Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Hai, 07/11/2022, 08:33 (GMT+7)
Kỷ niệm 105 năm Cách mạng Tháng Mười Nga
Giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga - sự thật không thể xuyên tạc

Từ phủ nhận cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga để đi đến phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin và chế độ xã hội chủ nghĩa là thủ đoạn thường thấy của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị. Tuy nhiên, tầm vóc, giá trị lịch sử và hiện thực của cuộc Cách mạng vĩ đại này đối với sự phát triển của nhân loại nói chung, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế nói riêng là sự thật không thể xuyên tạc.

Ngày 07/11/1917, một sự kiện lịch sử vĩ đại của nhân loại đã diễn ra ở nước Nga, quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo thiên tài của V.I. Lênin và Đảng Bônsêvích đã tiến hành cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa thành công, phá vỡ mắt xích yếu nhất của chủ nghĩa đế quốc, lập nên Nhà nước công - nông đầu tiên trên thế giới, mở đầu thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.

Đã 105 năm trôi qua, tình hình thế giới có nhiều biến chuyển, nhưng tầm vóc của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn vẹn nguyên giá trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”1. Thế nhưng, các thế lực thù địch, phản động đã cố tình hoặc không nhận thức được giá trị, ý nghĩa, sự ảnh hưởng to lớn của Cách mạng Tháng Mười, họ không ngừng đẩy mạnh công kích, phủ nhận bằng các luận điệu sai trái, phản động và xuyên tạc, rằng: Cách mạng Tháng Mười chỉ là “tiếm quyền”, “mạo danh”, là “sự sai lầm”, “chệch hướng”, “quái thai của lịch sử”, là sự “đẻ non”, “chín ép” và đã đến “hồi kết thúc”; hay Cách mạng Tháng Mười Nga thực chất là một cuộc “bẻ ghi” đường tàu, khiến một phần nhân loại rẽ sang “đường vòng”, v.v. Thế nhưng, thực tiễn lịch sử không chỉ bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc ấy, mà còn khẳng định và làm sâu sắc thêm giá trị, tầm vóc to lớn của cuộc Cách mạng vĩ đại này.

Trước hết, cần khẳng định rằng, thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga là minh chứng hùng hồn nhất về việc vận dụng và đưa lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin thành hiện thực cuộc sống sinh động, chủ nghĩa xã hội từ chỗ là “bóng ma ám ảnh châu Âu” thì nay được biết đến không chỉ là một học thuyết, mà còn là một chế độ xã hội mới tốt đẹp. Lý tưởng, mục tiêu, khát vọng của quần chúng lao động đứng lên đấu tranh giải phóng khỏi sự áp bức đã khẳng định tính khoa học, cách mạng của lý luận Mác - Lênin về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử và trở thành sức mạnh hiện thực của chế độ xã hội mới - xã hội chủ nghĩa. Không chỉ vậy, sự ra đời của nước Nga - Xô viết đã phủ định về nguyên tắc đối với chủ nghĩa tư bản, tạo nên sự đối trọng, buộc giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản trên toàn thế giới phải tìm cách tự điều chỉnh, thích nghi cả về lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất để kéo dài sự tồn tại. Vì thế, các luận điệu coi Cách mạng Tháng Mười là “sự sai lầm”, “chệch hướng”, “quái thai của lịch sử” là sự xuyên tạc phiến diện, vô căn cứ, không thể chấp nhận được.

Mặt khác, nếu như tất cả các cuộc cách mạng đã từng diễn ra trong lịch sử, về bản chất chỉ là sự thay đổi chế độ bóc lột này bằng chế độ bóc lột khác, thì Cách mạng Tháng Mười Nga là sự đoạn tuyệt với các chế độ xã hội trước đó, xác lập chế độ xã hội mới do nhân dân làm chủ và hướng tới mục tiêu đấu tranh xóa bỏ tận gốc mọi áp bức, bóc lột, bất công trong xã hội, gắn giải phóng giai cấp với giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Điều đó chứng tỏ, Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng sâu sắc, triệt để nhất trong lịch sử. Sức sáng tạo của Cách mạng Tháng Mười trong công cuộc cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới là cội nguồn sức sống của chủ nghĩa xã hội hiện thực và những biến đổi căn bản lịch sử phát triển của nhân loại trong thế kỷ XX. Cuộc Cách mạng này đã khẳng định bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin; làm xuất hiện khả năng gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, mở ra cho các dân tộc bị áp bức, phụ thuộc, cơ hội tự quyết định vận mệnh của mình cũng như con đường phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Lý luận về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và “sự phát triển rút ngắn” đã được Đảng Bônsêvích và V.I. Lênin thể nghiệm thành công qua Chính sách kinh tế mới là những bài học kinh nghiệm quý báu để các nước thực hiện quá độ gián tiếp lên chủ nghĩa xã hội.

Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi cùng với chính quyền Xô viết được thiết lập đã đưa nước Nga đạt được những thành tựu vĩ đại trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, mang lại lợi ích cho đông đảo quần chúng nhân dân mà trước đó chưa xã hội nào có được. Từ một nước tư bản phát triển trung bình, chỉ một thời gian ngắn sau khi Cách mạng thành công, Liên Xô đã trở thành một cường quốc đứng thứ hai trên thế giới (sau Mỹ). Năm 1944, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ đến thăm Ural, Siberia, Kazakhstan đã tuyên bố rằng: tiến bộ kinh tế của Liên Xô từ năm 1928 là “một thành tựu phi thường trong lịch sử phát triển công nghiệp của cả thế giới”. Nếu như nước Anh cần 200 năm, nước Mỹ cần 120 năm, Nhật Bản cần 40 năm để trở thành một nước công nghiệp, thì Liên Xô chỉ cần 18 năm để hoàn thành về cơ bản quá trình công nghiệp hóa của mình. Đây là tốc độ công nghiệp hóa nhanh nhất mà thế giới từng ghi nhận. Đó là minh chứng sống động về giá trị lớn lao của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với tiến trình lịch sử thế giới. Vì thế, không thể gọi cuộc Cách mạng này là sự “tiếm quyền”, “mạo danh” hoặc đơn giản là một cuộc “bẻ ghi” đường tàu như các thế lực thù địch, phản động thường rao giảng.

