Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Ba, 29/10/2013, 17:17 (GMT+7)
"Diễn đàn xã hội dân sự" – một phương thức chống phá hiểm độc

Hiện nay, một số người mượn danh “nhà dân chủ” ra sức vu cáo Đảng ta “vi phạm dân chủ, nhân quyền, quan liêu, tham nhũng”; lợi dụng mạng xã hội để tập hợp lực lượng, kích động, gây áp lực đòi “đa nguyên, đa đảng”. Mới đây, họ cho ra đời cái gọi là: “Diễn đàn xã hội dân sự”, với mục đích để  “chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta một cách ôn hòa”. Đây chỉ là “bình mới, rượu cũ” của các phương thức chống phá cách mạng Việt Nam.

Trên cái gọi là “Diễn đàn xã hội dân sự” đó, “các nhà dân chủ” đăng tải một Tuyên bố về thực thi quyền dân sự và chính trị. Trong đó, họ viện dẫn Hiến pháp năm 1992 của Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên hợp quốc (Việt Nam tham gia ngày 24-9-1982) để gây chú ý rằng: họ bị vi phạm về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội… Qua đó, xuyên tạc Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) là “độc tài”, “toàn trị”, vi phạm những điều đã ký kết với quốc tế; có nhiều quyết định sai trái, quan liêu, tham nhũng, vi phạm dân chủ, nhân quyền…, làm cho xã hội ngột ngạt, đời sống nhân dân cơ cực, kinh tế tụt hậu, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ bị xâm phạm!... Vì vậy, phải “chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa”,v.v.

Nếu theo dõi hoạt động của “các nhà dân chủ” mấy năm qua, chắc không ai bất ngờ về điều này, bởi đây là tuyên bố hợp với lo-gic chống phá nước ta của các thế lực thù địch. Vốn tự coi mình là những người có trách nhiệm cao trước vận mệnh của dân tộc, đứng về phía nhân dân, “các nhà dân chủ” luôn lớn tiếng chống lại đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Không dưới một lần, họ đòi “đa nguyên, đa đảng”, kêu gọi xóa bỏ quyền lãnh đạo đất nước của ĐCSVN. Còn nhớ, cuối năm 2011 đầu năm 2012, trước những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất cao của cả nước, “các nhà dân chủ” đã nhân danh lòng yêu nước để tập hợp lực lượng, kích động biểu tình, xuyên tạc chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển; lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, họ lập các blog để “đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền”, nhưng thực chất là để xuyên tạc đường lối của Đảng. Trong dịp Quốc hội tổ chức lấy ý kiến nhân dân đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, họ tập hợp lực lượng viết kiến nghị để đòi xóa bỏ Điều 4 của Hiến pháp. Họ phối hợp chặt chẽ với các thế lực ở nước ngoài để xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền; đề cao những người tự xưng “đấu tranh cho dân chủ” vi phạm pháp luật bị xử lý; kêu gọi thành lập “Đảng Xã hội dân chủ” làm “đối trọng” với ĐCSVN. Giờ đây, cũng nhân danh “dân chủ”, họ mưu toan thông qua “Diễn đàn xã hội dân sự” để xóa bỏ nền dân chủ XHCN mà nhân dân ta phải hy sinh biết bao xương máu mới có được.

