Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Năm, 20/06/2013, 15:14 (GMT+7)
Đấu tranh bảo vệ nền văn hóa mới - một nhiệm vụ quan trọng hiện nay

Nhằm chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách xuyên tạc đường lối, chủ trương phát triển nền văn hóa mới của Đảng, Nhà nước ta, nhất là những thành tựu về văn hóa mà nhân dân ta đã đạt được… Vì vậy, đấu tranh bảo vệ nền văn hóa mới là một nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt hiện nay.

 

Văn hóa là tổng thể các hoạt động sáng tạo của con người trong quá khứ và hiện tại, hình thành nên những giá trị, truyền thống, chuẩn mực để vươn tới chân - thiện - mỹ. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”1.

Chương trình nghệ thuật chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19-4) và Năm Gia đình Việt Nam 2013. (Nguồn: chinhphu.vn)

Nền văn hóa mà nhân dân ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ngay từ rất sớm, trong “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (năm 1943), Đảng ta đã chủ trương xây dựng một nền văn hóa mới Việt Nam độc lập, “có tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung”, được xây dựng trên ba nguyên tắc: “Dân tộc hóa”, “Đại chúng hóa” và “Khoa học hóa”; trong đó nhấn mạnh yêu cầu chống mọi ảnh hưởng của văn hóa nô dịch, thuộc địa, xa rời quần chúng, thần bí, lai căng… Những nguyên tắc, nội dung xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam được khởi xướng từ “Đề cương về văn hóa Việt Nam” ngày càng được bổ sung, hoàn thiện. Đến Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII), Đảng ta đã khái quát rõ mục tiêu “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Tại Đại hội XI của Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) tiếp tục hoàn chỉnh: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”2. Theo đó, nền văn hóa mới Việt Nam là nền văn hóa phát huy cao độ lòng yêu nước và truyền thống đại đoàn kết, ý thức độc lập tự chủ, tự lực tự cường của dân tộc suốt mấy nghìn năm lịch sử vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là nền văn hóa mà nội dung cốt lõi là chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thấm nhuần sâu sắc những giá trị cao đẹp, tiến bộ của dân tộc và thời đại, với mục tiêu là độc lập dân tộc và CNXH; tất cả vì con người, vì hạnh phúc và sự phát triển phong phú, tự do, toàn diện của con người Việt Nam trong mối quan hệ hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, tự nhiên và xã hội. Nền văn hóa mới tạo ra trên đất nước ta một đời sống tinh thần cao đẹp, trình độ dân trí ngày càng cao, luôn ý thức rõ về độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ phát triển, bảo đảm cho đất nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp đẩy mạnh CNH,HĐH và hội nhập quốc tế… Đường lối xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một chủ trương đúng đắn, thể hiện tính khoa học, cách mạng trong tư duy chiến lược của Đảng, hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng của nhân dân ta, được mọi tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ và tích cực thực hiện.

Tuy nhiên, đi ngược với xu thế chung của đất nước, nhằm chống phá công cuộc đổi mới, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách xuyên tạc, đả kích, phủ nhận nền văn hóa mới. Cùng với công kích chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ra sức xuyên tạc chủ nghĩa yêu nước Việt Nam; phủ nhận giá trị các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược của dân tộc; đánh đồng chính nghĩa và phi nghĩa, làm lẫn lộn vai trò của những chiến sĩ cách mạng chân chính với những kẻ cướp nước và bè lũ bán nước. Chúng tuyên truyền cho các giá trị văn hóa phương Tây; cố tình hạ thấp giá trị các sáng tác văn học, nghệ thuật ca ngợi cuộc sống lao động, chiến đấu của quần chúng công - nông; tán dương các tác phẩm có khuynh hướng bôi nhọ lịch sử, phủ nhận chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phẩm chất cao đẹp của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang… Một số kẻ còn lợi dụng tự do sáng tác để đả kích, nói xấu chế độ; kích động những người bất mãn viết hồi ký, tiểu thuyết, truyện ngắn để xuyên tạc, vu khống Đảng, Nhà nước và chế độ, v.v..

