Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Hai, 05/08/2013, 10:35 (GMT+7)
Làm thất bại Chiến lược “Diễn biến hòa bình”
Điều 88 Bộ luật Hình sự phù hợp với luật pháp quốc tế và thực tiễn Việt Nam

Thời gian gần đây, trên một số trang mạng trong và ngoài nước có đăng tải một số bài viết đòi xóa bỏ Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) của Nhà nước ta. Họ cho rằng, Điều 88 là sự vi phạm Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR) mà Việt Nam đã tham gia, là sự chà đạp lên quyền tự do, dân chủ, quyền con người và họ đòi trả tự do ngay cho những người mà họ gọi “tù nhân lương tâm”. Đây là một đòi hỏi phi lý.

Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) là quy định tội về hành vi tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Về mặt khách quan, hành vi tuyên truyền chống Nhà nước bao gồm: a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân; c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (hành vi nêu trên có thể thực hiện công khai hay bí mật). Về mặt chủ quan, lỗi của người phạm tội là cố ý trực tiếp và mục đích là nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Về mặt chủ thể, pháp luật quy định là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt đến độ tuổi nhất định

Xét cả về lý luận và thực tiễn đều có thể thấy, trong bất kỳ Nhà nước nào, pháp luật đều phản ánh ý chí và bảo vệ lợi ích của Nhà nước đó. Pháp luật hình sự Việt Nam là một bộ phận của pháp luật Việt Nam, đương nhiên có trách nhiệm bảo vệ Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Điều này là hiển nhiên, rõ ràng, ai cũng có thể thấy được nếu tìm hiểu Bộ luật Hình sự của các nước. Ví dụ Ðiều 2385 Chương 115 Bộ luật Hình sự Mỹ nghiêm cấm mọi hành vi: “In ấn, xuất bản, biên tập, phát hành, truyền bá, buôn bán, phân phối hoặc trưng bày công khai bất kỳ tài liệu viết hoặc in nào có nội dung vận động, xúi giục, hoặc giảng giải về trách nhiệm, sự cần thiết, tham vọng, hoặc tính đúng đắn của hành vi lật đổ hoặc tiêu diệt bất kỳ chính quyền cấp nào tại Mỹ bằng vũ lực hoặc bạo lực”.

Trong các nhóm khách thể mà luật hình sự bảo vệ, hầu hết các nước đều coi sự tồn tại của nhà nước, của chế độ, của chính thể cũng như sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ là nhóm khách thể quan trọng nhất. Vì vậy, hoàn toàn dễ hiểu khi tội danh này được nằm ngay tại chương đầu tiên phần quy định các tội phạm cụ thể.

Với các dấu hiệu pháp lý mang tính luật định, thời gian qua, một số người đã có các hành vi tội phạm “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” được quy định tại Điều 88 Bộ luật Hình sự, được đưa ra xét xử công khai. Đó là ngày 10-8-2012, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử hình sự sơ thẩm đối với bị cáo Lê Thanh Tùng (44 tuổi, tại phố Chợ, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo quy định tại Điều 88, Khoản 1, điểm a, điểm c Bộ luật Hình sự. Ngày 24-9-2012, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu Cày, 60 tuổi) mức án 12 năm tù về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”, bị cáo Tạ Phong Tần (44 tuổi, ngụ Bạc Liêu) lĩnh án 10 năm và bị cáo Phan Thanh Hải (43 tuổi) án 4 năm tù, quản thúc 03 năm. Ngày 16-5-2013, Tòa án nhân dân tỉnh Long An mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với 02 bị cáo Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”… Qua xét xử, phần lớn các bị cáo đều nhận thức rõ được hành vi của mình là sai trái, vi phạm pháp luật hình sự của Nhà nước, cấu thành tội phạm; đều ân hận do bị mua chuộc, lôi kéo, kích động của các tổ chức, cá nhân phản động trong và ngoài nước.

Những người đòi xóa bỏ Điều 88 cho rằng, “Nhà nước XHCN là một khái niệm đầy mơ hồ”! Thực ra đây là cách nhìn nhận mơ hồ, vì Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ra đời, tồn tại là có cơ sở pháp lý rõ ràng. Về pháp luật quốc tế, tại Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 (ICCPR) đã quy định rõ: Mọi quốc gia có quyền tự do lựa chọn chế độ chính trị. Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (trước đó là Việt Nam Dân chủ cộng hòa) được Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh, sáng lập từ bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 02-9-1945, là Nhà nước có bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á. Tại Phiên họp lần thứ 32 Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 20-9-1977, Nhà nước Công hòa XHCN Việt Nam được chính thức công nhận là thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc.

Một số người lập luận rằng, ở góc độ chính trị - xã hội, tội phạm phải được xem là những hành vi gây nguy hiểm cho những điều kiện sinh tồn của xã hội. Thực hiện quyền tự do ngôn luận là một trong những điều kiện sinh tồn của xã hội và do đó không thể xem hành vi này là tội phạm được. Như vậy ở góc độ này, Điều 88 Bộ luật Hình sự Việt Nam hoàn toàn mâu thuẫn với định nghĩa về tội phạm”.

Phải thấy rằng, tội phạm là một phạm trù mang tính giai cấp, việc xác định tội phạm là tùy thuộc vào quan điểm của giai cấp nắm chính quyền Nhà nước. Nguyên lý này đã, đang và mãi hiện diện trong luật hình sự của các Nhà nước trên thế giới. Bất kỳ hành vi nào, dù thực hiện dưới lời nói hay việc làm mà đe dọa sự tồn tại của Nhà nước, đều coi là hành vi nguy hiểm, cần phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Một số ý kiến lại cho rằng, Điều 88 chỉ cần xuất hiện khi Việt Nam có “nhu cầu bảo vệ an ninh quốc gia” hay “khi xảy ra tình trạng khẩn trương thực sự đe dọa sinh mạng toàn quốc gia và Nhà nước chính thức công bố tình trạng khẩn trương này”. Theo họ, “Việt Nam đã có hòa bình trong bao năm nay và chưa bao giờ ban bố tình trạng khẩn cấp vì quốc gia bị đe dọa toàn diện”; do đó, Điều 88 “không thỏa mãn những điều kiện kể trên”.

Ngược dòng lịch sử, thời vua Lê Thái Tổ đánh tan giặc Minh xâm lược, giành được độc lập, nhà Lê đã chủ trương xây dựng pháp luật. Về xây dựng pháp luật, khi đó đã có câu “Tri kim nhật, tri lai nhật” (làm luật phải biết ngày hôm nay, hiểu ngày sau). Xây dựng pháp luật để quản lý xã hội, giữ vững an ninh, trật tự mà không xây dựng quy phạm có tính dự báo, dự liệu; để cho đất nước có biến, có loạn mới quy định, thử hỏi, luận điểm đó có chấp nhận được không?

Các ý kiến phản đối xung quanh Điều 88 Bộ luật Hình sự rõ ràng là rối rắm, mơ hồ, vòng vo, không có căn cứ. Các ý kiến sai trái, lạc lõng ấy cần kiên quyết bác bỏ. 

TS. NGUYỄN HỮU PHÚC – ThS. HOÀNG THẾ NHÂN
Nguồn: qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.