Cần thấy rằng, giữa lúc chúng ta đang ra sức phấn đấu để khẳng định trên thực tế tính ưu việt của nền dân chủ XHCN Việt Nam so với dân chủ tư sản, thì “Diễn đàn xã hội dân sự” là một mũi tiến công hiểm độc. Đây là ngón đòn mà các thế lực chính trị phản động phương Tây vẫn thường dùng để lật đổ chính phủ ở một số nước có đường lối, quan điểm không phù hợp với họ. Thế giới đã từng chứng kiến sự sụp đổ chính quyền của một loạt nước thuộc Liên Xô (cũ), Bắc Phi và Trung Đông, mà nguyên nhân trực tiếp là do các lực lượng đối lập ở đó được “hà hơi tiếp sức” bởi các thế lực bên ngoài, tiến hành các cuộc “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”... Tại đó, các tổ chức theo kiểu "xã hội dân sự" của phương Tây được thành lập từ trước, đã nhận tiền bạc, cơ sở vật chất và mọi thứ cần thiết từ bên ngoài và trở thành lực lượng chủ lực tuyên truyền, bôi nhọ chính phủ đương nhiệm, tổ chức người biểu tình chống đối, tiến tới lật đổ chính quyền cũ, dựng chính quyền mới theo “gu” của nước ngoài… “Các nhà dân chủ” ở nước ta cũng đang mơ tưởng về một “kịch bản” tương tự! Thông qua “Diễn đàn xã hội dân sự”, họ hô hào tập hợp lực lượng, tán dương các blogger có nhiều bài viết xuyên tạc, bôi nhọ Đảng ta; coi “xã hội dân sự” là con đường để nhân dân Việt Nam thoát khỏi sự “độc tài”, “toàn trị” của Đảng Cộng sản... Đây là sự xúc phạm thô bạo đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Cần phải khẳng định rằng, hiện nay, ở Việt Nam không có sự đối lập giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Trong nền dân chủ XHCN, không có nhu cầu, cũng như không có “đất dụng võ” cho các tổ chức theo kiểu “xã hội dân sự” mà “các nhà dân chủ” Việt Nam đang rắp tâm theo đuổi. Trên đất nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng đều hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhân dân, như: bảo vệ quyền lợi của hội viên, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, công tác, học tập và rèn luyện; trong nâng cao trình độ mọi mặt cũng như tham gia các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, tôn giáo, nghệ thuật, thể thao, du lịch, từ thiện,… Đồng thời, có nhiều đóng góp cho xã hội thông qua phát huy dân chủ, xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật và thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhiều tổ chức đã chủ động tham gia hỗ trợ chính quyền các cấp trong phân phối và nâng cao chất lượng các dịch vụ, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… Chính vì vậy, việc “các nhà dân chủ” cho ra đời cái gọi là “Diễn đàn xã hội dân sự” chẳng qua chỉ là cái cớ để thực hiện mưu đồ đòi “đa nguyên, đa đảng”; đầu độc bầu không khí dân chủ ở Việt Nam, làm mất ổn định chính trị - xã hội đất nước, đi ngược lại nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Dân chủ XHCN là bản chất của chế độ ta, là mục tiêu và là động lực của cách mạng Việt Nam. Đó không phải là khái niệm trừu tượng, chung chung, hay là thứ “bánh vẽ” mà các thế lực xấu có thể lợi dụng để kích động chống phá. Đó là ước mơ cháy bỏng và là thành quả vĩ đại mà dân tộc Việt Nam đã phải hy sinh biết bao máu xương mới giành được. Nền dân chủ đó luôn gắn liền với vận mệnh của dân tộc, của đất nước, của chế độ XHCN; với chân lý rất rõ ràng, cụ thể: đất nước được độc lập, nhân dân được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành… Thực tiễn cách mạng 83 năm qua chứng minh rằng, ĐCSVN luôn phấn đấu vì nền dân chủ đó của nhân dân. Qua các giai đoạn cách mạng trước đây, nhờ phát huy dân chủ rộng rãi, Đảng đã tập hợp và động viên được toàn dân tộc đoàn kết, hy sinh, phấn đấu cho thắng lợi của cách mạng. Trong giai đoạn hiện nay, Đảng đề ra đường lối đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN nhằm mục tiêu phát triển mạnh mẽ đất nước; đồng thời, thể hiện rõ quan điểm của Đảng về phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên mọi mặt đời sống xã hội, mà trước hết là trên lĩnh vực kinh tế. Trong điều kiện đất nước thực hiện kinh tế thị trường định hướng XHCN, Đảng ta xác định: các thành phần kinh tế đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế đất nước; cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Trong cơ chế mới, mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi, được tạo điều kiện để phát triển; các lợi ích đều được coi trọng, lợi ích cá nhân không bị kỳ thị, mà được coi là một trong những động lực trực tiếp để phát triển. Cùng với đó, Đảng chủ trương tăng cường hội nhập quốc tế, không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích các đối tác nước ngoài đầu tư…, nhằm xây dựng đất nước giàu mạnh, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Một nền dân chủ đích thực phải được thể hiện ra ở những chủ trương, quyết sách mang tính hiện thực, chứ không phải chỉ ở những ngôn từ “đầu lưỡi”.

Cùng với phát triển kinh tế, Đảng ta luôn quan tâm củng cố và hoàn thiện nền dân chủ XHCN, chăm lo bảo đảm quyền con người; phấn đấu để nhân dân tham gia ngày càng hiệu quả hơn vào các hoạt động chính trị - xã hội. Đảng và Nhà nước hết sức coi trọng việc hoàn thiện hệ thống pháp luật của đất nước cũng như ký kết tham gia các công ước quốc tế về quyền con người. Hiến pháp, hệ thống luật và nhiều văn bản pháp lý của Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã ghi nhận và thể chế hóa quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa - xã hội; quy định rõ quyền và nghĩa vụ công dân, như: quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo,… Nước ta đã ký kết nhiều văn kiện, công ước quốc tế liên quan đến quyền con người. Chỉ tính từ năm 1981 đến nay, Việt Nam đã ký các công ước quốc tế về: ngăn ngừa và trừng trị tội ác diệt chủng; các quyền dân sự và chính trị; các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; về quyền trẻ em; quyền của người khuyết tật… Đồng thời, phấn đấu đạt được nhiều kết quả khả quan trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, như: xóa đói giảm nghèo; đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển, hoàn thành sớm một số Mục tiêu Thiên niên kỷ; hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; 100% huyện có trung tâm y tế và bác sĩ, 100% xã có trạm y tế và y sĩ. Những thành tựu đó là minh chứng bác bỏ những luận điệu vu cáo, bôi nhọ của “các nhà dân chủ” đối với Đảng, Nhà nước ta về dân chủ, nhân quyền.

