Thứ Bảy, 23/11/2024, 17:56 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã đánh dấu sự ra đời của Nhà nước kiểu mới - Nhà nước XHCN ở Nga, hiện thực hóa luận điểm của V.I. Lê-nin: “Cách mạng vô sản có thể thành công trong một nước”; đồng thời, mở đầu một kỷ nguyên mới - quá độ từ CNTB lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới. Vậy sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu có làm thay đổi sự đánh giá này?
Để giải đáp câu hỏi trên, đồng thời có căn cứ bác bỏ những luận điệu xuyên tạc giá trị của Cách mạng Tháng Mười khi cho rằng, cuộc cách mạng đó là “một sai lầm lịch sử”, hay “một sự kiện thuần Nga”…; dựa vào tính khách quan và thực tiễn lịch sử, có hai vấn đề được đặt ra nghiên cứu. Một là, tính tất yếu lịch sử của Cách mạng Tháng Mười; hai là, hiện trạng tồn tại của những thành quả cách mạng được tạo ra từ Cách mạng Tháng Mười, nhất là sau khi chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ.
Ngược dòng lịch sử ta thấy, Cách mạng Tháng Mười Nga là sự kế tiếp Cách mạng Tháng Hai, mục tiêu được chuyển từ đánh đổ chế độ phong kiến Nga Hoàng sang đánh đổ giai cấp tư sản, giành toàn bộ chính quyền vào tay Xô-viết công nhân, nông dân và binh lính cách mạng. Khi đó, tình thế cách mạng chín muồi không chỉ từ những nhân tố trong nội bộ nước Nga, mà bao gồm cả những nhân tố trong quan hệ quốc tế. Trên thế giới, CNTB đã chuyển thành chủ nghĩa đế quốc (CNĐQ), trở thành “con đỉa hai vòi”, áp bức cả giai cấp công nhân, nhân dân lao động trong nước và mở rộng sự áp bức ra toàn thế giới đối với các dân tộc thuộc địa. Hơn nữa, do chi phối bởi quy luật tuyệt đối phát triển không đều của CNTB, dẫn tới sự tranh chấp thuộc địa giữa các nước đế quốc, đã đẩy đến chiến tranh giữa liên minh Anh - Pháp với Đức - Áo - Hung. Cuộc chiến tranh này tạo điều kiện cho phong trào cách mạng phát triển; sự phẫn nộ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong các nước đó đối với gánh nặng của chiến tranh, đã chọc thủng mặt trận đế quốc chủ nghĩa ở khâu yếu nhất. Cũng do cắn xé nhau, khi cách mạng Nga nổ ra, các nước đế quốc không thể tập trung lực lượng chống lại. Lúc này, ở nước Nga, chế độ quân chủ chuyên chế Nga Hoàng đã gây bất mãn cao độ trong nhân dân, từ sụp đổ kinh tế, nạn đói xảy ra và do thất bại nặng nề trong chiến tranh, nhiều binh sĩ rời bỏ trận địa, mang vũ khí nộp cho các tổ chức vũ trang cách mạng. Khí thế cách mạng bao trùm trên cả nước, từ bãi công chính trị chuyển sang khởi nghĩa vũ trang, khiến Hoàng đế Ni-cô-lai II phải thoái vị và theo đó, đế quốc Nga cáo chung. Cách mạng Tháng Hai đưa giai cấp tư sản lên cầm quyền, tạo nên thực trạng hai chính quyền song song tồn tại: chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản, có sự ủng hộ của phái Men-sê-vich và các Xô-viết của công nhân, nông dân, binh lính cách mạng, do Đảng Bôn-sê-vich lãnh đạo. Chính phủ lâm thời vẫn tiếp tục theo đuổi chiến tranh đế quốc. Ngoài mặt trận, trong cuộc tấn công liên quân Đức - Áo - Hung, quân Nga vẫn thất bại nặng nề, 60.000 binh lính bị bắt và bị giết, gây căm phẫn cao độ trong nhân dân, đã tạo thêm điều kiện cho Đảng Bôn-sê-vich tập hợp lực lượng cách mạng để đè bẹp sự phản kháng của giai cấp tư sản, thực hiện khẩu hiệu “Tất cả chính quyền về tay Xô-viết”. “Sắc lệnh Hòa bình” và “Sắc lệnh Ruộng đất” được ban hành ngay sau thắng lợi của Tổng khởi nghĩa. Sử liệu trên đây đã khẳng định tính tất yếu, hợp quy luật của quá trình Cách mạng Tháng Mười Nga, trong đó Đảng Bôn-sê-vich, với đường lối đúng đắn đã cố kết được quảng đại quần chúng xung quanh giai cấp công nhân, tạo nên sức mạnh bất khả chiến bại trong giành chính quyền.