Hơn thế nữa, Cách mạng Tháng Mười Nga còn đóng vai trò to lớn trong cổ vũ, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào cách mạng thế giới. Từ thắng lợi ở một nước, chủ nghĩa xã hội hiện thực đã phát triển mạnh mẽ ở châu Âu, châu Á, châu Phi, Mỹ La-tinh. Với sức mạnh của chế độ mới ưu việt, từ nước Nga, đến Liên Xô và cả hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới đã góp phần to lớn vào sự phát triển mọi lĩnh vực; là lực lượng trụ cột giữ thế cân bằng cho một trật tự thế giới ổn định, hòa bình; là nhân tố quan trọng cứu nhân loại khỏi thảm họa phát xít. Có thể nói, thế kỷ XX là thế kỷ thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin, của những lý tưởng cách mạng cao cả được hiện thực hóa; giai cấp công nhân và nhân dân lao động đứng lên đấu tranh để tự giải phóng mình và giải phóng xã hội. V.I. Lênin khẳng định: Cách mạng Tháng Mười Nga đã “mở đầu một thời đại mới trong lịch sử thế giới, thời đại thống trị của một giai cấp mới, giai cấp bị áp bức trong tất cả các nước tư bản và ở khắp nơi đều đang tiến tới một cuộc đời mới, tới chỗ giải phóng nhân loại khỏi ách tư bản, khỏi những cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa”2.

Sự sụp đổ của mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sau hơn 70 năm ra đời và phát triển không hề chứng tỏ tính chất lỗi thời của lý tưởng cách mạng xã hội chủ nghĩa, không làm mất đi giá trị, ý nghĩa lịch sử và ảnh hưởng vạch thời đại mà Cách mạng Tháng Mười đã mở ra. Trong sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, sự sụp đổ ấy chỉ nói lên những khó khăn tất yếu trong sự tìm kiếm mô hình thích hợp để hiện thực hóa những tư tưởng vĩ đại mà Cách mạng Tháng Mười đã đặt nền móng. Điều mà những kẻ mưu toan phủ định tầm vóc, giá trị và ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười “cố tình” không hiểu, đó là: cuộc Cách mạng Tháng Mười nổ ra và thành công ở nước Nga, nhưng ảnh hưởng của nó lại mang tầm nhân loại, được các quốc gia, dân tộc phát triển sáng tạo, khẳng định sức sống trường tồn. Vì vậy, sự sụp đổ mô hình của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu đã không gây ra hiệu ứng dây chuyền về sự sụp đổ của tất cả các nước xã hội chủ nghĩa, càng không phải là sự sụp đổ của chủ nghĩa Mác - Lênin với bản chất khoa học và cách mạng. Điều này được chứng minh bởi những thành tựu to lớn mà các nước xã hội chủ nghĩa, như: Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba,… đã đạt được. Đó là thành công của quá trình kiên định lập trường, sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của đất nước, tạo ra những mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực phù hợp; khẳng định con đường đi lên xã hội chủ nghĩa vẫn là tất yếu, phù hợp với quy luật lịch sử và xu thế thời đại. Đúng như Đảng ta đã nhận định: “Chủ nghĩa xã hội hiện đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co; song, loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử”3.

Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và những bài học kinh nghiệm quý báu của Cách mạng Tháng Mười Nga, cách mạng Việt Nam đã quy tụ được lòng dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đưa dân tộc từ thân phận lầm than, nô lệ, bị áp bức đứng lên giành độc lập, thống nhất đất nước, làm nên những thắng lợi vĩ đại trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, vươn mình mạnh mẽ để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại”4.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đã tạo ra bước ngoặt lớn đối với sự phát triển của nước Nga nói riêng, đời sống chính trị thế giới nói chung; khẳng định tính khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin; mở ra thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới; cổ vũ, động viên các dân tộc bị áp bức đứng lên giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, xóa bỏ mọi áp bức, bóc lột, bất công; đưa nhân dân từ địa vị nô lệ lên làm chủ xã hội, làm chủ vận mệnh của mình. Chủ nghĩa tư bản với những điều chỉnh, thích nghi trên quy mô toàn cầu vẫn còn tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, sự điều chỉnh, thích nghi đó chỉ trong giới hạn chủ nghĩa tư bản, không thể khắc phục được mâu thuẫn cơ bản, vốn có của nó và các cuộc khủng hoảng vẫn tiếp tục diễn ra, dẫn đến sự thay thế chủ nghĩa tư bản bằng chủ nghĩa xã hội như một tất yếu, phù hợp với quy luật lịch sử. Những chỉ dẫn từ cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn vẹn nguyên giá trị để nhân loại đạt đến những mục tiêu cao cả, mà không thế lực nào có thể xuyên tạc, bác bỏ

Đại tá, PGS, TS. PHẠM VĂN SƠN - Thượng tá HOÀNG VĂN ĐẠT*
_____________

* - Trường Quân sự Quân khu 7.

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 387.

2 - V.I. Lênin - Toàn tập, Tập 44, Nxb Tiến bộ, M. 1978, tr. 184 - 185.

3 - ĐCSVN - Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb ST, H. 1991, tr. 8.

4 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 25 - 26.

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.