triển mới trong công tác xây dựng Đảng (XDĐ).

Thông qua việc thảo luận và quyết nghị một số vấn đề có ý nghĩa chiến lược rất hệ trọng và nhạy cảm, mang tính cấp thiết của Đảng và của đất nước, Hội nghị đã thể hiện rõ nét bước phát triển mới về tư duy lãnh đạo của Đảng. Bản lĩnh và trí tuệ của Đảng cầm quyền được thể hiện trước hết và quan trọng nhất ở tư duy lãnh đạo, dựa trên cơ sở chủ thuyết chính trị khoa học và cách mạng; nhận thức và vận dụng sáng tạo các quy luật phát triển của xã hội; bám sát những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn để hoạch định đường lối, chủ trương lãnh đạo đúng đắn, có tính khả thi, hợp lòng dân và mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong từng thời kỳ, giai đoạn phát triển của đất nước. HNTƯ 6 (khóa XI) đã xác định rõ những quan điểm chỉ đạo, định hướng phát triển và đề ra những chủ trương, giải pháp có ý nghĩa chiến lược và mang tính cấp thiết để thúc đẩy sự phát triển một số lĩnh vực trọng yếu của đời sống kinh tế - xã hội, như: tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước; tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu CNH,HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Đây là những vấn đề có tầm chiến lược rộng lớn và sâu sắc, thể hiện rõ nét bản chất của xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng với mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; đồng thời, là những vấn đề rất hệ trọng, phức tạp và nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến việc giữ vững ổn định chính trị - xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước.

Cùng với đó, Hội nghị đã thảo luận và quyết nghị về xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương (BCHTƯ), Bộ Chính trị (BCT), Ban Bí thư (BBT) và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, thể hiện bước phát triển mới về tư duy chiến lược trong công tác cán bộ của Đảng. Thực tế cho thấy, việc Đảng ta chưa làm tốt công tác xây dựng quy hoạch BCHTƯ, BCT, BBT và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước đã dẫn đến tình trạng có lúc chúng ta lúng túng về lựa chọn, phân công công tác đối với nhân sự cấp cao; đặc biệt, có những trường hợp bố trí nhân sự chưa tương xứng với trọng trách được giao. Việc xây dựng và thực hiện quy hoạch cán bộ cấp chiến lược là vấn đề đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn và sâu sắc đối với vận mệnh của Đảng và chế độ XHCN, sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, BCHTƯ Đảng thảo luận và quyết nghị về vấn đề đặc biệt hệ trọng và nhạy cảm này, nhằm chủ động chuẩn bị nguồn cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược dồi dào để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách, nâng cao chất lượng cán bộ cấp chiến lược, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, làm cơ sở quan trọng để thực hiện tốt công tác nhân sự Đại hội Đảng toàn quốc, nhân sự cấp cao của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016 - 2020 và các nhiệm kỳ tiếp theo. Có thể khẳng định HNTƯ 6 (khóa XI) là một mốc quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới về tư duy chiến lược mang tính đột phá trong công tác cán bộ của Đảng, tạo tiền đề đưa công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược trở thành nền nếp, có chất lượng và hiệu quả ngày càng cao. Đây là vấn đề then chốt, có ý nghĩa trực tiếp quyết định, bảo đảm cho Đảng và đất nước ta luôn chủ động về chiến lược trong mọi tình huống.

Đặc biệt, tại Hội nghị, BCT, BBT, BCHTƯ đã báo cáo việc nghiêm túc tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); đồng thời, thành thật nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân và hứa cố gắng làm hết sức mình để từng bước khắc phục đã thể hiện rõ nét bước phát triển mới về tính chiến đấu của Đảng. Đợt kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của toàn Đảng, mỗi CB,ĐV, trước hết là của BCT, BBT theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) thực sự là đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt, rất hệ trọng, vì sự trong sạch, vững mạnh của Đảng. Trước những yêu cầu cấp bách của công tác XDĐ, những đòi hỏi chân thành và chính đáng của đông đảo CB,ĐV và nhân dân mong muốn Đảng phải sớm khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm, yếu kém tồn tại kéo dài đã qua nhiều lần kiểm điểm, tự phê bình và phê bình nhưng chưa được khắc phục triệt để; BCT, BBT với trách nhiệm rất lớn trước Đảng và nhân dân đã chuẩn bị kiểm điểm, tự phê bình và phê bình rất công phu, khoa học; đồng thời, tổ chức tiến hành rất nghiêm túc, chặt chẽ, nêu cao tinh thần dân chủ và tính chiến đấu, cương quyết và sâu sắc, có trọng tâm, trọng điểm, quyết tâm tạo những chuyển biến, tiến bộ rõ nét trong XDĐ.