Thực tiễn sinh động của đất nước trong những năm đổi mới đã chứng minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới của nhân dân ta đã giành được nhiều thành tựu quan trọng có ý nghĩa lịch sử. Quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và các nghị quyết của Đảng, chúng ta đã tạo dựng được nền móng vững chắc của nền văn hóa mới theo đúng định hướng của Đảng. Trong đó, chủ nghĩa yêu nước XHCN được hun đúc, nâng cao; chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh ngày càng thấm sâu vào nhận thức, tư tưởng, hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng xây dựng nhân cách của con người Việt Nam về lý tưởng, đạo đức, lối sống, thể chất; bồi dưỡng lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, trách nhiệm xã hội, ý thức pháp luật… Các cộng đồng dân cư, đoàn thể chính trị - xã hội luôn coi trọng phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp; tổ chức thực hiện tốt các phong trào: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc”; bảo đảm tự do tín ngưỡng; thực hiện bình đẳng giới; chăm lo bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em. Nhằm tạo ra nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu văn hóa của đông đảo quần chúng, Đảng và Nhà nước luôn khuyến khích tự do sáng tác. Nhờ vậy, những năm qua, đội ngũ văn - nghệ sĩ đã sáng tạo được nhiều tác phẩm có chất lượng tốt, phản ánh chân thực công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Chất lượng hệ thống thông tin, báo chí, xuất bản… không ngừng được nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu cũng như quyền được thông tin và cơ hội được tiếp cận thông tin của nhân dân. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được các cấp, các ngành, cơ quan chức năng đặc biệt chú ý. Nhiều di sản vật thể và phi vật thể, như: Hoàng thành Thăng Long, Cao nguyên đá Đồng Văn, Địa đạo Củ Chi, Nhà tù Côn Đảo, Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng, Lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên, Quan họ Bắc Ninh, Hát xoan Phú Thọ, Lễ hội sách và văn hóa đọc sách,… được bảo vệ và phát huy giá trị, trong đó có nhiều di sản được vinh danh là di sản thế giới. Trong các nội dung của nền văn hóa mới, nổi bật là trên các lĩnh vực văn học - nghệ thuật đã xuất hiện nhiều tác phẩm có chất lượng cao, khắc họa sâu sắc đời sống lao động, chiến đấu của nhân dân và các lực lượng vũ trang. Nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn; một số tác phẩm nhiếp ảnh, hội họa, điêu khắc, sân khấu; các chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam… được công chúng hồ hởi đón nhận. Các dòng nhạc truyền thống và trữ tình, với đội ngũ sáng tác và biểu diễn trẻ trung, tài năng đã chiếm được lòng ái mộ của đông đảo công chúng, thực sự là “món ăn” tinh thần của các tầng lớp nhân dân, trong điều kiện đất nước mở cửa, hội nhập quốc tế… Thực tế trên là những minh chứng hùng hồn bác bỏ sự xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch đối với đường lối xây dựng nền văn hóa mới của Đảng cũng như những thành tựu về văn hóa mà đất nước ta đã đạt được trong sự nghiệp đổi mới.