Thừa lúc tình hình kinh tế đất nước khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới và việc một bộ phận cán bộ, đảng viên của Đảng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, trên “Diễn đàn xã hội dân sự”, “các nhà dân chủ” ra sức lợi dụng để vu cáo, xuyên tạc, hòng hạ thấp uy tín của Đảng. Họ cho rằng, Đảng đã thoái hóa, biến chất, quan liêu, tham nhũng, phản bội lại nhân dân… Đây là luận điệu tuy không mới, nhưng hết sức nguy hiểm. Bởi lẽ, họ đã dùng thủ đoạn “vơ đũa cả nắm”, chỉ căn cứ vào một số hiện tượng tiêu cực để quy chụp về bản chất của Đảng. Phải thấy rằng, trong quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới, đa số cán bộ, đảng viên của Đảng đã phát huy được vai trò tiền phong, gương mẫu, năng động, sáng tạo trong công tác, lao động, học tập, rèn luyện, có trách nhiệm với nhân dân, đóng vai trò nòng cốt trong công cuộc đổi mới; góp phần xứng đáng vào thành quả chung của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Song, chúng ta cũng không hề che giấu khuyết điểm rằng, trong quá trình đó, một bộ phận cán bộ, đảng viên đã thoái hóa, biến chất, vi phạm khuyết điểm… mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng đã nêu rõ. Nghị quyết đã xác định ba vấn đề cấp bách và bốn giải pháp cần phải thực hiện để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi mọi tiêu cực, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ. Để thực hiện điều đó, Đảng ta đã tập trung chỉ đạo các cấp thực hiện tốt các nội dung Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đề ra. Đồng thời, tăng cường các biện pháp kiểm tra, thanh tra của Đảng và Nhà nước, phát huy vai trò của quần chúng nhân dân, các cơ quan báo chí; kiên quyết xử lý mọi hành vi phạm tội của bất kỳ ai theo đúng quy định của pháp luật... Nhờ đó, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã đạt được những kết quả bước đầu; lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước được củng cố; hiệu quả hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của các tổ chức đảng, chính quyền các cấp được nâng cao… Đây chính là nhân tố quan trọng bảo đảm cho tình hình kinh tế - xã hội của đất nước luôn ổn định, đời sống của nhân dân được cải thiện. Trong một thế giới đầy biến động, sự bất ổn về chính trị diễn ra nhiều nơi, tình hình suy thoái kinh tế diễn ra phức tạp, lạm phát, thất nghiệp, nợ công tăng cao ở nhiều nước… thì Việt Nam đã kìm chế được lạm phát và cơ bản ổn định kinh tế vĩ mô; nợ chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia ở trong giới hạn an toàn; tăng trưởng kinh tế 3 năm (2011 - 2013) đạt bình quân 5,6%... Đặc biệt, trong bối cảnh hết sức khó khăn, Đảng và Nhà nước ta đã cố gắng chăm lo công tác chính sách, bảo đảm an sinh xã hội; cả nước hiện có 98% gia đình người có công được hưởng mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống người dân nơi cư trú; nới rộng đối tượng hưởng trợ cấp thường xuyên lên trên 2,5 triệu người. Trên cơ sở phát triển kinh tế, chúng ta thường xuyên quan tâm phát triển văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh,… không ngừng phát triển quan hệ đối ngoại, củng cố và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, v.v.

Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, sự giao lưu, tiếp thu các giá trị giữa các dân tộc có ý nghĩa hết sức quan trọng. Chúng ta thừa nhận nền dân chủ tư sản là một tiến bộ của lịch sử, chứa đựng nhiều giá trị nhân văn mà nền dân chủ XHCN cần kế thừa. Tuy nhiên, về bản chất, nền dân chủ tư sản vẫn là sự thống trị của giai cấp bóc lột; có nhiều yếu tố chính trị đối lập với quyền lợi của nhân dân lao động… Chính vì vậy, chúng ta luôn kiên định và quyết tâm xây dựng nền dân chủ XHCN ngày một hoàn thiện hơn; đồng thời, luôn cảnh giác, không mơ hồ, ảo tưởng trước những luận điệu xuyên tạc của cái gọi là “Diễn đàn xã hội dân sự”./.

 

VINH HIỂN

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.