Tại HNTƯ 6 (khóa XI), tập thể BCT, BBT, BCHTƯ và từng thành viên đã rất thấm thía, day dứt về những khuyết điểm của mình và quyết tâm khắc phục. Nhiều đồng chí đã tự giác xem xét lại mình, bước đầu tự sửa chữa khuyết điểm, tự điều chỉnh hành vi trong công tác và cuộc sống của mình và gia đình. BCT, BBT đã xác định rõ những chủ trương, giải pháp khắc phục khuyết điểm, yếu kém, trong đó nhấn mạnh: từng đồng chí Ủy viên BCT, BBT, trước hết là các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước cam kết với BCHTƯ luôn thực sự gương mẫu, đoàn kết thống nhất, hết lòng, hết sức vì Đảng, vì dân; giáo dục gia đình (vợ, chồng, con) và người thân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn đạo đức, lối sống. Từng đồng chí thực hành tự phê bình, phê bình thẳng thắn chân thành với tình thương yêu đồng chí, khắc phục ngay tình trạng nể nang, né tránh; gương mẫu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tăng cường giám sát, nhắc nhở nhau để sớm phát hiện, ngăn ngừa, xử lý những biểu hiện vi phạm Quy định số 47-QĐ/TW của BCT về những điều đảng viên không được làm. BCT, BBT cũng đã chỉ đạo giải quyết ngay một số vấn đề nổi cộm, bức xúc; phát huy các nhân tố tích cực, siết lại kỷ luật, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe và ngăn chặn các hành vi tiêu cực. Cũng tại Hội nghị, lần đầu tiên BCHTƯ đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn thành công, trong không khí dân chủ, thẳng thắn và xây dựng.

Sự nghiêm túc trong quá trình tiến hành và kết quả kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của BCT, BBT theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), nhất là tâm huyết và dũng khí của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ thể hiện khi thành thật nhận lỗi trước Đảng, trước dân cùng sự quan tâm sâu sắc của đông đảo CB,ĐV và nhân dân đối với công tác XDĐ là cơ sở để chúng ta càng tin tưởng HNTƯ 6 (khóa XI) đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ, có chiều sâu và độ vững chắc hơn trong công tác XDĐ. Điều đó làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, gắn bó máu thịt với nhân dân, lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn dân, toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Lịch sử Đảng ta đã chứng minh và khẳng định vấn đề có tính quy luật là khi Đảng tự nghiêm khắc nhận ra sai lầm, khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa thì năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng được nâng lên, vai trò lãnh đạo và uy tín của Đảng được tăng cường.

Kết quả của HNTƯ 6 (khóa XI) là hết sức to lớn, không thể phủ nhận. Song để kết quả đó thực sự đi vào cuộc sống, tạo nên những chuyển biến có chiều sâu và độ vững chắc hơn trong công tác XDĐ, chúng ta cần tập trung thực hiện tốt hai vấn đề cấp thiết sau:

Một là, tăng cường thông tin tuyên truyền với định hướng chính trị - tư tưởng rõ ràng và có sức thuyết phục để CB,ĐV và nhân dân ta nhận thức đúng đắn về HNTƯ 6 (khóa XI), nhất là về kết quả kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của BCT, BBT, làm cho kết quả đó lan tỏa sâu rộng, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của các cấp ủy và CB,ĐV theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Hai là, tạo được những chuyển biến rõ nét trong thực tiễn về hiệu quả thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và hiệu quả sửa chữa, khắc phục những khuyết điểm, yếu kém của tổ chức đảng và của từng CB,ĐV, nhất là những cán bộ chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở, mang lại những lợi ích thiết thực cho nhân dân và tăng cường sự gắn bó máu thịt của Đảng với nhân dân. Đây là điều mấu chốt nhất, là tiêu chí cao nhất để đánh giá sự phát triển của công tác XDĐ và sự tiến bộ của CB,ĐV. Điều này đòi hỏi rất cao, đồng thời là sự kiểm nghiệm rất nghiêm ngặt tâm huyết và dũng khí của người CB,ĐV, nhất là bản lĩnh và sự gương mẫu của người đứng đầu.

Để làm tròn sứ mệnh lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới, Đảng ta phải kiên quyết tự đổi mới, chỉnh đốn để phát triển. Mọi hành động “chọc gậy bánh xe” đều là những trò hề chính trị, không hơn, không kém và nhất định sẽ thất bại.

Trung tướng, PGS, TS. NGUYỄN TIẾN BÌNH

                  

1 - Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 239.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.