Theo ý tưởng của V.I. Lê-nin, việc chuyển từ chính phủ cách mạng lâm thời sang chính quyền Xô-viết là một bước quá độ không phải khởi nghĩa vũ trang. Trong Luận cương “Về nhiệm vụ của giai cấp vô sản trong cuộc cách mạng hiện nay” (còn gọi là “Luận cương Tháng Tư”), V.I. Lê-nin khẳng định: “Đặc điểm của tình hình hiện nay ở Nga là bước quá độ từ giai đoạn thứ nhất của cách mạng, là giai đoạn đã đem lại chính quyền cho giai cấp tư sản do chỗ trình độ giác ngộ và tổ chức của giai cấp vô sản còn thấp, tiến lên giai đoạn thứ hai của cách mạng, là giai đoạn phải đem lại chính quyền cho giai cấp vô sản và cho những tầng lớp nghèo trong nông dân”1. Việc phải vũ trang khởi nghĩa là do chính phủ lâm thời đã đàn áp quần chúng trong những cuộc biểu tình với khẩu hiệu “Hòa bình - Ruộng đất - Bánh mì”, “Đả đảo chiến tranh” và “Tất cả chính quyền về tay Xô-viết”. Từ ngày 03-7-1917, sau vụ vũ trang đàn áp quần chúng, chính phủ lâm thời đã ra lệnh cấm báo chí hoạt động, phá hủy nhà máy in, truy nã V.I. Lê-nin (khiến Người phải rút vào hoạt động bí mật), tước vũ khí của các đơn vị vũ trang cách mạng và đẩy binh lính ra mặt trận. Chính phủ lâm thời đã dần dần biến thành Hội đồng quân sự. Tình hình đó buộc Đảng Bôn-sê-vích phải chuyển phương pháp đấu tranh từ hòa bình sang vũ trang khởi nghĩa. Cách mạng Tháng Mười giành toàn thắng vào ngày 07-11 (theo lịch Nga cũ là 25-10), với cuộc nổi dậy của toàn dân, được phát lệnh bằng những phát đại bác nã vào Cung điện Mùa Đông ở Pê-trô-grat. Ngay sau khi chính quyền về tay Xô-viết, các thế lực phản động đã phát động cuộc nội chiến, với đội quân Bạch vệ, được 14 vạn quân (có lúc lên đến 30 vạn) của 14 nước đế quốc ủng hộ tham chiến, hy vọng đánh đổ chính quyền Xô-viết, phục hồi lại sự thống trị của giai cấp tư sản. Để giữ chính quyền trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, với một nền kinh tế kiệt quệ từ chế độ Nga Hoàng, V.I. Lê-nin phải đề ra “Chính sách cộng sản thời chiến”. Với khẩu hiệu “Bảo vệ CNXH với tư cách là Tổ quốc”, quân và dân Nga đã anh dũng chiến đấu, giữ vững thành quả của cách mạng, bảo vệ thắng lợi chính quyền Xô-viết. Diễn biến khách quan của việc vũ trang giành và giữ chính quyền trong Cách mạng Tháng Mười là như vậy, nhưng những thế lực thù địch lúc đó đã xuyên tạc và cho rằng Cách mạng Tháng Mười là hành vi tội ác của những người cộng sản tôn sùng bạo lực, kích động nội chiến. Vì lẽ đó, V.I. Lê-nin đã phải phê phán gay gắt những người thuộc giai cấp tư sản, tự xưng là dân chủ - xã hội, bất kể liêm sỉ, vu khống Người là: “đã cắm lá cờ nội chiến trong hàng ngũ phái dân chủ cách mạng”2.