Một thực tế khác cũng không thể phủ nhận; đó là, nền văn hóa mới đã góp phần tạo ra những phẩm chất, đạo đức, tâm hồn, lối sống mới, làm cơ sở hình thành bản lĩnh của con người Việt Nam trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Trước mọi khó khăn, thách thức của tình hình quốc tế và trong nước, sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch cũng như sức ép của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, bằng bản lĩnh, trí tuệ và tầm cao văn hóa, dân tộc Việt Nam đã đoàn kết phấn đấu đưa đất nước thoát khỏi tình trạng nước kém phát triển; giữ vững sự ổn định chính trị - xã hội. Trong phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước ta luôn chú ý giải quyết tốt mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa; coi phát triển kinh tế là vì con người, văn hóa là nhân tố nội sinh của quá trình phát triển kinh tế. Chúng ta luôn nhận thức rõ, đất nước tiến hành CNH,HĐH và hội nhập quốc tế, việc phát huy nội lực đất nước phụ thuộc chủ yếu vào phát huy nhân tố con người (đội ngũ lãnh đạo có bản lĩnh, trình độ và kinh nghiệm; đội ngũ những người lao động có chuyên môn, gắn bó với nghề nghiệp, thiết tha với chế độ) và kết quả đổi mới giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, tức là phát huy vai trò của văn hóa. Nhờ đó, sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế luôn đi đôi với việc chăm lo thực hiện chính sách xã hội.

Không thể không khẳng định nền văn hóa mới với những nét độc đáo về truyền thống của dân tộc kết hợp với những tinh hoa của thời đại, đã trở thành nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam hôm nay. Điều đó góp phần làm nên sức mạnh và sự vững vàng từ trong chiều sâu của truyền thống dân tộc để đất nước chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, vượt qua bao vây, cấm vận và mọi mưu mô rình rập của các thế lực thù địch. Trước xu thế toàn cầu hóa và lối áp đặt văn hóa được truyền bá bởi sức mạnh vật chất và phương tiện kỹ thuật hiện đại, văn hóa Việt Nam càng khẳng định được nét độc đáo của mình mà không trở thành cái bóng của dân tộc khác. Trong một thế giới đầy biến động ngày nay, có nhiều tổ chức, nhà đầu tư, du khách quốc tế tìm đến Việt Nam vì sự ổn định về chính trị và cũng vì một Việt Nam lôi cuốn, hấp dẫn bởi nét văn hóa đặc sắc, độc đáo đó. Như vậy, chính bản sắc văn hóa dân tộc đã góp phần quan trọng làm nên một Việt Nam được thế giới quý trọng, không chỉ trong chống giặc ngoại xâm trước đây, mà còn trong hòa bình xây dựng ngày nay.

Dĩ nhiên, các thế lực thù địch với CNXH không muốn đất nước ta phát triển theo đường lối độc lập, tự chủ. Cái họ muốn là một đất nước Việt Nam từ bỏ quá khứ, từ bỏ bản sắc của mình để “hòa nhập” và “phát triển” theo ý đồ của họ; thực chất là “hòa tan” vào văn hóa phương Tây. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, để đặt ách đô hộ đối với Việt Nam, các thế lực xâm lược luôn tìm mọi cách để đồng hóa dân tộc ta, trước hết về văn hóa. Song, lịch sử cũng chứng minh rằng, không có một thế lực nào thực hiện được dã tâm đó, bởi nền văn hóa đặc sắc đã được hình thành, thử thách, tôi luyện trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước đã trở thành cốt cách, nền tảng của dân tộc ta. Đó chính là yếu tố bảo đảm cho đất nước trường tồn và phát triển, v.v.

Ngày nay, trong tiến trình phát triển của dân tộc, việc đấu tranh bảo vệ nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc chẳng những là nhiệm vụ quan trọng của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà còn là yêu cầu nội tại của nền văn hóa Việt Nam. Cuộc đấu tranh đó phải hướng vào bác bỏ các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc hiểm độc đối với nền văn hóa của dân tộc; đồng thời, góp phần tích cực vào xây dựng nền văn hóa mới “bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước”, “lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý;…”3 làm nền tảng tinh thần của xã hội, như Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đề ra.

 

Đại tá, TS. NGUYỄN VIẾT HIỂN

 

___________

 

1 - Hồ Chí Minh - Toàn Tập, Tập 3, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 431.

2 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 75-76.

3 - ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb CTQG, H. 1998, tr. 56.

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.