Sau khi giành thắng lợi trong cuộc nội chiến, Nhà nước Xô-viết bãi bỏ “Chính sách cộng sản thời chiến”, thực hiện “Chính sách kinh tế mới” (NEP) và kết thúc trong năm 1924. Về sau, theo từng kế hoạch 5 năm, các nhà lãnh đạo nối tiếp nhau thực hiện mục tiêu xây dựng CNXH, tiến lên CNCS và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Liên Xô đã trở thành cường quốc, cùng các nước đồng minh đánh bại phát-xít Đức, sau đó đứng đầu hệ thống XHCN, trở thành chỗ dựa vững chắc cho phong trào cách mạng thế giới trong cuộc đấu tranh với CNĐQ, vì hòa bình, độc lập dân tộc và CNXH. Sự sụp đổ của Liên Xô sau hơn 70 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân căn bản là sai lầm về đường lối và xa rời những nguyên lý căn bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin.
Tính tất yếu, hợp quy luật của Cách mạng Tháng Mười đã tác động tích cực đến quá trình cách mạng, cổ vũ tinh thần tự lực của giai cấp công nhân và các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới đứng lên tự giải phóng khỏi áp bức, bóc lột. Trước hết, với ý nghĩa mở đầu một thời đại mới, Cách mạng Tháng Mười tạo ra dấu ấn rõ ràng của việc xuất hiện hệ thống XHCN trên phạm vi toàn thế giới. Cho dù hiện nay, chỉ còn lại mấy nước; mỗi nước lại có đặc điểm khác nhau và đang tiến hành cải cách, đổi mới, khắc phục những tồn tại của mô hình CNXH cũ, xây dựng nhà nước phù hợp với đặc điểm của quốc gia, dân tộc mình. Nhưng dù thế nào, đó vẫn là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; kiên định mục tiêu, lý tưởng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, trong đó có Việt Nam. Trong xây dựng và phát triển đất nước, gắn độc lập dân tộc với CNXH, chúng ta vẫn luôn kiên định tư tưởng Hồ Chí Minh: “Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười đã dạy cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới nhiều bài học hết sức quý báu, bảo đảm cho sự nghiệp giải phóng triệt để của giai cấp công nhân và của cả loài người. Giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam ngày càng thấm nhuần những lời dạy của Lê-nin và những bài học lớn của Cách mạng Tháng Mười”3. Gần đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng kiên trì định hướng, củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên vào “ba vấn đề quan trọng là ý thức hệ, đường lối và chế độ” trong ý định cải cách thể chế chính trị. Hằng năm, vào dịp Kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động (01-5), vẫn còn rất nhiều hoạt động, sự kiện mang ý nghĩa đoàn kết giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức toàn thế giới, trong đó tiên phong là các thế hệ những người cộng sản. Trong bối cảnh thế giới có những đổi thay từ sau Liên Xô sụp đổ, hội nghị các Đảng Cộng sản và công nhân ở các khu vực trên khắp các lục địa vẫn khẳng định lập trường kiên định và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong hoàn cảnh mới. Đó chính là những biểu hiện sinh động sự ủng hộ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đối với di sản tinh thần và kinh nghiệm mà Cách mạng Tháng Mười đã để lại.
Điều thứ hai cần thấy rõ rằng, ở các châu lục, từ Á, Phi đến Mỹ La-tinh, nhiều nước đã thành công trong giải phóng dân tộc, dù trực tiếp hay gián tiếp đều có sự tác động, ảnh hưởng từ tấm gương Cách mạng Tháng Mười Nga. Noi theo tinh thần Cách mạng Tháng Mười, nhân dân lao động ở các nước đó đã quật khởi đứng lên chống chủ nghĩa thực dân. Sau đó, theo xu hướng tích cực, đã đoàn kết các lực lượng tiến bộ xây dựng đất nước độc lập, tự chủ, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, ủng hộ các cuộc đấu tranh chính nghĩa chống CNĐQ. Ngày nay, các nước này tuy tự xác định thuộc “thế giới thứ ba”, bởi chưa đi vào quỹ đạo CNXH, nhưng đã khẳng định: phát triển đất nước theo con đường “phi TBCN”. Bởi họ tự nhận thấy rằng, CNTB tuy vẫn còn tiềm năng phát triển, nhưng về bản chất là một chế độ áp bức, bóc lột, bất công, tự nó không giải quyết được những mâu thuẫn cơ bản và khủng hoảng kinh tế - xã hội vẫn là “con ngựa bất kham” không điều khiển được.
Riêng nước Nga ngày nay, mặc dù thể chế nhà nước đã có sự thay đổi, song Cách mạng Tháng Mười vẫn là biểu tượng và niềm kiêu hãnh của nhân dân và chính giới Nga. Kết quả thăm dò dư luận trong nước Nga của Trung tâm phân tích Levada ngày 12-01-2008, cho biết: trong đánh giá Cách mạng Tháng Mười, tuy có một tỷ lệ (15-16%) không công nhận chân giá trị, nhưng có tới 57% thừa nhận Cách mạng Tháng Mười đem lại lợi ích cho nhân dân Nga; 26% xác nhận Cách mạng Tháng Mười đã mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử nước Nga; 31% khẳng định Cách mạng Tháng Mười đem lại sự nhảy vọt cho kinh tế và xã hội Nga. Một sự kiện quan trọng là ngày 11-4-2009, Tổng thống Dimitry Medvedev ký Đạo luật Liên bang, khôi phục Lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga từ năm 2010, được Đuma quốc gia (Hạ viện) thông qua ngày 27-3-2009 và Hội đồng Liên bang (Thượng viện) thông qua ngày 21-4-2009. Có thể tin rằng, đông đảo những con người sống trong chế độ Xô-viết đều biết rõ sự thật và còn nhớ CNXH trên thực tế đã được xây dựng như thế nào và đã đem lại những gì cho họ. Trong kết thúc cuốn “Từ Stalin đến Enxin”, N.C. Bai-ba-cốp xác định: “Mỗi người trong chúng ta có bổn phận giữ gìn sự thật ấy và truyền lại sự thật ấy cho những thế hệ tiếp theo”. Minh chứng cho điều này là, ngày 7-11-2010, trong Kỷ niệm 93 năm Cách mạng Tháng Mười, nước Nga đã long trọng tái diễn sự kiện lịch sử của ngày 7-11-1941 – ngày Kỷ niệm lần thứ 24 Cách mạng Tháng Mười, khi đó, Hồng quân sau khi diễu binh trên Quảng trường Đỏ, đã tiến thẳng ra mặt trận để đánh bại quân phát-xít xâm lược.
Từ những nét lớn về lịch sử diễn ra Cách mạng Tháng Mười Nga và thực tế tiến triển ngày nay của thế giới, không thể phủ nhận giá trị của Cách mạng Tháng Mười đối với nước Nga và cả loài người tiến bộ. Theo nhận định của Đảng ta: “Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới CNXH”4. Là sự kiện lịch sử mở đầu cho quá trình đó, Cách mạng Tháng Mười Nga nhất định sẽ trường tồn cùng nhân loại. Mọi mưu đồ suy diễn, phủ nhận giá trị của cuộc Cách mạng này đều là phi lịch sử, cần bác bỏ.
Đại tá, PGS. HỒ KIẾM VIỆT ______________
1, 2 - V.I. Lê-nin - Toàn tập, Tập 31, Nxb Tiến bộ, M. 1981, tr. 137 – 138, 141.
3 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, H. 1996, tr. 303.
4 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 69.
Cách mạng tháng 10
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm 07/11/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 30/10/2024
“Nhân quyền cao hơn chủ quyền” – sự đòi hỏi phi lý 07/10/2024
Phê phán quan điểm cho rằng đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là “thiếu khoa học, không khả thi” 30/09/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận tình đồng chí, đồng đội trong Quân đội ta 27/09/2024
Luận cứ đanh thép phản bác sự xuyên tạc đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng 26/09/2024
Phản bác luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam 16/09/2024
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân” 28/08/2024
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch 19/08/2024
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối 19/08/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm